Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Doanh nhân muốn gì?

Doanh nhân muốn gì?
Năm nào cũng vậy, nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10, tôi và các đồng nghiệp luôn nhận được nhiều lời chúc mừng của học trò, người thân, bè bạn. Bên cạnh cũng không ít lời phỏng vấn từ các nhà báo. Lời chúc thì cứ na ná 'vượt khó, ăn nên làm ra', 'khỏe mạnh, thịnh đạt', 'phát tài, an vui'… Phỏng vấn cũng loanh quanh mấy việc 'Khó khăn cần tháo gỡ?', 'Mong ước gì nhân ngày 13.10?'…
Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam Nguyễn Phi Long tặng bằng khen cho cá nhân đóng góp tiêu biểu cho công tác Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trong nhiệm kỳ 2011 - 2014 - Ảnh: Bảo Phương

Nhận lời chúc, tôi luôn ghi nhận và cám ơn. Còn nhà báo hỏi thì tôi thường “vấn” lại “Thế các doanh nhân khác nói gì?”. “Thì vẫn những vấn đề muôn thuở như thuế, thủ tục, vốn… và muốn được nhà nước quan tâm hơn”. Nhiều nhà báo khẳng định đây là ý kiến của số đông doanh nghiệp. Nếu vậy, tôi không thuộc số đông đó, có thể khác biệt, chứ chưa hẳn cá biệt. Trộm nghĩ, doanh nhân Việt Nam thuộc hạng giỏi của thế giới. Những doanh nhân chân chính phải kinh doanh trong những điều kiện quá khó khăn và phức tạp. Chẳng nước nào có môi trường kinh doanh như vậy. Loại hình doanh nghiệp thập cẩm, nhân sự “tả pín lù”, pháp luật rối mù nay rày mai khác và cơ quan công quyền nào cũng có thể làm khó dễ.

Từ nhiều năm nay, tôi chỉ nằm mơ và ao ước mấy việc. 


Trước hết là làm sao để môi trường kinh doanh minh bạch chứ không nhập nhằng và mờ ảo như hiện nay. Đó là căn nguyên của cơ chế xin cho và nạn nhũng nhiễu doanh nghiệp. Minh bạch mới có điều kiện giám sát và tạo sự công bằng. Từ vốn, thuế cho đến các chính sách. Từ việc nhỏ như khuyến mại cho đến chuyện lớn là quy hoạch phát triển ngành nghề. Cần phải tư nhân hóa toàn bộ nền kinh tế (trừ vài lĩnh vực về quốc phòng) để tạo sự canh tranh sòng phẳng. Tôi không dùng từ cạnh tranh “lành mạnh”, bởi chỉ có cạnh tranh bình thường hoặc vi phạm pháp luật. Thế giới đều như vậy cả; trừ Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba. Người dân chỉ đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước, các hội đoàn phải tìm cách tự lực về kinh phí. Cũng không để các lực lượng vũ trang phải lo kiếm tiền nên phân tâm khi làm nhiệm vụ.

Thứ hai là pháp luật rõ ràng, không đánh đố người dân và doanh nghiệp. Luật phải khả thi để chống nạn vòi vĩnh và bôi trơn, chứ không làm luật cho có, kiểu ngồi trong phòng lạnh rồi “đùng một cái”. Luật là để thực hiện và không tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhũng nhiễu. Việc cần làm ngay là thay đổi nghị định 43/NĐ-CP 2010. Điều 15, chương III của nghị định đã tiếp tay cho hàng giả lộng hành. Nghiên cứu kẽ hở của nghị định, các doanh nghiệp mới thành lập, lách luật bằng cách thêm vài chữ như “cổ phần, thương mại, dịch vụ, du học…” ghép với những thương hiệu lớn, là tha hồ làm hàng giả hợp pháp. Các doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng đều thiệt đơn thiệt kép vì hàng dỏm, mất niềm tin vào quản lý. Còn nhà nước mất uy tín và thất thu thuế. Chỉ có mấy doanh nghiệp làm hàng giả (được nghị định 43 cho phép) là ung dung “ngư ông đắc lợi”. Việc đơn giản như vậy mà mấy năm nay kêu trời chưa thấu. Càng chậm sửa đổi, đội ngũ các công ty nhái càng hùng hậu bủa vây, những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh càng vất vả chống đỡ đến tội nghiệp.

Mong ước thứ 3 cũng trong tầm tay. Các doanh nghiệp không thể nhờ hỗ trợ khi nhà nước cũng đang tứ bề khó khăn về vốn, thuế, mặt bằng… Nếu chưa giúp được gì cụ thể, xin hãy thôi hành doanh nghiệp bằng những việc không đâu. Đó là việc ngành ngành ra đặc san, kỷ yếu nhân ngày truyền thống. Từ việc đề nghị tham gia quảng cáo đến mua ủng hộ. Rồi các show từ thiện có truyền hình trực tiếp ngoài Hà Nội và tận bên Lào. Có cả giấy giới thiệu của lãnh đạo cao cấp. Tự thân đặc san, kỷ yếu, truyền hình từ thiện không có gì sai trái. Việc cần phê phán là giao chỉ tiêu bằng tiền mặt cho nhân viên thừa hành tìm đủ cách tự xoay sở. Có doanh nghiệp hình thành hẳn bộ phận chuyên tìm cách từ chối những lời mời “bất đắc dĩ” sao cho không mất lòng nhà tổ chức. Doanh nghiệp nào cần quảng cáo hay làm tự thiện đều có cách của mình. Ngay cả việc khen thưởng, cũng thường xuyên được chào mời và có biểu giá hẳn hoi. Không ít công ty tế nhị từ chối vì với doanh nhân, phần thưởng danh giá nhất là “Sự tín nhiệm của khách hàng”. Điều này phải nỗ lực tự thân chứ không thể mua hoặc nhờ ai ban phát.

Mong sao những mơ ước trên sớm trở thành hiện thực, giúp doanh nhân thăng hoa, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Nguyễn Văn Mỹ (*

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141013/doanh-nhan-muon-gi.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét