Một Việt Nam, bốn thập kỷ, ba thế hệ, hai mảng màu
Đỗ Thiên Anh Tuấn (*) (TBKTSG) - LTS: Các con số thống kê khách quan đang cho thấy trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cả xuất khẩu lẫn sản xuất công nghiệp thì doanh nghiệp trong nước đang bị đẩy vào thế yếu, hoặc bị thâu tóm hoặc chuyển sang những lãnh vực “ăn xổi, ở thì”. Với các bài trong chuyên mục Sự kiện & Vấn đề số này, TBKTSG muốn trả lời câu hỏi vì sao chúng ta chưa có những nhà tư bản dân tộc thật sự để vào cuộc cạnh tranh toàn cầu và liệu có cần lo lắng gì không trước sự vượt trội của khu vực FDI.Đã có thời tính năng động của kinh tế tư nhân bị xóa bỏ, vai trò của những nhà tư sản, kể cả những nhà tư sản dân tộc có đóng góp quan trọng cho kháng chiến bị gạt sang một bên. Tầng lớp doanh nhân gần như bị tan rã từ đó cho đến khi đổi mới bắt đầu vào nửa cuối thập niên 1980.
Dù không được thừa nhận nhưng máu kinh doanh vẫn chảy trong huyết quản của những con người Việt Nam, và khi thời vận đến đã xuất hiện lớp doanh nhân đầu tiên của thời kỳ đổi mới. Sự ra đời của Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, dù còn sơ khởi nhưng lần đầu tiên quyền kinh doanh của người dân được thừa nhận chính thức. Nhiều tên tuổi bắt đầu xuất hiện từ đó như kem đánh răng Dạ Lan, P/S, nước rửa chén Mỹ Hảo, may mặc Minh Phụng, giày dép Biti’s, thực phẩm Kinh Đô...
Làn sóng hội nhập thứ nhất giữa thập niên 1990 đã khiến cho một số thương hiệu biến mất hoặc thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài với điển hình là hai nhãn hiệu kem đánh răng Dạ Lan và P/S mà nguyên nhân chính là do thiếu kinh nghiệm hội nhập.
Đã có nhiều doanh nghiệp vốn từng giữ những vị trí quan trọng trong nền sản xuất thì nay đã rời bỏ khu vực truyền thống của mình để chuyển sang khu vực đầu cơ và tìm kiếm đặc quyền đặc lợi. |
May thay cuộc khủng hoảng Đông Á 1997 không làm nhiều doanh nghiệp Việt Nam sụp đổ, ngược lại nó tạo động lực giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế. Bước ngoặc lớn khi Luật Doanh nghiệp 1999 trao quyền kinh doanh mạnh mẽ hơn cho khu vực tư nhân, giúp hình thành nên lớp doanh nhân thế hệ thứ hai đông đảo và nhiều hoài bão không kém lớp thế hệ đầu tiên.
Cho đến trước khi gia nhập WTO 2007, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu nổi lên với nhiều tên tuổi lớn như FPT, ACB, Sacombank, Pomina, Hòa Phát, Vincom, Minh Phú, Mai Linh... Làn sóng hội nhập lần hai không làm cho các doanh nghiệp Việt Nam chết vào tay các doanh nghiệp nước ngoài như làn sóng thứ nhất, thay vào đó là hiện tượng “tự sát tập thể”.
Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và bất động sản mang đến sự phồn thịnh giả tạo mà cái kết cục là mồ chôn của nhiều doanh nghiệp, trong đó có không ít doanh nghiệp tên tuổi. Đúng như cái quy luật nghiệt ngã của kinh tế thị trường, chưa bao giờ khu vực kinh tế tư nhân lại có sự phân hóa cao độ như hiện nay, trong khi nhiều doanh nghiệp phá sản thì có không ít doanh nghiệp lại tiếp tục tăng trưởng và lớn mạnh không ngừng.
Lớp doanh nhân thế hệ thứ ba bắt đầu xuất hiện trong những năm gần đây chủ yếu do quá trình tái cấu trúc và sàng lọc doanh nghiệp. Trong cái mớ hỗn độn đó, có những doanh nghiệp lớn mạnh nhờ nội lực nhưng cũng xuất hiện không ít doanh nghiệp cơ hội, được tiếp sức bởi chủ nghĩa tư bản thân hữu.
Nền kinh tế rồi sẽ đi về đâu nếu thiếu một lớp doanh nhân đầy tâm huyết và trách nhiệm với vận mệnh dân tộc ví như thế hệ doanh nhân đầu tiên thời đổi mới? Nói vậy không có nghĩa rằng doanh nhân thời nay không trăn trở với thời vận của đất nước, vì chúng ta đều hiểu rằng thời nào cũng có những giá trị cốt lõi của nó cả. Phân tích dưới đây cho thấy rằng, dù không hẳn là những giá trị phổ quát mang tính đại diện nhưng đâu đó vẫn có hai mảng màu khác biệt giữa các lớp thế hệ doanh nhân.
Doanh nghiệp hướng nhà nước thay vì hướng thị trường?
Trong thời kỳ đầu đổi mới, khi các quan điểm cải cách và tự do hóa theo hướng thị trường vẫn còn dè dặt, nhiều doanh nghiệp bấy giờ luôn mong chờ các cải cách được tiến hành mạnh mẽ hơn để sao cho các quy luật kinh tế thị trường được phát huy đầy đủ. Ngày nay, vẫn còn đó và nhiều hơn nữa những doanh nghiệp hướng thị trường nhưng cũng xuất hiện không ít các doanh nghiệp hướng nhà nước, trở nên thực dụng và thân hữu với khu vực nhà nước hơn.
Các doanh nghiệp này tìm cách tiếp cận các quan chức nhà nước hay những nhà hoạch định chính sách để “mua” các đặc quyền kinh doanh hoặc “gởi gắm” các lợi ích. Nó giống như một trào lưu thịnh hành, cái mốt hợp thời vậy. Nhờ sự ưu đãi và bảo hộ của Nhà nước, tựa như doanh nghiệp nhà nước, những doanh nghiệp này đang “tạm thời” thắng thế nhưng môi trường cạnh tranh đang dần bị bóp chết bởi xu hướng thân hữu ngày càng phổ biến này.
Doanh nghiệp có thiên hướng ảnh hưởng nhà nước thay vì nhà nước kiểm soát tuyệt đối doanh nghiệp?
Dù thừa nhận đa hình thức sở hữu với sự tồn tại khách quan của nhiều thành phần kinh tế nhưng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân thì Nhà nước vẫn còn rất dè dặt trong thời kỳ đầu đổi mới. Với triết lý doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những gì “luật pháp cho phép”, rất nhiều quy định đã được ban hành để chính phủ có thể kiểm soát các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhưng nhìn ở phương diện doanh nghiệp thì điều này có nghĩa là hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ. Không khí ngột ngạt của những quy định mang tính áp chế dần được thay thế bằng quan điểm doanh nghiệp được phép kinh doanh những gì “luật pháp không cấm”. Quyền kinh doanh được Nhà nước không chỉ thừa nhận mà còn được bảo hộ.
Tuy nhiên, cùng với xu hướng để cho thị trường mở rộng vai trò của mình thì cũng bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp lớn có khả năng ảnh hưởng lên các quyết định của Nhà nước. Ở đây vấn đề không đơn giản chỉ là “quá lớn không thể sụp đổ - too big to fail” mà còn là thiên hướng ảnh hưởng, trong chừng mực nhất định, lên các hoạt động và chức năng của Nhà nước trên một số phương diện kinh tế lẫn chính trị.
Doanh nghiệp tạo giá trị hay hướng đầu cơ?
Các doanh nghiệp theo đuổi tầm nhìn dài hạn thường là những doanh nghiệp hướng hoạt động của mình vào lĩnh vực sản xuất và tạo ra giá trị cho xã hội. Đây chính là nhân tố tạo ra tăng trưởng và mang lại sự thịnh vượng cho mọi quốc gia - dân tộc.
Ngược lại cũng có những doanh nghiệp chỉ tập trung vào các hoạt động đầu cơ và bòn rút giá trị của xã hội, do người khác làm ra. Những cải cách của chúng ta trước đây vốn đã từng sản sinh ra không ít những doanh nghiệp hướng giá trị nhưng hiện nay, đặc biệt từ khoảng mười năm trở lại đây đã xuất hiện ngày càng rõ nét hơn nhiều doanh nghiệp hướng đầu cơ. Những doanh nghiệp này đang phá vỡ các quy luật kinh tế thông thường, phá vỡ tính bình đẳng của môi trường kinh doanh, niềm tin của cộng đồng doanh nhân và cả các giá trị xã hội.
Điều đáng nói là đã có nhiều doanh nghiệp vốn từng giữ những vị trí quan trọng trong nền sản xuất thì nay đã rời bỏ khu vực truyền thống của mình để chuyển sang khu vực đầu cơ và tìm kiếm đặc quyền đặc lợi (rent seeking). Rõ ràng, ở đây lỗi không phải do bản thân các doanh nghiệp mà cái tội lỗi nguyên căn (original sin) phải được giải thích ở cái gì là động cơ đã thôi thúc doanh nghiệp chuyển hướng hoạt động của mình sang đầu cơ và làm xói mòn các giá trị.
Tương lai của kinh tế Việt Nam khó mà trông cậy vào doanh nghiệp nhà nước nhưng liệu doanh nghiệp tư nhân đã đủ lớn mạnh và đáng tin để được trao vận mệnh?
Tương lai của kinh tế Việt Nam khó mà trông cậy vào doanh nghiệp nhà nước nhưng liệu doanh nghiệp tư nhân đã đủ lớn mạnh và đáng tin để được trao vận mệnh?
(*) Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright
http://www.thesaigontimes.vn/129359/Mot-Viet-Nam-bon-thap-ky-ba-the-he-hai-mang-mau.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét