Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

VN là công xưởng mới của châu Á: mừng hay lo?

Việt Nam là công xưởng mới của châu Á: mừng hay lo?
(TBKTSG) - Việt Nam đang trở thành một công xưởng mới của châu Á, báo chí trong và ngoài nước đang bàn luận. Nhiều người nghĩ đấy là điều tốt, những người khác lại lo là chúng ta chỉ làm thuê cho tư bản nước ngoài, đến cái đinh vít cũng chẳng làm nổi.

Nhiều công ty đa quốc gia khác cũng rục rịch chuyển cơ sở 
sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Việt Nam đã trở thành công xưởng đáng kể của Samsung, Intel, Microsoft (Nokia) và một số nhà sản xuất quần áo và giày dép. Nhiều công ty đa quốc gia khác cũng rục rịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Liệu Việt Nam có nên đi theo hướng này khi việc trở thành công xưởng của khu vực hay thế giới cũng đầy những hậu quả xấu như đã từng xảy ra ở nơi khác?

Đầu tiên hãy nhìn lại chính mình (chứ không phải ước muốn của mình) để có câu trả lời thỏa đáng. Xét ở tầm khu vực và quốc tế, từ xưa đến nay, Việt Nam chưa chế tạo được bất cứ thứ gì có tiếng cả. Từ xuất phát điểm như vậy, mong muốn chúng ta phải làm được cái này cái nọ cho ra hồn là rất chính đáng nhưng phải khiêm tốn và thực tế. Việc chế tạo ra các sản phẩm như vậy cần nhiều điều kiện mà chúng ta phải rất tốn công, tốn sức để tạo dựng một cách bền bỉ, liên tục. Chê chúng ta chưa làm được mấy là đúng nếu nó kích thích chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, nhưng chê mà không đưa ra giải pháp gì khả thi để cải thiện tình hình thì chỉ là “chém gió” cho sướng mồm mà thôi.

Mừng hay lo khi Việt Nam trở thành công xưởng của khu vực là hoàn toàn ở chúng ta, ở sự lựa chọn của chúng ta, chứ không phải ở đâu khác.

Chính vì thế nếu các công ty nước ngoài đưa cơ sở chế tác sang Việt Nam là điều đáng mừng. Đầu tiên nó giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người Việt Nam. Dẫu công việc đầu tiên đó có thể là đơn giản, lắp ráp, giá trị gia tăng chưa nhiều trong tổng giá trị của sản phẩm. Làm sao mà có thể đòi hỏi lao động mới từ nông thôn ra các khu công nghiệp làm được những công việc có giá trị cao? Đấy là mong muốn phi thực tế. Khi họ có công ăn việc làm, gia đình họ khá giả hơn thì con em họ mới có khả năng học hành, đào tạo để dần dần làm được những công việc có giá trị cao hơn.

Phải nhìn nhận là bức tranh kinh tế Việt Nam không quá xám, nhất là khi so sánh với vài nước láng giềng như Philippines, Myanmar, và ngay cả Thái Lan. Và đúng là một số công ty ngoại quốc (Nhật, Hàn,...) chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, phần lớn là vì giá lao động ở Trung Quốc ngày càng cao và Trung Quốc ngày càng làm khó dễ các công ty nước ngoài (mà họ nghĩ là họ không cần như trước).


Việt Nam cần làm gì? Một là cần những luật lệ đầu tư thông thoáng, hợp lý hơn. Hai là phải giải quyết những bất ổn lao động mà có vẻ đang xảy ra càng ngày càng nhiều. GS. Trần Hữu Dũng

Khi trở thành công xưởng thì cần đến nhiều dịch vụ đi kèm, từ cung cấp linh, phụ kiện đến dịch vụ hậu cần, tài chính. Việc này lại tạo thêm công ăn việc làm, tăng cơ hội kinh doanh của các tổ chức khác, tăng kỹ năng và trình độ của người lao động để bước lên những bậc thang cao hơn của chuỗi giá trị. Và rất có thể từ môi trường này sẽ nảy sinh các nhà tư bản nội địa có sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao và có ảnh hưởng ở khu vực và thậm chí thế giới, nhưng việc này cần rất nhiều nỗ lực của doanh nhân, người lao động và Nhà nước.

Nếu trở thành công xưởng và nếu có chính sách khéo thì các công ty đa quốc gia có thể chuyển cả những khâu có giá trị cao (tiếp thị, thiết kế, nghiên cứu phát triển...) sang Việt Nam. Nghe nói Samsung đang xây dựng một trung tâm như vậy ở Hà Nội với gần 4.000 người làm việc (nếu được 50% nhà nghiên cứu phát triển là người Việt Nam thì quả là một bước rất quan trọng, liệu chúng ta có đáp ứng được số kỹ sư, nhà nghiên cứu đó không?).

Nếu Nhà nước trung ương và địa phương có chính sách khéo về nhân lực, đào tạo, về tạo dựng môi trường thông thoáng, thì việc trở thành công xưởng là điều rất đáng mừng.

Ngược lại, nếu chỉ chạy theo con số và có tầm nhìn thiển cận, thì biết đâu chúng ta lại tạo điều kiện cho việc chế tác các sản phẩm mà có thể tốn năng lượng (vì các công ty ấy có thể đòi điện giá rẻ) hay gây ô nhiễm môi trường... Nếu thế thì quả rất đáng lo vì khi hết ưu đãi, khi giá nhân công tăng lên thì các công ty nước ngoài lại bỏ đi ngay và để lại các khu công nghiệp tiêu điều. Đó là việc nên tránh, nên tạo điều kiện để họ ở lại, mang các khâu có giá trị gia tăng cao vào Việt Nam.

Nguyễn Quang A
(TBKTSG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét