“Cử tri cần biết những con số thật“
Với sự bất cập giữa những con số được Chính phủ và các cơ quan chức năng đưa ra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các đại biểu bày tỏ sự nghi ngờ về tính chính xác của nó. “Tôi nghĩ Quốc hội phải biết người dân có quyền được biết chuyện gì đang thật sự xảy ra ở đất nước mình”, một đại biểu bức xúc nói trước diễn đàn Quốc hội.
GDP của các địa phương luôn cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi GDP quốc gia?
Không chỉ tại phiên họp công khai được, mà tại các phiên họp tổ, nhiều đại biểu đã băn khăn về mức độ chính xác của các chỉ tiêu trong Báo cáo của Chính phủ. Chỉ tiêu người lao động qua đào tạo, số giường bệnh đạt theo kế hoạch chỉ mang tính hình thức. Nhiều ý kiến băn khoăn với chỉ tiêu giảm nghèo, các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp, tạo việc làm mới đạt được trong điều kiện kinh tế quá khó khăn như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến - Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Có ý kiến phản ánh sự hoài nghi về tính xác thực trong đánh giá của Chính phủ về thị trường tài chính, tiền tệ, thông tin do các báo cáo của Chính phủ cung cấp cho đại biểu không sát với tình hình thực tế, số liệu không có tính thuyết phục… Một loạt những lĩnh vực khác mà các đại biểu còn nghi ngờ về con số, cho rằng chủ yếu vẫn thiên về tô hồng, nặng thành tích.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến - Bà Rịa - Vũng Tàu, phân tích: Từ nhiều năm nay, chúng ta cứ chấp nhận một thực tế vô lý về số liệu GDP của các địa phương luôn cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi GDP quốc gia.
Hay như số liệu về vấn đề nợ xấu, và tồn kho bất động sản có mức độ tin cậy rất thấp.
“Cuối năm 2012, Thống đốc ngân hàng Nhà nước cho rằng nợ xấu khoảng 10% trong khi thanh tra ngân hàng nhà nước cho rằng nợ xấu là 8,6%. Trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%. Cùng thời gian Ủy ban giám sát tài chính đưa ra con số 11,8%. Tháng 3 năm 2013 ngân hàng nhà nước thông báo nợ xấu còn 6%”, vị đại biểu này nói.
Đại biểu đặt vấn đề, các số liệu của cơ quan quản lý và của Hiệp hội bất động sản của các tổ chức nghiên cứu là rất khác nhau 200.000 căn hay 40.000 căn, 83.000 tỷ đồng hay 40.000 tỷ đồng, nợ công bao nhiêu?. 55% GDP hay 95% như nghiên cứu của Ủy ban kinh tế của Quốc hội và liệu có an toàn?.
Tại sao mỗi năm hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động, số doanh nghiệp còn lại phải giảm quy mô hoạt động ít nhất 30%, vốn đầu tư toàn xã hội càng ngày càng giảm mà tạo việc làm mới cứ đều đặn hàng năm từ 1,5 đến 1,6 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp hàng năm cứ giảm: Năm 2010: 2,8%; Năm 2011: 2,22%; Năm 2012: 1,99%. Những con số cứ như được cài đặt vậy, có tin được không?.
Khi các địa phương giải quyết khiếu nại đạt 85,61%; giải quyết tố cáo đạt 89% trong khi 77,51% khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai. Tin vào con số nào khi trong 10 ngày tết Bộ Y tế báo cáo có 25.000 người bị tai nạn, còn Ủy ban an toàn giao thông quốc gia là 700?.
Những con số thống kê trên được đại biểu Quốc hội liệt kê khiến nhiều người phải giật mình.
Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại, Bạc Liêu, bày tỏ mong muốn: “Đề nghị Chính phủ làm rõ. Số liệu báo cáo đúng đắn thì quyết định chính sách của chúng ta mới có thể mang lại sự đúng đắn, phù hợp, có hiệu quả hơn. Nếu chúng ta cố báo cáo cho đẹp số thì quyết định chính sách của chúng ta không được phù hợp, dẫn đến hậu quả của nó như thế nào thì chúng ta ai cũng có thể lường được”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh: Cơ bản là chấp nhận được
Giải đáp băn khoăn về sự chính xác của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư đã lên tiếng. Ông bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ ý kiến của các đại biểu. Theo Bộ trưởng, sự bất nhất của các con số là do nó được tổng hợp bằng nhiều nguồn, chứ không thống nhất. Có thể là do tổng cục thống kê, cũng có thể là do các cơ quan tổng hợp theo ngành dọc từ địa phương lên.
“Tôi khẳng định về cơ bản, các số liệu chúng ta đang so sánh là cơ bản chấp nhận được. Tuy nhiên, độ chính xác chưa cao. Nhiều số liệu phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của cơ sở. Nhiều số liệu khép kín, khiến chúng ta không có cơ sở để thẩm định được”, ông nói.
Bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư cũng khẳng định Tổng cục Thống kê là cơ quan khoa học. Các phương pháp mà Tổng cục Thống kê đang sử dụng phù hợp với chuẩn quốc tế”. Tuy nhiên, về phía các bộ, ngành còn sử dụng nhiều phương pháp chưa đúng chuẩn. Chúng tôi đang tích cực để thu hẹp khoản vênh này", Bộ trưởng nói.
Nhật Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét