Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Nhẩn nha trên phố Lò Đúc

Đọc bài Nâng niu những thành phố của ta làm tôi ngậm ngùi nhớ đến phố Lò Đúc xưa, phố tôi thích nhất trong những năm tháng tuổi ấu thơ. Mặc dù nhà ở tận Trương Định và mỗi khi lên phố chơi đều đi theo trục Trương Định - Bạch Mai - Phố Huế - Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Ngang và Hàng Đào - Quán Thánh để thăm khu Hồ Gươm, lên Công viên Bách Thảo và ra Hồ Tây (hồi đó chỉ duy nhất Công viên Bách Thảo là có khu nuôi hổ báo để xem), nhưng tôi vẫn thích tạt qua ngắm phố Lò Đúc... Trong những năm 60 và đầu 70 của thế kỷ trước, trên hàng sao tuyệt đẹp này của phố Lò Đúc vẫn còn có nhiều đàn cò bay về đậu mỗi chiều tối. Ôi, bao giờ cho đến ngày xưa. Cuộc sống nghèo, trong chiến tranh bom đạn mà thấy bình an hơn bây giờ.
Hàng cây Sao đen và vương quốc cò lả
Nhẩn nha trên phố Lò Đúc
Tác giả: HỒ VIẾT THỊNH
Cây Sao đen đã tồn tại qua bao nhiêu năm tháng chiến tranh khốc liệt, thế nhưng trước trước ý thức của một bộ phận người đô thị, số phận của cây trở nên chênh vênh hơn bao giờ hết.
Hàng chục cây sao đeo đều tăm tắp kéo dài suốt con phố Lò Đúc (Hà Nội) đã lưu dấu kỷ niệm với rất nhiều người sinh ra và lớn lên hoặc có dịp qua đây. Thủa ấy, trên những vòm cây xanh ngợp màu lá, những cánh cò vẫn dập dìu bay về làm tổ.
Giờ đây, hàng sao đen vẫn còn đó, nhưng hình ảnh những đàn cò thả cánh rợp phố đã trở thành kỷ niệm, hàng cây cũng trơ hanh như mất đi một phần hồn cốt.
Phố xưa cò lả
Đã thành thói quen, mỗi buổi chiều muộn ông Lê Đình Ước lại thả bước trên vỉa hè để tìm lại ký ức tuổi thơ của mình khi phố vẫn còn hình bóng những cánh cò. Nhìn lên căn nhà số 48, ông nói: "Khi còn nhỏ, chúng tôi vẫn trèo lên ban công nhà ấy để xem cò. Cò đậu nhiều lắm, lấp hết màu xanh của lá cây". Chỉ xuống lề đường, nơi đang nhộn nhịp những dòng người qua lại, ông Ước nói thêm: "Ngày trước, cũng vào khoảng mùa là rụng, lá cây sao đen trải một lớp thảm dài đến mấy phân trên đường".

Thủa xưa, con phố này vẫn nằm ngoài thành Hà Nội cũ dẫn ra cửa ô Đông Mác nên cũng vắng người lại qua. Bởi thế nên, đây chính là chốn đất lành của những đàn cò từ các đầm lầy lân cận Hà Nội mỗi chiều bay về trú ngụ. Có những lúc đàn cò lên đến cả hàng vạn con, bay dập dìu trắng xóa cả vùng trời, tiếng kêu vang rộn khắp khu phố nhỏ. Cò đậu nhiều đến nỗi, oằn hết các cành cây, phân cò rắc xuống cũng nhuộm trắng cả đường. "Hà Nội khi đó phương tiện giao thông vẫn chủ yếu là xe đạp, rất nhiều người đi bộ. Thế nên cứ mỗi lần đi ngang qua phố này, thể nào cũng dính phân cò... phố Lò Đúc, cũng được gọi là phố cò ỉa hay vương quốc cò lả từ đó" - ông Ước nói.

Tác động của con người và tự nhiên đã khiến 
cho hàng sao đen trở nên tiêu điều. Ảnh: VT
Nhẩn nha trên phố Lò Đúc, hình ảnh về con phố của những ngày rất xưa ấy dường như vẫn còn vương vất lại. Những hàng sao đen đều típ tắp, nhìn từ xa như những hàng binh sừng sững bao bọc lấy lề phố. Những ngày hè, cây ưỡn mình ra che lấy cái oi nồng của nắng nóng, thu sang lớp vỏ cây màu đen tự dưng nứt toác để lộ ra lớp vỏ lụa bên trong trắng mướt như ngà, góp thêm chút sắc màu của phố phường mỗi độ thu sang.

Hàng cây sao đen ở phố Lò Đúc kéo dài từ số nhà 1 đến nhà số 77, hiện còn 59 cây. Những cây sao cổ thụ, đường kính khoảng 1m, số còn lại thường 70-80 cm, cao15 đến 20 mét. Theo Cty Công viên cây xanh Hà Nội, nội thành thủ đô có trên 30.000 cây xanh do công ty quản lý; trong đó có ngót 100 loài cây được trồng trên các tuyến phố.

Gắn bó với con phố này gần hết một đời người, bà Nguyễn Thị Vân, nguyên là công nhân của nhà máy rượu Hà Nội, vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa giải thích về lịch sử của con phố và hàng cây. Theo bà Vân, những cây sao đen này có nguồn gốc xuất xứ từ phương Nam, đến những năm đầu của thế kỷ XX, cây sao đen mới chính thức "nhập tịch" vào Hà Nội, và nơi đầu tiên trồng cây sao đen chính là phố Lò Đúc. "Như thế, cây đã có lịch sử hơn trăm năm, hơn cả một đời người đấy nhé" - bà Vân nói. Cũng như rất nhiều người dân nơi đây, tuổi thơ của bà Vân đã chứng kiến sự đổi thay của con phố, của những hàng cây sao đen này. Đàn cò trắng trên phố đem lại một không khí thiên nhiên, gần gũi cho người dân, nhưng cũng để lại không ít phiền toái. Thủa ấy, ai có dịp đi ngang đều phải che chắn thân mình thật kỹ bằng những chiếc áo mưa, hoặc áo sơ mi dài mặc ngoài. Có người lần đầu đi ngang, cứ thấy bên bết trên đầu, sờ tay lên mới biết đã bị phân cò rắc đầy một mảng.

Người lớn bực bội vì trở thành nạn nhân của đàn cò bao nhiêu, thì đám trẻ nhỏ lại thích thú bấy nhiêu, ông Nguyễn Văn Lâm, thế hệ thứ ba sinh ra và lớn lên ở phố Lò Đúc nhớ lại, lúc còn là một đứa trẻ mười một tuổi, cứ mỗi buổi sáng sớm ông lại cùng đám bạn đứng dưới hàng sao đen đợi cò về, có khi chỉ để được nghe âm thanh rộn rã của chúng, có khi lại cầm rổ, cầm rá chạy theo đợi hứng những con cá, con tôm mà cò mẹ kiếm được đem về cho con đánh rơi.

Cùng với hàng chục cây sao đen, phố Lò Đúc còn gắn với cây đa nhà bò, cạnh nhà hộ sinh. Hầu hết những người cư ngụ ở phố này những năm trước đều chào đời ở nơi đây. "Chỗ đó vốn có một cái chuồng bò của người Ấn Độ, sau đó nhà nước ta mới cải tạo xây dựng thành nhà hộ sinh" - Ông Lê Đình Ước giải thích về nguồn gốc của tên gọi. Cũng theo ông Ước, nhà ông có mấy người con thì tất cả đều chào đời ở cây đa nhà bò. Rồi không biết ai bảo ai, người dân mỗi khi đến đây sinh nợ đều có thói quen thắp hương dưới cây đa ấy. Năm 1946 khi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến phát ra, thanh niên tự vệ Hà Nội đã họp và quyết: "Sẵn sàng đợi lệnh, thề sống chết với thủ đô. Lúc này Tổ quốc là trên hết, dân tộc là trên hết" ngay dưới gốc cây đa nhà bò này.

Tiếc nuối phố xưa

Hàng cây sao đen và những đàn cò trắng tưởng như là hai hình ảnh không thể tách rời của phố Lò Đúc. Thế nhưng, hình ảnh ấy chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, để rồi mỗi ngày người dân thức dậy lại thấy vắng đi những bóng cò, thưa đi những tiếng kêu khi cò về trú ngụ.
Hàng sao đen như những tiêu binh bao bọc lấy lề phố. Ảnh VT

Nguyên nhân về sự biến mất của đàn cò trên những hàng cây đen được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Có người bảo, trong thời kỳ kháng chiến chống pháp, chống Mỹ tiếng súng đạn của giặc thù, rồi tiếng loa báo động trên nhà hát lớn đã làm cho cò hoảng sợ mà bay đi. Còn ông Nguyễn Đình Ước lại khăng khăng với chúng tôi, cây sao đen chỉ vắng bóng cò khi có chủ trương của thành phố phải xua đuổi cò để khỏi làm ảnh hưởng đến văn minh đô thị, vì cò phóng uế quá nhiều xuống người đi đường. Vậy là, trẻ con thì dùng súng nạng, người lớn dùng những khẩu súng săn xua đuổi cò đi. 

Lại có người quả quyết, cò bỏ phố chỉ vì nhịp sống đô thị dần đậm đặc, người qua lại đông hơn, cò không còn cảm thấy an toàn nữa nên mới phải tìm nơi cư ngụ khác. Giải thích theo cách nào đi nữa, đàn cò cũng chỉ còn trong ký ức của nhiều người. Hàng sao đen vẫn đó, khẳng khiu và thay lá mỗi độ thu sang, nhưng vắng đi đàn cò tự nhiên hàng cây cũng đượm buồn. Người dân nơi đây chỉ còn biết trân trọng những gì còn lại, chăm bẵm những cây sao đen, coi đó như những nhân chứng của lịch sử và hiện thân của thời gian. Bởi đã lâu, với họ bóng cây đã hóa hồn người, trở thành một phần không thể thiếu của phố phường.

Hàng cây sao đen không chỉ còn trong tiềm thức mà còn đi vào thơ ca, đọng lại trong những trang viết đã hoen ố màu thời gian. Hình ảnh cây sao đen khẳng khiu phảng phất trong ký sự "cây và tuổi thơ tôi" của nhà văn Đào Vũ, còn nhà thơ Thế Hùng lại lấy cảm hứng từ hàng cây ấy mà cảm tác viết nên "Mưa lá" với những câu thơ dập dìu kỷ niệm:

Thu vàng trên tay
Mùa đông về nhanh quá
Phố Lò Ðúc
Cò vẫn bay về....

Thế nhưng, hàng cây sao đen từng được ví như những thân hình lực sĩ ấy giờ đã mang trên thân mình bao nhiêu vết thương do chính con người gây ra. Dẫn tôi đến cây sao đen ở gần số nhà 58, ông Nguyễn Đình Cừ, Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Đồng Nhân xót xa nói: "Những thế hệ lớn lên sau đã coi thân cây thành nơi đóng đinh treo biển, họ bức tử cây, hủy diệt cây từng ngày". Cây sao đen đã tồn tại qua bao nhiêu năm tháng chiến tranh khốc liệt, thế nhưng trước trước ý thức của một bộ phận người đô thị, số phận của cây trở nên chênh vênh hơn bao giờ hết.
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-03-23-hang-cay-sao-den-va-vuong-quoc-co-la

Nhẩn nha trên phố Lò Đúc
Hàng cây sao trên phố Lò Đúc.
Mấy chục năm trước, Lò Đúc còn là phố khá hẻo lánh của Hà Nội. Cuối phố có cửa ô Đống Mác nằm liền các làng cổ Thanh Nhàn, Hộ Quốc… Đứng bên tòa thành đất, nhìn ra xa là những cánh đồng rộng mênh mông của các làng Vĩnh Tuy, Quỳnh Lôi, Mai Động.
Lâu nay, phố Lò Đúc được nhiều người biết đến vì nơi phố nhỏ êm đềm có những hàng cây sao cao vút, tán lá giao nhau, là nơi trú ngụ lý tưởng của những đàn cò. 
Phố Lò Đúc có NXB Văn hóa - Thông tin, Viện Pasteur, cơ quan lâm nghiệp, nhà máy rượu... Ở cuối phố có cây đa cổ thụ, tán lá che phủ một vùng rộng. Nơi đây trước có trại nuôi bò của người Tây nên người ta gọi nôm na là Cây đa Nhà bò.
Năm 1983, đường mới Kim Ngưu được mở nối phố Lò Đúc với khu công nghiệp Minh Khai nên từ đó phố Lò Đúc trở nên sầm uất. Phố dài 1.160 mét đi từ cuối phố Phan Chu Trinh đến đường Trần Khát Chân, chạy qua nhiều thôn, xóm cũ: Hữu Vọng, Hương Thái, Đức Bác, Yên Hội và Thọ Lão thuộc tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương. Tới giữa thế kỷ XIX, ba thôn Hữu Vọng, Hương Thái, Đức Bác hợp lại thành thôn Hương Viên; hai thôn Yên Hội, Thọ Lão hợp lại thành thôn Cảm Hội. Lúc này, tổng Hậu Nghiêm cũng đổi thành tổng Thanh Nhàn.

Ở cuối phố Lò Đúc chỗ gặp phố Lương Yên trước là một cửa ô. Năm 1831, cửa ô có tên gọi Thanh Lãng, năm 1866 đổi gọi Lãng Yên. Trước đó nữa, vào thời Lê Mạt (thế kỷ XVIII) cửa ô này có tên gọi ô Ông Mạc. Dọc phố Lò Đúc, ở số 55 phố Nguyễn Công Trứ, còn dấu tích đình làng Cảm Hội thờ Xà Ông, tương truyền là tướng của vua Hùng, có công dẹp giặc Ma Lôi, đánh tan giặc Mũi Đỏ ở phía Tây. Ở làng Hương Viên chỗ số nhà 1, 3 phố Trần Xuân Soạn, có đình thờ Chu Văn An. Nhưng trong cuộc binh lửa năm 1946, đình bị phá hủy một phần rồi bỏ hoang phế dần. Ngai, bài vị của Đức thánh Chu được chuyển sang thờ tạm ở chùa Đức Viên.

Ở phố Lò Đúc còn một di tích gắn liền với lịch sử phát triển của phố này, đó là chùa Tổ Ong.
Cuối thế kỷ XVIII, một số người làm nghề đúc đồng ở vùng Kinh Bắc tới lập nghiệp trên đất Thăng Long. Họ mở lò đúc đồng tại làng Đức Bác thuộc tổng Hậu Nghiêm. Sau này, phường đúc chuyển đi nơi khác. Để ghi nhớ sự tích làng nghề một thuở, con đường mới chạy qua năm làng cũ được đặt tên là Lò Đúc. Dấu tích của phường đúc này là chùa Tổ Ong tọa lạc ở ngõ 79. Chùa tên chữ Linh Ứng tự, do dân làng Đức Bác lập trên phố Lò Đúc để thờ Nguyễn Minh Không, ông tổ nghề đúc đồng. Nhưng vì sao ngôi cổ tự lại có tên gọi là chùa Tổ Ong? Giải thích tên gọi này, vị sư trụ trì nói: Mới đầu gọi là chùa Tổ Ông, sau lại gọi chệch ra là chùa Tổ Ong vì kiêng húy. Vị sư tổ ở chùa có truyền lại rằng, khi đào móng xây chùa, thấy đất rỗ như tổ ong, do đó mà thành tên gọi.

Hơn 50 năm trước, vườn chùa khá rộng. Trước chùa có hồ nước và vườn cây bốn mùa xanh tươi. Nay sau bao biến đổi thật khó nhận ra được dáng vẻ của cảnh chùa ngày xưa.

Khác với vẻ bề ngoài khiêm nhường, tại phật điện chùa Linh Ứng còn giữ được nhiều di vật quý. Hệ thống tượng Phật có kích thước nhỏ nhưng được các nghệ nhân xưa tạo tác rất đẹp. Từ vẻ mặt, ánh mắt đến màu sơn, mỗi pho như có hồn riêng, đượm vẻ ưu tư. Quả chuông Linh Ứng tự chung là kỷ vật vô giá của người làng nghề đúc từ hai thế kỷ trước. Trước phật điện, dưới cửa võng là bức hoành có ba chữ khảm trai Nhi thần hóa (biến hóa như thần) gắn với sự tích Tổ nghề Nguyễn Minh Không; một bức khác có bốn chữ Ứng thanh đĩnh tú, nói về mảnh đất từ xưa vẫn nổi tiếng là linh thiêng. Ở chùa còn đôi câu đối khảm trai các chữ Hán viết theo lối thảo, mỗi nét được cách điệu trúc hóa long và thông, mai, cúc, trúc.

Trong nhiều năm qua, 40 hộ dân đã tới đất chùa làm nhà ở. Có người làm nhà cả ở trước ngôi tam bảo. Năm 1996, trước cảnh trớ trêu, báo chí đã lên tiếng và người này đã phải chuyển đi nơi khác. Nhưng tại nhà Tổ, từ lâu đã bị một gia đình chiếm dụng làm nơi chứa hàng. Tấm bia thời Tự Đức (1857), mặt bia bị quét vôi che kín chữ. Ai có lòng ngưỡng mộ tài nghệ của người xưa muốn vào xem, đọc bia nếu chủ nhà không mở cửa cũng đành chịu. 

May sao, vào năm 2009, bằng sự quyết tâm và bền bỉ trong nhiều năm, bà Trần Thị Phong, một người về hưu tình nguyện đứng ra trông nom chùa đã cùng các Phật tử chuyển được tấm bia này lên chùa chính. Bia cỡ 1x1,7m, diềm bia trang trí hoa cúc, dây leo. Bia có tên Ký sám hối gia tiên bi ký (bia ghi việc gửi giỗ cho gia tiên) có 1.300 chữ Hán, khắc theo thể chữ chân, sắc nét và còn nguyên vẹn. Mở đầu, bài văn viết: “Thường nghe, sự linh thông là con thuyền phổ độ rộng khắp cho mọi sinh linh trở về với thế giới cực lạc. Để rồi những hồn phách ấy mãi mãi quy y về phúc đức dài lâu muôn thuở. Đó cũng chính là cái lẽ cương thường hưởng tự trong sâu thẳm đáy lòng người. Từ xưa đến nay, có tu phúc thì tai mới nghe, mà tai có nghe thì tâm mới giác ngộ vậy. Nay ở Hà Nội, tăng sư chùa Linh Ứng lập bia sám hối ghi họ tên các vong linh của gia tiên mọi nhà xin được ngàn năm hưởng tự sau hậu Phật. Cứ vào hằng năm nhà chùa có buổi tụng kinh làm lễ cầu siêu cho các vong hồn sớm được siêu sinh, hễ người nào, vị nào muốn gửi tiên linh vào chùa thì mỗi vị phải đóng 10 đồng để lấy đó làm đèn hương. Còn họ tên của các chư linh xin ghi rõ ràng vào bia này để mãi mãi nghìn vạn năm sau không bao giờ thay đổi”.

Văn bia giúp chúng ta hiểu tập tục của người dân thành phố hơn 100 năm trước và cung cấp một số địa danh như phố Tràng An, phố Phương Viên (gọi theo tên làng cổ) mà nay không còn hoặc đã bị đổi tên. Ngoài ra, bia còn ghi danh một số người quê huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương công đức tiền của cho chùa.

Lịch sử phố Lò Đúc, chùa Tổ Ong và một tấm bia quý mới phát hiện tại chùa đã góp phần tô thêm vẻ đẹp nghìn năm của đất Thăng Long - Hà Nội.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét