Chúng ta là những người thích đùa
Tất cả những gì gây bức xúc cho dư luận đều được hóa giải bằng một chữ “đùa”, lỡ va cốc bia vào đầu nhau, lỡ chuyện mua bán bằng tiến sĩ… Cách đây vài ngày, khi công bố kết quả khảo sát 80% người dân hài lòng với chất lượng dịch vụ hành chính công, báo Lao động đã chạy hàng tít rất to: “Thật hay đùa?”. Cũng là một câu hỏi cho vui thế thôi, chứ đọc bài thì ai cũng biết là thật hay đùa.
Hai ông phó giám đốc sở ở Bình Phước, sau “hiểu nhầm”
lại thân ái ngồi bên nhau. Ảnh: báo Người lao động.
Khảo sát gì mà có tới 46% số người thực hiện cho biết là người thân của công chức, rất nhiều người trình độ thấp, cán bộ còn phải giải thích mới biết điền vào đâu và khảo sát có nhận “thù lao”. Cái sự đùa ấy, thể hiện rõ nhất ở vụ hai ông Phó Giám đốc Sở ở Bình Phước đánh nhau trong quán karaoke trong giờ hành chính, máu me be bét phải chở đi bệnh viện khâu đầu khâu tai. Thế mà trong bản giải trình, các ông Bùi Quốc Khánh và Phạm Thành Chung lại thi nhau kể tiếp chuyện đùa. Ông Khánh trần tình: “Khi thấy anh Chung đứng dậy và đưa ly ra cụng, tôi vội đưa hai tay ra để giữ anh Chung ngồi xuống vì nghĩ mình nhỏ tuổi hơn anh Chung. Tuy nhiên, khi đưa tay ra thì vô tình chạm vào đầu anh Chung làm ly bia bị bể. Mọi người gần đó nhìn thấy vậy tưởng là đánh nhau nên chạy đến đưa tôi ra ngoài và tôi cũng về luôn... Lúc đó tôi không biết anh Chung bị thương và mọi người tưởng lầm tôi đánh anh Chung”.
Ông Chung giải thích: “Tôi đứng dậy cụng ly thì ông Khánh dùng hai tay chụp vào vai tôi, ly bia ông Khánh cầm trên tay va vào đầu tôi làm chảy máu. Thấy vậy anh em trong phòng tưởng đánh nhau nên can ngăn, đưa ông Khánh ra khỏi phòng”.
Đến thánh cũng chả nghĩ ra được cách giải thích hợp lý và êm như ru thế này, tay ông Khánh vô tình chạm vào đầu ông Chung làm ly bị bể, đầu ông Chung vô tình va vào ly bia của ông Khánh khiến tét máu chút chút. Còn lại là do người ngoài hiểu nhầm, tưởng hai ông đánh nhau. Đấy nhé, cái này là lỗi của người ngoài.
Đọc xong bản giải trình của hai ông Khánh và Trung, tôi chợt có thiển ý hay là kính chuyển hai ông sang CSGT, chỗ bộ phận chuyên làm văn bản giải trình các vụ “dùi cui lỡ va vào đầu dân” hoặc “gây vô tình va vào vỡ mặt dân”. Bởi văn phong giải trình của hai ông phó này đọc lên thấy sao mà gần gụi thế.
Còn nếu bên CSGT mà đông người làm việc đó quá rồi, thì tôi kính đề nghị chuyển hai ông sang làm cán bộ nguồn cho các sân khấu hài. Bởi vì suốt ngày xem mấy danh hài quanh đi quẩn lại vài gương mặt chắc bà con cũng chán lắm rồi, nên có thêm nhân tố mới.
Một ông khác nữa, thiết nghĩ cũng nên cho gia nhập băng tấu hài luôn, đó là ông PGS.TS Đàm Khải Hoàn, Trưởng bộ môn Y học cộng đồng, phó trưởng khoa Y tế cộng đồng ĐH Y dược - ĐH Thái Nguyên.
Ông này trọng trách đầy mình, thế nhưng khi bị nhà báo trình băng ghi âm ông định bán bằng tiến sĩ y khoa giá 200 triệu đồng, ông giải thích như sau: “Đó chỉ là chuyện phát ngôn thiếu chuẩn mực”.
Lãnh đạo trường ông Hoàn công tác thì nhận xét nhược điểm của ông Hoàn là tính tình bộc trực, khá nóng tính, nhưng nhiều khi xuề xòa và đơn giản hóa trong giao tiếp, dễ bị lợi dụng. Đôi khi thể hiện sự áp đặt, phát ngôn, phê bình tùy tiện, không đúng lúc, đúng chỗ. Thế là vụ việc ùm xùm ì xèo vừa qua đã có kết luận, chỉ là “lỗi phát ngôn” thôi.
Một vụ khác, đình đám hơn, đó là vụ thi tuyển công chức ở Bộ Công thương gây bức xúc dư luận. Mới đây, Bộ Công thương có thông báo khẳng định Cục Quản lý cạnh tranh đã tổ chức Kỳ thi tuyển công chức năm 2013 đúng theo các quy định hiện hành, bảo đảm tính công bằng, công khai và minh bạch.
Khi phóng viên báo Tiền phong yêu cầu lãnh đạo Bộ Công thương công khai kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an) gửi Bộ Công thương về vụ thi tuyển công chức ở Cục Quản lý thị trường, lãnh đạo bộ cho biết “đó là tài liệu tuyệt mật, không thể công bố”.
Còn khi phóng viên hỏi ông Bạch Văn Mừng- Cục trưởng Quản lý cạnh tranh: “Ông bình luận thế nào về việc theo đơn thư, để trúng tuyển thí sinh phải “lót tay” cho lãnh đạo cục 5.000 USD?” Ông Mừng trả lời: “Mình nói cái này là không có”.
Tóm lại là toàn chuyện đùa, hiểu nhầm cả thôi, chứ cán bộ công chức của chúng ta đều là người tốt cả. Mà nếu họ có lúc nào đó có biểu hiện không tốt như đánh nhau vỡ đầu chảy máu, gạ bán bằng tiến sĩ thì hoặc là do thiên hạ hiểu nhầm hoặc là do họ phát ngôn thiếu chuẩn mực tí ti, ngôn ngữ vỉa hè gọi là: “Chả có gì mà phải xoắn”.
Xã hội chúng ta có thể kết luận là một xã hội rất thích đùa, tốt quá đi chứ. Chỉ có đùa mới hóa giải được hết, chuyện lớn thành bé, chuyện bé thành êm xuôi, dân vui vẻ, đất nước hạnh phúc.
Xin mạn phép nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để sửa lời một câu hát của ông: “Sống trong đời sống, cần có một chữ “đùa”.
Mi An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét