Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Tại sao công nhân liên tiếp ngừng việc tập thể?

Tại sao công nhân liên tiếp ngừng việc tập thể?
Không phải là quy luật nhưng thường giáp Tết Nguyên đán mới là thời điểm diễn ra các vụ ngừng việc tập thể đòi quyền lợi: Lương, thưởng tết của CNLĐ. Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 6 vừa qua, ngừng việc tập thể đã diễn ra ở một số nơi.
Tại sao “Tháng Công nhân” - tháng mà cả xã hội dành sự quan tâm cho CNLĐ - vừa mới kết thúc, CNLĐ lại cùng nhau ngừng việc tập thể? Nguyên do từ đâu: Cách ứng xử của chủ sử dụng lao động, của người lao động và vai trò của tổ chức CĐ được thể hiện như thế nào?
Ngừng việc tại Cty TNHH Showa VN, KCX Tân Thuận 
(TPHCM) đòi tăng lương tối thiểu. Ảnh: Lê Tuyết
Bài 1: Tức nước ắt vỡ bờ
Trong khi giá cả sinh hoạt tăng chóng mặt thì DN lại lấy cớ kinh tế khó khăn tìm mọi cách cắt giảm tiền lương, khiến đồng lương NLĐ làm ra không đủ sống. Bên cạnh đó, những bức bách CN phải chịu đựng trong một thời gian dài như bị chèn ép, Cty quản lý hà khắc, CN nhiều lần kiến nghị nhưng không được Cty lắng nghe… như một ly nước đầy, chỉ cần thêm một “giọt nước” cũng khiến những vụ ngừng việc tập thể của CN xảy ra.

Giá cả tăng, lương lại giảm

Cuối tháng 5 vừa qua, gần 300 CN Cty TNHH Hiệp Hòa Thuận (ĐC: Lô 30, Tân Tạo, KCN Tân Tạo, Q.Bình Tân, TPHCM), chuyên sản xuất đế giày caosu đã đồng loạt ngừng việc. Lý do được các CN đưa ra là vì mức lương cơ bản mà Cty đang áp dụng thấp “không chịu nổi”.

Nhiều CN cho biết: Trước đây, thực hiện Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22.8.2011 của Chính phủ, Cty trả lương cho CN ở mức 2.150.000 đồng. Mới đây, khi Nghị định 103/2012/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực thì Cty cũng tiến hành nâng lương cho CN, nhưng cũng chỉ đúng bằng mức tối thiểu là 2.350.000 đồng/tháng.

Anh P - CN Cty Hiệp Hòa Thuận - bức xúc: “Lương cơ bản nhiêu đó, trợ cấp mỗi tháng là 150.000 đồng, thêm tiền chuyên cần (không nghỉ ngày nào) là 200.000 đồng. Sau khi Cty trích tiền đóng BHXH, lương của tụi em chỉ còn 2.500.000 đồng. Tháng nào không tăng ca là coi như đói, lãnh tiền ra trả tiền nhà trọ, điện, nước là hết sạch. Không thể nào sống được với lương của mình, muốn đi làm thì cũng phải có cái ăn rồi mới làm được chứ!”.
Cùng những bức xúc về tiền lương, thu nhập giảm nên gần 2.000 CN tại phân xưởng A201 (lầu 3, khu B, Cty TNHH PouYuen Việt Nam, Q.Bình Tân, TPHCM) ngừng việc tập thể trong nhiều ngày. Theo trình bày của CN, do Cty nâng mục tiêu sản lượng lên gấp đôi, tiền thưởng giảm xuống 3 lần nên CN không thể hoàn thành nhiệm vụ, bị cắt thưởng, giảm thu nhập.

Cụ thể, năm 2012, ở khâu thành hình, với 1 tổ 50 CN, mục tiêu sản lượng của tổ là hoàn thành 60 đôi giày trong 1 giờ. Nếu đạt được sản lượng này, Cty sẽ thưởng cho toàn tổ 28.000 đồng. Năm 2013, cũng với số lượng người đó, thời gian là 1 giờ nhưng Cty đã tăng mục tiêu sản lượng lên 100 đôi giày nhưng tiền thưởng chỉ còn 9.000 đồng.

“Nếu trước đây, mỗi tháng CN được tăng thêm gần 500.000 đồng tiền thưởng sản lượng thì bây giờ dù có làm kiệt sức mỗi tháng thu nhập từ tiền thưởng sản lượng không quá 50.000 đồng, cá biệt có người chỉ được 5.000-10.000 đồng. Cái gì cũng tăng giá có chút tiền thưởng sản lượng giờ xem như bị cắt mất” - chị L.T.Đ - CN Cty - trình bày.

Ý kiến của công nhân đã không được lắng nghe

Mặc dù biết CN có nhiều bức xúc, CN cũng đã nhiều lần kiến nghị lên lãnh đạo Cty nhưng những ý kiến của CN đã không được lãnh đạo Cty lắng nghe. Đơn cử, tại vụ ngừng việc của 2.000 CN Cty TNHH PouYuen, trình bày với PV, nhiều CN cho biết, khi Cty đưa ra mục tiêu sản lượng mới CN đã nhiều lần yêu cầu Cty thay đổi cách tính nhưng Cty không chấp nhận, quá bức xúc nên CN mới ngừng việc.
Tương tự, gần 200 CN Cty TNHH Hiệp Hòa Thuận cho biết, khi Cty quyết định tăng lương, CN đã nhiều lần đề xuất mức lương Cty áp dụng quá thấp, đời sống CN rất khó khăn nhưng Cty kiên quyết không chấp thuận với lý do đã tăng đúng với “tinh thần” của Nghị định 103 của Chính phủ.

“CN đi làm kiếm tiền để sống chứ không phải cố sống để làm việc, Cty đã bức CN tới đường cùng” - anh H.T.L nói.

Bên cạnh đó, những kiểu chèn ép, quản lý hà khắc, Cty không chịu giải quyết quyền lợi cho CN là những nguy cơ khiến CN phải ngừng việc. Về cách quản lý quá hà khắc của lãnh đạo Cty TNHH Hiệp Hòa Thuận, anh L - CN Cty - trình bày: Mới đây, có 5 CN trong giờ nghỉ trưa mua vài ly nước mía để uống thì lập tức bị Cty đuổi việc luôn, 2 CN khác đi qua xin một ngụm uống cũng... bị phạt 50.000 đồng. Việc tùy tiện đuổi người, tùy tiện phạt của Cty khiến CN rất khốn khổ.
Tương tự, vừa qua, hơn 200 CN Cty TNHH MTV Tín Nhiệm Vi Na (ĐC: 186, QL1A, P.Thạnh Lộc, Q.12, TPHCM) ngừng việc vì cách hành xử thiếu tình người của lãnh đạo Cty khi Cty di dời nhà xưởng về Bình Dương, những CN đi theo sẽ hỗ trợ từ 1 đến 1,2 triệu đồng, được đảm bảo đầy đủ tiền và quyền lợi, tất cả chế độ theo Luật LĐ. Những CN không “theo” thì Cty sẽ không hỗ trợ một khoản chi phí nào, CN đã nhiều lần đề nghị lãnh đạo Cty “xem xét” lại nhưng những ý kiến của CN đã không được chấp thuận.
“Tức nước vỡ bờ”, ngừng việc là cách cuối cùng CN phải chọn để đòi quyền lợi chính đáng của mình - một cán bộ CĐ bộc bạch.

(Còn tiếp)
(Lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét