Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

(2) Pháp trường Long Bình: Hồn ma báo oán

Hồn ma báo oán ở trường bắn tử tù
Những người liệm hay chôn cất cho tử tù đều gặp phải những chuyện không hay, người nhẹ thì bị điên, tai nạn, nặng thì tử vong đầy bí ẩn.
Trường bắn Long Bình (quận 9, TP HCM) được lập từ năm 1976 trên khoảng đất trống rộng hơn 7ha, là nơi hành quyết lượng tử tù nhiều nhất cả nước. Hàng chục năm tồn tại, nó là vùng đất dữ mang trong mình nhiều câu chuyện rùng rợn.
Những ngôi mộ san sát nhau lúc trước nay chỉ còn là những cái hố vừa được đào xới còn nguyên dấu tích. Mộ các tử tù đã được dời đến một nghĩa trang tại Bình Dương, nhường chỗ cho các dự án đô thị đang triển khai.
Trường bắn nằm cạnh con đường lớn nhưng bị chia cắt bởi một bờ dốc cao. Giữa trường bắn rộng lớn có một cây cao, đứng trơ trọi. Bên dưới tán cây là những ngôi mộ chi chít. Có khi một loại dây leo trùm lên một lúc bốn, năm ngôi mộ thành một “cụm” mộ sâu hun hút. Giữa những lùm cỏ dại quá thân người, mộ tử tù rất ít ngôi “ngoi” lên được hết mặt cỏ um tùm.
Nằm ở ngay “mặt tiền” trường bắn là mộ Nguyễn Hữu Thành, tức Phước “tám ngón” thấy có nhiều chân nhang, cả vỏ lon bia uống dở. Anh Nguyễn Văn Hùng, cửu vạn gần trường bắn nói rằng mộ đại ca Phước được năng thăm viếng nhất bởi giang hồ khắp chốn. Không chỉ có vậy, nó còn nổi tiếng linh nên một thời, dân cờ bạc, số đề ào ào đến cầu may. Cứ giữa trưa hoặc ban đêm là lại có nhiều con bạc cùng thầy bà đến cầu cơ xin số. Từ mộ đại ca Phước lan sang các mộ khác. Nhiều kẻ trúng lớn quay lại cúng heo quay, xây cho các tử tù mộ bằng bê tông để trả lễ. Không biết có linh thật không mà có dạo nạn cầu cơ xin số đề ở pháp trường này thành một cơn sốt.

Chính quyền nhiều lần ra quân càn quét mới dẹp yên được. Trong một lần càn quét như thế, có người đã cố tình bắn sứt một mảng bia mộ của Phước “tám ngón” để trấn tĩnh đám khát bạc mê muội. Mộ Phước đại ca cũng từng bị đào trộm như Năm Cam và Châu Phát Lai Em nhưng bất thành vì quá nặng mùi tử khí. Kẻ đào mộ Năm Cam là để lấy tiền người nhà còn đào mộ đại ca Phước chỉ để lấy tiếng.

Ông Tư Bé (60 tuổi) sinh ra và lớn lên gần trường bắn nên mọi điều về nó ông đều biết. Ông kể, tử tù đầu tiên bị xử ở trường bắn này là một ông già ăn trộm vịt bị hai cha con gia chủ phát hiện nên dùng búa tạ đập đầu giết chết cả hai người. Từ đó đến khi đóng cửa, trường bắn đã hành quyết hơn 500 tử tù. Lúc trước, mỗi lẫn có xử bắn dân tình xung quanh đến nườm nượp, người ngoại tỉnh nghe tin cũng khăn gói về xem. Ông nhớ nhất vụ tử hình Nguyễn Hữu Giộc (Mười Vân), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai sau ngày giải phóng có lượng “khán giả” đông nhất, vòng trong vòng ngoài có đến vài nghìn người.

“Đã ra đến pháp trường thì coi như đã chết trong lòng rồi, hồn vía phiêu bạt chỉ còn cái xác rỗng mà thôi”, ông Tư nói. Những kẻ tội ác tày đình giết người không ghê tay nhưng ra đến nơi mềm như cọng bún hoặc cứng đờ như khúc gỗ, đội thi hành án phải kéo lê lên dựa cột. Nhiều kẻ còn vãi ra ướt sũng quần.

Sau khi tổ năm người dùng súng AK bắn ở cự ly gần, đội trưởng thi hành án gí súng lục vào đầu tử tù bắn một phát ân huệ trước khi đội mai táng tẩm liệm đem đi chôn. “Cái trường bắn này từ lâu là đất dữ đầy ám khí, người ta còn kể rằng ở đây rất nhiều ma. Đêm đến nghe nhiều tiếng khóc ai oán. Kẻ kêu đói, kẻ than đau. Cũng phải, có cái chết nào hơn bị hành quyết đâu”, ông nói tỉnh queo.

Ông Tư khẳng định còn rất nhiều lời đồn đoán rùng rợn khác khiến người ta kinh sợ vùng đất dữ này. “Chuyện đâu không biết, riêng thằng cháu họ tôi trước làm nghề tẩm liệm xác, bây giờ bị điên rồi, phần do rượu, phần do ám ảnh”, ông gằn giọng. Khoảng mười năm về trước, xóm ông có ông già lấy cái cột trói tử tội về làm giàn bầu. Vụ đầu cây ra trái sum suê nhưng được ít lâu ông treo cổ chết luôn trên cái giàn bầu chẳng biết vì lý do gì.


Những ang thờ người chết vì tai nạn trên đoạn đường trước trường bắn.

“Nhiều người nói rằng những người đó bị âm hồn tử tù về bắt. Tôi không biết có nên tin hay không nhưng thấy cũng lạ”, ông kể tiếp. Gần đây, lại xảy ra nhiều cái chết kỳ lạ khác ở đoạn đường chạy ngang trường bắn. Nhiều người đang chạy, bỗng dưng té xe hoặc đâm đầu vào cây chết bất đắc kỳ tử. Riêng đoạn đường ngắn trước mặt trường bắn này đã có mười mấy người chết. Kỳ lạ hơn, nhiều người trong số họ từng khâm liệm hoặc đào mồ chôn tử tù.

Ông Hai Thổ, người từng làm nghề chôn cất tử tù ngày trước, kể: “Bữa trước, tui đang chạy tự nhiên thấy tối sầm lại, người cứng đơ. Sém chút nữa thì đâm xe vào gốc cây mất mạng rồi”. Ông tâm sự, người ta hay đồn đoán về việc báo oán. Riêng ông không tin. Ngày trước, ông làm nghề chôn cất tử tù phần vì miếng cơm manh áo, phần vì nghĩa hiệp.

Ông cho biết, pháp trường thường có hai đội, một đội tẩm liệm và một chuyên đào huyệt chôn xác tử tù. Người tẩm liệm thì được trả 200.000-300.000 đồng, chôn cất thì ít hơn, nhiều nhất chỉ được 100.000 đồng. Ông Hai Thổ hành nghề phụ hồ kiếm sống, mỗi lần có người kêu chôn xác thì tham gia.

Việc tẩm liệm và chôn cất xác tử tù ngày trước thường do hai “ông trùm” là Lê Hoàng Phước (tự Tỷ) Phạm Quốc Thanh (tự Thanh “Mập”) thay nhau đảm nhận. Đây cũng chính là hai người cầm đầu đường dây trộm xác Năm Cam và đồng bọn ngày trước. Chính Thanh “Mập” rủ Hai Thổ tham gia đào xác nhưng ông từ chối. Sau vụ án chấn động, ông “giải nghệ”, không làm cái nghề rùng rợn ấy nữa. “Thanh Mập cũng vừa đi rồi. Nó chết ngay trước mặt trường bắn”, ông Hai kể giọng buồn bã.

Vài tháng sau khi trường bắn đóng cửa, giữa trưa, Thanh chạy xe ngang trường bắn bất ngờ ngã dúi xuống mặt đường rồi chết trên đường đưa đi cấp cứu. Cái chết của Thanh “Mập” và nhiều người khác chính là lúc khởi phát tin đồn báo oán nhắm vào những người từng hành nghiệp tại pháp trường này. Riêng ông nghĩ đó chỉ là trùng hợp, vì ở đời ai gây oán mới nhận oán. Ông chỉ làm việc nghĩa, việc đúng đắn thì chẳng có gì phải sợ.

Hai Thổ tâm sự, lâu lắm rồi ông cũng không quay lại trường bắn Long Bình. Ông không sợ gì cả, nhưng đó là nơi hiu quạnh, buồn bã mà ai cũng muốn quên đi. Trường bắn lúc đầu lập nên, dân xung quanh hiếu kỳ lắm nhưng dần dà ai cũng sợ. “Bây giờ thì nó đã thật sự được dẹp bỏ, không còn ai bị ám ảnh nữa”, ông nói. Dân tình quanh trường bắn ai cũng thấy nhẹ lòng, không còn nhớ đến tiếng còi hú của xe chở tử tù hay những tiếng súng khô khốc những sớm mai yên tĩnh nữa.

(BCL)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét