Phân tích kinh tế lượng vai trò của đầu tư nhà nước trong thời kỳ đổi mới
Đầu tư là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu tạo nên tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trong những năm đổi mới kinh tế bắt đầu từ năm 1989 đến nay. Vai trò của vốn đầu tư đối với nền kinh tế được thể hiện trên hai mặt: vừa là nhân tố cung, tạo ra cơ sở vật chất và các đầu vào không thể thiếu của mọi quá trình sản xuất, nhưng đồng thời vừa là nhân tố cầu, tiêu thụ đầu ra của quá trình tăng trưởng.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi xảy ra hiện tượng cung lớn hơn cầu, thông qua mua sắm máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng... phục vụ cho quá trình đầu tư, hoạt động đầu tư đã tích cực tham gia kích cầu nội địa, mở ra thị trường cho các ngành kinh tế khác phát triển, từ đó hỗ trợ tích cực vào quá trình phục hồi kinh tế.
Do khả năng tác động 2 mặt của mình, đầu tư vừa có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn cung thấp hơn cầu, vừa có tác dụng kích cầu trong giai đoạn nền kinh tế dư thừa công suất sản xuất.
Một điểm đặc biệt về đầu tư của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới là vai trò quan trọng của đầu tư trong khu vực kinh tế Nhà nước. Đầu tư nhà nước ở Việt Nam được hình thành từ ba nguồn chính: đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước, đầu tư từ tín dụng ưu đãi của Nhà nước và đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Một điểm đặc biệt về đầu tư của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới là vai trò quan trọng của đầu tư trong khu vực kinh tế Nhà nước. Đầu tư nhà nước ở Việt Nam được hình thành từ ba nguồn chính: đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước, đầu tư từ tín dụng ưu đãi của Nhà nước và đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Trong bài viết này, hai nguồn đầu tư đầu sẽ được gộp chung thành đầu tư công cộng, do nhà nước trực tiếp quản lý. Đầu tư công cộng của Nhà nước được sử dụng tập trung vào hai mục tiêu chủ yếu: xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển các DNNN giữ vai trò chủ đạo.
Những nghiên cứu số liệu ban đầu cho thấy đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước càng ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế, nhất là từ sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu á. Mặt khác, cơ cấu đầu tư trong bản thân khu vực kinh tế này cũng có nhiều thay đổi trong giai đoạn từ năm 1990 đến nay. Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực này đang có xu hướng giảm nhanh.
Để làm rõ thêm thực trạng và nguyên nhân của những tiến triển trên, đồng thời đề xuất một số giải pháp cải thiện tình hình, báo cáo này trước tiên sẽ xem xét đánh giá lại vai trò, vị trí của loại hình đầu tư này trong nền kinh tế nước ta; tiếp đó phân tích tình hình thực hiện các nguồn vốn đầu tư trong khu vực kinh tế Nhà nước thông qua hoạt động đầu tư từ ngân sách nhà nước, từ tín dụng nhà nước và từ các doanh nghiệp nhà nước.
A) MỘT SỐ QUAN ĐIỂM LÝ THUYẾT VỀ VAI TRÒ CỦA ĐẦU TƯ NHÀ NƯỚC TRONG NỀN KINH TẾ
Trong các lý thuyết kinh tế cổ điển, vai trò của nhà nước trong hoạt động kinh tế rất bị coi nhẹ, đặc biệt là vai trò của đầu tư công cộng; ngược lại, vai trò của khu vực tư nhân được đề cao một cách tuyệt đối. Adam Smith ngay từ năm 1776 đã đưa ra thuyết bàn tay vô hình với lập luận rằng trong một thị trường cạnh tranh, các cá nhân theo đuổi lợi ích tư nhân riêng lẻ sẽ thúc đẩy tăng trưởng phục lợi chung toàn xã hội:
"Các cá nhân chỉ quan tâm đến lợi ích của chính mình, và trong khi theo đuổi mục tiêu đó, họ lại được dẫn dắt bằng bàn tay vô hình để thúc đẩy một kết cục không nằm trong ý đồ của họ: Bằng việc theo đuổi lợi ích riêng của mình, họ thường làm tăng thêm phúc lợi xã hội một cách hữu hiệu hơn là khi họ thực sự có ý định thúc đẩy lợi ích đó"[1].
Trong thập kỷ 50 của thế kỷ 20, Arrow (1951)[2] và Debreu (1959)[3] đã nâng quan điểm của A. Smith thành cái mà ngày nay được gọi là hai định lý cơ bản của kinh tế học phúc lợi. Định lý thứ nhất nói rằng trong những điều kiện nhất định, tất cả mọi điểm cân bằng cạnh tranh đều đạt hiệu quả Pareto, tức là trong một nền kinh tế đã đạt được cân bằng cạnh tranh thì không ai có thể được lợi hơn nữa mà không phải làm cho người khác bị thiệt đi. Định lý thứ hai nói rằng trong những điều kiện nhất định, có thể đạt được hiệu quả Pareto trong việc phân phối nguồn lực thông qua cơ chế thị trường phi tập trung. Hai định lý này có nghĩa là trong những điều kiện nhất định mà Arrow và Debreu giả định, không có chính phủ hay nhà hoạch định kế hoạch tập trung nào, cho dù thông thái và có mục tiêu rõ ràng đến đâu, có thể cải thiện được kết quả mà hệ thống thị trường tự do đã tạo ra. Khả năng tốt nhất đối với các nhà hoạch định kế hoạch là làm như các doanh nghiệp cạnh tranh, tức là cố gắng tối đa hoá lợi ích của chính mình; tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng có thể làm được như vậy. Những định lý trên ngay sau khi ra đời đã trở thành cơ sở lý luận để xác định vai trò của chính phủ trong việc phân bổ các nguồn lực.
Như vậy, nếu thế giới thực thoả mãn các giả định làm tiền đề cho các định lý cơ bản của kinh tế học phúc lợi theo quan điểm của Arrow và Debreu thì thị trường sẽ là nơi sản xuất ra mọi hàng hoá dịch vụ thoả mãn nhu cầu; chính phủ không cần cung cấp bất kỳ hàng hoá hay dịch vụ nào.
Tuy nhiên, thế giới thực lại rất cách xa thế giới giả định của Arrow và Debreu; và do vậy, trên thực tế, thị trường với sự thống trị tuyệt đối của khu vực tư nhân đã không cung cấp được các hàng hoá và dịch vụ tối ưu cho xã hội. Sự thất bại của thị trường xuất phát từ những điều kiện do Arrow và Debreu đưa ra đã không được thoả mãn. Ví dụ, thế giới thực luôn luôn trong tình trạng cạnh tranh không hoàn hảo, thị trường không đầy đủ, không bao quát được mọi rủi ro; thông tin cũng trong tình trạng yếu kém và không hoàn hảo, kịp thời, chính xác... Chính do những thất bại của thị trường mà cần đến vai trò của nhà nước. Một nguyên tắc mới của kinh tế học phúc lợi ra đời: khi thị trường thất bại thì sự can thiệp của chính phủ có thể nâng cao được phúc lợi chung, tức là có hiệu quả. Đặc biệt, sự tham gia của Chính phủ là cực kỳ cần thiết khi thị trường (khu vực tư nhân) không thể, hoặc không muốn sản xuất ra lượng hàng hoá và dịch vụ tối ưu xã hội.
Mặt khác, quá trình phát triển cũng cho thấy những giới hạn cần thiết của sự tham gia của chính phủ trong nền kinh tế. Trong một số trường hợp, việc chính phủ tham gia phát triển cơ sở hạ tầng, các ngành công nghiệp cơ bản... là cần thiết. Trong một số trường hợp khác, chính phủ chỉ nên tài trợ cho các dự án phát triển giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ... Nhiều khi trợ cấp lại là cách can thiệp có hiệu quả nhất, ví dụ trợ cấp cho các dự án phát triển nguồn nước, cải tạo rừng, xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp... Trong mọi trường hợp, khi xem xét tính toán sự can thiệp cần thiết của Chính phủ, người ta đều phải trả lời ba câu hỏi sau:
- Thất bại của thị trường diễn ra như thế nào và tại sao nhà nước phải can thiệp ?
- Nhà nước nên can thiệp thế nào để đảm bảo sản xuất được lượng hàng hoá và dịch vụ xã hội tối ưu ?
- Dự báo phương thức can thiệp lựa chọn của nhà nước có thể mang lại kết quả mong muốn hay không ?
Đến nay vẫn không có căn cứ lý thuyết nào cho phép khảng định rằng các doanh nghiệp tư nhân làm ăn có hiệu quả hơn các doanh nghiệp nhà nước; và cũng chẳng có bằng chứng thuyết phục nào chứng tỏ khu vực này hoạt động có hiệu quả hơn khu vực kia. Những thí dụ về tính hiệu quả hoặc phi hiệu quả đều tồn tại đầy rẫy trong cả hai khu vực[4].
Do những lập luận trên đây, cùng với sự ra đời và phát triển của học thuyết Keynes (một học thuyết đề cao vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường), trong nhiều thập kỷ qua, công cụ kế hoạch hoá cũng như đầu tư trực tiếp của nhà nước đã phát triển mạnh, nhất là tại các nền kinh tế đang phát triển. Thậm chí đầu tư nhà nước đã được coi là không thể thiếu được đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các ngành công nghiệp cơ bản và thực hiện xoá đói giảm nghèo tại các nước này.
Thực tiễn quá trình phát triển những năm gần đây cho thấy khu vực tư nhân đã và đang lấn sân khu vực nhà nước, cung cấp ngày càng nhiều hàng hoá và dịch vụ cho xã hội trong khi vào những thập kỷ trước, những hàng hoá và dịch vụ này được coi là nên để cho khu vực công cộng đảm nhiệm. Có ba nguyên nhân chính dẫn đến sự đổi thay lớn lao này: Thứ nhất, dù chưa có những kết luận rõ ràng và bằng chứng thuyết phục, nhưng càng ngày càng có nhiều người tin rằng khu vực công cộng hoạt động kém hiệu quả hơn khu vực tư nhân khi tham gia vào các hoạt động định hướng thị trường. Ngay cả các nhà kinh tế ủng hộ mạnh mẽ nhất cho sự can thiệp của chính phủ cũng nghiêng về một quan điểm phổ biến cho rằng các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả hơn doanh nghiệp tư nhân[5]. Thứ hai, sự thay đổi công nghệ đã và đang tạo cơ hội để cạnh tranh trên những thị trường mà trước đây theo truyền thống được coi là độc quyền tự nhiên của khu vực kinh tế nhà nước[6]. Thứ ba, khu vực tư nhân đã trưởng thành, đủ sức đảm đương được những công việc nặng nề, tốn kém mà trước đây chỉ có khu vực nhà nước mới đảm đương được.
Như vậy, vai trò của nhà nước (từ đó dẫn tới vai trò của đầu tư nhà nước) đã thay đổi theo thời gian; đến nay đã xuất hiện một xu hướng chung cho rằng nhà nước nên rút dần khỏi lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp theo khuynh hướng thị trường, nhường chỗ cho khu vực tư nhân đầu tư phát triển vì đây được xem là lĩnh vực trong đó hoạt động của khu vực tư nhân dường như có hiệu quả kinh tế xã hội cao hơn. Mặc dù vậy, trong từng trường hợp cụ thể, với điều kiện kinh tế xã hội rất đặc thù, vai trò của đầu tư nhà nước vẫn rất cần thiết tại các nước đang phát triển, nhất là trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.
[1] Smith Adam (1950) "The Wealth of Nations", 6th ed. London, Methuen publ. (originally published in 1776), p 477.
[2] Arrow K. J. (1951) "An Extension of the Basic Theorem of Classical Walfare Economics" in Neyman J. ed. Proceedings of the Second Barkeley: University of California Press.
[3] Debreu G. (1959) "The Theory of Value", New York, Wiley ed.
[4] Stiglitz J. E. (1994) "Whither Socialism ?" Cambridge Massachusetts: The MIT Press.
[5] Stiglitz J. E. (1994) "Whither Socialism ?" Cambridge Massachusetts: The MIT Press
[6] Pedro Belli and others (2002) "Phân tích kinh tế các hoạt động đầu tư", Ngân hàng Thế giới, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, Hà nội 2002, trang 3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét