Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Đọc bài “Mối lo làng quê”: Độc giả không cầm được nước mắt

Đọc bài “Mối lo làng quê”: Độc giả không cầm được nước mắt
Sau khi NNVN đăng loạt bài “Mối lo làng quê”, trong đó có bài “Bi kịch không được nghèo”, nhiều báo mạng và trang tin như: Vnexpress.net, Sài Gòn tiếp thị điện tử, www. 24h.com.vn… dẫn lại và nhận được rất nhiều phản hồi, đóng góp ý kiến của độc giả. NNVN xin trích đăng một số ý kiến để có cái nhìn đa chiều về loạt bài.
Xem bài này ở đây: Bi kịch không được nghèo

"Thoát nghèo theo chỉ tiêu là sao? Sao lại có kiểu làm việc quan liêu như vậy chứ? Muốn tiến lên thì cả xã hội phải cùng tiến, người nghèo thì phải được hỗ trợ thì người ta mới sống được chứ, không thoát được nghèo mà bắt người ta thoát nghèo thì thật bất công”. Nguyễn Thị Ngân.

"Tại sao bình xét hộ nghèo lại cần chỉ tiêu? Không phải dựa trên thu nhập hay sao? Nếu muốn thành tích xóa nghèo sao những người làm cán bộ không mà tìm cách nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân đi”. sadgsa.

"Tôi chỉ mong sao bài báo này được cấp có thẩm quyền đọc, để từ đó đừng thắt chặt chính sách, đừng có xóa nghèo khi người dân còn nghèo lắm. Đọc bài báo mà tôi không cầm được nước mắt”. Lương Thanh Bình.

"Đọc xong mà buồn. Tất cả chỉ chạy theo thành tích thôi, mấy ông cán bộ đó có nghèo đâu mà biết thế nào là nghèo. Người dân còn vô cùng khó khăn mà vì chỉ tiêu không cho người ta là nghèo. Đọc xong ức chế quá. Nhà nước phải xem xét lại vấn đề này”. Nguyên Hồng.

“Nghèo có "tội" không? Theo tôi có thể hiểu theo 2 cách. Cách thứ nhất: "Tội" ở đây là "tội nghiệp", nghĩa là thương cảm vì nghèo quá, thiếu thốn, thua thiệt, bị người đời khinh khi đôi khi ghét bỏ, là nơi để người khác trút giận... 

Cách thứ hai: "Tội" ở đây là "tội phạm, tội lỗi" nghĩa là nghèo là "có tội", cách hiểu này nghe qua rất vô lý nhưng thực sự đúng trong bài viết này. Vì hộ nghèo nên địa phương mất thi đua dẫn đến mất khen thưởng, hệ lụy là không được đề bạt thăng chức... Vì vậy nghèo là có "tội" vì vậy phải nghiêm trị thậm chí "bỏ đói" để mang tính răng đe. 

Kết luận: Theo pháp luật nghèo không có tội nhưng theo "lệ làng" thì nghèo là có tội, hiểu theo cả 2 cách trên. Rất mong lãnh đạo cấp cao chịu khó xuống thực tế kiểm tra để chỉ đạo cho sát, còn chỉ đạo báo cáo cho vui thì đừng làm tốn giấy”. Phương Toàn.

"Ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này đều có những câu chuyện giống hoặc tương tự như thế. Chẳng hạn như ở quê tôi, cứ người nào dù có khá giả hay thậm chí là giàu có trong vùng mà có thân quen với cán bộ xã thì được hộ nghèo hoặc cận nghèo, còn những hộ thực sự khó khăn thì dù có làm đơn hay cậy cục nhờ vả thì cũng không được". Hậu

“Xét hộ nghèo là theo tiêu chí của địa phương đưa ra, tất cả hộ nào trong tiêu chí đó phải được công nhận, trên cơ sở đó, Nhà nước có những chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện để hộ đó thoát nghèo. Tuy nhiên, trên thực tế, để chứng minh địa phương mình ngày càng ăn nên làm ra để báo cáo thành tích cho cấp trên để được thăng chức, khen thưởng, nhiều địa phương kể cả cấp tỉnh đưa chỉ tiêu bắt buộc tỉ lệ hộ nghèo phải giảm dần mặc dù "trình độ lãnh đạo rất tồi”, chỉ tội cho người nghèo nhưng nghèo theo luật pháp thì đâu có tội, lãnh đạo cấp trên biết không? Chắc biết nhưng mình cũng thế thôi, cấp lãnh đạo cao nhất cần đi "vi hành" để nắm bắt thực tế mà chỉ đạo, bệnh quan liêu, thành tích”. PT.

“Ở quê tôi mỗi một xóm chỉ được khoảng 3-4 hộ xét duyệt hộ nghèo vì cán bộ cần phải lấy thành tích và có thể là xóm có nhiều hơn 3-4 hộ nghèo cũng không được công nhận và tiêu chuẩn để xét hộ nghèo là những gia đình có con đi học đại học để họ được giảm học phí. Còn những cụ ông bà già cả neo đơn thì mặc kệ. Quá hài hước”. Thắng.

“Thật xót xa. Bản thân tôi cũng chẳng giàu có gì, nhưng chứng kiến những cảnh đời nghèo khổ éo le này tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều người. Tại sao lại có chính sách "bắt người ta thoát nghèo" để lấy chỉ tiêu thành tích báo cáo à? Thật trớ trêu”. Phùng Quang Huy

“Trưởng thôn Điền nói: "Xét hộ nghèo căng lắm. Xã khống chế cho các thôn chỉ được phép “tuyển” lấy 10% hộ nghèo thôi. Thôn 1 có 202 hộ, 630 khẩu, năm ngoái còn được nghèo hơn 30 hộ, năm nay, chỉ thị của trên phải giảm quyết liệt, giảm mạnh nên thôn 1 chỉ có 23 hộ được phép nghèo". Chính sách xã hội mà cứ chạy theo hình thức, bệnh thành tích chứ không đi sâu, đi sát vào thực tế thì xóa đói giảm nghèo kiểu gì?” Hùng Cường.

Nghèo mà không được nghèo là sao? Tôi viết lên đây không biết có ai đọc được không. Nghèo mà không được nghèo. Thử hỏi xã hội này cứ đặt ra tiêu chí làm gì nữa. Những nơi không nghèo vẫn cho nghèo để đạt tiêu chí, những nơi nghèo chỉ được 11% theo tiêu chí, thà vứt cái tiêu chí đấy vào sọt rác mà hãy đến và nhìn người ta sống như thế nào rồi hãy đặt ra tiêu chí. Nguyễn Văn Tuyến.
  
(Nông nghiệp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét