Putin không ký được thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc
“Kết quả này cho thấy, Nga không muốn giảm giá bán khí đốt để giành điểm số chính trị trước phương Tây”... Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thượng Hải ngày 20/5 - Ảnh: AP.Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Alexei Miller, Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom cho hay, các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn tiếp tục nhằm đạt tới sự đồng thuận. Tuyên bố này được ông Miller đưa ra sau khi ông Putin và ông Tập ký các thỏa thuận song phương trong đó không có thỏa thuận về khí đốt.
Nga và Trung Quốc đã đàm phán về thỏa thuận trên trong suốt một thập kỷ, nhưng chưa thể đi đến kết quả cuối cùng do cả hai bên còn những bất đồng về giá cả.
Trước cuộc gặp ngày hôm qua giữa ông Putin và ông Tập, giới chức Nga cho biết hai bên đã tiến rất gần đến chỗ đạt thỏa thuận, mở đường cho việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt nối giữa quốc gia sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới với nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.
Người đứng đầu điện Kremlin đang có chuyến thăm chính thức Trung Quốc dự kiến kết thúc hôm nay (21/5).
Trong bối cảnh Nga chịu sự trừng phạt của Mỹ và châu Âu liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, giới quan sát kỳ vọng, khả năng Nga-Trung đạt thỏa thuận khí đốt trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Putin là rất cao. Tuy nhiên, kỳ vọng này đã không trở thành sự thực.
“Kết quả này cho thấy, Nga không muốn giảm giá bán khí đốt để giành điểm số chính trị trước phương Tây”, ông Chris Weafer, nhà sáng lập công ty tư vấn Macro Advisory ở Moscow, đánh giá. “Nguy hiểm nằm ở chỗ, nếu năm nay không có thỏa thuận với Nga, Trung Quốc có thể chuyển hướng sang tìm khí đốt ở các nước khác”.
Theo phát ngôn viên của Tổng thống Putin, hai nước hiện tiếp tục đàm phán về vấn đề giá cả, và có thể đạt thỏa thuận bất kỳ lúc nào.
Nếu Nga-Trung đạt thỏa thuận khí đốt, Gazprom sẽ xây dựng một đường ống dẫn khí trị giá 22 tỷ USD sang Trung Quốc. Đường ống này có khả năng vận chuyển 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Theo dự kiến mà Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak đưa ra hồi tháng 3, Gazprom có thể bắt đầu cung cấp khí đốt cho Trung Quốc từ năm 2019-2020. Tuy vậy, do hai bên chưa đạt thỏa thuận, thời hạn này sẽ bị lùi lại.
Theo số liệu của công ty Nomura International Hong Kong, khối lượng khí đốt trên tương đương khoảng 1/4 mức tiêu thụ khí đốt hiện nay của Trung Quốc và đáp ứng khoảng 10% nhu cầu khí đốt của nước này vào năm 2020.
Trong đàm phán thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc, Nga muốn sử dụng giá trong hợp đồng ký với các khách hàng ở châu Âu để làm giá chuẩn. Trong khi đó, Trung Quốc đề xuất mức giá thấp hơn dựa trên mức giá mà nước này mua khí đốt từ Trung Á.
Theo số liệu của công ty tư vấn CLSA, giá bán khí đốt của Gazprom ở châu Âu trong năm ngoái trung bình là 380,5 USD/1.000 mét khối. Nếu lấy giá này làm chuẩn, thì theo CLSA, giá khí đốt Nga vận chuyển tới biên giới Trung Quốc là khoảng 335-350 USD/1.000 mét khối.
Với mức giá như vậy, thỏa thuận khí đốt Nga-Trung sẽ có trị giá tổng cộng 400 tỷ USD trong vòng 30 năm.
Tập Cận Bình đang chờ khí đốt từ dàn khoan HD981.
Trả lờiXóa