Bí mật thành công của Singapore
Kể từ ngày qua đời, thành tích của Lý Quang Diệu đã trở thành đề tài của nhiều cuộc thảo luận diễn ra trên toàn cầu. Nhưng người ta lại ít nói tới một khía cạnh của sự thành công của ông: những khoản đầu tư mà ông và người kế nhiệm ông, đã làm cho ngành giáo dục. Như ông thường nói, chiến lược của ông là: “Phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có duy nhất của Singapore, đấy là con người”.Chuyện đó xảy ra như thế nào? Lý Quang Diệu và Singapore làm việc gì đúng?
Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng hệ thống giáo dục của Singapore không phải do Lý Quang Diệu và các cộng sự của ông thiết kế ngay từ đầu. Mà nó được xây dựng trên những nền tảng rất vững chắc được thừa hưởng từ quá khứ vì Singapore là thuộc địa của Anh. Khác với nhiều lãnh đạo hậu thuộc địa cùng thời với mìnnh, Lý Quang Diệu không sợ nắm lấy những yếu tố của quá khứ nhưng vẫn có lợi cho công cuộc xây dựng đất nước.
Rõ nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều thiết chế giáo dục hàng đầu của nước này – ví dụ, Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore – thành lập năm 1905), Viện Raffles (Raffles Institution – thành lập năm 1823), và Trường Anh-Trung (Anglo-Chinese School – thành lập năm 1886) – có từ khá lâu, trước khi Singapore giành được độc lập vào năm 1963. Hơn nữa, chương trình trung học mô phỏng theo bằng cấp O và A của Anh (với một số sửa đổi phú hợp với thành tích trung bình thường cao hơn của học sinh Singapore). Và, mặc dù không bỏ qua cơ sở hạ tầng, trọng tâm chính của đầu tư giáo dục là học sinh và giáo viên.
Hệ thống học bổng hào phóng của nhà nước tạo điều kiện cho những học sinh giỏi nhất được hưởng nền giáo dục ở một số trường đại học hàng đầu trên thế giới, thậm chí ngay cả khi Singapore đã xây dựng được những thiết chế giáo dục đẳng cấp thế giới của riêng mình. Ngoài ra, với mức lương khởi điểm cao hơn mức lương trung bình, nghề dạy học đã thu hút, phát triển và giữ lại được một số sinh viên tốt nghiệp thuộc loại giỏi nhất.
Ngoài ra, hệ thống giáo dục của Singapore là hệ thống coi trọng hiền tài (một số người có thể gọi là “tinh hoa”) trong việc phát hiện và phát triển những người có tài năng nhất và, quan trọng không kém, hướng giáo dục vào lĩnh vực dịch vụ công. Người nhận học bổng của chính phủ phải phục vụ trong lĩnh vực công, mỗi năm học phải phục vụ ít nhất là hai năm.
Các cách tiếp cận theo lối trọng hiền tài như thế quyết định sự phát triển và thăng tiến của giáo viên. Những giáo viên có thành tích cao được giao trách nhiệm lãnh đạo mà không quan tâm quá nhiều tới thâm niên, và có sự hoán đổi chức vụ giữa các chức vụ trong Bộ Giáo dục, giáo viên và ban lãnh đạo nhà trường. Các nhà giáo dục thường xuyên được phái đi để đưa chính sách vào thực tiễn. Nhiều người sau đó đã quyết định quay về làm giáo viên.
Xu hướng tinh hoa trong hệ thống giáo dục của Singapore bị kiềm chế bớt bởi thực tế là giáo dục chất lượng cao đã hiện diện trên tất cả các cấp học. Singapore có quyền tự hào về các thiết chế giáo dục phổ thông, cao đẳng và đại học tinh hoa của mình, nhưng ta có thể khẳng định rằng những viên ngọc quý ẩn danh của hệ thống là hàng trăm trường học, các trường kỹ thuật và bách khoa, cung cấp một nền giáo dục chất lượng cao cho tất cả mọi người.
Hệ thống giáo dục của Singapore luôn luôn nhìn về phía trước. Từ việc áp dụng song ngữ, tức là cả tiếng mẹ đẻ (tiếng Quan thoại, tiếng Malay hay Tamil) và tiếng Anh, đến việc tập trung vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (science, technology, engineering và mathematics – STEM), Singapore đã đoán trước được nhiều chiến lược giáo dục quan trọng mà hiện nay những người lập chính sách đang áp dụng.
Chọn tiếng Anh là do lịch sử và xã hội đa sắc tộc cần một ngôn ngữ chung. Nhưng đây cũng là một sự nhận thức mang tính tiên tri về sự nổi lên nhanh chóng của tiếng Anh, trong vai trò một ngôn ngữ chung của thương mại và khoa học trên toàn thế giới và một khi đã bám chắc được vào xã hôi, có khả năng nó sẽ tiếp tục làm được như thế trong nhiều thập niên, nếu không nói là hàng thế kỷ tới. Về vấn đề này, Lý Quang Diệu cũng là người nổi bật so với những nhà lãnh đạo thời hậu thuộc địa thuộc thế hệ mình. Không những không chiều theo tình cảm dân tộc hẹp hòi và chọn ngôn ngữ và nền văn hóa của đa số, ông và các đồng nghiệp của mình đã chọn ngôn ngữ toàn cầu cho thành phố toàn cầu này.
Cuối cùng, hệ thống giáo dục của Singapore phát triển cùng với thời gian và dưới ánh sáng của những bằng chứng mới. Trong những năm 1990, các nhà lập chính sách của Singapore lo ngại rằng phương pháp tiếp cận của họ với giáo dục có thể là hơi cứng nhắc và quá tập trung vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) và họ bắt đầu mở đường cho những người xuất sắc trong khoa học nhân văn, nghệ thuật và thể dục thể thao. Quá trình tái lập trật tự vẫn còn đang tiếp tục, bây giờ là nhấn mạnh vào việc tìm cho ra những biện pháp mới nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo và kinh doanh.
Đối với Lý Quang Diệu, giáo dục đã vượt ra ngoài trường học chính quy. Như ông nói trong một bài phát biểu vào năm 1977: “Định nghĩa của tôi về một người có học là người không bao giờ ngừng học hỏi và luôn luôn muốn học hỏi”.
Thật vậy, hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới của Singapore sẽ là một trong những di sản lâu dài nhất của Lý Quang Diệu. Tang lễ cấp nhà nước của ông được tổ chức tại Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore) là hoàn toàn phù hợp.
Stavros N. Yiannouka, Project-Syndicate
Phạm Nguyên Trường dịch
_________
Stavros N. Yiannouka, cựu phó trưởng khoa Trường chính sách công mang tên Lý Quang Diệu tại Đại học Quốc gia Singapore (Lee Kuan Yew School of Public Policy at the National University of Singapore), hiện là Giám đốc điều hành của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về đổi mới giáo dục (World Innovation Summit for Education – WISE), một sáng kiến của Qũy Qatar (Qatar Foundation).
Trích từ blog Phạm Nguyên Trường
(Tạp chí Phía trước)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét