Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Facebook ở Việt Nam

Facebook ở Việt Nam
Nguyễn Vũ Bình, viết từ Hà Nội - Mạng xã hội Facebook đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam được một thời gian khá lâu. Nhưng nó chỉ thực sự sôi động và đi vào đời sống của người dân khoảng từ giữa năm 2012 đến nay. Theo số liệu thống kê, số lượng tài khoản facebook ở Việt Nam hiện nay khoảng trên 30 triệu, một con số khá lớn so với tổng số dân trên 90 triệu người. 

Cộng đồng Facebook Việt Nam (hình minh họa). Photo: RFA
Nếu trừ đi số tài khoản ảo, không hoạt động, và số người có trên một tài khoản, theo cá nhân người viết, số người thực sự sử dụng mạng xã hội facebook cũng phải trên 15 triệu người. Đây là một con số rất lớn đối với một mạng xã hội hiện nay. Vậy mạng xã hội facebook có những đặc điểm, ưu điểm gì và ở Việt Nam facebook đã làm được những gì mà chỉ một thời gian ngắn đã thu hút được số lượng người tham gia cực lớn như vậy?

Trước hết, facebook là mạng xã hội chuyển tải những thông tin vô cùng phong phú, đã dạng. Có thể nói, tất cả những lĩnh vực, khía cạnh của cuộc sống con người, xã hội đều được chuyển tải trên facebook. Các thông tin được chuyển tải dưới nhiều hình thức như chữ viết, âm thanh, hình ảnh (ảnh và video). Sự đa dạng, phong phú của thông tin trên facebook chính là sự đa dạng sở thích, mối quan tâm của từng cá nhân trong đời sống xã hội hiện nay. Sức lan tỏa nhanh, với chỉ một vài thao tác nhấp chuột (chia sẻ) là thông tin có thể chuyển tải tới hàng ngàn người, hàng vạn người trong một thời gian rất ngắn. Ai dùng facebook đều biết, một tài khoản facebook kết nối tối đa với 5000 người, chưa kể các trang fanpage (trang cộng đồng).

Nếu một thông tin, hoặc một bài viết có giá trị, nhiều người thích, thì chỉ trong một thời gian ngắn, thông tin đó sẽ được chuyển tải tới vài chục, vài trăm ngàn người theo hình thức chia sẻ đa tầng, đa cấp…không những vậy, thông tin trên mạng xã hội facebook còn đi vào mọi hang cùng ngõ hẻm trên khắp đất nước, tất cả những nơi đã kết nối với mạng Internet và sóng điện thoại. Một điểm khá thú vị nữa của facebook, là diễn đàn phản hồi, đánh giá, nhận xét và bình luận, trao đổi, tranh luận đối với các thông tin được loan tải trên facebook. Đây là một tính năng quan trọng của facebook.

Với ưu thế vượt trội về khả năng chuyển tải thông tin và sự đa dạng phong phú của thông tin được chuyển tải, mạng xã hội facebook đã làm được gì, có vai trò gì ở Việt Nam hiện nay?

Với sức mạnh vượt trội của số lượng người dùng và sức lan tỏa ghê gớm, mạng xã hội facebook ở Việt Nam chính là nơi công khai hóa các thông tin trong một xã hội còn nhiều bưng bít và cấm đoán ở Việt Nam. Có thể lấy một ví dụ rất sinh động mới xảy ra gần đây để minh họa cho điều này. Khi phong trào phản đối chặt hạ cây xanh ở Hà Nội mới diễn ra, những kẻ có trách nhiệm trong vụ việc vẫn theo lối mòn cũ, tức là bưng bít và đưa thông tin không đúng sự thật nhằm che dấu mục đích và chối tội.


Đó là, đỗ lỗi cho các nhà tài trợ yêu cầu chặt hạ cây xanh, nói dối về số lượng cây xanh đã bị chặt hạ, bưng bít số tiền công dùng để chặt hạ cây xanh… Nhưng những thông tin trên mạng xã hội facebook đã vạch trần những điều dối trá và những thông tin bị bưng bít của nhà cầm quyền một cách ngoạn mục: các nhà tài trợ không hề yêu cầu chặt cây, mà các nhà tài trợ được yêu cầu tài trợ để trồng cây xanh; số lượng cây xanh bị chặt hạ chỉ trong mấy ngày là hơn 2000 cây, chứ không phải 500 cây như nhà cầm quyền đã thông báo; số tiền dùng để chặt hạ cây xanh là con số khủng khiếp tới mức vô lý, trên 35 triệu đồng để chặt hạ một cây xanh. Đặc biệt, số tiền đánh dấu cây xanh bị chặt hạ, dùng nước vôi quét quanh gốc cây mà được trả công lên tới 650.000 VND / 1 cây.
(....................................)

Mạng xã hội faecbook ở Việt nam là môi trường phản biện tuyệt vời đối với các văn bản, các quyết định và chính sách thiếu cơ sở khoa học, vi phạm hiến pháp và trái pháp luật. Theo số liệu của bộ Tư Pháp, chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2014 đã có hơn 9000 văn bản có dấu hiệu vi hiến, trái pháp luật được các bộ ngành và địa phương ban hành. 

Với một môi trường như ở Việt Nam, nơi mà các văn bản, chính sách được ban hành (....................) chưa hề có cơ chế phản biện của người dân, thì mạng xã hội facebook đã trở thành môi trường, kênh phản biện hữu hiệu nhất hiện nay. Gần đây nhất, chúng ta thấy các quyết định sai trái, đã bị hủy bỏ do phản biện của người dân (có sự đóng góp quan trọng của những người dùng facebook), đó là dự định tịch thu phương tiện của người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; dự định chặt hạ 6.700 cây xanh của Hà Nội; vụ lấp sông Đồng nai…

Một vai trò vô cùng quan trọng của mạng xã hội facebook ở Việt nam mà chúng ta không thể không nhắc tới. Facebook là môi trường kết nối những mối quan tâm chung, những người cùng chí hướng và facebook cũng là bệ phóng cho những hoạt động chung vì cộng đồng. Từ những sở thích cá nhân, như chia sẻ thú vui chim, cá, đá, cây tới những quan tâm mua bán hàng hóa, hội họp bạn bè đồng hương, cùng lớp, cùng trường…đều được thực hiện đơn giản và thuận tiện trên facebook. Nhưng cao hơn nữa, facebook còn kết nối những mối quan tâm chung, vì cộng đồng như hoạt động từ thiện, các hoạt động xã hội dân sự.

(...............)

Những vai trò và ý nghĩa của mạng xã hội facebook nêu trên là kết quả của những hoạt động của cá nhân và cộng đồng trên không gian Internet. Nhưng vẫn còn một câu hỏi, tại sao có sự bùng nổ về số lượng và sự tham gia sôi nổi, nhiệt tình của những người tham gia facebook? Câu trả lời là, facebook là môi trường để mỗi cá nhân tự thể hiện bản thân mình dễ dàng, thuận tiện và tuyệt vời nhất. Nhu cầu tự thể hiện bản thân, là nhu cầu quan trọng nhất, trong hệ thống nhu cầu của con người, mà nhà tâm lý học Abraham Maslow (người Mỹ) đã nhắc tới. Ở Việt Nam, môi trường để cá nhân tự thể hiện bản thân đã bị bóp méo, biến dạng bởi chế độ chính trị và người ta không thể tìm thấy ở đâu môi trường tự thể hiện bản thân tuyệt vời như trên mạng xã hội facebook.

Hà Nội, ngày 14/4/2015

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
http://www.rfa.org/vietnamese/blog/facebook-in-vn-nvb-04142015121757.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét