Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

"Thăng trầm" của Thống đốc Nguyễn Văn Bình

Nhìn vào cách điều hành chính sách tiền tệ của Thống đốc Bình trong hai năm qua, tôi cũng đánh giá Thống đốc đã làm việc khá tốt; nhưng sẽ là tốt hơn nếu chính sách tiền tệ được thắt chặt từ từ chứ không quá vội vàng như bác đã làm. Tuy nhiên bên cạnh điều hành chính sách tiền tệ, vấn đề cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, quản lý vàng, tỷ giá... thì có nhiều vấn đề cần bàn.
"Thăng trầm" của Thống đốc Nguyễn Văn Bình
(Kienthuc.net.vn) - Tuy nhận được số phiếu "tín nhiệm thấp" cao nhất trong 47 chức danh được lấy phiếu nhưng phải thấy rằng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã làm được nhiều việc lớn cho hệ thống ngân hàng.
Sáng 11/6, khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn được công bố, không khí làm việc tại hội sở của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chùng xuống. Đa phần họ đều tỏ ra buồn, tránh bình luận về kết quả tín nhiệm của "sếp" mình. Với 209 phiếu "tín nhiệm thấp", 194 phiếu "tín nhiệm" và 88 phiếu "tín nhiệm cao", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình là người có số phiếu "tín nhiệm thấp" cao nhất trong số 47 chức danh chủ chốt được lấy phiếu.
Nhiều người tỏ ra nuối tiếc về kết quả lấy phiếu tín nhiệm nhưng những chuyên gia ngành ngân hàng, từng là đồng nghiệp của Thống đốc thì lại có cái nhìn lạc quan về kết quả này vì họ thấy được những việc làm to lớn mà Thống đốc đã làm được cho hệ thống ngân hàng quốc gia.
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. 

Tháng 8/2011, ông Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau 3 năm đảm đương vai trò Phó thống đốc. Trở thành Thống đốc ở tuổi 50 khi những yếu kém và bất cập của hệ thống ngân hàng vốn dĩ đã tồn tại nhiều năm, nay bộc lộ gay gắt hơn bao giờ hết dưới tác động của nền kinh tế vĩ mô bất ổn. Hệ thống ngân hàng ốm yếu với tỷ lệ nợ xấu cao, thanh khoản mất cân đối, trình độ quản lý và năng lực quản trị rủi ro chưa đồng đều. Trong khi đó, tình trạng đô la hóa, vàng hóa trở nên gay gắt hơn khi dân chúng suy giảm niềm tin vào đồng tiền Việt Nam cũng như triển vọng kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành ngân hàng còn đứng trước áp lực phải giảm lãi suất để hỗ trợ cho tăng trưởng, nhân tố sẽ cản trở việc chống lạm phát vốn là mục tiêu phải đặt hàng đầu.
Kín tiếng và ít xuất hiện trước công chúng sau ngày nhậm chức, song Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhanh chóng bộc lộ rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành: Nói ít nhưng đã nói là làm, và đôn đốc làm cho đến nơi đến chốn. Một khi đã tuyên bố chủ trương, ông tổ chức ngay các cuộc họp bàn giải pháp triển khai. Và ngay sau các cuộc họp bàn đó, hàng loạt văn bản, chính sách được ban hành. Trong 3 tháng ông nhậm chức, Ngân hàng Nhà nước ban hành 19 Thông tư trong khi con số của cả năm 2010 chỉ là 23.

2 tuyên bố của ông được đặc biệt chú ý là giảm lãi suất cho vay về 17-19% trong vòng 2 tháng sau ngày nhậm chức và giữ tỷ giá tăng không quá 1% cho tới cuối năm. Với sự quyết liệt của ông, các mệnh lệnh đưa ra được thực thi nhanh chóng, hiệu lực tức thì. Sau các giải pháp cấp quota nhập khẩu vàng, lập nhóm 5 ngân hàng cùng SJC bình ổn giá, cho cân đối trên tài khoản nước ngoài, thị trường vàng đã bước đầu hạ nhiệt, không còn cảnh tranh mua tranh bán khi giá biến động, khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới dần thu hẹp. Thị trường ngoại tệ sau những ngày loạn giá đôla trong chính ngân hàng đã lặng sóng. Thống đốc cũng yêu cầu các nhà băng cam kết lãi suất huy động dưới 14%/năm, lãi suất đầu ra tại các khu nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu còn 16-19% vào cuối tháng 10/2011. Để các ngân hàng tuân thủ trần lãi suất huy động, Thống đốc đã khuyến khích các ngân hàng giám sát lẫn nhau.

Tuy nhiên, những việc Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã làm chỉ là bước khởi động của cả quá trình với nhiều gian nan, thử thách còn chờ ở phía trước.

Sang năm 2012, câu chuyện về lãi suất của năm không thể giải quyết chỉ bằng cam kết mang tính ghi điểm của người đứng đầu ngành ngân hàng. Chỉ tính trong 2 năm 2011-2012, đã có gần 100.000 doanh nghiệp "chết". Thị trường bất động sản đóng băng, các ngành sản xuất liên quan tê liệt. Niềm tin của thị trường xuống thấp, ngân hàng không còn tin doanh nghiệp, doanh nghiệp không tin ngân hàng và bản thân doanh nghiệp cũng không tin nhau. Sức ép đặt ra cho ngành ngân hàng lúc này không chỉ đến từ doanh nghiệp mà còn đến từ lãnh đạo các thành phố lớn; Chính phủ và Quốc hội cũng truy vấn ngân hàng và vào cuộc để tìm ra nguyên nhân khiến dòng vốn khơi mãi vẫn chưa thể thông, dù ngân hàng tuyên bố hạ lãi suất. Cái khó của ngành ngân hàng nằm ở chỗ vừa phải điều tiết lượng tiền để kiểm soát lạm phát, lại vừa lo giảm lãi suất và bơm vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu cao chưa kịp xử lý có nguy cơ trở thành cục máu đông làm tắc nghẽn nền kinh tế. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi đứng trước Quốc hội cũng đã thừa nhận đây là việc vô cùng khó, thậm chí xin nhận nửa giải Nobel nếu giải quyết được một nửa bộ ba bất khả thi là tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá.

Đích thân thống đốc nhiều lần đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ. Ông ra chỉ thị giảm lãi suất cho vay xuống dưới 15%, tuy nhiên ông cũng thể hiện rõ quan điểm không cứu doanh nghiệp bằng mọi giá, không cấp vốn cho những đơn vị đi vay vốn bằng mọi giá, đặc biệt những trường hợp không có vốn tự có, chỉ dựa vào ngân hàng để kinh doanh. Sau đó, hơn 80% dư nợ toàn hệ thống đã giảm lãi suất xuống dưới 15%. Tính chung cả năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt gần 9%, mặt bằng lãi suất huy động giảm 3-6%, cho vay giảm 5-9% so với cuối năm 2011.


Ảnh minh họa: Internet

Với vàng và ngoại tệ, cái khó lớn hơn rất nhiều, bởi nó liên quan tới tâm lý thiếu tin tưởng tiền đồng của người dân Việt, liên quan tới chuyện làm ăn của hàng chục nghìn đơn vị đầu tu kinih doanh vàng... Hàng loạt chất vấn đặt ra cho cá nhân Thống đốc khi ông xuất hiện trên diễn đàn Quốc hội. Tại sao khi nhậm chức, ông tuyên bố chênh lệch giá vàng nội - ngoại chỉ 400.000 đồng/lượng mà giờ khoảng cách lại tới hàng triệu đồng/lượng? Tại sao Ngân hàng Nhà nước chỉ công nhận duy nhất thương hiệu vàng miếng SJC khiến thị trường vàng trở thành độc quyền, dẫn tới tình trạng ép giá, vàng giả, vàng nhái? Tại sao Ngân hàng Nhà nước không có giải pháp gì để sử dụng hàng trăm tấn vàng đang nằm chết trong dân trong khi nền kinh tế đang khó khăn.

Từ những bất cập trên, Ngân hàng Nhà nước đã vạch ra lộ trình 3 bước, đó là: xây dựng khuôn khổ pháp lý, chấm dứt huy động cho vay bằng vàng trong hệ thống ngân hàng và chuyển toàn bộ sang quan hệ mua bán vàng; biến động giá vàng không ảnh hưởng tới tỷ giá, lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Những giải pháp trên được thực hiện dần, đến tháng 5/2012, giá vàng trong nước liên tục cao hơn thế giới hàng triệu đồng/lượng, nhưng tỷ giá vẫn ổn định, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng như trước. Toàn bộ hệ thống ngân hàng mua được gần 60 tấn vàng từ thị trường, ngân hàng nhà nước cũng mua thêm 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng không chỉ là việc khó mà còn mang lại nhiều điều tiếng cho Thống đốc năm 2012. Một năm sau khi nhậm chức, việc Thống đốc để nợ xấu đang ở dưới mức 3% rồi tăng lên hơn 8,6% khiến dư luận không đồng tình. Ngay cả việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất lập công ty mua bán nợ quốc gia cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối bởi dư luận lo ngại Nhà nước phải bỏ tiền ra khắc phục việc làm ẩu của các ngân hàng và đồng tiền Nhà nước bỏ ra sẽ không có ngày quay về. Lúc này những thông tin đồn thổi về Thống đốc cũng bùng lên. Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ quốc hội về vấn đề nợ xấu, nhiều đại biểu đã hỏi thẳng Thống đốc về trách nhiệm liên quan tới chuyện bầu Kiên bị bắt, về lợi ích nhóm đằng sau câu chuyện thâu tóm ngân hàng cổ phần lớn nhất thị trường Sacombank. Ông cũng phải lên sóng truyền hình trả lời về câu chuyện lợi ích nhóm và tin đồn liên quan tới các lãnh đạo ngân hàng.

Trong một cuộc họp báo vào cuối năm 2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận: Năm 2012 là một năm vô cùng vất vả cho ngành ngân hàng. Ông tự nhận thấy khó khăn đến từ 2 phía, thứ nhất là do kinh tế thế giới khó khăn, kinh tế trong nước có nhiều yếu tố không lành mạnh, thứ hai, sự đồng thuận ở tầm vĩ mô chưa cao, dư luận không phải lúc nào cũng đồng tình với các chủ trương và điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Ông Bình nói, một chính sách đưa ra, may lắm là có một phần ba ủng hộ, số còn lại nghi ngờ và phản bác. Đặc biệt khi chính sách của Nhà nước có hại có nhóm lợi ích nào đó, sự phản đối vô cùng quyết liệt và căng thẳng. Thậm chí có những lời dọa dẫm. Tôi làm việc chung chứ không cho riêng mình, ấy vậy mà có những lúc tôi thấy cô đơn, giống như người lính ra trận mà không có đồng đội yểm trợ". Nhưng Thống đốc vẫn kiên định với công việc của mình: "Đây là nghề của tôi, tôi biết nó nóng nhưng cũng biết cách làm cho nó nguội. Chiếc ghế Thống đốc nóng hay nguội còn phụ thuộc vào nền kinh tế".

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đăng đàn tại Quốc hội chiều 30/5

Đăng đàn tại Quốc hội chiều 30/5 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói ông hài lòng về các công việc đã làm được. Về thị trường vàng, Thống đốc cho rằng trong thời gian triển khai các quy định mới của pháp luật về quản lý thị trường vàng, đã đạt được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ, thể hiện đúng mục tiêu đã đặt ra. "Vàng không còn ảnh hưởng mạnh đến thị trường ngoại hối, không còn ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của đất nước. Tỷ giá được ổn định do vậy góp phần vào tăng dự trữ ngoại hối của nhà nước và trật tự kỷ cương trên thị trường vàng đã từng bước được lập lại”, ông Bình khẳng định. Thực tế, những phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước đã phần nào bình ổn thị trường vàng, kéo dãn khoảng cách giá vàng nội - ngoại dù nhiều lúc giá vàng lên xuống thất thường.

Về nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hệ thống ngân hàng đã tích cực tham gia vào việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, con số lên tới 284 tỷ đồng (tính đến tháng 4/2013), chiếm gần 10% tổng dư nợ. Hệ thống ngân hàng cũng trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Trong 4 tháng đầu năm 2013 đã tiếp tục xử lý bằng nguồn này là được 7,5 ngàn tỷ đồng và tiếp tục trích lập dự phòng được 68 nghìn tỷ để đến cuối năm tiếp tục xử lý nợ xấu bằng nguồn này. Cũng về nợ xấu, Chính phủ đã thông qua nghị định thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Theo dự kiến, trong năm nay, công ty này có thể góp phần vào việc giải quyết nợ xấu từ 40.000-70.000 tỷ đồng.

Đảm nhận chiếc "ghế nóng" - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào thời điểm khi mà những bất cập, yếu kém của hệ thống ngân hàng đang bộc lộ gay gắt, ông Nguyễn Văn Bình đã kịp thời đưa những biện pháp để hạn chế nợ xấu, giảm lãi suất và bình ổn giá. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, không phải chính sách nào của Ngân hàng Nhà nước đưa ra cũng được dư luận, các doanh nghiệp ủng hộ. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã phải nhận những ánh mắt hoài nghi, dò xét của dư luận. Đã gần 2 năm trong nhiệm kỳ công tác, dù nền kinh tế khó khăn, bộ ngành nào cũng phải căng mình để tháo gỡ, đã có lúc nợ xấu tăng cao, nhưng không thể phủ nhận những cống hiến của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ông đang cùng với hệ thống ngân hàng dốc sức khắc phục mọi khó khăn, tồn tại, giữ vững hơn nữa niềm tin đối với người dân Việt. Như một chuyên gia nhận xét về Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Ông Bình là người dám tuyên chiến với những bất cập tích tụ từ cả chục năm trước tồn tại trong hệ thống ngân hàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét