Nói có nghĩa là làm việc
TT - Cuối khóa XI, một đại biểu Quốc hội cao tuổi nói với tôi: “Tôi tham gia hai khóa Quốc hội. Ghi chép đầy đủ ý kiến của từng đại biểu mới biết mỗi khóa có đến hơn 100 vị không phát biểu bao giờ”.
Ông NGUYỄN MINH THUYẾT
Có thể vị đại biểu cao tuổi chỉ đề cập đến ý kiến trên hội trường. Nhưng sự thật là số đại biểu không lên tiếng, kể cả ở những buổi thảo luận tổ, khá nhiều. Điều này thật không bình thường vì hình thức hoạt động chủ yếu của Quốc hội (quốc dân đại hội) là họp. Đã họp thì phải nói. Đại biểu không nói, chẳng lẽ chỉ phản ảnh tâm tư, nguyện vọng, ý chí của cử tri bằng cách lẳng lặng ấn nút tán thành, không tán thành hoặc không có ý kiến?Nhưng vì sao có những đại biểu không nói bao giờ?
Thường thì đại biểu là lãnh đạo ở cơ quan trung ương và cấp tỉnh không hay phát biểu. Có thể các vị đó nghĩ rằng mình đã có chỗ khác để bày tỏ ý kiến rồi? Nhưng mỗi diễn đàn có vị trí riêng. Làm đại biểu Quốc hội mà không nói ở Quốc hội thì thật sự là chưa hoàn thành trách nhiệm với cử tri đã bỏ phiếu cho mình. Thiết tưởng, nếu thấy chất vấn không tiện thì các vị cũng nên tham gia thảo luận về kinh tế - xã hội, về dự án luật... Những việc đó có va chạm gì đâu?
Cũng có thể có đại biểu không nói vì ngại bộc lộ chính kiến và năng lực của mình? Nhưng nếu ngại như vậy thì tốt nhất là không nên ứng cử.
Còn một lý do nữa khiến một số đại biểu không muốn phát biểu. Đó là thấy mọi việc hình như đã được “an bài” rồi, nói cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Quả thật ở diễn đàn dân chủ này cũng có không ít trường hợp cơ quan có trách nhiệm dựa vào lý do này khác để bảo vệ quan điểm của mình, không chịu tiếp thu ý kiến đại biểu.
Đến mức ông Vũ Mão, lúc đương chức chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phải có thơ nhại kiểu tiếp thu, giải trình ấy thế này:
“Ý kiến đại biểu thì rất hay
Nhưng nếu tiếp thu thì rất gay
Mong đại biểu vui lòng chấp nhận
Và tiếp tục... phát biểu hăng say”.
Mấy câu thơ ấy nổi tiếng đến mức mãi cho đến bây giờ ai về công tác ở Quốc hội cũng biết. Nhưng nếu chỉ vì sợ “chuyện đã an bài” mà không ai dám nói thì dân biết nhờ cậy ai?
Anh bạn tôi, một giảng viên tiếng Pháp, có lần bảo: “Tiếng Tây nó gọi nghị sĩ là parlementaire, bắt nguồn từ parler có nghĩa là nói. Đã là ông bà nghị thì phải nói. Nói tức là làm việc”.
NGUYỄN MINH THUYẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét