Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Tản mạn về thịt heo thời nay

Đọc mà sợ quá, biết ăn gì đây nếu cái gì cũng dùng hóa chất thế này.
Viết từ Saigon: Thịt heo
Mặc dù ngành y tế khuyến khích người dân nên ăn thịt trắng hơn thịt đỏ nhưng thịt bò vẫn được coi là loại bổ dưỡng. Bò tái thường dành cho người ốm yếu muốn mau phục hồi sức khỏe và thịt dê là món khoái khẩu của dân nhậu.
Riêng thịt heo đặc biệt vô cùng phổ biến vì dễ ăn và dễ chế biến nhiều món. Cứ vào bất cứ một ngôi chợ to nhỏ nào thì thấy ngay. Cứ một hàng gà vịt, hai hàng bò thì phải đến bảy, tám sạp thịt heo.
Thế nhưng thời gian vừa qua, thịt heo trở nên vô cùng tai tiếng.
Đầu tiên là tạo nạc cho heo. Ngày nay, do ăn kiêng để tránh bệnh hoạn nên người ta không ăn nhiều mỡ như xưa. Con heo phải được nuôi sao cho ngay cả miếng ba chỉ cũng toàn nạc, phần mỡ mỏng dính như sợi chỉ. Vì thế chất tạo nạc có xuất xứ từ Trung quốc được pha vào thức ăn khiến con heo dần teo xương, trữ nước, phần thịt nở ra có vẻ toàn nạc đến tận da, chẳng thấy mỡ đâu. Lại thêm mau tăng cân, mỗi ngày tăng đến một, hai ký. Chỉ ba tháng đã có thể xuất chuồng thay vì hơn bốn tháng. Thật ra, mấy con heo siêu nạc từ lúc chích thuốc thúc đến khi bán chỉ trong vòng nửa tháng. Lâu hơn heo bị gãy chân, lở da...

Nhiều người cho rằng heo dưới quê “lành” hơn heo thành phố vì thịt heo dưới quê vẫn nguyên tảng mỡ dày cui y như ngày xưa. Dân quê có miếng thịt trong bữa ăn là tốt rồi, e chất mỡ trong cơ thể cũng thiếu, không cần phải kiêng béo như dân thành thị. Vì thế, heo dưới quê được nuôi tự nhiên tuy dày mỡ nhưng chắc chắn không chứa hóa chất độc hại trong thịt.

Trước kia thành phố, nhà nào cũng có “thùng nước cơm” đặt sau nhà để đổ cơm thừa canh cặn vào đó. Mỗi ngày, người nuôi heo đi từng nhà đổ thùng nước cơm vào thùng lớn mang về nấu thành nồi cám heo. Sau này, heo công nghiệp phát triển, chẳng còn ai nuôi vài con heo trong chuồng để đi xin nước cơm, vừa kêu eng éc suốt ngày ồn ào, vừa hôi rình làm phiền hàng xóm. Và cũng chẳng dân thành phố nào còn muốn trữ một thùng nước cơm cạnh thùng rác sau nhà cả.

Ngay cả những trại nuôi heo siêu nạc chuyên cung cấp cho thị trường cũng chẳng dám ăn loại thịt heo siêu nạc mà bao giờ cũng nuôi vài con heo “sạch” dành cho gia đình. Cũng giống như người trồng rau xịt thuốc thúc rau mọc nhanh, mọc tốt nhưng chính họ chỉ dám ăn rau sạch từ vài luống trồng riêng.

Xem chừng thời nay muốn kiếm con heo “sạch” thật mò kim đáy bể, cần phải lần mò kiếm ra một nguồn quen biết nuôi heo sạch chứ heo trên thị trường thì chịu thua. Cứ nhìn bò mà suy ra tình trạng gia súc. Con bò béo tốt, khỏe mạnh, chủ bảo đảm không trộn thức ăn hóa chất. Úi chào, ngay cả hóa chất cũng tốn tiền mua lắm chứ, cho nên người ta thả bò ra ăn rác ở bãi rác Khe Đá Mài (Thái Nguyên), bãi rác Rốc Búng (Hòa Bình), bãi rác Tân Lang (Lạng Sơn)... cả trâu cũng không kém phần nghiện rác như bò! Bởi trong rác có đủ loại thức ăn, nên trâu bò thả ra ăn rác, chẳng con nào chịu quay lại ăn cái món rơm, cỏ đơn điệu.

Sắp đến ngày thương lái đến bắt, con heo còn bị bơm nước vào miệng để tăng trọng lượng, bơm tới mức heo nằm ịch, hết lết đi hết nổi. Trong vòng mười phút, heo tăng năm đến mười ký một cách dễ dàng. Dĩ nhiên khi xào nấu, miếng thịt sẽ mau chóng teo nhỏ lại.

Con heo thật khổ. Dịch lở mồm long móng và tai xanh lan rộng một số nơi khiến ở đó người ta không dám ăn thịt heo. Có lúc không dám thôi, rồi đành tiêu thụ như thường vì khó loại thịt nào thay thế được thịt heo.

Theo đúng nguyên tắc, con heo bệnh phải được chôn xuống hố rắc vôi bột. Nhưng làm như vậy mất công quá, phải có mặt nhân viên dịch tễ, có đào hố, có khiêng heo từ chuồng xuống hố, có khi tốn tiền tự mua vôi... Nhiêu khê quá thể, kiếm chỗ ném phi tang cho lẹ. Cứ tưởng chỉ tại sông Hoàng Phố (Thượng Hải) mới có cảnh mười mấy ngàn xác heo trôi lềnh bềnh. Té ra sông Trường Giang (Quảng Nam) cũng bốc mùi hôi thối do xác heo tai xanh nổi trên sông.

Đâu phải heo chết là hết chuyện. Heo chết mới chỉ là một tập và vẫn còn nhiều tập tiếp diễn.

Dù sao ném heo xuống sông vẫn còn là hành vi nhân đạo vì khi heo bệnh đã chôn xuống hố rồi, vẫn có kẻ đào trộm lên mang bán thịt. Loại thịt này e khó bán ngay nên ở xã Thanh Khương và Gia Đông (Bắc Ninh), người dân chế biến rồi mang đi tiêu thụ nơi khác. Các lò làm giò chả, ruốc (chà bông) cho người đi cùng khắp các nơi mua heo bệnh dịch về làm hàng rồi tung ra bán. Đố ai biết được nguồn gốc của những thực phẩm đã qua chế biến này.

Heo chết vì dịch bệnh, nhất là bệnh tai xanh thấy rõ triệu chứng qua xuất huyết da. Nếu khó bán thịt tươi thì ngâm thuốc tẩy, phẩm màu công nghiệp, hương liệu rồi đem quay, làm thành khô bò... thì khó ai phân biệt được.

Đó là chết rồi chứ heo đang ngắc ngoải thì còn bán tống tháo được đồng nào hay đồng nấy. Thương lái đổ xô về vùng dịch bệnh để mua heo giá rẻ. Con nào mới mắc bệnh được mua với giá 10000đồng/kg. Con nào mới chết hoặc sắp chết có giá từ 10000 đến 30000 một con tùy to nhỏ. Con heo cả đống tiền, đằng nào cũng chết, bán ít tiền mua được con cá, bó rau cho bữa cơm còn hơn!

Không qua thương lái, một số nhà tự mổ lợn rồi mang lên bán thẳng cho các sạp thịt Hà Nội. Sạp thịt bán toàn heo bệnh hay trộn heo bệnh lẫn heo lành thì chỉ trông cậy vào cái Tâm thiếu hụt của người bán. Lẽ ra thịt bày ngoài chợ phải có đóng dấu kiểm nghiệm của thú y nhưng việc này đã bị bỏ quên từ lâu. Người bán vẫn tự do bán thịt mổ lậu và người mua không hề thắc mắc tí nào.

Thế nhưng không chỉ heo bệnh trong nước mà còn thịt nhập cảng cũng góp phần vào danh mục thịt bẩn, thịt độc hại.

Ngày xưa và cả nay, thiên hạ cứ cho rằng đồ ngoại quốc đều “xịn” hơn đồ quốc nội nên thời gian qua, hàng ngàn tấn thịt đông lạnh thi nhau tràn vào Việt Nam. Từ nơi xa xôi như Canada đến hàng xóm như Trung quốc... Từ gà, dê, trâu bò... và dĩ nhiên không thể thiếu thịt heo. Những mặt hàng này vào Việt Nam qua đường hàng không, đường thủy, vào lậu qua biên giới... đủ mọi ngả đường.

Sau những đợt phát hiện hàng tấn heo thối, thịt heo bẩn thì quan chức buộc phải thừa nhận:

- Lâu nay chúng ta cứ tưởng thịt nhập từ nước ngoài là tốt hơn trong nước, nhưng bây giờ mới tá hỏa là còn kém hơn nhiều. Thị trường Việt Nam đang trở thành thị trường xả hàng tồn kho của nhiều nước.

Khi bắt trên xe chứa hơn 1 tấn heo chết bị đã đổi màu, rỉ dịch, bốc mùi hôi thối, thì tài xế đã trả lời: “Ăn thịt heo chết còn ngon hơn thịt heo sống”. Bắt hết kho hàng đông lạnh này đến xe tải đang chạy trên đường khác mà xem chừng thịt bẩn vẫn tung hoành trên thị trường chẳng chút gì sợ hãi.

Đương nhiên rồi, thịt heo càng hỏng thì khi chế biến, người ta càng thêm vào nhiều hóa chất, nhiều gia vị. Thịt heo dễ phù phép để thành vô số món ăn ở nhà hàng, tiệc cưới cho chí quán ăn bình dân, bếp công nghiệp tại các công ty lớn hàng ngàn công nhân...

Trong một buổi tiệc cưới ở nhà hàng, thực khách không ăn nổi vì món lẩu thịt heo dọn lên bàn rồi mà vẫn còn bốc mùi hôi thối. Chủ nhà hàng thừa nhận: “Đây là sai sót”. Ý là ngâm tẩm, phù phép chưa đủ đô chứ gì và đền bù bằng giá trị hai bàn ăn cho khỏi kêu ca kiện cáo. Thành thử không lạ khi các vụ ngộ độc tập thể xảy ra thường xuyên tại tiệc cưới, căng tin...

Ngay thịt sống đã qua hóa chất tẩm ướp, thịt bẩn cũng biến thành thịt sạch, mắt bà nội trợ còn nhận không ra huống hồ thịt đã chế biến thành thực phẩm ăn liền.

Đôi khi có thể phân biệt qua... giá cả. Một kí heo quay bán trong tiệm có tên tuổi giá từ hai trăm đến hai trăm năm chục ngàn. Còn các sạp thịt vùng xa hay quầy thịt “dã chiến” ở các khu du lịch bán vội cho khách qua đường chỉ rao với giá chênh lệch một cách kỳ lạ.

Bà Thương khoe:

- Mỗi lần đi du lịch vùng núi, tui đều ghé mua mấy kí thịt heo quay về làm quà cho bà con. Có ba chục ngàn một kí. Còn thơm ngon hơn cả thứ mấy trăm ngàn trong tiệm đó chứ!

Ngay cả con heo nuôi nhà có trốn thuế, mổ lậu thì chỉ công nuôi và quay cũng không thể có cái giá kỳ cục đó. Nhưng chỉ cần rẻ mạt là thu hút ngay đông đảo khách mua. Con heo bệnh ở đâu không thấy, chỉ biết bữa cơm gia đình có một đĩa thịt heo quay ngon lành là món ăn không dễ có trong thời buổi kinh tế khó khăn này.

Quả thịt heo là loại thực phẩm nhiều ưu điểm vượt trội. Với sự trợ giúp của một ít hóa chất rẻ tiền mua dễ dàng ngoài chợ thì chỉ trong nháy mắt, mỡ thối biến thành dầu ăn, miếng thịt heo rẻ tiền biến thành heo rừng, thịt nai, thịt bò, đà điểu, cá sấu, lạc đà bán với giá mắc hơn. Chẳng những mùi giống mà vị cũng y chang mới hay chứ.

Nhất là món thịt dê. Trong các món thịt dê thì món khoái khẩu nhất của dân nhậu là món nhũ dê. Một con dê nái cho khoảng một ký nhũ mà đàn dê chỉ bán dê thịt, dê thải... Dê nái phải để lại gây đàn chứ? Vậy thì món nhũ dê ê hề ở các quán lẩu dê phần lớn đích thị nhũ heo, và phần lớn lại là nhũ heo chết sau khi ngâm bột tẩy trắng kỹ càng.

Mới đây có một chuyến xe chở hơn ba tấn nhũ heo thối. Chẳng biết nhà nước có tiêu hủy chưa, hay số hàng này kịp thời trốn chạy thoát thân lên bàn ăn cho mất dấu tích.

Lên tới đĩa thức ăn vẫn chưa hết chuyện. Theo một báo cáo của ngành y tế thì hiện nay 40% ca bệnh ung thư là do thực phẩm gây ra. Việc chữa trị bệnh ung thư đang... đắt khách như tôm tươi. Một bệnh viện chuyên khoa ung thư của Singapore vừa khánh thành ở Sài Gòn.

Tính ra cuộc đời con heo đâu có đơn giản. Từ lúc sinh ra trong chuồng cho tới khi chui vào bao tử người ta thật trải lắm truân chuyên, hệ lụy!!!

Saigon cô nương

http://www.thoibao.com/chuyen-muc/viet-tu-sai-gon/11449-viet-tu-saigon-thit-heo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét