Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Đổ nước đường

Đổ nước đường
Tác giả : Tràm Cà Mau
Vợ chồng ông Năm đối xử với nhau lịch sự như tiên ông tiên bà. Họ chưa hề to tiếng và gắt gỏng nhau. Cũng có khi bất đồng ý kiến, nhưng họ biết tạm thời gác lại các khác biệt, để mà vui hưởng thời gian trời cho sáu mươi phút trong một giờ.
Vợ chồng ông Năm đối xử với nhau lịch sự như tiên ông tiên bà. Họ chưa hề to tiếng và gắt gỏng nhau. Cũng có khi bất đồng ý kiến, nhưng họ biết tạm thời gác lại các khác biệt, để mà vui hưởng thời gian trời cho sáu mươi phút trong một giờ. Bà Năm thường nhắc nhở chồng rằng, hơn thua nhau mà làm chi, không có lợi cho ai, mà thiệt đến cái vui, cái yên ấm của gia đình.

Bí quyết của ông Năm để giữ lịch sự với vợ, là khi nào cũng tự nhủ thầm rằng, đây là “cô em gái” mới quen biết, phải cưng chiều, nhẹ nhàng, ngọt ngào, may ra “cô em” mới xiêu lòng, dại dột ngã vào vòng tay mình. Nhờ đó, mà khi nào bà Năm cũng thấy sung sướng, hạnh phúc, và thấy thương ông chồng hơn. 

Phần bà Năm, cũng theo một phương sách, xem ông như “người anh trai” mới gặp gỡ, bà phải tỏ ra dễ thương, lời nói ngọt như mía lùi, hiền như Đức Mẹ, thì may ra ông mới bị điên đảo tâm thần, u mê ám chướng, dám thương “người-dưng-khác-họ” ngang bằng, hay hơn cả cha mẹ ông. Người xưa có khuyên “Tương kính như tân”, nghĩa là kính trọng nhau như buổi ban đầu, câu nói đó, ai cũng biết, mà không mấy ai đem áp dụng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Bởi vì hàng ngày sống chung va chạm thực tế rất trần tục, thì không bực, không xem thường nhau là quý rồi, nói chi đến cái kính trọng?

Một số bạn bè của bà Năm, có những ông chồng thiếu chung thủy, các bà vợ nầy không hiểu tại sao những cô nhân tình của chồng vừa xấu xí dung nhan, vừa thấp kém, mà ông chồng lại mê như điếu đổ, dám lén lút tư tình, ngày đêm thương nhớ. Có bà cho rằng, đàn ông ham mê của lạ. Nhưng theo bà Năm, thì vì các cô nhân tình nầy khi nào cũng ngọt ngào, dịu dàng, vuốt ve, nịnh bợ, tâng bốc các ông lên tận mây xanh. Làm tự ái của các ông được thỏa mãn. Trong khi vợ nhà thì gầm gừ, nạt nộ, chê bai, nói xấu, hạ thấp các ông chồng sát ván, thì các ông đi tìm thỏa mãn tự ái bên ngoài, chẳng có chi là lạ.

Phần bà Năm thì ngày đêm cứ “đổ nước đường” cho chồng, làm cho ông có cảm tưởng rằng, tuy ông chẳng “ngon lành” gì với ai, nhưng là thứ yêu quý của bà vợ. Ông cố gắng giữ cho xứng đáng với lòng tin vô điều kiện của vợ. Bà khen ông đủ thứ chuyện, khen khi riêng tư, khen với bà con, bạn bè, khen khi có mặt ông, khen cả sau lưng ông. Khen ông tài giỏi, trí thức, rộng lượng, dịu dàng, hiểu biết, vị tha, thương người, có trái tim ấm áp. Có người cười vào mặt bà khi nghe lời bà khen chồng. Nhưng kệ họ, bà cứ nghĩ ông đáng được khen tặng, và bà biết lời khen đó, thế nào cũng dội lại tai ông, làm ông vui sướng. Chồng vui là đủ rồi, ai cười mặc xác họ.

Ông cũng khen bà không tiếc lời, nào là đảm đang, khéo léo, ngọt ngào, dịu dàng, hy sinh, biết vun xới cho hạnh phúc gia đình, biết thấy nửa ly nước đầy chứ không phải nửa ly nước vơi, không đòi hỏi, chẳng mơ ước cao xa. Ông cho bà là một người phụ nữ lý tưởng, mà ai cưới bà, cũng sẽ tìm được hạnh phúc đầy tràn. Bà có đủ công dung ngôn hạnh. Ông thường ngâm nga hai câu thơ của một thiền giả bạn ông; “Con ta đẹp tựa thiên thần. Vợ ta tiên nữ xuống trần độ ta”. Bà biết lời thơ thậm xưng, nhưng cũng làm cho bà sung sướng lâng lâng. Một kẻ tầm thường và khiêm tốn đến mấy đi nữa, khi được xem là tiên nữ của một ngưòi khác, thì phải sướng ngất ngây, và sẵn sàng làm đủ thứ chuyện cho người tôn xưng mình.

Trong một tiệc rượu, có ông bạn say ngà ngà, nói rằng: “Nếu có một người nào đó chê bai ta như vợ ta chê, gầm gừ nạt nộ ta, thiếu lịch sự với ta, và đòi hỏi đủ điều vô lý, mà ta vẫn chịu đựng được, thì kẻ đó, chính là vợ ta, chứ không ai khác”. Ông Năm tiếp lời và sửa lại câu nói rằng “Nếu có một người nào đó khen tôi như vợ tôi khen, nhỏ nhẹ dịu dàng và lễ độ với tôi, không ham muốn chi cao xa cả, làm cho đời sống tôi thêm ý nghĩa, hạnh phúc, thì người đó, chính là vợ tôi chứ không ai khác”. Nhiều ông bạn kêu ầm lên rằng, đó là trưòng hợp cá biệt, không phải là trường hợp chung, vì ông nào trong tiệc rượu nầy, cũng bị vợ mắng chửi, chê bai, không nhiều thì ít.

Ông Năm nói rằng, các bạn bị vợ la mắng nạt nộ, thiếu lịch sự cũng tại lỗi của các bạn. Trước hết, các bạn đã làm gì, để biến một cô em dịu dàng dễ thương ngày xưa thành một bà chằng hống hách nạt nộ. Hoặc vì các bạn thô lỗ, thiếu khôn khéo, ít dịu dàng, không ngọt ngào với vợ, hoặc các bạn làm điều lầm lỗi to lớn, làm khổ các bà, hoặc vì các bạn quá chìu chuộng, nhường nhịn đến độ nhu nhược, để các bà leo lên cổ bạn ngồi, quen rồi, không gạt xuống được nữa. Phần nào cũng tại lỗi của các bạn cả. Nếu biết đặt ra một giới hạn nào đó, để vợ bạn không vượt qua, và đừng để cho ai vượt qua cái mức đó, thì tình trạng tồi tệ khó có thể xảy ra. Ngay cả con cái, nếu được cưng chiều quá đáng, nó cũng sẽ cảm thấy bị ức hiếp và coi cha mẹ không ra gì, và kết quả thành đứa con hư, không dạy được nữa.

Một ông bạn cãi rằng: “Làm sao mà đặt ra giới hạn được? Khi mới lấy nhau về, tôi nói với vợ rằng, tôi muốn điều khiển mọi sự trong gia đình như một vị thuyền trưởng trên chiếc tàu. Vợ tôi đáp rằng cô ấy hoàn toàn đồng ý, nhưng xin tôi đừng quên, phải xem cô như một vị Đô Đốc Hải Quân. Thế thì xem như đã thua ngay từ khi chưa ra quân chứ còn gì?”. Mấy ông bạn cùng cười với nhau vui vẻ. Chỉ có ông Phan ngồi trầm ngâm, thở dài không nói. Ông Phan nguyên là giáo sư đại học, lấy một cô vợ là sinh viên của ông. Ngày xưa, bà vợ ngưỡng mộ, kính trọng và xem ông như một bậc thánh chữ. Nhưng khi đã kết duyên xong, thì cái vị trí thiêng liêng của ông càng ngày càng hạ thấp xuống, cho đến khi sát tận đất đen, và bà xem thường ông như một kẻ vô tích sự, lẩm cẩm. 

Những góp ý của ông trong gia đình, đều bị bà đáp lại bằng những cái trợn mắt nghiêm khắc, làm ông chùn lại như một kẻ phạm tội. Bà đơn phương quyết định mọi sự, ông không có quyền xía vào. Bởi vì khi nào bà cũng tự cho là đúng, và nghĩ rằng ông luôn luôn sai. Có người hỏi ông Năm tại sao sự việc đảo lộn như thế, từ kính trọng, đến xem thường tệ mạt. Ông Năm cười và giải thích rằng, khi ông Thánh đã luồn tay vào bụng người đàn bà, thì đừng mong chi còn sự kính trọng. Vả lại, khi sống chung dài ngày, thì cái tầm thường của ông Thánh phơi bày ra quá rõ ràng, và như ca dao nói “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Trong lòng bà, ông ấy đã được tôn vinh lên làm thần tượng, mà thần tượng nào rồi cũng sụp đổ. Khi thần tượng sụp đổ, thì đau. Thà không là gì hết, mà lại khỏi bị sụp.

Nhiều người biết chuyện gia đình ông Năm, gán cho bà Năm là cái “lò nấu mật đường”. Mỗi khi nghe giọng nói thỏ thẻ ngọt ngào của bà với ông chồng, nhiều ông bạn tức uất lên, cho rằng ông Năm đã bị vợ đổ nước đường, bị mê hoặc. Ông Năm thì vui vẻ nói với bạn rằng, thà được đổ nước đường vào tai, còn hơn là bị tạt a-xít lên mặt. Bị tạt a-xít mà vẫn phải cắn răng chịu đựng mới đau. Ông nói thêm rằng, ông Trời còn ưa nghe lời nịnh nọt, huống chi ông là một kẻ phàm phu tục tử.

Mỗi khi nhờ chồng làm việc gì, bà Năm thỏ thẻ: “ Anh ơi, anh có thể nào giúp cho em việc nầy không? Em cám ơn anh lắm. Nếu anh bận thì thôi, để khi khác, hoặc em sẽ làm lấy cũng được” Nghe lời ngọt ngào đó, dù có bận việc khác, ông Năm cũng bỏ ngang, để giúp vợ. Lời dịu dàng của bà, có hiệu quả hơn lời gắt gỏng, lên giọng sai bảo của các bà vợ khác. 

Ông Năm đã từng nghe vợ bạn ông ra lệnh cho chồng làm việc nầy, việc kia, và nếu các ông bạn chưa kịp làm, thì to tiếng phiền trách than vãn. Các ông chồng nầy, miễn cưỡng làm việc vợ sai bảo, với tâm trạng bực bội, khó chịu, đôi khi làm cho xong, cho có. Riêng ông Năm, thì làm việc vợ nhờ với tâm trạng phơi phới, vui vẻ, vì ông giúp vợ, chứ không phải làm theo mệnh lệnh. Ông làm với hết cả tấm lòng.

Một lần bà Năm nghe bạn chê chồng : “Ông ấy lười không lấy chi tả được. Vụng về, tay chân loạng quạng, chẳng làm được việc gì nên thân. Con người đó, không có tim, óc, độc ác, thiếu nhân từ” Bà Năm nhẹ nhàng nói với bạn: “Chị chê chồng như vậy, nhưng nghĩ kỹ xem, có ông nào khá hơn ông chồng chị không? Thử chỉ cho tôi xem với!” Bà bạn xì một tiếng và nói: “ Tôi thấy trong bạn bè, ông nào cũng hơn ông chồng của tôi. Như ông Phan, ông Lê, ông Trần chẳng hạn. Ông chồng tôi tệ nhất đám”. Bà Năm cười mà nói: “Tôi nghe bà Phan, bà Lê, bà Trần đều chê các ông chồng thậm tệ, như chị chê chồng chị. Ở ngoài nhìn vào, thì không thấy sự thực, nhưng sống chung lâu ngày, mời biết rõ tận tường. Nhưng tôi nói cho chị biết, tìm cho ra những người như chồng chị, như ông Phan, ông Lê , ông Trần cũng không phải dễ. Khó lắm. Các bà không thấy ưu điểm của chồng mình, mà chỉ nhìn vào khuyết điểm để than van trách móc. Ai mà không có những khiếm khuyết. Phải nhình vào ưu điểm của các ông, để mà vui sống cho hạnh phúc. Đứng bên núi nầy, thấy núi bên kia xanh tươi long lanh diễm ảo, nhưng qua bên kia nhìn lại, mới biết cái núi của mình cũng đẹp đẽ muôn màu. Không nên đem chồng người khác mà so sánh với chồng mình. Phải nhớ, mình cũng may mắn lắm, mới kết duyên được với mấy ông nầy. Các ông không phải là đồ bỏ đi đâu nhé. Ngày xưa được các ông ngỏ lời cưới làm vợ, chúng ta đều mừng hết lớn, chứ đâu phải ỏng eo chê bai. Chị xem, như con Huyền em tôi, chê chồng, bỏ chồng, chạy rong rong săn chồng mới cả mười năm nay không tìm ra được một kẻ tệ cỡ ông chồng cũ. Chúng ta cũng vậy, nếu bỏ mấy ông nầy ra, thì cũng chẳng ai dám rước, không ai tốt hơn các ông nầy đâu.

Bố mẹ của ông Năm thì khác hẳn, khẩu chiến triền miên. Hầu như suốt ngày lo cãi nhau là việc chính yếu. Ông bà cụ tranh nhau hơn thua từng tấc từng li. Họ tranh luận gay gắt cả những điều hoàn toàn không liên hệ đến chính họ. Ví như cãi nhau rằng mùa đông năm ngoái lạnh hơn mùa đông năm nay, người Do Thái đáng thương hơn người Palestine, khoai tây ngon hơn khoai lang. Có nhiều điều, hai ông bà cụ đều đúng cả, mà cũng cãi nhau tưng bừng. Tiếp theo là to tiếng, rồi bà nói hỗn, lôi tội lỗi xưa của ông ra mà nhiếc móc. Ông thì giận run, tím mặt, bà thì khóc lóc bù lu. Gia đình không khi nào thiếu sóng gió vì chuyện tranh luận hơn thua giữa hai ông bà. Con cái trong gia đình tìm cách xa lánh, không dám về thường xuyên để tránh tên bay đạn lạc. Ông Năm thường khuyên rằng, hơn thua nhau làm chi, ai đúng ai sai thì chẳng được gì, mà tranh cãi, làm cả gia đình mất đi cái êm ấm, cái hạnh phúc. Nếu cái đúng và cái sai đó, có thể vun xới thêm cho gia đình, thì cũng nên tranh cãi, mà chỉ tranh cãi nhẹ nhàng, trong tinh thần xây dựng, chứ không phải để được thua. Nhưng lời của ông Năm chỉ như nước đổ là khoai, bố mẹ ông đã ghiền cãi nhau, ghiền đập vỡ cái yên ấm gia đình. Cũng có thể nhờ thấy gương của bố mẹ, mà ông Năm tìm ra được lối cư xử hợp lý hơn, để nuôi dưỡng cái êm ấm của gia đình riêng ông.

Bà Năm thường nói rằng, mục tiêu chính của con người trên thế gian là đi tìm hạnh phúc. Làm việc kiếm tiền, tích trữ tài sản, cũng chỉ nhắm đến việc mưu cầu hạnh phúc. Đi theo một lý tưởng đẹp, cũng chỉ vì muốn đem lại hạnh phúc cho người khác, muốn phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân loại. Nếu mỗi người tự lo được cho hạnh phúc của cá nhân họ, thì cũng đỡ gánh nặng cho xã hội, cho người khác. Bà tự lo cho hạnh phúc riêng của gia đình, và bà quan niệm rằng, trong một quốc gia, nếu nhà nhà đều được hạnh phúc, thì đó là một xã hội lý tưởng, mong ước muôn đời của nhân loại.

Ông bà Năm đã về hưu, hưởng trợ cấp an sinh xã hội, không nhiều, nhưng đối với ông bà, thì đã quá đủ. Theo ông, thì có nhiều bao nhiêu cũng thiếu, mà có ít bao nhiêu cũng đủ. Cái thiếu hay cái đủ đều nằm trong tâm, chứ không phải ở con số. Không nhiều tiền, nhưng ông bà Năm ăn tiêu thoải mái. Cứ theo câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Họ sống thong thả, không hà tiện, chẳng kiêng dè. Nhưng ăn tiêu hợp lý, khi cần, thì tiêu, không ngại. Mùa nào thức đó, mua thức ngon nhất mà ăn, vì họ không còn ăn được nhiều như thời còn trẻ trung.

Ông bà Năm tự cho là họ giàu có hơn rất nhiều người trên thế gian nầy. Giàu thật sự, chứ không phải tự an ủi. Vì hai ông bà biết đủ, không ham, không thèm muốn có thêm tiền của, hay thứ gì khác. Ông thường lặp lại một câu của ai đó, nói rằng: “ Nếu một người giàu, đã có một trăm triệu đô-la, mà còn muốn có thêm hai trăm triệu nữa, thì người đó nghèo hơn tôi hai trăm triệu, vì tôi chỉ có mấy ngàn bạc thôi, mà đã thấy là đủ”. Có lần, một ông bạn khoe đã là triệu phú rồi, bà Năm hỏi rằng, là triệu phú thì ông hơn người khác cái gì? Có ăn được nhiều hơn ba bữa không? Có ngủ thêm được giờ nào không? Có an bình hạnh phúc hơn ai không? Ông triệu phú tẽn tò, không trả lời được.

Có người cho rằng, hai ông bà lạc quan tếu, tự mãn không đúng. Nhưng chính ông bà Năm, không hề nghi ngờ chút nào về mức độ giàu có của họ. Tiền không nhiều, mà chẳng bao giờ thấy thiếu thốn. Đó là chìa khoá của sự giàu sang. Hai ông bà giàu tình thương gia đình, giàu hạnh phúc, giàu hoà hợp, tương nhượng, giàu không khí êm ấm trong tình vợ chồng, lại được bà con bạn bè yêu mến. Họ không muốn cái gì hơn nữa.

Hai ông bà Năm có chương trình “mỗi ngày một món ngon” và xem như hàng ngày đều đi ăn tiệm. Khi thì nấu theo kinh nghiệm, khi thì theo lời bạn bè dạy, khi thì học được trên đài truyền hình. Dù đã biết cách nấu ăn ngon, ông bà Năm vẫn chịu khó lắng tai nghe người khác truyền nghề nấu ăn, để lấy thêm kinh nghiệm, và bổ khuyết cho cách nấu cũ. Mỗi ngày một món: phở, bánh canh, bún bò, mì quảng, mì vịt tiềm, cá hấp tương gừng, sườn dê nướng, thịt bò chiên, bò kho, bò tái chanh, và nhiều món rặc mùi đồng quê như canh tập tàng, canh bí, mướp, rau lang chấm tôm kho đánh. Thức ăn nấu tại nhà hợp với khẩu vị và chế biến tinh vi hơn. Cứ đúng một tháng, mới quay lại món cũ. Những khi học được món lạ chiếu trên truyền hình, ông bà Năm chạy xe xuống chợ, tìm mua vật liệu, về nhà nấu thử và mời thêm bạn bè đến thưỏng thức.

Mỗi sáng, hai ông bà dậy sớm, cùng tập thể dục theo cử động hoa tay múa chân, vừa tập thể dục, vừa xem truyền hình, vừa nghe nhạc vui và bàn tán đủ thứ chuyện. Họ đã dặn nhau, chỉ nói chuyện vui, không nói chuyện buồn. Nói lời lạc quan vui tếu, không bàn đến các vấn đề bi quan, buồn bã. Khi đài truyền hình không có tin tức hấp dẫn, thì họ xem phim truyện. Ông bà lựa những phim khôi hài, vui nhộn, làm tinh thần phấn chấn. Ông bà không xem những phim buồn, tránh những chuyện tình sướt mướt éo le đầy nước mắt. Không tội chi mà cõng cái buồn vô cớ lên lưng, làm cho u ám một ngày bình thường. Những năm trước, khi còn đi làm, ông bà không bao giờ đem chuyện khó khăn buồn phiền ở sở về nhà, cũng không kể lể về những chuyện rắc rối của bà con, bạn bè, đồng nghiệp. Sợ làm mất cái thanh thản tự nhiên của gia đình. Nghe chuyện buồn của người khác, không giải quyết hay giúp đỡ gì cho thiên hạ được, thì thà quên đi, đừng để ý đến, cho đời sống được bình yên hơn.

Sau khi thể dục xong, ông bà ngồi vào bàn, pha trà nhâm nhi, và cùng ăn điểm tâm. Sáng nào ông ngâm câu thơ: “Mời em cạn chén trà hương. Khi ngày mới chớm khói sương mịt mờ. Trăm năm thu ngắn một giờ. An vui, hạnh phúc bên bờ thần tiên.” Bà ngâm tiếp theo: “… Mời nhau đối ẩm trà sương. Mỗi ngày uống cạn hoa hương đất trời” Ông châm thêm trà vào chén cho bà. Bà cầm chén đưa lên môi tận hưởng hương thơm và vị đắng ngọt trong cổ họng.

Một khoảnh vườn nhỏ ven hè được ông bà chăm sóc, trồng đủ thứ rau màu như ớt, sả, hành, ngò, tần ô, rau thơm, rau răm, rau húng, mồng tơi, cà chua, cải cay , và có một thau trồng rau muống, những thứ rau nầy, đủ cho bà Năm nấu những món ăn đậm đà mùi vị quê hương. Mỗi ngày tưới vun, cũng giúp cho ông bà tìm được chút thư giãn tâm hồn.

Bà Năm tập thưởng thức những thú giải trí của đàn ông, như xem các trận thể thao, các cuộc so tài của những võ sĩ. Bà biết và nhớ tên của những cầu thủ lừng danh. Biết đội banh nào hay, đội nào tầm thường, và năm nào thì ai giật được giải vô địch. Bà bàn luận về chiến thuật, chiến lược của từng đội cầu. Cùng vỗ tay reo hò khi gay cấn. Riết rồi bà cũng mê xem tranh tài thể thao trên truyền hình. Có lần đội banh của thành phố tỉnh nhà được vào tứ kết, hai ông bà cũng lùng mua cho ra vé đi xem trận đấu, cũng la lối, hò hét chung với khán giả đến khản cổ, và đêm về rất khuya, đi bộ thật xa mới đến bãi đậu xe. Ra về, còn bàn tán hăng say.

Dù không ưa xem thi sắc đẹp hoa hậu thế giới, hoa hậu nước Mỹ, ông Năm cũng cùng bà xem, cho có bạn, làm bà vui hơn. Ông bình luận về từng thí sinh, và chấm điểm mỗi người trước khi giám khảo tuyên bố. Ông cũng tập hòa hợp với cái sở thích của bà, để cùng cọng hưởng niềm vui.

Mỗi đêm khi trời lạnh, hai ông bà đắp chung chăn, nằm vừa nói chuyện vừa xem thi đấu thể thao, vừa nghe nhạc, và đọc sách. Không ai biết tại sao họ có thể cùng thưởng thức bốn loại giải trí trong cùng một lúc. Tay ông bà cầm sách và đọc khi truyền hình thể thao tạm ngưng để quảng cáo. Tiếng nói của máy truyền hình thể thao được điều chỉnh thật nhỏ, chỉ khi nào muốn nghe, thì phải lắng tai thật kỹ. Một truyền hình khác, đang phát những bài hát có nhạc cảnh kèm theo. Khi thấy vui, hai ông bà thì thầm bàn tán, tâm sự dong dài. Đôi khi cả hai ngủ quên, để truyền hình chiếu mãi đến khuya.

Bà Năm thường tự nhủ lòng rằng, cố sống sao cho trọn vẹn, sống như ngày mai sẽ phải chết. Xử sự với chồng như ngày mai sẽ không còn nhau. Để mỗi ngày, mỗi giờ không có gì phung phí của trời cho. Đố ai mà biết được những bất ngờ của định mệnh. Đang khoẻ mạnh, người nào cũng có thể lăn đùng ra mà về trời luôn. Có thể bị tai biến mạch máu não, tim, có thể gặp tai nạn bất ngờ. Khi sống, cố gắng vuông tròn. Đừng để đến khi mất nhau rồi, mới làm được điều tử tế, hoặc khóc lóc, hoặc ân hận việc đã làm, việc chưa làm.

Bà Năm không sợ thua chồng trên bất cứ lãnh vực nào, bởi vậy nên bà chưa bao giờ cố tranh hơn thua với ông. Bà thà chịu thua để được có tình thương, còn hơn thắng, mà mất cái êm ấm của gia đình. Tình thương quý hơn tất cả. Hơn thua với chồng, đâu có ích lợi gì. Bởi vì bà biết điều như thế, nên ông chồng bà cũng không bao giờ lấn lướt vợ. Ông luôn bảo vệ ý tưởng của bà. Ông thường nói rằng, lẽ phải có nhiều mặt khác nhau, mà phía nào cũng có phần đúng lẫn phần sai. Theo ông, thì không ai hoàn toàn đúng, không ai hoàn toàn sai. Đừng tranh luận đúng sai làm gì cho mất thì giờ sống. Đôi khi hai vợ chồng ông cũng có những ý tưởng xung khắc, nhưng không vì vậy mà tranh luận cãi vã cho ra lẽ phải. Bà tôn trọng ý ông, ông tôn trọng lối suy nghĩ của bà.

Có những đêm ông bà Năm ra bực đá bên bờ biển câu cá. Cắm một cái lều vải nhỏ che sương. Hai người ngồi chờ cá cắn câu, nói chuyện và nghe nhạc êm dịu nho nhỏ phát ra từ một cái máy radio. Khi câu được những con cá ngon, bà Năm mở lò ga, nấu cháo ngay trên bãi, có tiêu, hành, ngò và nước mắm đã mang theo sẵn. Hai vợ chồng cùng xì xụp húp cháo nóng, cay, và bí mật nhấp chén rượu cay cho ấm bụng. Sau đó, câu tiếp, hoặc vào lều nằm nghỉ ngơi một chốc, rồi ông nhịp đàn cho bà hát những khúc vui tươi yêu đời. Có khi cùng đồng ca, lời hát vang vang trên bờ biển cùng với tiếng sóng vỗ rì rào trong đêm khuya.

Bà Năm có giọng ấm áp và thích hát. Cho nên những khi bạn bè tổ chức hát Karaoke thì ông bà hăng hái tham gia. Bà không thích hát theo nhạc đệm trong dĩa, mà thích được ông chồng đánh đàn cho bà hát, và khi đến những đoạn cần được tiếng hát phụ làm nền, thì ông hát theo bà. Có khi hai vợ chồng đi xa hơn trăm dặm, để tham gia buổi ca nhạc bỏ túi, và trở về nhà vào hai giờ sáng giữa mùa đông rét mướt. Ông Năm thu tiếng hát của bà vào dĩa cứng, thỉnh thoảng mở ra nghe, để tìm vui, và để bà thấy được những đoạn hát chưa được hay, hoặc sai nhịp. Ông Năm cũng biết làm thơ. Thơ của ông chỉ viết cho bà, và ca ngợi tình yêu của bà, lòng hy sinh của bà, và cám ơn bà đã đem lại hạnh phúc bình thưòng cho gia đình. Ông chỉ để riêng cho bà đọc thôi, không phổ biến trong bà con bạn bè.

Con cái của ông bà đã lớn, đi làm ăn xa. Hai ông bà lo cho nhau, chăm chút cho hạnh phúc từng giờ, từng ngày. Tuổi già, không cần phải lao động mà tháng tháng vẫn có tiền an sinh xã hội chuyển vào trương mục ngân hàng, đủ cho gia đình ăn tiêu thong thả. Ông bà cho đó là một hồng ân, ơn phước của xã hội ban cho. Hai ông bà ý thức rằng, họ còn sung sướng hơn nhiều tỉ người trên thế giới nầy. Hàng trăm triệu người trên thế giới nầy còn thiếu ăn hàng ngày, còn không đủ áo quần chống rét lạnh. Hàng trăm triệu người già không có nơi nương tựa, đời sống bấp bênh, con cái không đủ khả năng phụng dưỡng. Hàng trăm triệu gia đình phân ly, sống cô đơn trong tuổi già, góa bụa. Chưa kể những người đau yếu, bệnh hoạn nặng nề.

Ông bà Năm thường cám ơn Trời đã cho ông bà có sức khỏe tạm ổn định như hôm nay, đời sống tương đối không thiếu thốn vật chất và gia đình còn nguyên vẹn. Bởi vậy, nếu không biết chăm sóc cho hạnh phúc gia đình, không biết hoan hỉ với hoàn cảnh hiện tại, thì thế nào cũng bị trời phạt, lấy mất đi một phần hay tất cả những ân huệ đang có. Bởi vậy, trước tiên ông bà biết tử tế với bản thân, rồi tử tế với người hôn phối, bà con, bạn bè, láng giềng và tha nhân.
Ông bà Năm nói với nhau rằng, hạnh phúc gia đình cũng như trồng cây, cần phải chăm nom, tưới bón, vun trồng, hoa hạnh phúc mới nở tươi tốt. Không thể mãi trách móc nhau, nói nặng lời với nhau, đòi hỏi nhau những điều quá đáng, mà mong cuộc sống gia đình được hạnh phúc êm ấm. Ông bà biết cho nhau vô điều kiện, mà không đòi hỏi phần trả lại, và nhìn thấy những tình thương mà người phối ngẫu dành cho.

Ông bà Năm học được rất nhiều từ cặp vợ chồng cãi nhau suốt ngày, gắt gỏng nhau vô cớ, nói nặng lời với nhau, bực bội nhau, tranh hơn thua nhau từ tí. Nhưng những người nầy toàn là kẻ tốt bụng, hiểu biết, và dễ thương, lịch sự. Họ chỉ tốt, dễ thương, dịu dàng, lịch sự với người ngoài thôi. Còn với vợ chồng, họ đối xử như những người không biết điều, những kẻ thô lỗ thiếu lịch sự và không ngại tự làm tổn hại đến cái êm ấm hạnh phúc của gia đình họ. Đáng ra, họ được sung sướng hạnh phúc bên nhau, nhưng họ đã tự làm cho cuộc sống trở nên nặng nề, khó chịu, và gia đình đi gần đến địa ngục. Thấy cái gương của họ để ông bà Năm soi và tự sửa mình.

Vợ chồng ông bà Năm khi nào cũng đối xử với nhau như thời mới quen biết, lịch sự, ngọt ngào, dịu dàng, nhường nhịn nhau, cho nên hoa hạnh phúc trong lòng họ tươi tốt, nở thắm bốn mùa. /.

Tràm Cà Mau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét