Sông ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn cát
Cát vẫn được múc lên từ đáy các con sông ở đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng đủ loại công trình dẫu từ 2010 đến nay, những con sông này không còn nhận được cát từ thượng nguồn. Đó là cảnh báo về một hậu quả khác của việc xuất hiện hàng loạt công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, đoạn chảy qua lãnh thổ Trung Quốc, Lào và việc khai thác các loại tài nguyên của sông Mekong một cách bừa bãi.
Khai thác cát trên sông Tiền, đoạn chảy ngang thành phố Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp. Chưa có ai thèm bận tâm về nguy cơ thiếu cát. (Hình: Người Lao Ðộng)
Tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn vừa dẫn ý kiến của giới chuyên môn cảnh báo, lượng cát mà Việt Nam đang khai thác ồ ạt ở đáy các con sông thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long là cát lắng đọng từ hàng chục, hàng trăm năm trước và nguồn tài nguyên đó sẽ sớm hết.
Ðồng bằng sông Cửu Long thành hình nhờ sự bồi đắp của phù sa. Xếp theo kích thước từ lớn đến nhỏ thì phù sa là một tập hợp bao gồm: đá, sỏi, sạn, cát thô, cát mịn, thịt, sét, vật liệu hữu cơ chưa phân hủy và các chất hòa tan trong nước.
Mỗi dòng sông đều có đoạn tạo ra phù sa, rồi tới đoạn bồi lắng tạm thời và cuối cùng là đoạn bồi lắng lâu dài. Thông thường, đoạn tạo ra phù sa nằm ở thượng nguồn, đoạn bồi lắng tạm thời nằm ở khoảng giữa sông và đoạn bồi lắng lâu dài là đoạn chảy qua các đồng bằng.
Ðối với sông Mekong, đoạn tạo ra phù sa nằm trên lãnh thổ Trung Quốc và Miến Ðiện, đoạn bồi lắng tạm thời nằm trên lãnh thổ Lào, Thái Lan, Campuchia và đoạn bồi lắng lâu dài có 20% thuộc lãnh thổ Campuchia, 80% nằm trên lãnh thổ Việt Nam.
Phù sa hình thành từ nhiều yếu tố như: địa chất, độ cao, độ dốc, địa hình và kiểu sử dụng đất. Phù sa di chuyển nhờ lượng mưa, cấu tạo dòng sông, lưu lượng, vận tốc và thời gian nước chảy. Muốn phù sa bồi lắng lâu dài thì địa hình phải bằng phẳng, vận tốc nước chậm, thời gian nước lắng đọng kéo dài và có nhiều thực vật sinh sống.
Một chuyên gia tên là Dương Văn Ni làm việc tại Ðại Học Cần Thơ, cho biết, do thay đổi về điều kiện tự nhiên, từ lâu các thành phần như đá, sỏi, sạn trong phù sa đã không còn được nước sông Mekong đưa về đến đồng bằng sông Cửu Long.
Các thành phần khác như: thịt, sét, vật liệu hữu cơ chưa phân hủy và các chất hòa tan trong nước tuy vẫn còn về vào mùa mưa, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm nhưng không lắng tụ được bao nhiêu trên đồng, trong ruộng vì Việt Nam xây dựng hệ thống đê bao khép kín nhằm tăng vụ. Những thành phần này cũng không thể bồi lắng cho khu vực bờ biển vì rừng ngập mặn ven biển còn quá ít. Thành ra chúng bị tống hết ra biển!
Riêng cát thô và cát mịn thì hàng năm, vào mùa mưa, nước mưa và nước sông Mekong mang cát từ các sườn núi trên lãnh thổ Trung Quốc và Myanmar vào lãnh thổ Thái Lan và Lào. Vì cấu tạo địa chất, ở đáy của những đoạn sông Mekong chảy qua lãnh thổ Lào, Thái Lan, Cambodia có hàng ngàn cái hố, nhiều hố sâu từ vài chục mét đến cả trăm mét và chúng trở thành những “sọt” chứa cát khổng lồ với lượng cát từ vài trăm đến hàng chục ngàn mét khối.
Ðến mùa khô, khi lưu lượng và vận tốc nước chảy giảm dần, lượng cát lắng đọng tạm thời nầy tiếp tục di chuyển vào lãnh thổ Cambodia và Việt Nam. Theo cơ chế tự nhiên như thế, để đến được đồng bằng sông Cửu Long, cát mất từ vài năm đến vài chục năm!
Kể từ khi Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, khoảng 50% lượng cát tạo ra hàng năm không còn di chuyển được vào lãnh thổ Lào và Thái Lan. Số cát còn lại bị những quốc gia đó khai thác để phát triển hạ tầng và kinh tế-xã hội.
Ông Ni cho biết, các số liệu cho thấy, từ năm 2009 đến nay, lượng chất rắn có trong phù sa gồm: đá, sỏi, sạn, cát thô, cát mịn di chuyển vào lãnh thổ Lào và Thái Lan đã giảm từ 100 triệu tấn xuống còn khoảng 50 triệu tấn. Hàm lượng thịt, sét, vật liệu hữu cơ chưa phân hủy và các chất hòa tan trong nước cũng giảm từ khoảng 70 triệu tấn xuống còn 10 triệu tấn.
Trong khi đó lượng sỏi, sạn, cát thô, cát mịn do Lào, Thái Lan, Cambodia khai thác hàng năm tăng vọt. Riêng Cambodia, trong năm 2013 đã khai thác khoảng 30 triệu tấn cát. Thành ra cát thô không còn đường về đến Việt Nam.
Ông Ni cảnh báo, nếu Lào xây dựng đập thủy điện Don Sahong ở phía Nam và Cambodia vẫn tiếp tục tốc độ khai thác cát như hiện nay thì ngay cả cát mịn cũng không còn đường về đến đồng bằng sông Cửu Long!
Theo ông Ni, cát ở đồng bằng sông Cửu Long tạo ra nền của đáy sông, cù lao và các tầng lưu trữ nước ngọt trong đất. Cát định hình cho diện mạo của đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên chưa ai để ý đến nguy cơ đồng bằng sông Cửu Long thiếu cát dù đó là một thảm họa!(G.Ð)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét