Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Có nên thực hiện “quyền được chết”?

Có nên thực hiện “quyền được chết”?
‘Quyền được chết’ là từ ngữ mô tả sự lựa chọn được chết tự nguyện để chấm dứt khỏi đau đớn bệnh tật. Người lựa chọn quyền được chết thông thường là các bệnh nhân đang trong tình trạng đau đớn, họ muốn được chết nhanh hơn để chấm dứt đau khổ. Người trợ giúp những bệnh nhân này thường là các bác sỹ.
(Ảnh: internet)
(Ảnh: internet)
TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, sắp tới sẽ đề xuất để đưa quyền được chết vào dự thảo Bộ Luật Dân sự. Ông Huy cho biết, có nhiều bệnh nhân không thể cứu chữa phải sống trong đau đớn chờ chết, họ muốn được chết sớm hơn nhưng không thể.

Quyền được chết ở Việt Nam không chỉ bây giờ mới nói đến, mà đã từng được đề xuất năm 2005 nhưng không được Quốc hội thông qua.

Ý kiến của người trong ngành, cụ thể là các luật sư và bác sỹ về vấn đề này thế nào.

Ý kiến luật sư

Luật sư Hoàng Kim Thoa (Công ty luật QTC) cho vnexpress biết: “Việt Nam chưa có đủ những điều kiện cần thiết để công nhận quyền này. Việt Nam là quốc gia châu Á có phong tục tập quán và truyền thống lâu đời luôn tôn trọng và đề cao quyền được sống vì thế mà quyền được chết còn rất xa lạ. Các bản Hiến pháp, Bộ luật Dân sự trước đây đều không đề cập quyền được chết là quyền nhân thân của con người.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo, chồng chéo; kinh tế chưa phát triển kéo theo điều kiện chăm sóc, khám chữa bệnh còn thấp. Số lượng người bệnh xin được chết ở Việt Nam còn ít so với thế giới… Với tình trạng luật chồng chéo và chậm ban hành các văn bản hướng dẫn như hiện nay, theo bà quy định này nếu đưa vào Bộ luật Dân sự sửa đổi mà không có hướng dẫn cụ thể kịp thời sẽ phát sinh nhiều hậu quả mà hiện tại pháp luật Việt Nam chưa thể có cơ chế pháp lý đầy đủ để giải quyết”.

Luật sư cũng đặt ra tình huống người nhà bệnh nhân không muốn vất vả nuôi dưỡng chăm sóc bệnh nhân, khi đó luật an tử trở thành tiếp tay cho việc giết người có chủ đích.

“Trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai gần, pháp luật Việt Nam chưa thể quy định. Vấn đề này còn tùy thuộc vào những chuyển biến kinh tế, xã hội và nhận thức pháp luật… theo thời gian”, bà Thoa nói.

Luật sư Hoàng Văn Dũng (Công ty luật BROSS & PARTNERS) cũng cho vnexpress biết: “Có thể xảy ra tình trạng lạm dụng chức năng nghề nghiệp khi xác định sự tự do ý chí của “người muốn chết” hay xuất hiện việc trục lợi cá nhân (vấn đề thừa kế di sản) hoặc cổ súy cho nạn suy đồi đối xử giữa những người thân trong gia đình khi có người gặp hoạn nạn về sức khỏe… “

Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc) cho vnexpress biết rằng: “nếu sống được xem là quyền của một người thì họ cũng có thể từ chối quyền đó – đó chính là quyền được chết của cá nhân. Đây là quyền nhân thân của cá nhân, cần được luật hóa. Để tránh việc lạm dụng “quyền được chết”, pháp luật cần quy định chặt chẽ về điều kiện áp dụng, điều kiện chủ thể và cách thức thực hiện”

Ý kiến bác sỹ

Bác sỹ chính là người giúp các bệnh nhân thực hiện quyền được chết, nhưng là một bác sỹ chân chính không ai muốn làm điều đó, điều họ muốn là giúp bệnh nhân chống chọi đến cùng với bệnh tật.

Bác sỹ Lê Thị Vân – Phòng kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện K khẳng định với Báo Đời sống và Pháp luật rằng: “Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân hiểm nghèo, việc tạo cho họ niềm tin và sự lạc quan trong cuộc sống góp phần không nhỏ để giúp các bệnh nhân vượt lên số phận. Vì vậy, dù người bệnh có hiểm nghèo tới đâu, dù chỉ còn một tia hy vọng sống sót nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tới giây phút cuối cùng, lạc quan cùng người bệnh để chiến đấu với bệnh tật”.

Là một bác sỹ, bà Vân đề xuất rằng, quyền được chết cần đặt trong từng trường hợp cụ thể.

“Nếu trường hợp bệnh nhân mới được chuẩn đoán ung thư hay những căn bệnh hiểm nghèo khác, theo tôi không nên đề cập với họ “quyền được chết” vào lúc ấy. Bởi có thể điều này sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lý của bệnh nhân, khiến họ không còn lạc quan và buông xuôi trong quá trình điều trị bệnh”.

“Với những trường hợp bệnh nhân sống thực vật, ung thư giai đoạn cuối, chịu đau đớn tột cùng về thể xác, tinh thần và muốn ra đi nhẹ nhàng thì điều này có thể được cảm thông”.  

Điều quan trọng nhất là giúp bệnh nhân thực hiện quyền được chết thì bác sỹ Vân khẳng định “Bản thân tôi hay những bác sỹ khác chắc chắn sẽ không dám thực hiện mũi tiêm nhân đạo cho bệnh nhân, bởi niềm hạnh phúc lớn nhất của người làm nghề y là được chữa bệnh cứu người, còn nước thì còn tát.”

Bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ với Báo Đời sống và Pháp luật rằng: “Một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối di căn, sự tồn tại của họ chỉ tính bằng ngày, bằng tuần và họ phải chịu đựng đau đớn khủng khiếp. Nỗi đau lan cho gia đình, người thân, gây tốn kém tiền của nên họ yêu cầu chấm dứt điều trị để ra đi. Tôi cho đây là quyết định đúng đắn, nhân đạo với bệnh nhân”.

Tuy nhiên về việc thực hiện quyền được chết cho bệnh nhân thì Bác sỹ Hùng cho biết: “lương tâm nghề y không cho phép các bác sỹ thực hiện mũi tiêm nhân đạo, dù mục đích là tốt đẹp”.

Một số bác sỹ khác cũng đồng ý với việc cần đưa quyền được chết vào luật để giúp bệnh nhân được chết nhẹ nhàng.

Nhưng nhìn chung thì không một bác sỹ nào muốn thực hiện hành động giúp bệnh nhân được chết cả.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ thẳng thắn với vnxpress: “Không có cái gì được gọi là cái chết nhân đạo, chết là tình huống xấu nhất”.

“Dù thế nào, người ta vẫn là con người, tại sao mình lại nói để họ chết đi một cách thanh thản, nhẹ nhàng. Mỗi con người đều có số phận, nếu số của họ chưa hết thì tại sao lại can thiệp để họ chết? Thay vì để người ta chết, tại sao không nghĩ đến việc giảm nỗi đau cho họ”, phó giáo sư Dũng đặt vấn đề.

Ông Dũng cũng chia sẻ sẽ chẳng có một bác sỹ nào dám giúp người bệnh thực hiện quyền được chết. Một số trường hợp gia đình thấy con mình khó qua được, xin đưa về nhà chờ chết, bệnh viện thuyết phục không được nên yêu cầu gia đình tự rút ống thở, thế nhưng rốt cuộc gia đình không có ai dám rút ống thở. “Họ đã không dám, bác sĩ lại càng không dám. Nhiều bệnh nhân tưởng chết rồi nhưng cuối cùng vẫn cứu được”, phó giáo sư Dũng bày tỏ quan điểm.

Hậu quả có thể xảy ra nếu thực hiện quyền được chết

Người nhà bệnh nhân không muốn bệnh nhân trở thành gánh nặng nên tìm cách thực hiện quyền được chết để trốn tránh trách nhiệm. Trường hợp này, quyền được chết trở thành công cụ tiếp tay giết người có chủ đích.

Trên thế giới và ở Việt Nam ghi nhận rất nhiều trường hợp chết đi sống lại, hoặc đến phút cuối lại phục hồi rất kỳ diệu mà y học không lường trước được. Nếu áp dụng quyền được chết với họ cũng giống như giết một mạng người.

Việc bác sỹ chẩn đoán sai bệnh không phải ít, nhất là ở Việt Nam, nếu áp dụng quyền được chết thì vô tình giết một mạng người.

Một số bệnh nhân có thể nhân cơ hội này để chọn được chết nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Quan điểm của tôn giáo

Nhìn chung các tôn giáo lớn, có nguồn gốc lịch sử lâu đời đều cùng quan điểm phản đối quyền được chết, Công Giáo không đồng ý, Phật Giáo cũng tương tự.

Theo quan điểm của tôn giáo, chết chưa phải là chấm dứt một sinh mệnh, chịu khổ và đau đớn là để hoàn trả nợ nghiệp. Bệnh nhân trước khi chết đau đớn do họ phải trả nghiệp trước khi chết, nếu giúp bệnh nhân chết thì nghiệp chưa trả được, thì sau khi chết vẫn phải chịu khổ để trả nghiệp ấy. Cái khổ phải chịu ngay sau khi chết ấy lớn ngần nào thì người sống không biết được

Việc để bệnh nhân chết êm ả với mục đích là giúp bệnh nhân, nhưng hành động đó vẫn được xem như là giết người. Đó là quan điểm của tôn giáo về vấn đề này.

Ngọn Hải Đăng tổng hợp
(Đại Kỷ Nguyên VN)

https://daikynguyenvn.com/viet-nam/co-nen-thuc-hien-quyen-duoc-chet.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét