Dân thấy sao cứ biết vậy đi!
ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Hội Thống kê Việt Nam
(Phụ nữ Today)- Theo Chủ tịch Hội Thống kê Việt Nam, số liệu thống kê hiện nay ở nước ta luôn có hai số, một số dùng khi nghiên cứu sẽ chính xác hơn, và một số dùng để công bố công khai, con số này có thể bị tác động bởi nhiểu vấn đề. Sau khi số thống kê tai nạn giao thông trong 10 ngày Tết Quí Tỵ được công bố, với thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia là hơn 700 người thương vong do tai nạn giao thông, trong khi Bộ Y tế lại công bố có hơn 25.000 người nhập viện vì tai nạn giao thông trong thời điểm này.
Đây không phải lần đầu tiên các cơ quan của Việt Nam đưa ra số liệu thống kê trái ngược nhau về cùng một vấn đề. Với thực tế đó, chiều 28/2 chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Hội Thống kê Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Ông Tiến cho hay, số liệu thống kê hiện nay ở nước ta luôn có hai số, một số là để dùng khi làm việc với các chuyên gia, người nghiên cứu lâu năm, vì họ biết về con số, nên có thể số này sẽ chính xác hơn; còn con số dùng để công bố công khai, con số này có thể bị tác động bởi nhiểu vấn đề, có thể bị chỉ đạo, nên cũng có điều chỉnh.
“Như số liệu GDP, nếu thấp quá là phải tính lại cho cao lên, cái đó có. Nếu mời chuyên gia tới phân tích, sẽ có thể ra một con số khác, có thể không xa con số báo cáo, nhưng chắc chắn nó không phải con số trong các báo cáo đánh giá hàng năm”, ông Tiến dẫn chứng.
Hai số liệu cùng song hành
PV: – Theo ông, tiêu chí thống kê hiện nay đã được xây dựng chuẩn chưa? Phải chăng quy định thiếu, không rõ nên mỗi đơn vị thống kê một kiểu?
Ông Nguyễn Văn Tiến: - Cái đấy cũng có, như tôi được biết dự thảo Thông tư 01 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành hệ thống chỉ tiêu 4 cấp, gồm cấp trung ương (350 chỉ tiêu), cấp tỉnh, cấp huyện và cả cấp xã, phường. Cụ thể đấy, nhưng để đi được vào thực tế còn dài.
Nếu thực hiện đúng số liệu không qua sai, nhưng không đủ khả năng để làm như vậy, vì nhiều lý do, như lý do về chính trị đã bị ảnh hưởng, rồi lý do về nguồn lực…
Về mức độ chính xác, tùy từng con số phải có cách nhìn, phân tích khác nhau.
PV: – Số liệu công bố chuyên gia còn phải phân vân, còn người dân không biết gì, vậy làm sao để tin?
Ông Nguyễn Văn Tiến: – Cái đó thì người dân thấy sao cứ biết vậy đi. Biết làm sao được. Anh cứ bảo sai, nhưng làm sao có con số đúng được. Đành chấp nhận công bố bao nhiêu biết bấy nhiêu.
Có nhiều con số không thể thống kê chính xác được, như điện lực, xăng dầu lúc nào cũng bảo lỗ, ai biết thực hư thế nào, cũng chỉ có thể dựa vào báo cáo của doanh nghiệp đó, ngành Thống kê cũng không thể tiếp cận doanh nghiệp họ được. Nếu thanh, kiểm tra cũng chỉ gọi là tiếp cận được gần sát với thực tế thôi, phải chấp nhận điều đó.
Tôi nói ngay con số mà chục năm nay ngành thống kê khắc phục không được, đó là chỉ số GDP địa phương cao hơn trung ương. GDP trong báo cáo các tỉnh bao giờ cũng phải 2 con số, trong khi năm 2012, GDP cả nước chỉ có 5%, vậy mà nhiều người vẫn nói con số 5% là còn cao, khi kinh tế đang khủng hoảng.
Bệnh thành tích làm thống kê bị sai
PV : -Phải chăng bệnh thành tích đang chi phối tới các số liệu thống kê quá nhiều?
Ông Nguyễn Văn Tiến: – Bệnh thành tích quá đi chứ, nếu anh muốn làm lãnh đạo mà các chỉ tiêu không tăng trưởng, không phát triển, thì ai còn bổ nhiệm cho làm? Tổng cục thống kê biết nhưng không làm được gì, vì cũng chỉ là một cơ quan nhỏ của Bộ.
PV: – Các con số thống kê của Tổng cục thống kê có thể xem là chuẩn nhất nước và hoàn toàn tin tưởng được không?
Ông Nguyễn Văn Tiến: – Về mặt pháp lý đúng như vậy, làm chính sách cũng theo những thống kê đó, còn các bộ ngành, địa phương khác công bố thì số liệu chỉ để tham khảo. Luật thống kê đã quy định thế. Nhưng trên thực tế, các bộ ngành, địa phương vẫn tự công bố, biết vi phạm cũng không làm được gì.
PV: – Nhưng nhiều lĩnh vực Tổng cục thống kê phải sử dụng số liệu của cơ quan khác, các địa phương gửi lên, trong khi số liệu này đã không chính xác, vậy số liệu của Tổng cục thống kê cũng không hoàn toàn đúng?
Ông Nguyễn Văn Tiến: – Cái này cũng có, không thể nói đúng tuyệt đối được. Nhưng khi đã công bố, Tổng cục thống kê phải chịu trách nhiệm về số đó, và theo quy định, nó là số chuẩn nhất.
PV: -Có một số số liệu Tổng cục thống kê không tham gia thống kê, công bố, mà các bộ ngành, địa phương tự làm, trong khi họ bị ảnh hưởng bởi bệnh thành tích, vậy làm sao số liệu có thể chính xác và chính sách đưa ra sao có thể giải quyết được đúng vấn đề?
Ông Nguyễn Văn Tiến: Cái đấy phải hỏi lãnh đạo.
PV: – Ông đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng của số liệu sai tới chính sách?
Ông Nguyễn Văn Tiến: – Số liệu sai thì chính sách đưa ra chắc chắn sẽ không đúng. Nếu sai số ở mức độ vừa phải thì cũng không hẳn quá xấu. Nhưng nếu sai mức độ lớn thì sẽ ảnh hưởng lớn.
PV: – Nếu so sánh mức độ chính xác số thống kê thời ông còn làm và hiện nay, ông thấy có thay đổi nhiều không?
Ông Nguyễn Văn Tiến: Đã thay đổi nhiều, tôi không phải chê hay tự khen mình, nhưng số thống kê ngày xưa tốt hơn bây giờ. Ngày xưa hệ thống thông tin cơ sở từ dưới lên tốt hơn giờ nhiều. Giờ nhiều cấp rất thiếu nghiêm túc trong thống kê, nhiều khi chỉ làm cho xong, nên nhiều số liệu có hạn chế.
PV: – Xin cảm ơn ông!
Lê Việt thực hiện (nguồn: Phụ nữ Today)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét