Phải hy sinh cái gì và mất bao nhiêu thời gian để thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế?
08:37 | 29/05/2013
Theo PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KINH TẾ NGUYỄN ĐỨC KIÊN, trong điều kiện hiện nay, việc tiếp tục kiên trì thực hiện không tăng trưởng bằng mọi giá là cần thiết. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, người dân, doanh nghiệp sẽ phải hy sinh tốc độ tăng trưởng kinh tế trong bao lâu để thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô? Và phải hy sinh cái gì, mất bao nhiêu thời gian nữa để thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế? Ngay tại Kỳ họp thứ Năm, QH cần yêu cầu Chính phủ trả lời rõ lộ trình thực hiện mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm tăng trưởng một cách hợp lý. Vì tốc độ tăng trưởng kinh tế càng bị kìm lâu thì hệ lụy trực tiếp sẽ là an sinh xã hội, việc làm, trật tự xã hội... càng khó khăn.
- Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình KT-XH, ngân sách năm 2012, những tháng đầu năm 2013 được Chính phủ báo cáo QH tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Năm, theo ghi nhận của các ĐBQH là đã đánh giá đúng mức hơn những thách thức, khó khăn của nền kinh tế. Dẫu vậỵ, nhiều ĐBQH cũng cho rằng, giải pháp đề ra trong Báo cáo chưa thật tương xứng với tình hình hiện nay, thưa Phó chủ nhiệm?
- Báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Phiên khai mạc Kỳ họp, theo tôi, đã khái quát được bức tranh tương đối tổng thể về nền kinh tế. Ở đây, tôi không đặt vấn đề Báo cáo đã phản ánh đúng, phản ánh chân thực diễn biến KT-XH và đời sống của người dân hay chưa. Bởi lẽ, Báo cáo của Chính phủ được xây dựng từ góc độ của cơ quan điều hành dựa trên những mục tiêu của cơ quan điều hành nên những đánh giá, nhận định về tình hình KT-XH, ngân sách từ cuối năm 2012 đến nay của Chính phủ, theo tôi là có cơ sở.
Tuy nhiên, đúng như đánh giá của nhiều ĐBQH tại Phiên thảo luận Tổ về nội dung này, Báo cáo của Chính phủ còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải được đặt lên bàn nghị sự của QH một cách nghiêm túc và thấu đáo thì những giải pháp đưa ra mới có thể phát huy hiệu quả vực dậy nền kinh tế.
Theo phản ánh của người dân, các doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng và chịu tác động của các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ, một số chỉ tiêu được công bố không hợp lý lắm, hoặc ít nhất, các chỉ tiêu này chưa phản ánh đúng thực tế mà người dân và doanh nghiệp đang thấy, đang cảm nhận được. Ví dụ, con số về tạo việc làm mới. Trước Kỳ họp này, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã bày tỏ không hài lòng với con số được công bố. Vì con số này được đo đếm bằng chính thực tế lao động, việc làm của con em họ. Trước đây, con em người ta đi làm ở nhà máy, công xưởng, ít nhất mỗi tháng cũng gửi về cho gia đình được 1-2 triệu đồng, bây giờ thì không có tiền gửi về nữa, thậm chí, rất nhiều gia đình, con em họ bị thất nghiệp, phải trở về quê. Tất nhiên, từ góc độ cơ quan điều hành, có thể nói là tình trạng này không ảnh hưởng nhiều vì ruộng đất đã được chia ổn định từ năm 1993, con em nông dân đi làm ở các công xưởng, nhà máy nay bị thất nghiệp về nhà thì vẫn có ruộng đất để làm, vẫn sống được. Thế thì từ góc độ của người dân, họ không tin vào con số 1,52 triệu người được tạo việc làm năm 2012 là có lý. Hay tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi ở khu vực thành thị năm 2012, Báo cáo của Chính phủ chỉ có 3,25%. Nếu con số này chính xác, cá nhân tôi cho rằng, đó là một thành tựu rất vĩ đại. Vì một nền kinh tế đang phục hồi tốt như kinh tế Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị còn lên tới hơn 8%. Một nền kinh tế được đánh giá là vững chắc nhất châu Âu là Đức, tỷ lệ thất nghiệp cũng khoảng 7 - 8%. Kết quả của chúng ta là chưa đến 4% - tốt hơn nhiều so với các nền kinh tế đang phát triển ổn định trên thế giới. Vậy điều gì tạo nên thành tựu đó? Tại sao Chính phủ không nói rõ điều này để người dân hiểu và thêm tin tưởng vào điều hành của mình?
Một con số khác là tốc độ tăng trưởng. Báo cáo của Chính phủ nói tốc độ tăng trưởng quý I.2013 tăng cao hơn quý I.2012. Nhưng phần tăng hơn đó chỉ là 0,11%. Điều đáng nói hơn là, nếu đặt tốc độ tăng trưởng quý I.2013 cạnh tốc độ tăng trưởng quý I liên tục các năm vừa qua thì đây là thời điểm nguy hiểm nhất: dư nợ tín dụng đạt thấp nhất; tỷ lệ doanh nghiệp phá sản hàng tháng bình quân cao nhất; khu vực sản xuất công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp không tăng trưởng mà chỉ tăng ở khu vực dịch vụ, vậy thì tăng trưởng có bền vững hay không?
- Những con số được đưa ra chưa đi kèm với những phân tích, lý giải thấu đáo, có phải vì thế mà mặc dù điều hành chính sách vĩ mô vừa qua có rất nhiều cố gắng và đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn băn khoăn hay không?
- Nếu tôi là người dân, là doanh nghiệp, có lẽ tôi cũng sẽ băn khoăn như họ vì điều hành vĩ mô vẫn mắc một căn bệnh cố hữu đã được Đảng ta chỉ ra từ Đại hội toàn quốc lần thứ VIII, đó là: chuyển từ tư duy, từ chính sách sang hành động thực tế quá lâu. Ví dụ, ngày 7.1 năm nay, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 về xử lý một số vấn đề cấp bách của nền kinh tế. Những giải pháp đưa ra trong Nghị quyết chuyên đề này đều tốt. Nhưng để triển khai được Nghị quyết này đã mất 5 tháng. Như vậy, thời gian thực hiện Nghị quyết trong năm nay chỉ còn lại chưa đầy 7 tháng. Thế thì còn làm được cái gì nữa? Bản thân Chính phủ, các thành viên Chính phủ khi quyết định ban hành Nghị quyết 02 đã phải thảo luận rất kỹ, các Bộ trưởng trực tiếp thảo luận và trực tiếp quyết định Nghị quyết. Lẽ ra, Nghị quyết được ban hành là phải thực hiện được ngay. Đằng này, từ thống nhất quan điểm, giải pháp trong nội bộ Chính phủ đến việc triển khai cụ thể của các bộ, ngành bị chậm mất 5 tháng. Chúng ta nói cải cách hành chính nhưng ngay ở thượng tầng của cải cách lại chưa triệt để.
Ở thời điểm này, rất cần nhìn lại bài học thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986. Cụ thể là trong lĩnh vực nông nghiệp, buộc phải thay đổi lại cơ cấu sản xuất. Phong trào Khoán 10 đã manh nha tại một số nơi. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 100 cho phép thực hiện thí điểm Khoán 10 tại Hải Phòng. Từ thành công tại Hải Phòng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 10 để triển khai trên toàn quốc và tạo ra sự bùng nổ trong sản xuất nông nghiệp ở thời điểm đó. Điều quan trọng để đạt được thành tựu đó chính là sự nhất quán trong tư duy và hành động từ cấp cao nhất đến cấp cơ sở. Quay trở lại với điều hành vĩ mô trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, vì sao các giải pháp nêu ra đều đúng nhưng hiệu quả còn hạn chế? Là vì nhận thức và hành động giữa cơ quan điều hành cao nhất đến các cơ quan triển khai thực hiện vẫn đang có một khoảng cách. Chính phủ đã nhìn nhận ra vấn đề nhưng ở phía dưới chưa hành động theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Chính điều đó đã khiến cho người dân, khiến cho cộng đồng doanh nghiệp không khỏi băn khoăn. Và khi đã băn khoăn như vậy thì cho dù có động viên, có huy động bao nhiêu đi nữa, người dân có lẽ vẫn không đủ tin tưởng để đưa tiền, đưa tài sản của mình vào nền kinh tế. Hệ lụy là, kinh tế khó khăn nhưng nguồn lực trong dân vẫn không huy động được.
- Thực lực của nền kinh tế có hạn buộc chúng ta phải lựa chọn được những điểm đột phá để tạo tác động lan tỏa, đưa nền kinh tế thoát khỏi khó khăn. Từ góc độ của QH, theo Phó chủ nhiệm, ngay tại Kỳ họp này, QH nên lựa chọn vấn đề nào để thảo luận, quyết định và tạo đột phá?
- Theo quan điểm của tôi, tại Kỳ họp này, QH nên chọn một nội dung lớn để thảo luận và có quan điểm rõ ràng đó là đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Tại sao lại như vậy? Mấy năm vừa qua, chúng ta nói rất nhiều đến vấn đề này nhưng quan điểm vẫn còn khác nhau và cách thức thực hiện cũng còn nhiều vấn đề phải bàn.
Mặt khác, chúng ta thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về mục tiêu tiếp tục ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm tăng trưởng một cách hợp lý. Tuy nhiên, tôi đề nghị, tại Kỳ họp này, QH cần yêu cầu Chính phủ giải trình rõ lộ trình thực hiện mục tiêu này như thế nào. Đồng ý là, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay vẫn phải kiên trì mục tiêu không tăng trưởng bằng mọi giá. Câu hỏi đặt ra là, người dân, doanh nghiệp phải hy sinhtốc độ tăng trưởng kinh tế trong bao lâu nữa để đạt được mục tiêu ổn định vĩ mô? Và phảihy sinh cái gì, mất bao nhiêu thời gian nữa để thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế? Phải trả lời rõ vấn đề này vì tốc độ tăng trưởng kinh tế càng bị kìm lâu thì hệ lụy trực tiếp là an sinh xã hội, việc làm, trật tự xã hội... sẽ càng thêm khó khăn.
- Tái cơ cấu đầu tư công không phải là câu chuyện mới. Thực tế triển khai chủ trương này vừa qua cho thấy, việc chấm dứt đầu tư theo kiểu “trăm hoa đua nở” quả thật không dễ, thưa Phó chủ nhiệm?
- Vấn đề hiện nay, tôi có cảm giác, Chính phủ cũng chưa xác định được rõ đâu là điểm đột phá trong tái cơ cấu đầu tư công. Nếu bây giờ chúng ta nói năm 2013 là năm bản lề, vậy thì trong năm nay, cần dồn tiền đầu tư làm cho được công trình, dự án nào để tạo cú hích, đột phá, từ đó tạo sức lan tỏa đối với nền kinh tế trong năm 2014? Cơ cấu đầu tư công vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trăm hoa đua nở, rải mành mành.
Hãy thử nhìn cách thức triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về cơ sở hạ tầng, trong đó có nêu, phải ổn định tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 trên Tây Nguyên - sẽ thấy, chưa có sự thay đổi rõ rệt nào về tư duy đối với đầu tư công. Ngay sau khi có Nghị quyết của Đảng, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng làm một dự án toàn tuyến lên tới khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng. Nhưng điều đáng nói là, dự án này lại không nằm trong tổng thể tái cơ cấu đầu tư công. Câu hỏi đặt ra là: tại sao, một dự án để triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương với tổng vốn dự toán đầu tư lớn như vậy và việc tái cơ cấu đầu tư công của Chính phủ lại tách rời nhau? Và sự phối hợp giữa các chính sách của chúng ta như thế nào? Vì sao, chúng ta không làm theo hướng: xin phép QH chỉ thực hiện các dự án triển khai trong năm 2013, còn toàn bộ các dự án triển khai vào năm 2014, 2015 sẽ dừng lại hết để lấy tiền, tập trung đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 để vừa bảo đảm không bội chi ngân sách vừa bảo đảm có hiệu quả ngay theo đúng như Nghị quyết Trung ương? Nếu không có đột phá trong tư duy và cách thức đầu tư công mà cứ theo cách làm hiện nay, cứ cho rằng, danh mục các dự án đã duyệt xong rồi, vốn đầu tư đã chia xong rồi cứ thế mà làm; còn nếu phải làm thêm các dự án, công trình khác thì lại xin QH cho phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình để thực hiện thì không thể tái cơ cấu đầu tư công được.
Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!
Bạch Long thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét