Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Sovaldi: Viên thuốc nghìn đô

Sovaldi: Viên thuốc nghìn đô
Loại thuốc điều trị bệnh viêm gan C này tên là Sovaldi, nhưng ở Mỹ người ta gọi nó là “viên thuốc nghìn đô”. Giá một viên thuốc là 905 USD, hay 700 Euro. Tạp chí “Euro” đã tính, giá một gram thuốc Sovaldi đắt gấp 20 lần so với vàng.
Thuốc mới được cấp phép lưu hành tại Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái, ở Đức và châu Âu từ đầu năm nay, nhưng hãng Gilead đã thu lợi nhuận rất lớn: 5,8 tỷ USD chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm. Trước khi thuốc được tung ra thị trường, các nhà phân tích dự báo doanh thu cả năm 2014 ước đạt 1,9 tỷ USD.


Ông Jürgen Peter, giám đốc quỹ bảo hiểm y tế AOK của Đức, cho rằng, “chi phí để sản xuất 84 viên thuốc khoảng 100 Euro, vậy mà quỹ phải thanh toán với giá gần 60.000 Euro, đây là điều không thể chấp nhận”. Để điều trị thành công, bệnh nhân phải dùng thuốc liên tục ít nhất 12 tuần lễ, mỗi ngày một viên – tức 84 viên cho một đợt điều trị.



Với người bị bệnh viêm gan C (Hepatitis-C) thì Sovaldi đúng là một “thần dược”. Viêm gan C là bệnh mãn tính, về lâu dài sẽ dẫn đến suy gan, xơ gan hay ung thư gan. Theo kết quả nghiên cứu, với thuốc Sovaldi, tỷ lệ điều trị thành công đạt từ 80 đến 90% – trong khi phương thức điều trị như hiện nay chỉ thành công với tỷ lệ 50 đến 60%. Solvadi cũng được cho là gây ít phản ứng phụ so hơn hẳn so với các loại thuốc cùng công dụng khác. Tuy nhiên giá thuốc cao như vậy có thực sự hợp lý? Giá thuốc này đã hình thành trên cơ sở nào?

“Cái giá này hoàn toàn không thể biện minh được,” nhà bào chế đồng thời là bác sĩ Wolfgang Becker-Brüser nói. Ông bất bình về “khoản lợi nhuận khổng lồ” và cách tính giá thành của Gilead.



Tất nhiên ở đây cần tính cả chi phí nghiên cứu cũng như chi phí để được cấp phép lưu hành. Vấn đề là, theo ông Becker-Brüser, khoản chi phí này hoàn toàn không minh bạch.
Theo ước tính của ngành công nghiệp dược phẩm, chi phí để phát triển và đưa được một loại thuốc mới ra thị trường hết từ 1 đến 1,2 tỷ USD. Song bên cạnh đó cũng có những tính toán cho thấy con số này chỉ vào khoảng một phần mười con số đã nêu.

Người ta không biết chi phí nghiên cứu đối với Sovaldi là bao nhiêu. Chỉ biết năm 2011, Gilead đã mua Pharmasset, hãng công nghệ sinh học cỡ nhỏ đã tham gia nghiên cứu chất hữu hiệu của Sovaldi, với giá 11 tỷ USD.

Các hãng dược phẩm thường lập luận, thuốc của phải cáng đáng chi phí cho hàng loạt dự án nghiên cứu bị thất bại. Tuy nhiên Becker-Brüser không chấp nhận lý lẽ này đối với trường hợp Sovaldi. Ông đưa ra các số liệu kinh doanh của Gilead: Kể từ năm 2007, Gilead hằng năm đều đạt lợi tức doanh thu từ 40 đến 50% – chi phí cho nghiên cứu phát triển Sovaldi cũng rơi vào thời kỳ này. “Con số về lợi nhuận của Gilead thực sự là vô đạo đức,” Becker-Brüser phát biểu.

Các quỹ bảo hiểm y tế không làm được gì nhiều vì loại thuốc mới này rõ ràng công hiệu hơn so với các loại thuốc cũ vì vậy trước mắt quỹ bảo hiểm y tế phải chấp nhận giá thuốc cực cao – điều này đã được quy định về mặt pháp lý. Hơn nữa, cũng theo luật, trong năm đầu tiên, nhà sản xuất có quyền quyết định về giá bán.



Theo luật thì một năm sau, khi thuốc được bán ra thị trường thì quỹ bảo hiểm y tế có thể thương lượng về giá cả với nhà sản xuất. Nhưng do thuốc có nhiều ưu thế nên nhà sản xuất nắm đằng chuôi. Trong trường hợp cực chẳng đã, nhà sản xuất sẽ rút thuốc khỏi thị trường Đức, nếu các quỹ bảo hiểm eo xèo về giá cả.

Cuối cùng chỉ có một cách để buộc giá thuốc phải hạ, đó là thông qua các đối thủ cạnh tranh. Tập đoàn dược phẩm Janssen-Cilag hồi tháng sáu mới đây đã đưa ra thị trường thuốc Olysio cũng rất triển vọng với bệnh nhân viêm gan C. Theo dự kiến, từ giờ đến cuối năm sẽ có ít nhất một loại thuốc nữa chữa bệnh gan mãn tính được đưa ra thị trường.



http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&CategoryID=2&News=7886

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét