Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Để nồi áp suất không thành 'bom nổ chậm'

Để nồi áp suất không thành 'bom nổ chậm'

Không còn là chuyện hy hữu, các vụ tai nạn phỏng, chết người do sử dụng nồi áp suất xảy ra ngày càng nhiều. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mặc dù công nghệ sản xuất nồi áp suất ngày càng hoàn thiện về tính năng an toàn, nhưng nếu người sử dụng vận hành sai vẫn có thể gặp nguy hiểm.
Sự việc mới đây nhất, tại cơ sở kinh doanh đậu phụ của ông Nguyễn Văn Mua, 51 tuổi ở Quảng Trị, đã xảy ra vụ nổ nồi áp suất khiến ông chết tại chỗ, cháu gái 15 tuổi giúp việc cho gia đình bị thương nặng. Trên trang Webtretho, một thành viên cũng đã đưa ra cảnh báo các bà mẹ nên thận trọng khi sử dụng nồi áp suất hiệu K: “Không hiểu vì lý do gì mà nhà em đang ninh xương bỗng nổ bùm một cái, xương và nước bay khắp nhà. May là không có ai ở cạnh đó…”
Cơ chế hoạt động của nồi áp suất
TS Nguyễn Bá Hải, hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật điện Việt Nam cho biết thành phần chủ yếu đảm bảo chức năng và hoạt động của nồi áp suất là van an toàn, van giảm áp, then cài, vòng đệm cao su bịt kín giữa thân nồi và nắp…


Khi nấu, nắp nồi đậy kín, nhiệt độ tăng dần có thể lên tới 1500C, chất lỏng trong nồi được làm nóng đến điểm sôi tạo ra hơi nước. Vì hơi nước không thể thoát khỏi nồi nên sẽ tạo ra áp lực tiếp xúc trực tiếp với bề mặt thực phẩm giúp chín nhanh hơn. Khi áp suất đến ngưỡng chịu đựng, van giảm áp hoạt động để hơi nước xì bớt ra ngoài. Tuỳ loại nồi, trên nắp còn bố trí thêm một van an toàn phòng khi van giảm áp bị lỗi. “Ưu điểm chính của nồi áp suất là nấu chín rất nhanh, ít hao nhiên liệu và không tiêu huỷ các chất bổ dưỡng trong thực phẩm”, TS Hải nói.
nồi áp suất, an toàn, thực phẩm, nguy hiểm, người tiêu dùng
Nên mua nồi có xuất xứ rõ ràng, có độ tin cậy cao của hãng nổi tiếng, có bảo hành.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, viện Khoa học và công nghệ nhiệt lạnh, trong những vụ cháy nổ khi sử dụng nồi áp suất vừa qua, có trường hợp do mua nhầm nồi kém chất lượng (hàng giả, không đảm bảo độ bền cơ học) nhưng phần lớn đều do vận hành sai: đang đun nấu, mở nắp nồi đột ngột khi áp suất còn quá cao; đè van giảm áp bằng vật nặng để thực phẩm mau chín; đun nấu quá lửa; van an toàn và van giảm áp bị tắc do thực phẩm (nấu cháo, bánh đúc... ); nấu quá đầy...
Thao tác sao cho an toàn?
Theo TS Hải, trên thị trường hiện có nhiều loại nồi áp suất với tính năng khác nhau, mỗi loại có một hướng dẫn sử dụng riêng, nên người tiêu dùng cần phải đọc kỹ. Nên mua nồi có xuất xứ rõ ràng, có độ tin cậy cao của hãng nổi tiếng, có bảo hành. Lúc mới đặt nồi lên bếp nên nấu với lửa lớn, khi thật sôi có thể điều chỉnh lửa nhỏ lại. Tuỳ loại thực phẩm mà có thời gian nấu khác nhau, nên theo hướng dẫn của nhà sản xuất (thời gian nấu tính từ lúc hơi thoát ra, không phải từ lúc bắc nồi lên bếp). Nấu xong bắc nồi xuống chờ hơi thoát ra hết mới mở nắp, không dùng nước lạnh đổ lên nồi để làm nguội. Nên nghiêng người, không để mặt, tay sát nồi khi mở nắp, để tránh hơi nóng bốc vào mặt gây phỏng.
TS Hải lưu ý: “Sau khi sử dụng nên chùi rửa nồi sạch sẽ, không dùng giấy nhám hay đá mài làm trầy xước nồi. Cần chùi rửa kỹ vòng đệm cao su và các van, không để thức ăn bám vào làm vòng đệm bị hở hoặc nghẹt van”.
Theo PGS Lợi, khi sử dụng nồi áp suất cần đặc biệt lưu ý van giảm áp. Khi van tắc, không thấy xì hơi, người sử dụng dễ lầm tưởng áp suất trong nồi đã giảm, nếu vặn ra có thể gây nổ. Có thể kiểm tra van giảm áp bằng cách nhấp lên nhấp xuống, nếu thấy không đảm bảo thì phải thay mới. Lượng thức ăn cho vào nồi chỉ khoảng 2/3 dung tích nồi; với thức ăn có độ nở cao và sinh bọt như cháo, các loại đậu hoặc những thứ có nhiều nước, lượng thực phẩm giới hạn là 1/3 dung tích. Đối với các thức ăn khác (thịt, cá) lượng thực phẩm không quá 3/4 dung tích nồi.
Số lượng sáng chế nồi áp suất giảm mạnh
Năm 1938, ông Alfred Vischer (Mỹ) được cấp bằng sáng chế về một loại nồi nấu theo phương pháp áp suất. Ý tưởng của Alfred Vischer thành công đến mức không lâu sau các nhà sản xuất khác ở Mỹ và châu Âu cũng cho ra đời nhiều loại nồi áp suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Đến năm 1945, kết thúc thế chiến thứ hai, số lượng các nhà sản xuất nồi áp suất tăng lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, do áp lực cạnh tranh nên một số nhà sản xuất đã cố gắng cắt giảm chi phí, cho ra đời nồi kém chất lượng làm mất đi một phần lòng tin của khách hàng. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của lò vi sóng cũng khiến nồi áp suất hầu như biến mất tại một số nơi. Số lượng đăng ký sáng chế trên thế giới tăng đều từ năm 1970, đạt đỉnh vào năm 2007 với 270 sáng chế, rồi giảm mạnh và đến năm 2012 chỉ còn 33 sáng chế.
Theo SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét