Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Điều hành tỷ giá cần linh hoạt hơn để tránh rủi ro

Điều hành tỷ giá cần linh hoạt hơn để tránh rủi ro
(TBTCO) - Cần phải theo dõi sát diễn biến giá USD trên thế giới, có chính sách điều hành linh hoạt hơn nữa để tránh rủi ro. Kết hợp chặt chẽ điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tránh chồng chéo. NHNN phải quay lại đúng chức năng là dịch vụ không làm chức năng đầu tư...
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế mùa xuân đang diễn ra tại TP. Vinh, Nghệ An
Tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân khai mạc ngày 21/4, TS Lê Đình Ân, nguyên Giám Đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia đã nêu lên đề xuất này trong nhóm các giải pháp trước mắt cần thực hiện.

NHNN phải quay lại đúng chức năng là dịch vụ không làm chức năng đầu tư

Theo đánh giá của TS Lê Đình Ân, năm 2014 và quý 1/2015, nền kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu tốt, giúp đạt được sự tăng trưởng ở mức khiêm tốn. Tổng cầu đang dần phục hồi; lạm phát ở mức thấp tạo điều kiện cho việc áp dụng một số cơ chế, chính sách đưa nền kinh tế tăng trưởng theo hướng thị trường đầy đủ hơn.

Tuy nhiên, kết quả của quý I/2015 cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cả trước mắt và lâu dài. Tăng trưởng còn mong manh, thể hiện ở mức tăng trưởng của nông nghiệp, thủy sản đang giảm mạnh trong quý I, đặc biệt là xuất khẩu thủy sản, gạo… đang giảm. Ngành dịch vụ cũng đang khó khăn, đặc biệt là khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh...

Điều đáng lưu ý là những khó khăn của các năm trước vẫn chưa được xử lý cơ bản như: nợ xấu, nợ công; tái cấu trúc các ngành kinh tế. Nhiều giải pháp được Chính phủ đề ra là thời sự và rất cần cho nền kinh tế nhưng cơ chế thực hiện sẽ rất khó khăn, cần thời gian để điều chỉnh…

Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả nhóm giải pháp mà Chính phủ đã ban hành, TS Lê Đình Ân đề xuất thêm một số giải pháp trước mắt cần xử lý.

Trong đó, giải pháp đầu tiên được nêu ra là theo dõi sát diễn biến giá USD trên thế giới, có chính sách điều hành linh hoạt hơn nữa để tránh rủi ro. Kết hợp chặt chẽ điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tránh chồng chéo. NHNN phải quay lại đúng chức năng là dịch vụ không làm chức năng đầu tư.

Đây cũng là vấn đề mà nhiều chuyên gia tại Diễn đàn cho rằng cần chú ý nhất với kinh tế năm 2015.

Đổi mới công tác kế hoạch, thống kê

Giải pháp thứ hai là tập trung vào phát triển nông nghiệp. Để tăng giá trị cho nông nghiệp, cần phát triển thị trường trong nước, từ thu mua, chế biến đến tiêu thụ; xây dựng hệ thống thương mại trong nước, không để tư thương, công ty nước ngoài thao túng như hiện nay.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đặc biệt là mạnh dạn đổi mới thể chế quản lý kinh tế bởi “chúng ta đã nói rất nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu”. Trước mắt, cần đổi mới nội dung, cách thức, phương pháp, các công cụ của nhà nước như kế hoạch, quy hoạch, thuế… Công tác kế hoạch, quy hoạch cần phải thay đổi nội dung, phương pháp trong luật quy hoạch sắp được Quốc hội thông qua: cần “mở” về nội dung quy hoạch, quy hoạch cũng phải tính đến cả cơ chế thị trường.

Kế hoạch phải mang tính dự báo nhiều hơn, đặc biệt cơ quan Thống kê phải được đưa ra khỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể thuộc Quốc hội để thống kê mang tính khách quan hơn. Điều quan trọng là đổi mới phương thức hạch toán kinh tế, hạch toán theo chuẩn quốc tế thì thống kê mới có tác dụng.

"Chất lượng cán bộ quyết định tất cả"

Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam phải xây dựng hẳn một hướng đi rõ ràng. Tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế một cách khoa học. Để có thể giảm mạnh biên chế, ngoài những giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, TS Lê Đình Ân kiến nghị tính toán lại các bộ phận: báo chí của các bộ, tổng cục, trung tâm tin học của các bộ, vụ thi đua khen thưởng các bộ, địa phương; vụ pháp chế các bộ, địa phương… để giảm số lượng công chức.

Đề cập đến giải pháp cho nền kinh tế, TS Lê Việt Đức trong tham luận tại Diễn đàn cũng cho rằng, để thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay, vấn đề then chốt, trọng tâm nhất và dễ thấy nhất là công tác cán bộ.

“Chất lượng cán bộ quyết định tất cả, cán bộ tốt thì làm ra thể chế tốt, điều hành và giám sát thực hiện thể chế tốt. Đất nước tiến nhanh hay tiến chậm, phát triển hay thụt lùi có liên quan chặt chẽ tới chất lượng hoạt động của bộ máy lãnh đạo đất nước, của hệ thống chính quyền từ trung ương với cơ sở”, TS Lê Việt Đức bình luận.

"Do vậy, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, dứt khoát phải nâng cao chất lượng bộ máy giám sát thực hiện đúng pháp luật và nguyên tắc kinh tế thị trường, tức là nâng cao năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ nhà nước".

Diễn ra tại Nghệ An trong hai ngày 21 và 22/4, Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015 với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tỉnh ủy Nghệ An và Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV) phối hợp tổ chức.

Tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Chí Hải đánh giá kinh tế Việt Nam cơ bản đã chạm đáy vào năm 2012 và đã có dấu hiệu hồi phục từ cuối năm 2013 đến nay. Dự báo kinh tế Việt Nam chỉ có thể lấy được đà tăng trưởng khả quan từ năm 2016 trở đi, nếu có những cải cách sâu rộng hơn và môi trường kinh tế thế giới ổn định.

Năm 2015, theo dự báo của PGS.TS Trần Đình Thiên, kinh tế Việt Nam sẽ không gặp khó khăn về mục tiêu tăng trưởng, do đó cần tập trung ưu tiên cải cách và tái cơ cấu, chuẩn bị năng lực hội nhập, tháo gỡ nút thắt tỷ giá và nợ xấu, đẩy mạnh cải cách quản lý và điều hành của Nhà nước…..


Hoàng Yến
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2015-04-22/dieu-hanh-ty-gia-can-linh-hoat-hon-de-tranh-rui-ro-20105.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét