"Chúng tôi buồn vì đã kéo Việt Nam chậm phát triển"
Một cựu phóng viên chiến trường Mỹ đã thú thật với PV báo Một Thế Giới Trong một buổi gặp mặt các cựu PV trên sân thượng khách sạn Caravelle. Vị PV này cho biết lần đầu tiên trở lại VN năm 1985, ông rất buồn vì thấy VN nghèo, nhiều ăn xin và "tôi cảm thấy có lỗi vì đã làm VN chậm phát triển". Nhưng giờ thì mọi chuyện đã khác.
Các cựu phóng viên chiến trường tại
sân thượng khách sạn Caravell
Qua những câu chuyện của họ, có thể nhận thấy sự khác nhau giữa những người cựu quân nhân và cựu nhà báo, phóng viên. Có thể nói là đối với những nhà báo Mỹ như Nick Wheeler hay Al Rockoff họ tới Việt Nam tiếp cận và lấy tin từ cuộc chiến khốc liệt này một mặt vì công việc, mặt khác là một niềm đam mê và khám phá đối ở một đất nước xa xôi, và sự thật những gì đang xảy ra tại đây với những hình ảnh và những tin tức được gửi về nước Mỹ và thế giới bên ngoài Việt Nam.
Nhưng với tất cả những người Mỹ này từng ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất, tất cả đều nhận xét và cảm nhận rằng giờ đây Việt Nam đã thay đổi tích cực, chất lượng cuộc sống cao hơn, như một cách nói vui, "quầy bar ở khách sạn Caravelle có tất cả các loại rượu ngon trên thế giới". Tất cả đều mong những người Việt Nam trẻ tuổi đừng nhìn lại quá khứ mà hãy hướng tới một tương lai tốt đẹp.
Mỗi người một câu chuyện khác nhau, trải qua từng giai đoạn khác nhau của cuộc chiến và cách nhìn nhận khác nhau của họ về cuộc chiến 40 năm trước. Dưới đây là đại diện cho những ý kiến về cuộc chiến trong quá khứ.
John Giannini
Đã từng tham gia quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam trong 2 năm từ 1969 – 1971. Sau đó ông qua Pháp để chuẩn bị cho cuộc hội đàm Paris và đã có mặt ở đó khi hiệp định Paris được ký kết. Sau khi hiệp định được ký kết 1973, ông chủ yếu hoạt động ở khu vực dọc biên giới Campuchia, sau đó phần lớn thời gian làm việc ở Sài Gòn với những người Việt Nam.
Vào những ngày trước 30.4, ông có mặt ở Việt Nam không?
Trước đó tôi có làm việc ở Việt Nam. Nhưng vào khoảng mùa xuân năm 1974 tôi trở lại Campuchia và đã bị thương 2 lần và cảm thấy rất mệt mỏi với các công việc yểm trợ cho các trận giao tranh do đó tôi về lại Paris, khi vào những ngày cuối cùng tôi không thể trở lại Việt Nam.
Sau và trước 1975 Việt Nam, ông có cho rằng Việt Nam trở nên tốt hơn không?
Thật ra rất khó để trả lời câu hỏi này, nhưng có thể nói như thế này, trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam dân số có khoảng 17 triệu người, còn ở miền Bắc ít hơn nhưng cũng gần con số đó, chính phủ mới thật sự không thể kiểm soát và gặp khá nhiều khó khăn vì dân số đột ngột tăng gấp đôi.
Tôi đã từng có thời gian làm việc ở UN (Liên Hiệp Quốc) vào khoảng năm 1983 - 1984, tôi đã có một cuộc gặp với đại sứ và đại diện của Việt Nam ở UN, và họ đã có vài lời nói đùa rằng họ cũng rất biết ơn những chính phủ Miền Nam Việt Nam và chính phủ Mỹ vì đã tạo ra những sản phẩm và cơ sở hạ tầng phát triển trước gần 20 năm". Vì lúc đó đất nước Việt Nam thu nhận được nhiều thứ tân tiến văn minh để phục vụ cho cuộc chiến.
Tôi biết rất rõ về thành phố này, tôi thường ở gần đây khu vực khách sạn Caravelle, nhưng khi trở về Việt Nam lần đầu tiên tôi khó mà tìm được những điịa điểm cũ vì những con đường đã đổi tên.
Chắc hẳn ông thường hay tới khu vực những quán cafe như Givral nổi tiếng ngày trước báo giới nước ngoài thường lui tới và gọi là đài phát thanh Catinat?
Có chứ, tôi cũng thường tới đó, ngoài ra còn có quán Brodard, còn băng qua đường là một khu căn hộ nơi mà có nhiều người bạn tôi và tôi cũng thường ở đó nằm một tòa nhà theo kiểu kiến trúc thuộc địa cũ của Pháp, bây giờ là cửa hàng của Gucci ở đó.
John Giannini tại buổi nói chuyện với phóng viên
Mike Cerre
Mike đã đến Việt Nam vào tháng 11.1970 từng phục vụ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ vào những năm 1970 - 1971 tại Đà Nẵng, và vùng phi quân sự giữa hai miền, và Hạ Lào, và từng bị thương vào tháng 3.1971. Sau khi trở về Mỹ, ông đã chuyển sang hoạt dộng như một nhà báo.
Sau chiến tranh, trở về Mỹ cuộc sống của ông thế nào?
Thật sự thì khi trở về tôi là một người đàn ông trẻ tuổi, tôi khá là buồn về những gì mình đã thấy và đã làm ở Việt Nam, cho nên tôi muốn làm một nhà báo để tìm hiểu về những sự kiện này để tìm ra những câu trả lời lý do tại sao? Tại sao có cuộc chiến này. Tôi nghĩ là những điều mà tôi đã từng trải qua ở Việt Nam làm cho tôi cảm thấy mình muốn trở thành nhà báo thật sự để tìm ra câu trả lời tại sao những chuyện này đã xảy ra.
Vậy ông đã tìm ra câu trả lời cho chính bản thân ông sau một thời gian làm báo chưa?
Thật ra, tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời, nhưng tôi vẫn đang nghiên cứu và tìm hiểu rất nhiều về cuộc chiến, về con người Việt Nam, về nội lực và khả năng thật sự của con người Việt Nam. Theo tôi, nên dùng nó để hướng về tương lai hơn là chỉ nhìn về quá khứ. Người Việt Nam các bạn thật sự có nội lực, tôi không biết tôi sẽ cảm thấy như thế nào nếu điều này xảy ra cho đất nước của tôi. Cuộc chiến này, ngay bây giờ, tôi không nghĩ là tôi sẽ có thể quên được nó đâu. Nhưng con của tôi sẽ quên và dần rồi tôi cũng sẽ quên.
Thế ông nghĩ gì về ngày 30.4.1975?
Thật ra là tôi không có mặt ở đây vào ngày này như vài người bạn tôi ở đây (đưa tay chỉ vào vài người). Nhưng tôi nghĩ như vậy, nó hơi giống với chuyện ngày 4.7 của nước Mỹ, đó là ngày Lễ Độc Lập của Mỹ, một ngày lễ lớn. Vào cái ngày đó, thì những người Anh ở Mỹ đối với họ đó là ngày họ mất đi thuộc địa của mình, và phải mất khoảng vài năm thì họ mới đồng ý để chào mừng cái ngày này, ngày Lễ Độc Lập.
Lúc đó chúng tôi vẫn chưa là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, nhưng tôi nghĩ, trải qua ngày càng nghiều ngày lễ độc lập thì những người Mỹ vẫn tiếp tục tiến lên và phát triển. Cũng như thế hệ người Việt Nam cỡ tuổi các bạn, cũng như con của tôi, chúng nó không biết gì về chiến tranh Việt Nam cả, thời gian sẽ trôi qua, với một nước Việt Nam mới, một nước Mỹ cũng mới.
Vào dịp lễ thống nhất đất nước 30.4 hằng năm của Việt Nam, khi có ai hỏi tới vấn đề chiến tranh, liệu điều đó có làm tổn thương và ông có cảm nghĩ và gợi nhớ về những ký ức gì trong thời chiến?
Dĩ nhiên là có, khi nói về cuộc chiến tôi cảm thấy đây là một cuộc chiến hoài nghi. Ở đây không có người chiến thắng hay người thua cuộc, nhưng bây giờ hãy nhìn vào Việt Nam rất là phát triển và rất sôi nổi với các nguồn động lực, thì tôi cảm thấy tốt hơn.
Lần đầu tiên quay lại Việt Nam, cảm xúc của ông như thế nào?
Lần đầu tiên tôi trở lại vào năm 1987, tôi thật sự khá buồn và cảm thấy mình có phần trách nhiệm trong việc kéo đất nước Việt Nam xuống như vậy. Bây giờ nhìn Việt Nam thì tôi rất là rất phấn khởi, và hãy cố gắng mở ra một chương mới, giống Đại sứ Mỹ mới ở Hà Nội, ông ấy là một người trẻ, đây là thời điểm cho một chương mới. Chúng tôi tôn trọng những người lính Việt Nam đã từng chiến đấu ở đây, nhưng đó là lịch sử, và những người Việt Nam trẻ nên nhìn và hướng về phía trước.
Trong thời chiến ông có người bạn nào là người Việt Nam không?
Có, tôi có quen một người lính Miền Nam khi đóng quân tại khu vực phi quân sự giữa hai miền, anh ta cũng rất tốt. Bây giờ thì tôi có biết vài người Việt kiều, tôi rất ấn tượng với họ, và tôi thấy được sức mạnh của nền văn hóa Việt Nam khi mà có rất nhiều người Việt kiều về nước thăm quê hương như vậy.
Các cựu phóng viên chiến trường tại một buổi triển lãm của nhiếp ảnh gia Catherine Karnow
Nik Wheeler
Từng là phóng viên ảnh làm việc ở Việt Nam trong khoảng thời gian 1967 – 1970.
Ông có thể kể về thời gian mà ông hoạt động tại Việt Nam thế nào không?
Tôi làm việc như một phóng viên ảnh. Tôi có một căn hộ gần khu vực đường Đồng Khởi này, bây giờ chỗ đó là khách sạn Sheraton. Tôi cưới vợ và có con tại đây (Việt Nam). Sau đó tôi qua Trung Đông làm việc, sau hiệp định Paris được ký, trung tâm hình ảnh báo chí mà tôi làm việc yêu cầu tôi quay lại Việt Nam vào năm đầu tháng 4 năm 1975. Lúc đó, tôi ở khách sạn Continental, và làm việc cho tờ tạp chí News Week, vào những ngày cuối cùng họ yêu cầu chúng tôi phải rời khỏi Việt Nam vì lo ngại nhiều mối nguy hiểm có thể xảy ra, đặc biệt là cho người Mỹ.
Ông đã ở đây vào năm 1968, đó là khoảng thời gian Tổng tấn công Tết Mậu Thân, ông còn nhớ về sự kiện này không?
Vâng tôi ở đây vào khoảng thời gian đó giao tranh rất ác liệt, tôi đi theo tác nghiệp cùng với các đơn vị chiến đấu, đó là một nhiệm vụ rất nguy hiểm.
Được biết ông có mặt tại Việt Nam vào những ngày cuối cùng trước 30.4, ông có thể cho biết những ngày đó như thế nào?
Thật sự là rất nguy hiểm! Tôi đến tòa đại sứ Mỹ, có hàng trăm hàng ngàn người chen chúc trước cổng và cố gắng leo lên bức tường để cố gắng vào trong trước sự chứng kiến những người lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đứng bảo vệ, trên tay cầm những cây súng. Ở ở bên trong cũng vậy, có hàng trăm hàng ngàn người, tôi có chụp lại rất nhiều những tấm hình ghi lại cảnh tượng này.
Họ cho biết hiệu lệnh di tản sẽ là bài hát White Chirsmas, Giáng Sinh Trắng, sẽ được phát trên đài phát thanh quân đội Mỹ, đó là lúc mọi người phải xách hành lý lên và đi. Chúng tôi đi ra trạm xe buýt và di chuyển lên xe buýt, thì cũng có rất nhiều người cố gắng đu leo để đi theo, chúng tôi hướng ra phi trường Tân Sơn Nhất, nhưng bị những người lính an ninh chặn lại và nói là ở đây rất nguy hiểm, khi quân giải phóng đang pháo kích vào sân bay, do đó chúng tôi không thể vào được.
Chúng tôi bắt đầu quay qua hướng về sông Sài Gòn để di tản bằng tàu, và ở đó cũng có hàng ngàn người đang cố gắng để leo lên được chiếc tàu. Nhưng chúng tôi lo sợ vì không có đủ thực phẩm và nước uống trên tàu, nên chúng tôi đã quay về đại sứ quán Mỹ, vẫn còn rất rất nhiều người ở đó, những chiếc trực thăng đáp xuống và đón vài người.
Tôi vẫn tiếp tục chụp hình và tới 6 giờ thì trời bắt đầu tối nên tôi không thể chụp được nữa và thời gian đó chưa có máy ảnh kỹ thuật số, tôi vẫn còn dùng những cuộn phim trắng đen nên không thể chụp vào ban đêm. Sau đó là 6g tối chúng tôi lên một chiếc máy bay trực thăng và bay ra hàng không mẫu hạm của Mỹ.
Sau lần trở về đó, ông đã quay lại Việt Nam mấy lần rồi?
Tôi quay lại Việt Nam lần gần nhất là vào cách đây 2 năm cùng với vợ và con trai nhỏ nhất của tôi, còn lần đầu tiên tôi trở về là vào năm 1985 - 1986, khi ấy tôi làm việc cho tờ Washington Post. Tôi đã đi cùng một nhóm người Mỹ, cùng với những cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam, chúng tôi đi ra Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An…
Đó là thời gian sau cuộc chiến khoảng 10 năm, đã có vài thay đổi: những tòa nhà được xây dựng lại, đường phố có vài chiếc xe, có rất nhiều người ăn xin trên phố, nhiều người nghèo.
Và 10 năm sau đó nữa tôi quay lại, thì lần này đã bắt đầu có nhiều khách du lịch hơn, kỳ này tôi đi chụp hình cho một đoàn du lịch, chúng tôi đi đến những địa điểm du lịch và sau đó tôi quay lại cùng nhóm nhà báo vào dịp 30 năm, và lần trước là cách đây 2 năm, và bây giờ đã là 40 năm, đó là một thời gian dài.
Sau khi trở về Mỹ sau năm 1975, ông vẫn theo dõi các tin tức về Việt Nam chứ?
Có chứ, tôi vẫn theo dõi tin tức, người vợ đầu tiên của tôi là người Việt Nam sinh tại Pháp, nên tôi có sự gần gũi quan tâm Việt Nam hơn. Tôi vẫn còn suy nghĩ và đọc tin tức về Việt Nam rất nhiều.
Trong lần trở lại Việt Nam này có nhiều phóng viên chiến trường kỳ cựu
Al Rockoff
Al Rockoff là một phóng viên ảnh người Mỹ đã nổi tiếng bởi độ bao phủ của ông về hình ảnh chiến tranh Việt Nam và hình ảnh khi Khmer Đỏ chiếm lấy Phnom Penh, thủ đô Campuchia. Hình ảnh ông đã được miêu tả lại trong một vai diễn trong bộ phim đoạt giải Oscar "Cánh Đồng Chết" do nam diễn viên John Malkovich thủ vai, mặc dù ông chưa bao giờ hài lòng với vai diễn này. Rockoff được sinh ra ở Pawtucket, Rhode Island và là một nửa của Nga và một nửa Ailen. Ông nhập ngũ Hải quân trong khi chưa đủ tuổi, sau đó ông đã trở thành một nhiếp ảnh gia quân đội tại Nam Việt Nam (Nguồn: Wipkipedia).
Ông đã từng tác nghiệp trên chiến trường Việt Nam phải không?
Tôi đã từng phục vụ như phóng viên ảnh của quân đội Mỹ, sau 2 năm thì xuất ngũ, và trở thành người thường. Tôi trở về Mỹ sau năm 1975 và lần đầu tiên trở lại đây là vào năm 1995, năm 2000, 2005 cho sự kiện "cuộc hội ngộ", và trở về cùng với đoàn cựu nhà báo theo thường kỳ mỗi 5 năm.
Cảm xúc của ông cho những ngày trở về này như thế nào?
Các bạn có biết tại sao những cựu binh Mỹ tham chiến cần phải trở lại Việt Nam không? Họ trở lại đây để nhìn và nhận thấy đây là một đất nước không còn là cuộc chiến như trước, bởi vì điều đó giúp họ giải tỏa những vấn đề trong tâm trí của họ. Họ trở lại để thấy những thành công thay đổi ở đất nước này, đó là sự hòa bình, dĩ nhiên nó tốt hơn là chiến tranh. Tôi có nhiều người bạn là cựu binh Mỹ đã trở lại đây, một vài người còn ở lại để làm việc, làm ăn nữa.
Hoạt động báo chí trong thời kỳ chiến tranh không dể dàng như bây giờ, làm sao ông có thể làm việc và gửi những bức ảnh của mình cho những tờ báo bên Mỹ?
Khi mà tôi làm việc ở Campuchia và cả khi làm việc ở Việt Nam cho UPI, tôi thường gửi đi những cuộn phim chụp trắng đen của mình, lúc đó chưa có kỹ thuật số. Nhưng thường thì những cuộn phim trắng đen này sẽ được rửa hình ra tại Việt Nam, thường cho những tin nóng cần phải được đăng tin nhanh thì họ sẽ gửi đi bằng máy chuyển hình ảnh như đường dây điện thoại, nhưng hầu hết thường họ sẽ rửa hình ra tại đây (VN) và sau đó gửi về Mỹ.
Tôi biết những người khác làm việc cho UPI cũng làm như vậy, cho những tin nóng thì UPI sẽ gửi hình ảnh đi bằng hệ thống truyền tải này, còn ngược lại thì phải tốn mất vài ngày. Tôi cũng làm như vậy ở Campuchia cho AP, với phóng viên tự do như tôi thì họ sẽ chọn lọc hình, có khi họ mua vài tấm ảnh, không nhiều lắm, chừng 2 tấm, với giá không tệ tôi cũng có thể sống nhờ những khoảng đó.
Cám ơn các ông về buổi nói chuyện.
Thảo Hương
http://motthegioi.vn/tieu-diem/chung-toi-buon-vi-da-keo-viet-nam-cham-phat-trien-182425.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét