Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội: Quá xa thực tế

Quá xa thực tế

Thứ tư 22/05/2013 14:40
Tình hình đang còn rất nhiều khó khăn nhưng các báo cáo lại nói là khả quan, kinh tế tăng trưởng, lạm phát ổn định… Như vậy thì xa rời thực tế quá. Nếu không nhìn thẳng vào vấn đề thì không bắt bệnh và chữa bệnh được. Đó là ý kiến của các ĐBQH nêu tại buổi thảo luận tổ sáng 22/5 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012, những tháng còn lại của năm 2013.  
ĐB Đinh Xuân Thảo: Tiền đi đâu?
Chính phủ và đặc biệt “tư lệnh” ngành phải làm rõ thực trạng giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn. Mặc dù lãi suất đã hạ, nguồn tiền huy động vẫn chảy vào nhưng DN vẫn không tiếp cận được vốn. Vậy tiền đi đâu? Phải chăng tiền gửi từ NH này sang NH khác để hưởng lãi chênh lệch?
ĐBQH đoàn Hà Nội thảo luận tại tổ sáng 22/5. Ảnh LD
Tôi có đặt vấn đề này với một chuyên gia tại kỳ họp TVQH, nhưng họ bảo tiền có nhưng không dám cho vay vì không thực sự tin tưởng.
Với bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ còn lại của năm 2013 sẽ còn rất nhiều khó khăn. Ngay cả chuyện cải cách tiền lương dù đã bàn nhiều nhưng vẫn chưa thực hiện được và chưa biết lúc nào sẽ triển khai.
Hay lĩnh vực KHCN và GDĐT – được coi là quốc sách hàng đầu nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Việc chi cho KHCN ở Hàn Quốc chỉ trong 2 năm mà đã bằng 100 năm của Việt Nam. Ngoài ra lĩnh vực kinh tế biển tiềm năng rất lớn nhưng việc triển khai lại chưa được mấy.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh: nợ xấu nằm ở đâu?
Qua tiếp xúc cử tri mới thấy được tình hình đang còn rất nhiều khó khăn. Nhưng các báo cáo lại nói tình hình vẫn khả quan, kinh tế tăng trưởng, lạm phát ổn định… Như vậy thì xa rời thực tế quá. Nếu không nhìn thẳng vào vấn đề thì không bắt bệnh và chữa bệnh được.
Cái vướng đầu tiên là nợ xấu. Dù đã trải qua 5 kỳ họp QH rồi mà tôi vẫn chưa biết và vẫn muốn biết nợ xấu nằm ở đâu? DN nào? Phải biết được nó nằm ở đâu mới có thể tìm cách tháo gỡ.
Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền phải gắn báo cáo kiểm toán, báo cáo đánh giá với việc bố trí cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND các cấp.
ĐB Phạm Huy Hùng: nợ xấu đâu chỉ tại mỗi NH
Lãi suất từ năm 2011 đến nay liên tục giảm từ 4 – 8%, đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn năm 2007 – thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng. Thậm chí nhiều NHTM còn giảm lãi suất để cạnh tranh, thu hút khách nhưng vẫn không thể tăng trưởng được tín dụng. Không phải ngân hàng không muốn cho vay mà do sức mua giảm, hàng tồn kho lớn, khó khăn trong SXKD của DN chưa được cải thiện.
Tuy nhiên cũng có một bộ phận có nhu cầu vay nhưng mức độ rủi ro cao, không có khả năng thu hồi vốn. Nếu cứ “bơm” tiền vào thì nợ xấu sẽ tăng lên. Nợ xấu không phải do NH tạo ra mà vì DN vay không trả được. Nợ xấu không phải của một mình ngân hàng.
Trong lĩnh vực quản lý kinh doanh vàng – mặt hàng biến động vô cùng phức tạp, nhưng nay đã ổn định. Thị trường không còn cảnh đổ xô đi mua vàng, nguồn tiền chuyển về nước ngày càng nhiều hơn.
Vấn đề quan trọng hiện nay là kích cầu, giải phóng hàng tồn kho, lấy lại niềm tin cho thị trường.
ĐB Bùi Thị An: Con số chưa chuẩn
Trong thời gian qua, KTXH đã đạt hiệu quả, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định. Những vấn đề bức xúc dân sinh như giáo dục, y tế, thủy điện… đã có sự vào cuộc nhanh chóng.
Tuy nhiên việc điều hành kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều lúng túng. Chính phủ quy định về trách nhiệm cá nhân chưa rõ.
Các con số đánh giá cũng chưa chuẩn, chưa thống nhất, ăn khớp. Con số về nợ xấu, nợ công thất nghiệp đều là mấy con số và cần kiểm tra lại để đánh giá chuẩn tình hình. Bắt bệnh không đúng sẽ không có thuốc chuẩn. Có lẽ Tổng Cục thống kê nên thuộc Quốc hội.
Ngoài ra tôi cũng đề nghị từ nay đến năm 2015 Chính phủ cần đầu tư mạnh và sâu hơn nữa cho mảng nông nghiệp. Người nông dân đang rất cần được hỗ trợ để đối mặt với khó khăn. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét