Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Đàn ông, đàn bà ... khác nhau


Nếu là một người đàn ông thích nói, đôi khi nói nhiều, hoặc là người hay nhỏ to kể lể tâm sự với người khác, thì âu cũng là điều hết sức bình thường trong cuộc sống muôn màu muôn sắc này. Tuy nhiên, người đàn ông thích nói hay thích tỉ tê tâm sự đó chắc hẳn có đôi lần bị bạn bè xì xào: “Thằng đó tính tình đàn bà.” Và nếu chẳng may hôm nào tình cờ những lời xì xào lọt vào tai mình thì người đàn ông đó chắc phải buồn lòng và đâm ra bực mình không ít. Đường đường một đấng nam nhi đại trượng phu mà bị kêu là đàn bà thì ai không tức cho được.
Hoặc nếu là một cô gái mới lớn mà lại đẹp nữa, tuy nhiên tính tình có hơi khác với chị em trong nhà, thích ăn to nói lớn, đi đứng thì ngang tàng, làm việc gì cũng mạnh chân mạnh tay, thì chắc đôi khi cũng làm cho các bậc cha mẹ ít nhiều lo lắng để phải lên tiếng nhắc nhở: “Con gái thì phải nết na, thùy mị, đoan trang chứ. Cứ như là con trai thế kia thì đứa nào dám lấy.” Mà những điều lo lắng của các bậc cha mẹ là có cơ sở chứ nào phải vì rảnh rang để bàn chuyện không đâu. Cứ thử tưởng tượng xem những người đàn ông bảnh bao lịch sự đến xem mặt mũi cô dâu tương lai mà đụng ngay một cô cỡ “tomboy” thứ thiệt thì đâu ai dám có can đảm để thốt ra những lời hẹn hò thề ước chứ chưa nói đến chuyện xa xôi.

Thế nhưng những lời bàn kia không hẳn là những lời chê bai, dè bỉu hay chế diễu mà hãy nên xem như là những lời nhắn nhủ với mọi người rằng đàn ông đàn bà là phải khác nhau. Đàn ông thì phải luôn mạnh mẽ, hùng dũng kiểu Từ Hải “Râu hùm hàm én mày ngài / Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.” Đàn bà thì lúc nào cũng nên nhỏ nhẹ, dịu dàng, thướt tha như Thúy Kiều “mai cốt cách tuyết tinh thần” hay “Hoa cười ngọc thốt đoan trang / Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.” Không biết tự bao giờ, những ý nghĩ đó đã in sâu vào tâm trí để mỗi khi đề tài này đột nhiên xuất hiện thì thế nào chúng ta cũng có ngay câu trả lời nằm sẵn đâu đó trong tiềm thức.

Cái khái niệm đàn ông đàn bà đó có thể đã có từ rất lâu. Nhưng kể từ khi cuốn sách có tên Men Are From Mars, Women Are From Venus của tác giả John Gray được xuất bản thì người ta còn tin một cách mãnh liệt hơn rằng đàn ông và đàn bà là hai thái cực, khác nhau như nước với lửa, khác đến độ có thể xem như là hai vật thể đến từ hai hành tinh khác nhau. Cuốn sách được nhiều người coi như một thứ tuyên ngôn, là chân lý để từ đó người ta có thể dựa vào những tiêu chuẩn để đánh giá thế nào là một người đàn ông hoặc đàn bà. Cũng vì được nhiều người tin tưởng nên nó là một trong những cuốn sách bán chạy nhất từ trước đến nay với trên 50 triệu bản và đã được dịch ra khoảng 50 ngôn ngữ khác nhau.

Qua cuốn sách, tác giả đưa ra rất nhiều điểm khác biệt giữa đàn ông và đàn bà, từ thể xác đến tính tình, tính nết, tâm lý, cảm xúc, những ước mơ thầm kín v.v... Khi đưa ra những điểm khác biệt trên tác giả muốn nói rằng tự bản chất tự nhiên, đàn ông và đàn bà đã là khác nhau và ông hy vọng rằng nếu biết được những khác biệt căn bản đó thì đàn ông và đàn bà sẽ hiểu nhau, thông cảm nhau hơn và rồi sẽ cư xử với nhau tốt đẹp hơn, không đòi hỏi người kia phải làm và suy nghĩ giống mình. Nói chung, nó là loại “sách học làm người” giúp cho người đọc biết cách để tránh lỗi lầm cũng như tự đi tìm cho mình hạnh phúc trong cuộc sống.

Trong một đoạn, tác giả nói rằng bản năng của người đàn ông là chỉ biết lo cho riêng mình cho dù có phải hy sinh người khác; trong khi đó bản năng của người đàn bà là biết lo cho người khác dù có lúc phải chịu hy sinh bản thân mình. Vậy thì, trong quan hệ tình cảm, người đàn ông phải tập sao để biết chăm sóc cho người bạn tình của mình hơn là chỉ biết tới những đòi hỏi từ nàng để riêng cá nhân mình được lợi, và người đàn bà thì phải tập sao để biết nhận sự chăm sóc từ người đàn ông hơn, hy sinh bớt những đòi hỏi của chính mình để làm vừa lòng chàng, và như thế có nghĩa là cả hai biết bồi đắp, mang hạnh phúc đến cho nhau. Làm được vậy thì cả hai cùng có lợi chứ không như khi họ hành động theo bản năng riêng thì chỉ một người được lợi còn một người bị thiệt thòi. Ở đây, tác giả nêu ra điểm khác biệt tâm lý và đưa ra giải pháp để có thể xoá mờ đi sự khác biệt đó. Xoá mờ thôi chứ khác thì vẫn khác vì là bản năng tự nhiên.

Thế nhưng mới đây, theo hai nhà nghiên cứu Bobbi Carothers thuộc đại học Washington tại St. Louis và Harry Reis thuộc đại học Rochester, sau khi xem xét và so sánh các dữ liệu đa dạng với đủ mọi khía cạnh đức tính của cả hai giới trong đó bao gồm những nét chính như hành vi và thái độ, năng khiếu và ưa thích môn khoa học, tính cách thân mật, gần gũi, sự đồng cảm, biết giúp đỡ người khác và săn sóc nhau - và thấy rằng cả đàn ông lẫn đàn bà đều có những cái giống nhau không ngờ. Hai nhà nghiên cứu cho rằng lý do mà quan niệm trước đây cho rằng đàn ông và đàn bà rất khác nhau là vì những nhà nghiên cứu trước đã phân loại đàn ông đàn bà thành hai nhóm riêng biệt, và khi phân loại như thế là đã có sẵn thành kiến trong đầu rồi. Hai nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng khác giới tính không hẳn là tính chất tâm lý giữa đàn ông và đàn bà sẽ khác nhau nếu ta chịu khó so sánh từng riêng mỗi cá nhân với nhau chứ không nên so sánh một cách chung chung giữa hai nhóm người đó.

Hồi thế kỷ 19, các nhà khoa học, qua phép đo sọ não, thấy rằng bộ não của đàn ông nói chung lớn hơn của đàn bà, rồi từ đó họ đã vội vã đi đến kết luận rằng đàn ông thông minh hơn đàn bà.

Một lý thuyết khác cho rằng đàn ông và đàn bà hơn thua nhau tùy thuộc ở một số lãnh vực nào đó bởi vì với hai giới tính là hai bộ óc khác nhau. Người ta tin rằng chẳng hạn như phần óc bên trái là dùng để xử lý ngôn ngữ trong khi phần óc bên phải dùng để phán đoán. Thế nên trước đây người ta cho rằng đàn ông thì giỏi về toán và khoa học, còn đàn bà thì có năng khiếu về ngoại ngữ và khéo léo trong công việc nội trợ.

Tuy nhiên, những tiến bộ của khoa học ngày nay chứng minh rằng những lý thuyết trên là hoàn toàn vô căn cứ. Không có một chức năng nào là nằm yên ở một vị trí nhất định nào đó trong bộ óc. Ví dụ như chức năng ngôn ngữ nằm ở mười vị trí khác nhau cả bên phải lẫn bên trái của não chứ không hẳn chỉ ở phần bên trái như trước đây người ta vẫn nghĩ.

Những khám phá mới của khoa học còn chứng minh cho thấy không có sự khác biệt giữa bộ não của đàn ông và đàn bà.

Cơ thể con người khi được sinh ra là đã gần như phát triển hoàn toàn với mặt mũi chân tay đầy đủ. Nhưng bộ não của con người thì ngược lại, hầu như chỉ được phát triển sau khi sinh. Bộ não được cấu tạo bởi hơn 100 tỉ tế bào thần kinh neuron và những neuron này nối kết với nhau. Hoàn cảnh xã hội và văn hoá, sự tương tác với các thành viên trong gia đình và sự học hỏi gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên sự kết nối của các tế bào neuron này. Thế nên, mỗi bộ não là một khối độc đáo của riêng nó. Vì vậy mà ta có thể nói rằng giới tính không làm nên bộ não.

Hai nhà nghiên cứu Bobbi Carothers và Harry Reis cũng nói rõ rằng nghiên cứu của họ chỉ nhắm tới những đặc điểm tâm lý, là những đức tính thường có liên quan đến hành vi của đàn ông và đàn bà. Tuy nhiên, nghiên cứu của họ không trực tiếp quan sát những hành vi cụ thể và họ cũng không chú ý tới những lãnh vực khác như khả năng và kỹ năng của mỗi giới tính.

Qua đó ta có thể nói rằng mặc dù có nhiều điểm tâm lý giống nhau nhưng sau hết giữa đàn ông và đàn bà vẫn có nhiều thứ khác nhau. Có những cái khác nhau rất bình thường như giọng nói, cái mím môi, nhíu mày, cho đến những thứ phức tạp hơn như quan niệm về cuộc sống, hôn nhân, tính dục. Và may cho chúng ta là giữa đàn ông và đàn bà vẫn còn những thứ khác nhau đó để cả hai còn chịu bỏ chút thì giờ để nhìn ngắm nhau, để tìm xem những nét đáng yêu nào của người đối diện mà mình không có. Chứ nếu cả hai người đều giống nhau từ đầu cho tới chân, từ trong ra ngoài, từ ngoại hình đến nội tâm, từ hành động đến tâm lý, và vì giống nhau quá nên có những cái đáng lý ra phải đáng yêu thì lại hoá ra đáng ghét thì phiền phức biết là chừng nào.

Đàn ông và đàn bà sẽ tiếp tục phải khác nhau như thế để còn có lý do mà bù đắp cho nhau. Cứ giống nhau tuốt luốt thì đàn ông đàn bà sẽ đâu còn cần nhau và sẽ không còn thèm nhau nữa.


Huy Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét