Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Vay hay không vay ODA?

Vay hay không vay ODA?
Tư Giang (TBKTSG) - Chuyện vay hay không vay ODA ngày càng được bàn luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn. Đâu là góc nhìn xác đáng trong vấn đề này? TBKTSG trao đổi với ông Dương Đức Ưng, một chuyên gia có kinh nghiệm về nguồn vốn này.
Ông Dương Đức Ưng.
- Ông Dương Đức Ưng: Chúng ta nhận lại vốn ODA từ năm 1993, và đến nay, sau 22 năm con số cam kết đã đạt hơn 80 tỉ đô la Mỹ. Đối với nước đang phát triển như Việt Nam với GDP chỉ hơn 160 tỉ đô la Mỹ, thì cam kết này là không nhỏ. Trong 80 tỉ đô la đó, ba phần tư là vốn vay, tức là vay phải trả, là phần quan trọng trong nợ chính phủ. Nợ chính phủ là phần quan trọng của nợ công. Đó là điều phải chú ý.

Nói về ODA thì hiện nay trong chính giới, nhất là Quốc hội đang có hai luồng quan điểm. Một rất cực đoan, cho ODA chỉ tạo thêm nợ nần chồng chất, nước ngoài ăn hết, dân ta không được gì. Quan điểm thứ hai nói, không, ODA tốt, và cần. Trong kỳ họp Quốc hội gần đây, các vị đại biểu phê phán rất nhiều về ODA trong bối cảnh xảy ra vụ đường sắt, tham nhũng trong ODA.
Trước động thái đó, các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á gần đây đã phải có phát biểu hay tài liệu chứng minh ODA là hiệu quả, chứ không phải quá tiêu cực.
TBKTSG: Trong bối cảnh đó, xã hội chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá như thế nào về ODA để đảm bảo công bằng nhất?
- Theo quan điểm của tôi là người theo dõi lâu năm, một cách công bằng nhất, tôi thấy, ODA thực sự là nguồn vốn quan trọng và hữu ích. Điều đó không phải chỉ được chứng minh bởi những gì đang xảy ra ở Việt Nam, mà còn được chứng minh trong vòng 60 năm tồn tại của khoản hỗ trợ này đối với các quốc gia đang phát triển.
“Để phát triển đất nước, việc vay nợ là bình thường. Quan trọng nhất là có trả được thì hãy vay”.
Cũng cần nói, nó có những mặt rất tiêu cực. Nhưng mặt tích cực vẫn là chủ yếu. Đó là vấn đề cốt lõi nhất của viện trợ ODA.
Trước hết, ODA là một nguồn vốn. Dù bị gắn theo các điều kiện tài chính, và chính trị, ODA là nguồn vốn tốt với một nước đang khát khao phát triển như Việt Nam. Thực tế, ở Việt Nam, chúng ta thấy toàn bộ công trình hạ tầng quy mô lớn là từ vốn ODA, bao gồm tất cả các cây cầu lớn nhất từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Rồi các tuyến đường cao tốc, sân bay, bến cảng... cũng vậy. Những công trình đó chúng ta cũng có thể tự làm được, nhưng chắc là lâu, mất nhiều năm nữa vì nguồn lực của chúng ta không đủ.
Thứ hai, ODA mang lại cho chúng ta những cái mới mẻ về tư duy, chính sách, thể chế, kinh nghiệm... Đây là điều rất quan trọng, nhiều khi còn quan trọng hơn cả tiền hay công trình. Ví dụ, hệ thống cung cấp nước sạch của thành phố Hải Phòng trước đây cấp nước theo kiểu khoán, dùng vô tội vạ, làm thất thoát khủng khiếp, lên tới 50-60%. Đến nay, thất thoát chỉ còn 20% vì tất cả những người sử dụng phải trả tiền theo đồng hồ. Từ đó, nhà máy nước đủ tiền để trang trải cho chi phí sản xuất, kinh doanh, tái đầu tư. Những thay đổi rất lớn đó chỉ có được qua dự án của Ngân hàng Thế giới và Phần Lan.
Nhưng ODA cũng có những mặt tiêu cực. Quan hệ quốc tế giữa nước cho và nhận không chỉ đơn thuần là quan hệ giúp đỡ, mà còn gắn liền với khía cạnh chính trị. Từ thời nhận viện trợ của Liên Xô đến bây giờ khi chuyển sang kinh tế thị trường, các khoản vay luôn luôn kèm theo điều kiện. Không có bất cứ khoản viện trợ nào, tôi nhấn mạnh, là dưới danh nghĩa vô tư.
Thứ hai, ODA đi kèm theo các điều kiện kinh tế, ví dụ, những ràng buộc về điều kiện xuất xứ hàng hóa, các nhà thầu. Nhà tài trợ cung cấp vốn thì kèm theo đó là nhà thầu của họ, hay hàng hóa phải mua từ các nước theo họ chỉ định... Xét theo khía cạnh đó, anh cung cấp các khoản vốn vay với lãi suất 1-2%, nhưng tôi phải mua máy móc thiết bị của anh, phải dùng dịch vụ tư vấn của anh, thì lãi suất không còn là ưu đãi nữa. Đó là mặt tiêu cực.
ODA cũng làm phát sinh tiêu cực trong nội bộ chúng ta, như vụ PMU 18, đại lộ Đông Tây, đường sắt,... mà trong nhiều trường hợp soi rất kỹ cũng không thể phát hiện ra sai sót.
TBKTSG: Vậy có nên sợ ODA hay không, và bao giờ chúng ta dừng?
- Theo quan điểm cá nhân tôi, không nên sợ ODA. Vấn đề là chúng ta cần nhìn tỉnh táo và đánh giá mặt tích cực, mặt tiêu cực. Chúng ta vẫn đang cần nó, và chắc chắn sau năm 2020 chúng ta vẫn còn cần.
Một số ý kiến nói chúng ta phải chấm dứt, tôi cho là hơi cực đoan, không cần thiết. Chúng ta đừng chỉ thấy vài trường hợp mà đánh giá toàn bộ ODA một cách u ám. Không nên thế. Chúng ta nên khai thác lợi ích.
Muốn như vậy thì hệ thống thể chế của ta phải tốt, con người phải tốt. Tôi hy vọng nghị định về quản lý ODA để hướng dẫn Luật Đầu tư công sẽ được ban hành trong tháng 6 tới, giúp giải quyết nhiều vấn đề đang nghẽn hiện nay.
TBKTSG: Nhưng, ông cũng thấy đấy, có luồng ý kiến nói Việt Nam không nên vay thêm ODA nữa vì ít nhất cũng phải có tự trọng quốc gia? Chúng ta cũng đã trở thành nước thu nhập trung bình rồi. Một số quốc gia như Thái Lan cũng chẳng vay ODA từ lâu rồi? Singapore trước đây khi còn nghèo cũng không vay ODA. Vấn đề này nên hiểu như thế nào?
- Theo tôi không nên đặt vấn đề tự trọng hay không. Những quốc gia tiên tiến phát triển cách xa chúng ta nhiều vẫn vay. Vay trả trong quan hệ quốc tế là bình thường. Chúng ta chỉ thấy xấu hổ nếu vay mà không trả được, nếu chúng ta vỡ nợ. Hãy nhìn xem các tỉ phú, các tập đoàn quốc tế, họ vẫn phải vay ngân hàng chứ. Để phát triển đất nước, việc vay nợ là bình thường. Quan trọng nhất là có trả được thì hãy vay. Tính toán mà thấy không trả được thì thôi. Đừng nên suy nghĩ rằng, cứ vay để rồi hậu thế trả. Cái đó mới đáng xấu hổ, đáng trách.
Tôi nghĩ không phải các quốc gia thu nhập trung bình đều không vay. Gần đây, Nhật Bản tuyên bố cung cấp một khoản viện trợ hơn 1 tỉ đô la Mỹ cho Indonesia để làm cơ sở hạ tầng hiện đại ở đô thị. Trình độ Indonesia hơn chúng ta nhiều. Chúng ta hơi quá ngộ nhận. Đúng là chúng ta đã trở thành nước thu nhập trung bình, nhưng mới ở mức rất thấp. Vì thế, việc vay ODA vẫn là cần thiết.
TBKTSG: Vì sao giải ngân vẫn ít thế, chỉ khoảng một nửa vốn cam kết?
- Giải ngân lên tới 65% không phải là ít, và tốc độ giải ngân đã tốt hơn những năm gần đây. Giải ngân thấp có nhiều câu chuyện. Thứ nhất là thiết kế dự án kém, chất lượng kém. Thứ hai, quan trọng hơn, là chúng ta luôn thiếu vốn đối ứng. Nếu giải ngân thả phanh tất cả các dự án đã ký kết theo đúng tiến độ, thì chúng ta không thể nào đủ vốn đối ứng.
Thứ ba, năng lực của các ban quản lý thường thiếu chuyên nghiệp, số lượng thì nhiều vô kể. Ví dụ, có tỉnh trong một lĩnh vực nông nghiệp mà có tới 17 ban quản lý khác nhau. Cứ mỗi dự án một ban quản lý, hết dự án thì ai về nhà ấy thì quá lãng phí. Đây là vấn đề đau đầu, chi phí tốn kém, chất lượng quản lý kém, không chuyên nghiệp.
TBKTSG: Ông thấy cam kết trả nợ của Việt Nam được thực hiện thế nào?
- Vốn ODA chiếm rất thấp trong tổng trả nợ hàng năm, và từ xưa đến nay, trả nợ ODA trong nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ rất tốt. Các nhà tài trợ đều thừa nhận rằng, cho đến giờ chưa có bất kỳ một khoản nợ nào bị chậm trễ. Đó là điều đáng mừng.
Song chúng ta phải nhìn nhận, càng ngày nghĩa vụ trả nợ càng lớn lên vì thời gian trả nợ 30-40 năm đang đến. Giờ chúng ta được 22 năm rồi, rất nhiều khoản nợ đến hạn phải trả cả gốc và lãi.
Vì thế, nợ hàng năm tăng lên. Nếu kinh tế tiếp tục phát triển, GDP tăng thì đây không là vấn đề.
Và ngược lại.
http://www.thesaigontimes.vn/128751/Vay-hay-khong-vay-ODA.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét