Vì sao "tôi xa Hà Nội"?
Còn người Hà Nội bây giờ, nói thì thật xấu hổ: Nam thanh, nữ tú chen nhau cướp một suất ăn miễn phí, trèo lên đầu lên cổ nhau để kiếm một chỗ tắm không mất tiền, và ở đâu cũng thấy cảnh chen lấn, xô đẩy...Ngày lễ, được nghỉ dài. Hà Nội bỗng trở nên vắng vẻ, yên tĩnh và “ dịu dàng” lạ thường. Không còn những cảnh chen chúc trên những con đường vốn quanh năm quá tải. Không có những cảnh ùn tắc kéo dài… Hà Nội vắng vẻ đến… buồn tẻ. Tại sao lại thế nhỉ?
Ngày xưa, vào ngày lễ, dân từ các tỉnh thành khác nườm nượp đổ về Hà Nội… Họ đi thăm Bờ Hồ, thăm các Viện bảo tàng, đi thăm phố phường Hà Nội, và thậm chí, chỉ mong được ăn một que kem Tràng Tiền…
Bây giờ thì lại khác.
Ngày nghỉ, người ta chạy về quê, “trốn” về quê, hay đi các danh lam thắng cảnh khác, còn Hà Nội thì lại không đủ sức hút khác từ các nơi về.
Phải chăng, người ta bắt đầu coi Hà Nội là nơi để kiếm tiền, chứ không phải là nơi vừa kiếm tiền, vừa… nghỉ ngơi?
Dĩ nhiên, Hà Nội bây giờ quá xô bồ, bát nháo. Cái gọi là “người Tràng An thanh lịch”, chỉ còn là trong dĩ vãng.
Còn người Hà Nội bây giờ, nói thì thật xấu hổ: Nam thanh, nữ tú chen nhau cướp một suất ăn miễn phí, trèo lên đầu lên cổ nhau để kiếm một chỗ tắm không mất tiền, và ở đâu cũng thấy cảnh chen lấn, xô đẩy… thậm chí kể cả trong thang máy. Rồi không mấy ngày là không thấy có những vụ thanh niên mất dạy, càn quấy gây chuyện nọ chuyện kia.
Tại sao Hà Nội lại lắm vụ chống đối người thi hành công vụ đến vậy?
Tại sao Hà Nội lại có trật tự đô thị kém đến vậy?
Tại sao Hà Nội lại có quy hoạch hổ lốn đến vậy?
Tại sao tiếng là Thủ đô của cả nước, được ưu đãi đủ mọi thứ, vậy mà Hà Nội chỉ xếp thứ 26 trong cả nước?
Nói tóm lại là có điều gì đó “rất không ổn” ở Hà Nội!
Chính vì vậy, mà mỗi khi có “cơ hội” được nghỉ, là người ta tìm cách “tôi xa Hà Nội”.
Nguyễn Như Phong
(PetroTimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét