Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Sẽ mất cả thập kỷ để giải quyết nợ xấu

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành:
Sẽ mất cả thập kỷ để giải quyết nợ xấu
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành lo ngại sẽ mất cả thập kỷ tới để xử lý nợ xấu. Ảnh VEPR.
Việt Nam có thể mất mát cả thập kỷ trước mắt để xử lý nợ xấu ngân hàng, một báo cáo kinh tế được công bố ngày 27-5 đã đưa ra cảnh báo như vậy.
Báo cáo “Trên đường gập ghềnh tới tương lai”, một bản báo cáo thường niên do Đại học Kinh tế thuộc Đại học quốc gia Hà Nội công bố, nhận xét: “Việt Nam dự kiến sẽ mất thời gian từ 7 đến 10 năm tới để xử lý nợ xấu, tùy thuộc vào khối lượng nợ xấu và mức độ phức tạp khi xử lý”.
Tác giả chính của báo cáo, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhận xét, nếu căn cứ vào tỷ lệ nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố là 6% vào tháng 2 vừa qua, và các số liệu nợ xấu khác, thì nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng nằm trong khoảng 180 -300 ngàn tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông nhận xét, tỷ lệ nợ xấu là rất tù mù. Chẳng hạn, tỷ lệ nợ xấu là 3,57% vào tháng 3/2012, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đã leo cao lên 8,6% theo công bố của NHNN sau đó, và lên đến 9,53% đến tháng 9/2012.

Trong khi đó, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm ngoái lại chỉ còn 7,8%, căn cứ vào kết quả của cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ này đến cuối tháng 3 vừa rồi lại giảm xuống còn 4,51%, theo Chính phủ căn cứ vào báo cáo của các tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại cho biết, tỷ lệ nợ xấu năm 2012 tăng 64% so với năm 2011. Tuy nhiên, ủy ban không làm rõ con số này.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cảnh báo: “Thậm chí nợ xấu tăng gấp đôi so với mức hiện nay”. Ông nhận xét, trong trường hợp này thì vốn của các ngân hàng ảnh hưởng nghiêm trọng, mức an toàn vốn ước tính có thể giảm xuống một nửa.

“xử lý nợ xấu mang tính hệ thống là yêu cầu cấp thiết”, ông nói.

Các chuyên gia kinh tế đều chia sẻ lo ngại của ông Thành.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nợ xấu có thể lên đến 500 ngàn tỉ đồng, và vì thế Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) có vốn 500 tỉ đồng sẽ không giúp giải quyết được vấn đề.

Ông nói: “Liệu công ty này có giải quyết được cục nợ 500 ngàn tỉ đồng không, hay 5 năm nữa không xử lý được nợ xấu lại bật ra?”.
Ông Doanh cho rằng, vấn đề nợ xấu sẽ rất khó xử lý trong bối cảnh doanh nghiệp nhà nước đang nợ tới 1,3 triệu tỉ đồng, doanh nghiệp tư nhân phá sản hàng loạt, và thị trường bất động sản đông cứng.
Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Bùi Khắc Sơn lo ngại rằng, “hàng đống” doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp bất động sản ôm đống nợ xấu khổng lồ và đang chờ chết.

Ông Sơn nói: “Đây chính là phần đã bị hoại thư, phải cắt bỏ, nếu không sẽ gây nguy hiểm cho cả cơ thể. Đã đến lúc cần phải chấp nhận chịu đau để cắt bỏ”.
Trong khi đó, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa nói: “Tôi sợ rằng chúng ta cứ loay hoay giải quyết nợ xấu xong thì công nghiệp Việt Nam chả còn gì”. Ông giải thích, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả của Nhà nước trong các ngành như thức ăn gia súc, hóa mỹ phẩm, nước uống, bánh kẹo lần lượt bị xóa sổ trên bản đồ công nghiệp Việt Nam vì đã bị các doanh nghiệp FDI thôn tính.

Báo cáo tổng kết: “Nền kinh tế tiếp tục lấn sâu vào suy giảm, tích tụ thêm những rủi ro nằm sâu trong nội tại nền kinh tế. Trong khi đó, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hầu như không đạt được bước tiến nào đáng kể”.

(TBKTSG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét