Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Dân chán chuyện hoang đường: QLTT nếm phân!

Dân không chờ nghe chuyện hoang đường: Quản lý thị trường nếm phân!
(NĐB) Phiên Quốc Hội chất vấn các Bộ trưởng đã khép lại nhưng những bức xúc của người dân chừng như vẫn còn nguyên, thậm chí còn tăng thêm vì những nội dung và cách trả lời của một số Bộ trưởng vừa chưa thể hiện trách nhiệm với dân vừa thiếu chân thực, xem thường dư luận. Điển hình nhất là việc Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra việc Quản lý Thị trường phải dùng miệng để nếm phân hóa học, phân biệt phân thật với phân giả.

Có ý kiến cho rằng Bộ trưởng đã thiếu chú ý trong dùng từ ngữ phát ngôn vì từ “phân” trong tiếng Việt đa nghĩa, dễ làm người ta liên tưởng đến một loại phân khác. Rõ là một sơ suất đáng tiếc đối với một chính khách. Đáng tiếc hơn nữa là sơ suất chữ nghĩa này lại diễn đạt cho một chuyện hoang đường, hoàn toàn không có thật, không thể xảy ra.

Có thể ra biên bản, quyết định xử phạt từ kết quả nếm phân?


Cho rằng các cán bộ Quản lý Thị trường dũng cảm, trách nhiệm, chịu làm cái việc nguy hiểm, độc hại cho sức khỏe là nếm phân đi nữa thì cơ sở nào, mùi vị nào, căn cứ nào để cái lưỡi có thể xác định được đâu là phân giả đâu là phân thật? Mùi vị đặc trưng của phân thật là gì và mùi vị đặc trưng của phân giả là gì? Liệu cơ quan Quản lý Thị trường có dám ra quyết định hoặc lập biên bản xử phạt một lô hàng nào đó căn cứ vào cái lưỡi của cán bộ mình đã nếm hay không và một văn bản như vậy (nếu có) liệu có giá trị pháp lý để thi hành?

Hơn thế nữa, Quản lý Thị trường như tên gọi của nó là cơ quan quản lý, chức trách thẩm định, kiểm định thuộc về cơ quan khác và Việt Nam đâu có thiếu các tổ chức kiểm định tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Công việc của Quản lý thị trường chỉ là kiểm tra, lấy mẩu, trưng cầu giám định và kết luận xử lý. Thế thì vì sao Bộ trưởng lại nêu ra những điều không có thật và phi lý lại phản cảm đến như vậy? 

Rất tiếc là trên nghị trường Quốc Hội hơn 400 đại biểu quyền lực của dân cũng không ai có chất vấn, phản biện gì thêm để cho những lời nói vô căn cứ mặc sức tuôn tràn. Ông Bộ trưởng than rằng hoạt động của cơ quan quản lý thị trường khó khăn, đời sống cán bộ khó khăn nhưng thật tình cờ cũng trong thời gian đó, TAND TPHN đã đưa ra xét xử vụ một thanh niên giả danh con trai của Bí thư Thành ủy Hà Nội lừa lấy tiền của Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội 15.000 đô la. Dám, và có ngay 15.000 đô la để cho một người xa lạ “mượn” chắc hẳn ông Chi cục trưởng này không thể là diện khó khăn.

Những doanh nghiệp có hàng bị nháy, bị giả phải cậy nhờ đến Quản lý thị trường kiểm tra xử phạt, chắc hẳn không thể nhờ bằng miệng và tay không. Đương nhiên là họ phải chịu hết mọi chi phí hoạt động và có thêm tiền bồi dưỡng.

Xuất siêu qua Mỹ để rồi nhập siêu hàng điêu Trung Quốc

Nhưng câu chuyện chống hàng giả, hàng lậu chỉ là câu chuyện nhỏ trong tầm vóc của vai trò Bộ Công thương với nền kinh tế quốc gia. Người dân chờ nghe nhưng không thấy Quốc hội hỏi những vấn đề cốt tử về trách nhiệm Bộ Công thương đối với hiện trạng kinh tế.

Theo số liệu của Cục Xúc tiến Thương mại-Bộ Công thương, năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đạt gần 28 tỷ USD. Riêng tính đến tháng 10 vừa qua, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt gần 19 tỷ USD. Theo đó, dệt may đứng đầu về kim ngạch, tiếp đến là giày dép, đồ gỗ và nội thất, đồ cơ khí, đồ điện tử… 

Thế nhưng cũng theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng qua, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 20,17 tỷ USD. Nếu đà nhập siêu này vẫn duy trì ở mức này, hết năm nay, còn số nhập siêu từ Trung Quốc có thể chạm hoặc vượt mốc 27 tỷ USD, tăng gần 3,3 tỷ USD so với mức nhập siêu cả năm 2013. 

Ai cũng biết rằng, 27 tỉ USD nhập siêu từ Trung Quốc ấy là những thiết bị lạc hậu, hàng hóa kém chất lượng, thậm chí là rau quả, thực phẩm độc hại. Với bức tranh sạm màu về cán cân xuất nhập khẩu ấy dễ thấy rằng, người dân đã vét mót sức lao động làm hàng gia công hoặc các loại nguyên liệu nông sản xuất khẩu sang Mỹ tạo ra nguồn ngoại tệ cho quốc gia, để rồi nguồn ngoại tệ hiếm hoi ấy lại chạy ngược ra đổ dồn vào Trung Quốc đổi lấy những hàng hóa kém chất lượng, những thiết bị cũ kỹ lạc hậu. Trách nhiệm đó của ai, nếu không phải là trách nhiệm điều hành của Bộ Công Thương?

Một sự kiện đắng chát khác xảy ra trước kỳ họp Quốc hội không lâu mà báo chí đã thông tin là nông dân Cà Mau phải đốt mía vì nhà máy không thu mua nguyên liệu. Điệp khúc được mùa, mất giá đã xảy ra đối với tất cả các mặt hàng nông sản từ lúa gạo, cao su, cà phê… làm đời sống người dân kiệt quệ, thậm chí dẫn đến tình trạng phá sản hàng loạt ở các doanh nghiệp và trang trại cà phê ở Tây Nguyên. Trách nhiệm đó thuộc về ai?

Sau gần ba mươi năm đổi mới hiện đại hóa, công nghiệp hóa, công nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra được mặt hàng gì, đã tiến bộ đến mức nào mà chưa sản xuất được cái ốc vít cung cấp cho nhà máy Samsung? Trong khi bên cạnh Việt Nam, đất nước Campuchia đã sản xuất thành công xe ô tô điện giá rẻ chỉ 6000 USD thì Việt Nam với chương trình chiến lược ưu đãi cho sản xuất ô tô nội địa vẫn dừng chân ở mức độ lắp ráp là chính, tỉ lệ nội địa hóa rất thấp.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ThS Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới cho biết: - Năng lực của Việt Nam đang ở mức thấp nhất - mức lắp ráp - chẳng sản xuất được cái gì. Doanh nghiệp ngoại vào muốn mở rộng đầu tư thì phải có lực lượng hỗ trợ bên trong, đằng này chính sách của Việt Nam chỉ khuyến khích lắp ráp rồi xuất khẩu, hoặc nhập về để bán thì làm sao có thể phát triển được. Việt Nam sẽ vẫn hội nhập được nhưng theo kiểu phụ thuộc và trở thành đất để cho nước ngoài làm ăn chứ chẳng kiếm được gì cho mình.

Trách nhiệm của Bộ Công Thương sẽ làm gì để cải thiện tình trạng này, cử tri, người dân chưa nghe Bộ Trưởng trả lời.

Một vấn nạn nhức nhối khác hoàn toàn không phải do khách quan mà chính do Bộ Công thương đề xuất và nỗ lực thực hiện, bất chấp phản biện xã hội của giới trí thức và dư luận đó là đề án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Một đề án mà ai cũng thấy rõ tác hại nguy hiểm hết sức lớn về môi trường, nguy cơ về an ninh quốc phòng, hiệu quả kinh tế thấp nói trắng ra là lỗ nặng, tác hại đến hệ thống giao thông đường bộ… 

Một đề án mà phía Trung Quốc được hưởng lợi, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu, xuất khẩu lao động dư thừa, còn phía Việt Nam nhận lãnh tất cả thiệt thòi, hệ quả xấu. Đến nay, càng lúc những dự báo, nguy cơ ấy càng hiện rõ nhưng phương án khắc phục, nói trắng ra là phương án chấm dứt đề án chưa thấy bàn đến, để mặc các nguy cơ ngày càng lớn hơn, mức độ sa lầy ngày càng sâu hơn.

Giải trình là phải đưa phương án chứ không thể kêu khó hay khoe thành tích

Người dân đã vui vẻ đóng thuế để xây tòa nhà Quốc hội hơn 5000 tỉ đồng thì cũng mong muốn sinh hoạt tại tòa nhà đó hiệu quả. Sự giám sát, chất vấn của Quốc hội phải nhắm vào những vấn đề cốt tử, căn cơ của đất nước. Ý kiến giải trình trả lời của Bộ Trưởng trước Quốc Hội và quốc dân phải là những giải pháp, những đề án giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, tồn tại. Người dân khó có thể chấp nhận cách giải thích bao biện kêu nghèo, kể khó hoặc thừa thải như chuyện chứng minh con bò có bốn cái chân hay chuyện hoang đường cán bộ nếm phân. Xin chấm dứt kiểu giải trình biện minh, kể công là tôi đã làm gì, đã cố gắng như thế nào mà phải nghiêm túc nhận trách nhiệm vì sao hàng vạn doanh nghiệp bị khai tử? Vì sao mỗi năm đều tiêu phí, đều mất cân đối mậu dịch với Trung Quốc hàng chục tỉ đô la? Vì sao đất nước công nghiệp hóa hàng chục năm vẫn không làm được con ốc vít? Giải pháp nào giải quyết vấn đề nghiêm trọng đó?

Kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy phần nào đó sự tín nhiệm thấp đối với một số Bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Công thương nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức bỏ phiếu chỉ để cảnh báo, để nhắc nhở và cứ để Bộ trưởng ung dung “nếm phân” trong lúc nền kinh tế cứ dậm chân, nông dân ngày càng cạn kiệt sức chịu đựng, doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ tiếp tục bị hao khuyết thì rõ là Quốc hội, lãnh đạo đất nước đã quá nhẹ tay với những người chưa làm tròn trách nhiệm và quá thờ ơ trước nhu cầu cuộc sống và nguyện vọng chính đáng của người dân.

http://nguoidongbang.blogspot.ch/2014/11/dan-khong-cho-nghe-chuyen-hoang-uong.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét