Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Tăng trưởng mong manh và chưa rõ tương lai

Tăng trưởng mong manh và chưa rõ tương lai
Tổ quốc - Đây là những nhận định của các chuyên gia kinh tế đưa ra tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân đang diễn ra. Chuyên gia Lê Việt Đức cho rằng, để thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay, vấn đề then chốt, trọng tâm nhất và dễ thấy nhất là công tác cán bộ. “Trong khi chưa có những thay đổi mang tính đột phá về công tác cán bộ, không thể hy vọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế mà không gây ra những cuộc khủng hoảng mới”


Kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn
 cả trước mắt và lâu dài (nguồn: Internet)
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế quí I/ 2015 đạt mức 6,03% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP cùng kỳ năm 2014 là 4,96%. Tuy nhiên, theo TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo KT-XH Quốc gia, mức tăng này chủ yếu là nhờ lĩnh vực công nghiệp vàxây dựng.Các lĩnh vực khác đang gặp khó khăn.

“Kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cả trước mắt và lâu dài”, để chứng minh cho nhận định này, TS. Lê Đình Ân dẫn ra hàng loạt số liệu: Công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mức 8,35% so với quí I/2014 (chỉ tăng 4,9%); Lĩnh vực dịch vụ chỉ đạt 5,82%, thấp hơn so với mức tăng 5,95% so với cùng kỳ; Khu vực dịch vụ bất động sản chỉ tăng 2,55%; Ngành nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 2,14%, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm trước là 2,37%...

“Tăng trưởng chưa bền vững, còn mong manh”, TS. Lê Đình Ân kết luận.

Điều đáng lưu ý, theo TS. Lê Đình Ân là những khó khăn của nền kinh tế trong các năm trước vẫn chưa được xử lý cơ bản như: nợ xấu, nợ công; tái cấu trúc các ngành kinh tế mà trọng tâm là các ngành ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước. Nhiều giải pháp được Chính phủ đề ra là thời sự và rất cần cho nền kinh tế nhưng cơ chế thực hiện sẽ rất khó khăn, cần thời gian để điều chỉnh…

Trong số các vấn đề cẩn xử lý trước mắt, theo ông Ân, cần theo dõi sát sao diễn biến của giá USD trên thị trường quốc tế; có chính sách điều hành linh hoạt hơn nữa để tránh rủi ro.

Và những tháng còn lại của năm, Chính phủ cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Vị chuyên gia này lưu ý, không chỉ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian nộp thuế mà vấn đề xử lý cắt bớt giấy phép con, cháu; sửa đổi, bổ sung các cơ chế giúp các doanh nghiệp tiếp cận các hiệp định thương mại đã ký kết, sắp ký kết…

Cho rằng đã nói rất nhiều và có lúc đặt nó như bước đột phá nhưng chưa làm được bao nhiêu, vì vậy, TS.Lê Đình Ân đề nghị bỏ cơ quan chủ quản đối với doanh nghiệp, cả DNNN và DN ngoài nhà nước. Các Bộ, địa phương không cử người kiêm nhiệm phần vốn của mình trong doanh nghiệp mà điều chuyển hẳn sang làm việc chuyên trách để chịu trách nhiệm với HĐQT DN. Nhà nước tập trung xây dựng các chính sách quản lý.

Theo ông Ân, cần theo dõi sát sao diễn biến của giá USD trên thị trường quốc tế; có chính sách điều hành linh hoạt hơn nữa để tránh rủi ro. Kết hợp chặt chẽ điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tránh chồng chéo. Ngân hàng Nhà nước phải quay lại đúng chức năng là dịch vụ, không làm chức năng đầu tư.

Còn theo TS. Lê Việt Đức, mặc dù nền kinh tế có dấu hiệu ấm lên song sự phục hồi còn rất mong manh nên Việt Nam cần kiên trì con đường tăng trưởng thận trọng. Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, không gì khác hơn là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, nhấn mạnh vào sử dụng nguồn vốn con người, phát huy sức mạnh của trí tuệ con người, thay cho nguồn vốn đầu tư cũng như các nhân tố phát triển theo chiều rộng khác.

“Dứt khoát phải từ bỏ con đường phát triển dựa vào mở rộng bội chi ngân sách, phát hành tiền tệ tín dụng, khai thác tài nguyên và lao động rẻ tiền, bán đất đai và vay nợ nước ngoài như đã làm trong hàng chục năm qua”.

“Nếu tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng, sẽ buộc phải gia tăng đầu tư công, gia tăng nợ công, nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, tăng cường phát hành trái phiếu, làm giảm nguồn vốn của doanh nghiệp ngoài quốc doanh... Hậu quả sẽ rất tai hại như những gì đã diễn ra trong khoảng chục năm gần đây”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, TS. Lê Việt Đức cho rằng, mục tiêu chủ yếu của chính sách kinh tế năm 2015 và trong 1-3 năm tiếp theo không phải là tăng trưởng cao mà là tập trung sửa chữa những lỗi hệ thống, nâng cao chất lượng tăng trưởng, làm nền tảng phát triển mạnh mẽ cho những năm sau. Nếu như Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng khoảng 5,5-6% trong khi chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh tăng vọt, thì sẽ là điều rất đáng mừng.

Chuyên gia Lê Việt Đức cho rằng, để thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay, vấn đề then chốt, trọng tâm nhất và dễ thấy nhất là công tác cán bộ. “Trong khi chưa có những thay đổi mang tính đột phá về công tác cán bộ, không thể hy vọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế mà không gây ra những cuộc khủng hoảng mới”

M.Đức

http://www.baomoi.com/Tang-truong-mong-manh-va-chua-ro-tuong-lai/45/16447191.epi
www.toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/3/kinh-te-viet-nam/133144/tang-truong-mong-manh-va-chua-ro-tuong-lai.aspx+&cd=70&hl=en&ct=clnk&gl=vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét