Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Sống hài hòa hay nhu nhược với TQ?

Sống hài hòa hay nhu nhược với TQ?
Trong thời gian gần đây, giữa lúc Bắc Kinh ngày càng lấn áp VN về hầu như mọi mặt, nhất là liên quan vấn đề lãnh hải, lãnh thổ, thì phản ứng của phía cầm quyền trong nước bị công luận cáo giác là “ hèn với giặc, ác với dân”. Nhưng vấn đề là cư xử yếu hèn với phương Bắc liệu họ có “tha” cho mình không?
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trong nghi thức chào đón tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác từ Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản tại Hà Nội ngày 12 tháng 10 năm 2010. AFP PHOTO

Mong chút tình ‘hữu nghị’?

Trong mối quan hệ Việt-Trung lâu nay, diễn biến bất lợi dồn dập về phía VN có lẽ khiến không ít người liên tưởng tới, cách nay ít lâu, khi lên tiếng trước cử tọa qua diễn văn đáp từ trong buổi lễ nhận chức GS Danh dự trường Đại học Y khoa Hà Nội, giáo sư Thạch Nguyễn, chuyên gia nỗi tiếng về tim mạch của Hoa Kỳ, từng công tác lâu năm tại Á Châu, nhất là ở TQ, có lưu ý rằng “Không phải cứ qụy lụy, hạ mình luồn cúi thì người Trung Quốc sẽ ban thêm cho chút tình ‘hữu nghị’ và cơ hội ‘hợp tác’ đâu”.

Khi đề cập tới dòng lịch sử hàng ngàn năm của VN từng trải qua cảnh “TQ luôn muốn biến đất Nam Việt thành một tỉnh của họ nhưng không thành. Các đoàn quân với binh hùng, tướng mạnh sau những cuộc chinh phục lẫy lừng ở nhiều nơi khác, lúc đến biên cương Việt Nam đều phải khựng lại vì sức kháng cự của dân Việt”, nhà báo tự do Bùi Văn Phú cảnh báo rằng “hiểm họa xâm lăng từ phương bắc thời nào, lúc nào cũng có”. Trận hải chiến đẫm máu ở Hòang Sa hồi năm 74, chiến tranh biên giới Viêt-Trung vào năm 1979 khiến 6 vạn chiến sĩ và thường dân Việt hy sinh, biến cố đẫm máu Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988 là những thí dụ hãy còn nóng bỏng trong dòng lịch sử cận đại VN.
Đối với TQ, chiến lược lâu dài là họ muốn khuất phục VN, muốn chiếm VN. Còn những chiến thuật trước mắt, từng bước từng bước, là họ làm như là  họ giúp đỡ, họ quý VN.
-GS Nguyễn Thế Hùng
Có lẽ bối cảnh như vậy khiến nhà báo Hạ Đình Nguyên không khỏi mạnh mẽ báo động – nếu không muốn nói là cáo giác – rằng “ 35 năm trước, Đặng Tiểu Bình đã “dạy Việt Nam một bài học”. Bài học ấy chính là sự ngây thơ tin vào một thứ ý thức hệ không bình thường, ảo tưởng về một thứ ‘tình cảm anh em’ không đúng chỗ”.
Nhà báo Trần Khải than rằng “ thế mới biết, trước giờ Việt Nam vẫn tin vào đàn anh Trung Quốc chỉ là nằm mơ, chỉ là mò trăng đáy nước. Chủ nghĩa xã hội tiêu tùng rồi, chủ nghĩa bành trước Đại Hán vẫn không ngừng vươn xa...!”.
Từ Đà Nẵng, GS Nguyễn Thế Hùng lên tiếng:
“Đối với TQ, chiến lược lâu dài là họ muốn khuất phục VN, muốn chiếm VN. Còn những chiến thuật trước mắt, từng bước từng bước, là họ làm như là  họ giúp đỡ, họ quý VN. Nhưng thật ra không phải như thế. Và đối với TQ, họ được đằng chân họ lân đằng đầu. Cho nên giới cầm quyền VN bây giờ không thể cứ chìu theo ý của họ, nhân nhượng họ là họ tha cho đâu. Không phải như vậy. Mà đó là những chiến thuật để Bắc Kinh lấy lòng. Hành động của TQ đối với VN giống như tằm ăn dâu - con tằm ăn lá dâu mình nhìn không thấy đâu, nhưng nó gặm nhấm một tí một tí.Tức là đối với TQ, họ lấn VN hết chỗ này đến chỗ khác.”

Lý do dễ hiểu?

Sinh viên Việt Nam tại Nhật cũng xuống đường biểu tình 
chống Trung Quốc hôm 25/6/2011. AFP photo
Khi nhận định về vấn đề “VN giữa ý thức hệ và chủ nghĩa quốc gia”, TS Nguyễn Hưng Quốc từ Úc thẳng thừng nêu lên câu hỏi rằng tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại cứ khăng khăng bám víu vào cái ý thức hệ cũ kỹ như vậy để nhắm mắt trước nguy cơ lấn chiếm của Trung Quốc và sẵn sàng đạp vào mặt người dân Việt yêu nước? Và GS Nguyễn Hưng Quốc tìm được “lý do tương đối dễ hiểu”, đó là giới cầm quyền VN “sợ Trung Quốc hơn sợ dân” của mình.
Nhắc tới chuyện hành hạ người yêu nước chống phương Bắc xâm lược, có lẽ nhận xét của GS Tương Lai khi lên tiếng mới đây với Đài ACTD cho thấy rõ điều này:
“Ở đây, nó nói lên thảm cảnh đất nước hiện nay. Cái thời mà Lê Chiêu Thống cầu viện Tôn Sĩ Nghị cũng không nhục nhã như hiện nay. Trước các sức ép, vừa mới thò mồm ra nói được một câu thì sau đó thụt lại, đấy là vấn đề. Đâu phải chỉ là vấn đề chiến tranh biên giới? Ngay như hôm qua về cái án phúc thẩm của Luật sư Lê Quốc Quân, thực ra gần như đã có thỏa thuận và người ta biết rằng Lê Quốc Quân là một trong những người cùng với vài người khác như Điếu Cày…được hứa hẹn sẽ được thả, nhưng cuối cùng có cái sức ép nào đấy buộc chưa thể được và vẫn y án. Đấy là nỗi đau của một đường lối sai lầm và nó khởi sự từ Hội nghị Thành Đô cho đến bây giờ.”
Cái thời mà Lê Chiêu Thống cầu viện Tôn Sĩ Nghị cũng không nhục nhã như hiện nay. Trước các sức ép, vừa mới thò mồm ra nói được một câu thì sau đó thụt lại, đấy là vấn đề.
-GS Tương Lai
Đặc biệt là kể từ khi Hà Nội bị “sụp bẫy Thành Đô” hồi năm 1991 đến nay, chuyện Trung Nam Hải khống chế xứ đàn em phương Nam xem chừng như ngày càng sâu đậm, khiến GS Nguyễn Thế Hùng không khỏi báo động rằng hiện giờ, một trong những vấn đề quan trọng nhất là Bắc Kinh can thiệp vào nhân sự cấp cao của VN – rất nguy hiểm. Theo GS Nguyễn Thế Hùng, một dân tộc mà bị ngọai bang can thiệp vào nhân sự cấp cao như thế thì cực kỳ nguy hiểm, cộng thêm một trong những nỗi bất hạnh nhất của VN là nằm ở cạnh người đàn anh khổng lồ “4 tốt và 16 chữ vàng” - mà lại nằm ngay trên con đường mà GS Nguyễn Thế Hùng mô tả là Hoa Lục âm mưu “mở mang bờ cõi phải đi ngang qua VN”. GS Nguyễn Thế Hùng nhận thấy:
“Sự bất hạnh đó, ông cha chúng ta từ hàng ngàn năm nay rồi đã biết rằng sống cạnh bên TQ thì một trong những yếu tố thiết yếu là phải đại đòan kết dân tộc. Ví dụ như nhà Trần ba lần đại thắng quân Nguyên Mông thì cũng nhờ đại đòan kết dân tộc. Do đó, bất cứ chế độ nào mà muốn tồn tại lâu dài thì, trước hết, là trong ấm thì ngòai mới êm được. Trong ấm tức là phải đại đòan kết dân tộc. Cho nên cái thời Lê Chiêu Thống người ta không ủng hộ. Lê Chiêu thống thần phục, luồn cúi, cầu cứu Tàu. Những hành động đó, hàng ngàn năm, để lại tiếng xấu muôn đời. Do vậy, tôi nghĩ là giới lãnh đạo VN ngày nay, nếu quả thực nhìn xa trông rộng, thì họ phải nghĩ hàng ngàn năm sau đối với dân tộc này: Dân tộc sẽ vinh danh họ hay nguyền rủa họ đời đời như trường hợp Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc…Như thế thì không phải giới cầm quyền VN hiện nay chìu TQ, tỏ ra sợ sệt, làm theo ý họ thì họ tha đâu. Không phải vậy đâu. Cái chiến thuật của Hoa Lục là lần lần túm cổ để rồi nắm yết hầu VN, để sau cùng, VN chết đến nơi!”
Cũng theo dòng lịch sử VN, GS Trần Khuê từ Saigòn nhận thấy giữa VN với TQ xưa nay bao giờ cũng có mâu thuẫn, nhưng các vị vua chúa VN ngày xưa vẫn có chính sách là bên ngoài thì làm mặt hòa hoãn còn trong vẫn kiên quyết giữ vững chủ quyền. GS Trần Khuê nhấn mạnh rằng hòa hoãn chứ “không thể nhu nhược được”, ông nói thêm:
“Tại hội nghị Biển Đông vừa rồi, tôi vẫn nói là VN mềm dẻo chứ không thể mềm nhũn để rồi Bắc Kinh muốn làm gì thì làm. Không thể có cái thái độ nhu nhược, hèn yếu như vậy được. Cho nên, ông đại diện của Đại sứ quán Mỹ hồi ấy hỏi tôi rằng “Thầy nói là đi với Tàu thì mất nước còn đi với Mỹ thì mất đảng. Theo ý thầy thì thế nào?”. Tôi đáp, “Chỉ có đi với nhân dân là không mất cái gì cả. Mà còn được tất cả”. Do đó, tốt hơn hết là giới cầm quyền đi với nhân dân. Đối với TQ, bề ngoài thì mình giữ hòa hiếu thế thôi chứ bên trong thì VN phải luôn luôn cảnh giác, chứ không thể nào hèn yếu với họ được.”
Nếu hèn yếu, thì, như GS Nhật Noboyoshi thường nhắc nhở học giả, viên chức xứ Phù Tang đến hội họp hay công tác ở Bắc Kinh về một ngạn ngữ thông dụng tại chính Hoa Lục, rằng “Nếu bạn xử sự như một con lừa thì đừng ngạc nhiên là hôm nào đó, có người cưỡi trên lưng trên cổ bạn”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét