'Nội' đắt và kém, dân thích du lịch 'ngoại'
- Ngán ngẩm du lịch trong nước, người Việt có xu hướng du ngoạn nước ngoài nhiều hơn do mức giá tương đương nhau, trong khi dịch vụ và chất lượng du lịch trong nước thua xa các nước trong khu vực.Những hạn chế của du lịch trong nước cộng thêm tình hình chặt chém đã khiến không ít người Việt nản lòng và chọn các điểm du lịch nước ngoài làm điểm đến. So với các nước trong khu vực, du lịch nội vừa thiếu vừa yếu.
Đơn cử, tour đi Thái Lan, Malaysia, Singapore, Myanmar... từ 4 đến 6 ngày giá chỉ từ 6 đến hơn 10 triệu đồng, thấp hơn so với giá tour di chuyển bằng máy bay từ Hà Nội đi Nha Trang, Đà Lạt hoặc Phú Quốc. Giá vé máy bay cao, tiền thuê khách sạn đắt, chi phí vận chuyển cao đã đẩy giá tour trong nước lên. Bên cạnh đó, sự thiếu chuyên nghiệp của không ít hãng lữ hành và địa điểm du lịch khiến du khách thất vọng.
Chê du lịch trong nước, nhiều du khách thích đi nước ngoài tham quan, mua sắm. |
Tương tự, chị Hạnh sống ở quận Đống Đa cũng chuộng du lịch “ngoại” hơn. Chị Hạnh cho biết, ban đầu cả gia đình chỉ có ý định chọn một địa điểm trong nước để đến trong mùa hè này, nhưng khi đến tham khảo tại một vài công ty du lịch thì chị lập tức thay đổi ý định. Nguyên nhân là do lúc so sánh giá giữa các tour, chị thấy tour đi các nước trong khu vực rẻ hơn tour trong nước. Nếu đi cả gia đình 4-5 người thì số tiền chênh lệch lên đến vài triệu đồng.
Báo cáo mới đây về người Việt đi du lịch nước ngoài khiến không ít đơn vị trong nước phải giật mình. Năm 2012, ngành du lịch nước ta phải rất vất vả mới đón khoảng 6,8 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu đạt gần 7 tỷ USD, nhưng đã “biếu không” 3,5 triệu lượt khách với khoản chi phí 3,5 tỷ USD cho ngành du lịch các nước khác.
Cụ thể, mỗi năm có khoảng 1,1 triệu du khách trong nước sang Trung Quốc, 1 triệu lượt sang Campuchia, 500.000 lượt sang Thái Lan, 300.000 lượt sang Singapore, 200.000 lượt đến Malaysia, 110.000 sang Hàn Quốc, chưa kể số khách đến các điểm đến xa hơn như châu Âu, Mỹ.
Số liệu của các công ty lữ hành cho thấy tỷ lệ khách Việt Nam du lịch nước ngoài cao hơn du lịch nội địa. Khách nội đi du lịch nước ngoài ở một công ty du lịch lớn tại TP.HCM thường tăng 30-40% mỗi năm. Đặc biệt, vào những dịp lễ, tết, lượng khách đăng ký tour outbound luôn tăng đột biến và công ty thường xuyên trong tình trạng khóa sổ vẫn còn khách đăng ký.
Trong khi đó, ngành du lịch tìm mọi biện pháp kéo khách quốc tế đến Việt Nam. |
Theo báo cáo mới nhất do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW) vừa công bố, lượng du khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng đến 87% trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến nay.
Lý giải về thực tế trên, đại diện nhiều hãng lữ hành có chung quan điểm, so với du lịch nội địa, tour nước ngoài rõ ràng hấp dẫn hơn. Không chỉ hút khách bởi dịch vụ tốt, nhiều chương trình vui chơi, giải trí, mua sắm mà còn vì giá tour tương đối ổn định, ít tăng giá theo mùa vụ. Khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam khá cao nếu có chương trình kích cầu hợp lý.
Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc không chỉ lập văn phòng du lịch tại Việt Nam mà còn tích cực quảng cáo, tiếp thị với những ưu đãi đặc biệt nhằm lôi kéo ngày càng nhiều du khách Việt đến đất nước họ.
Thêm nữa, ngành du lịch các nước đầu tư cho du lịch rất công phu và đồng bộ, sản phẩm du lịch, dịch vụ tốt và hấp dẫn. Như ở Singapore, cứ 6 tháng lại có sản phẩm du lịch mới hoặc ở Malaysia, Thái Lan liên tục có các đợt giảm giá mua sắm.
Lãnh đạo ngành thừa nhận, vấn đề là đằng sau những con số này, du lịch nội địa phải nâng cao sức cạnh tranh, kể cả chất lượng sản phẩm lẫn quảng bá, tiếp thị để thu hút du khách trong nước. Ngoài ra, đã đến lúc ngành du lịch phải đưa mảng du lịch nước ngoài vào diện quản lý chặt chẽ hơn nữa để bảo đảm quyền lợi của du khách.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, chỉ khi các hãng hàng không, khách sạn, vận chuyển, các điểm mua sắm liên kết thành chuỗi thì giá tour du lịch tại Việt Nam mới có thể hạ xuống.
Nhận định của khá nhiều công ty du lịch cho rằng, việc kích cầu du lịch bằng hình thức khuyến mãi, giảm giá có thể cải thiện được tình hình du lịch trong nước, giúp doanh nghiệp tăng doanh thu.
Vừa qua, Hiệp hội Du lịch Hà Nội và TP.HCM đã ký thỏa thuận đẩy mạnh kích cầu giữa 2 đầu đất nước. Theo đó, doanh nghiệp hai địa phương sẽ trao đổi sản phẩm với nhau, cam kết giảm giá cho nhau. Hai hiệp hội đứng ra cân đối, điều phối hình thành sản phẩm du lịch kích cầu.
Duy Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét