Nga đổ vỡ hoàn toàn thương vụ Mistral: Tái ông thất mã
(Quan hệ quốc tế) - Phương Tây vẫn tiếp tục gia tăng trừng phạt Moscow khiến thương vụ Mistral coi như đã đổ bể. Tuy nhiên, quan hệ Nga-Pháp vẫn tương đối êm đẹp. Vì sao?Mới cách đây chưa đầy 1 tuần, Tổng thống Pháp và Nga vẫn còn hy vọng níu kéo thương vụ mua sắm tàu sân bay trực thăng lớp Mistral qua buổi hội đàm ở Armenia vào ngày 24-4. Thế nhưng hiện nay, thương vụ này gần như đã đổ bể hoàn toàn.
Phát biểu sau cuộc hội đàm hôm 24/4 tại Yerevan-Armenia, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, không có quyết định nào về tương lai của hợp đồng cung cấp tàu Mistral cho Nga được đưa ra trong cuộc hội đàm giữa ông và người đồng cấp Vladimir Putin.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Reuters, Nga và Pháp đã tiến gần đến một thỏa thuận cho phép Paris hủy hợp đồng bán tàu Mistral và hoàn lại tiền cho Moscow, mà theo đó, Pháp sẽ bồi thường cho Nga khoảng 1,5 tỷ USD.
Theo tính toán của các chuyên gia, mức thiệt hại mà Paris sẽ nhận trong vụ này có thể lên tới 3 tỷ USD. Bởỉ ngoài việc phải trả khoản tiền ứng trước, tiền bồi thường cho Nga, Pháp còn gánh thêm hàng loạt chi phí phát sinh, ví dụ như 5 triệu Euro/tháng chi phí bảo dưỡng, neo đậu chiếc đầu tiên đã đóng xong từ năm ngoái.
Cuối ngày 24-4, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov khẳng định, ông Putin và ông Hollande đã bàn về Mistral tại Armenia, đồng thời 2 vị nguyên thủ cũng đã thảo luận về chủ đề Nga bán S-300 cho Iran và tình hình Ukraine, nhưng không tiết lộ về nội dung chi tiết.
Tàu sân bay trực thăng Mistral được đóng cả ở Nga và Pháp
Cũng trong ngày 24-4, Phó Thủ tướng phụ trách mảng công nghiệp quốc phòng Nga Dmitry Rogozin cũng tuyên bố nước này không nên kiện Pháp vì việc không bàn giao các tàu chở trực thăng lớp “Mistral”, bởi quan hệ giữa 2 nước không cần phải đến mức tố tụng ở tòa.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin cũng đã tuyên bố Moscow sẽ không kiện Paris và chỉ đòi một khoản “bồi thường nho nhỏ”. Trong khi đó, ông Hollande cũng tuyên bố “Nga và Pháp rất cần nhau trong giải quyết một loạt các vấn đề phức tạp như ở Syria, Iran, Libya…”
Đã có khá nhiều lời giải thích về nguyên nhân vì sao trong thời gian gần đây Moscow “ngãng ra” trong thương vụ này và quan hệ Nga-Pháp vẫn tương đối êm đẹp trong khi lẽ ra nó phải hết sức căng thẳng. Tuy nhiên, có 2 cách lí giải thuyết phục nhất là:
Một là: Nga đã có khả năng tự đóng tàu sân bay Mistral
Hồi tháng 9-2014, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã từng cho biết, một phần ba linh kiện của tàu Mistral là do Nga chế tạo, đặc biệt là phần đuôi của Mistral đã được thực hiện tại Nhà máy đóng tàu Baltic ở St Petersburg. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống thông tin trên con tàu do Nga sản xuất và tích hợp.
Theo các điều khoản trong hợp đồng đóng chiếc tàu lớp Mistral đầu tiên mang tên Vladivostok cho Hải quân Nga, việc đóng thân tàu sẽ do nhà máy Baltic (St. Petersburg) thuộc Tập đoàn đóng tàu Thống nhất của Nga (UAV) và nhà máy STX Pháp đóng.
Phần đuôi tàu sân bay trực thăng Mistral được
Nga kéo sang Pháp để đấu ráp tổng thành
Khối lượng công việc được chia ra với tỉ lệ 60% phía Pháp thực hiện, 40% do phía Nga đảm nhận. Việc khởi đóng tàu ở nhà máy STX, cảng Saint Nazaire diễn ra vào ngày 1-2-2012, còn ở nhà máy Nga là vào tháng 10-2012. Sau đó phần đuôi được Nga lai dắt sang Pháp để đấu ráp tổng thành.
Sau khi hạ thủy, Nga lại đưa tàu Vladivostok trở về Nga để lắp đặt hệ thống cáp thông tin liên lạc và hệ thống vũ khí Nga bao gồm 2 tháp pháo AK-630; tên lửa phòng không Igla và một số hệ thống phụ khác nhằm đảm bảo con tàu có thể hoạt động bình thường trong điều kiện lạnh giá ở vùng cực bắc của Nga.
Với việc đã được tiếp cận bản vẽ kỹ thuật tổng thể và trực tiếp đóng phần đuôi, có thể khẳng định tuyên bố của Nga là có khả năng tự đóng tàu tương tự Mistral là không ngoa. Các kỹ sư Nga hoàn toàn có thể phục dựng lại bản vẽ kỹ thuật tổng thể của tàu.
Pháp hoàn toàn hiểu được điều này nên rất có thể một thỏa thuận ngầm giữa 2 nước đã được bí mật thông qua là Paris sẽ trả lại tiền đặt cọc, Moscow sẽ không kiện và chỉ phạt một khoản “lấy lệ”, đồng thời tự đóng lấy tàu sân bay kiểu Mistral. Sau này tình hình lắng dịu, 2 nước sẽ tiếp tục hợp tác!
Hai là: Trong tình hình hiện nay Nga chưa cần gấp Mistral
Năm 2011, khi Nga đặt hàng 2 tàu sân bay trực thăng này, quan hệ giữa Nga-Pháp nói chung và với NATO nói riêng đang bước vào thời kỳ nồng ấm. Khi đó, thậm chí còn có những đồn đoán về việc Nga gia nhập NATO. Bởi vậy, việc đóng 2 tàu Mistral là vô cùng cần thiết cho việc tham gia những hành động chung trên phạm vi toàn cầu.
Tàu sân bay trực thăng Mistral được lai dắt về Nga để lắp ráp các thiết bị của Nga
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi quan hệ của Nga với phương Tây xấu tới mức thảm hại, vòng vây của NATO đang ngày càng xiết chặt quanh nước Nga, sự điều chỉnh chiến lược quân sự thiên về phòng thủ với mũi nhọn phản công là vũ khí hạt nhân đã khiến nhu cầu sở hữu các phương tiện hoạt động tầm xa như tàu sân bay trực thăng Mistral không còn mang tính cấp bách.
Trong chiến lược quân sự của Nga, năm 2020 mới là giai đoạn Nga hoàn thành tái trang bị cho quân đội nói chung và lực lượng hải quân nói riêng. Khi đó, Nga mới hoàn thiện cơ cấu tổ chức và chiến lược phát triển lực lượng hải quân mang tính toàn cầu. Lúc này, vai trò của các tàu sân bay Mistral mới trở nên cần thiết.
Bởi vậy, trong thời điểm hiện tại Moscow có thể bỏ hợp đồng này để lấy tiền về tự đóng tàu. Việc triển khai kế hoạch này có thể mất tới vài ba năm, đủ thời gian cho quan hệ Nga - NATO ấm lên hoặc nước Nga thoát khỏi giai đoạn khó khăn, khôi phục lại tham vọng hoạt động trên khắp các đại dương của thế giới.
Hủy bỏ hợp đồng Mistral không hẳn là điều xấu đối với Nga
Việc Pháp và các nước phương Tây phá bỏ hợp đồng, ngừng hoạt động hợp tác quân sự và tiếp tục gia tăng trừng phạt với Nga trong bối cảnh tiếng súng ở Ukraine đã ngừng có thể là cái cớ để Moscow phá bỏ các thỏa thuận trước đây với NATO về xuất khẩu vũ khí, chuyển giao công nghệ quân sự.
Trước đây, mặc dù S-300 là hệ thống mang tính phòng thủ nhưng Nga vẫn tôn trọng cam kết với phương Tây và đình chỉ các hợp đồng cung cấp cho Iran, Syria.
Pháp không giao Mistral có thể khiến Nga phá bỏ thỏa thuận với phương Tây, cung cấp vũ khí cho Iran, Syria, Triều Tiên…
Nhưng trong giai đoạn hiện nay, khi Mỹ và NATO mượn cuộc khủng hoảng Ukraine để ngăn chặn việc Moscow tiếp cận công nghệ đóng tàu tiên tiến của phương Tây thông qua tàu sân bay Mistral, Nga cho rằng, họ không cần thiết phải giữ các cam kết trước đây.
Vừa qua, Nga đã bắt đầu xé rào, tái triển khai hợp đồng S-300 với Iran bất chấp những lo ngại của châu Âu và cá nhân Israel. Đây chỉ là đòn cảnh cáo đầu tiên với phương Tây rằng, “các anh phá bỏ thỏa thuận thì tôi cũng có thể vứt bỏ những lời hứa trước đây”.
S-300 chỉ là hệ thống phòng không, mang tính phòng thủ nên có thể còn chưa đáng ngại nhưng nếu các hệ thống tên lửa đối đất, có khả năng gắn các đầu đạn hạt nhân chiến thuật như Iskander; tên lửa chống hạm như BrahMos, Yakhont, Caliber được xuất khẩu sang Triều Tiên, Syria, Iran…sẽ là cơn ác mộng đối với Mỹ và NATO.
Các nước này hiện đang bị cấm vận về vũ khí và đang nuôi mộng phát triển các loại tên lửa mang tính chất tấn công nên việc Moscow cởi mở hơn có thể khiến họ mạnh tay mua sắm vũ khí, tiếp cận công nghệ tên lửa tiên tiến, nâng cao trình độ nghiên cứu chế tạo, khiến 2 bên đều được lợi.
Vừa qua, việc Moscow tuyên bố sẵn sàng cung cấp bất cứ loại vũ khí nào cho Lahabana là minh chứng rõ rệt nhất cho việc Nga đã sẵn sàng phá bỏ các thỏa thuận ngầm với phương Tây. Viễn cảnh Nga giúp Cu Ba gia tăng thực lực quân sự ngay sát nách Mỹ là điều Washington không hề mong muốn.
Nếu Nga bán các hệ thống tên lửa đối đất Iskander, có khả năng lắp các đầu đạn hạt nhân cho Iran, Triều Tiên, Syria… sẽ khiến Mỹ-NATO mất ăn mất ngủ
Bởi vậy, việc hợp đồng Mistral bị hủy bỏ trong giai đoạn hiện nay không hẳn đã là điều xấu với Nga nhưng nó sẽ là tín hiệu rất xấu đối với Mỹ và NATO.
Thiên Nam
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-do-vo-hoan-toan-thuong-vu-mistral-tai-ong-that-ma-3265437/
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-do-vo-hoan-toan-thuong-vu-mistral-tai-ong-that-ma-3265437/?paged=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét