Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Vai trò của thượng nghị viện ?

Vai trò của thượng nghị viện ?


Bài viết này nhằm tìm hiểu về các thượng nghị viện trên thế giới, vai trò của chúng, và nhằm trả lời câu hỏi: Việt Nam có nên có Thượng nghi viện hay không, và nếu có thì nó sẽ đóng những vai trò gì, cần được bầu bán thế nào?
Thượng nghị viện trên thế giới
Phần lớn các nước trên thế giới có thương nghị viện (tức là cơ quan lập pháp chia thành 2 “tầng”: “tầng trên” và “tầng dưới”). Trong đó có thể kể đến: Mỹ, Canada, Mexico, Brazil, Argentina, … (châu Mỹ), Nga, Đức, Pháp, Italia, … (châu Âu), Úc (châu Úc), Ai Cập, Nigeria,  … (châu Phi), Kazakhstan, Malaysia, Thailand, Philippines, Pakistan,  … (châu Á). Một số nước nhỏ như Cam Pu Chia, Senegal, v.v. cũng có thượng nghị viện.  Tổng cộng có gần 60 nước trên thế giới có thượng nghị viện (xem danh sách tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Senate). Nước Anh (UK) không được tính là có thượng nghị viện, nhưng có “House of Lords” là một thứ gần như thượng nghị viện. Một số nước lớn không có thượng nghị viện là: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Tây Ban Nha. Trong trường hợp của Tây Ban Nha, Nhật Bản và một số vương quốc khác, có thể giải thích là vì có vua nên không có thượng nghị viện (tuy rằng Thái Lan có vua mà vẫn có thượng nghị viện). Còn Trung Quốc thì là vì có Đảng Cộng Sản lãnh đạo nên không có thượng nghị viện. Một số nước ít dân ở châu Âu, ví dụ như Phần Lan hay Thụy Sĩ, cũng không có thượng nghị viện. Có thể giải thích là khi nước chỉ có ít dân thì nhu cầu cần 2 viện cũng giảm đi. Trường hợp của Ấn Độ thì người viết bài này chưa kịp tìm hiểu tại sao lại không có thượng nghị viện (trong khi Pakistan thì có).

Lý do tồn tại của thượng nghị viện ở các nước, là nó đảm nhiệm một số chức năng, mà nếu chỉ có 1 viện quốc hội không thôi thì khó làm nổi. Tuy thượng nghị viện và hạ nghị viện đều có vai trò trong việc lập pháp (cụ thể phần công quyền lực lập pháp giữa hai viện ở từng nước khác nhau), nhưng thượng nghị viện có thể khác hạ nghị viện ở những điểm đặc trưng sau:
* Tuổi trung bình ở thượng nghị viện thường là cao hơn ở hạ nghị viện. Gốc latin “senate” của từ “thượng nghị viện” có nghĩa là “hội đồng bô lão”, gồm các bô lão (những người có tuổi và có uy tín cao về tri thức, đại diện cho sự hiểu biết, sự sáng suốt của đất nước). Theo luật ở nhiều nước, phải đủ 30 tuổi trở lên mới được ứng cử vào thượng nghị viện, trong khi đó để ứng cử vào hạ nghị viện chỉ cần trên 20 tuổi gì đó.
* Cũng theo tinh thần “đại diện cho lý trí sáng suốt”, thượng nghị viện có thể không phải do toàn dân trực tiếp bầu, mà là do các đại cử tri bầu. (Về lý thuyết, mỗi đại cử tri phải có trình độ cao hơn là trình độ trung bình của toàn dân, biết được những người nào là những người sáng suốt nhất). Các đại cử tri này có thể là các đại diện của các chính quyền địa phương do dân bầu ra.
* Thượng nghị viện ít có “xu hướng đảng phái” hơn so với hạ nghị viện, các thượng nghị sĩ khác đảng phái dễ làm việc với nhau hơn, cùng đặt lợi ích chung của đất nước lên trên hết hơn, so với các hạ nghị sĩ.
* Khi một đảng phái nắm đa số ở hạ nghị viện và nắm chính quyền, thì sự kiểm soát chính quyền từ phía hạ nghị viện bị lỏng lẻo do tính trung thành với đảng phái của các hạ nghị sĩ. Khi đó thượng nghị viện sẽ là “cứu cánh” để kiểm soát chính quyền, vì các thượng nghị sĩ không có “nhu cầu trung thành đảng phái” ở mức như là hạ nghị sĩ, và do cách bầu thượng nghị viện khác hạ nghị viện, đảng chiếm đa số áp đảo ở hạ nghị viện có thể không phải là đa số ở thượng nghị viện, hoặc là đa số nhưng không áp đảo.
* Nhiệm kỳ của thượng nghị sĩ thường lâu hơn so với hạ nghị sĩ, do các thượng nghị sĩ được coi như các “bác học” về các vấn đề chính trị xã hội.
* Việc các nhiệm kỳ chênh nhau đảm bảo sự chuyển đổi quyền lực được trơn chu (ví dụ khi đang bầu hạ nghị viện, thì không phải là lúc bầu thượng nghị viện, nên vẫn có 1 viện hoạt đồng bình thường trong giai đoạn bầu cử viện kia). Để đảm bảo cho sự liên tục của thượng nghị viện, thường mỗi lần bầu mới thượng nghị viện cũng chỉ thay không quá 1/2 số ghế thay vì bầu lại toàn bộ số ghế như là hạ nghị viện. Việc bầu lại toàn bộ số ghế ở hạ nghị viện là có lý, vì nó liên quan đến việc lập chính phủ mới sau mỗi lần bầu hạ nghị viện. Và việc chỉ bầu lại 1/3 hay 1/2 số ghế mỗi lần ở thượng nghị viện cũng có lý, để đảm bảo tính liên tục (thượng nghị viện không liên quan trực tiếp đến việc lập chính phủ như là hạ nghị viện).
* Cơ chế bầu thượng nghị viện có thể giúp cho các nhóm hay các vùng thiểu số có được tiếng nói trong quốc hội. (Số ghế không phải là theo tỷ lệ thuận với số dân, mà là 1 vùng rất to thì cũng chỉ có số đại diện bằng hoặc nhiều hơn một ít so với vùng nhỏ). Theo phân tích của lý thuyết trò chơi (xem chẳng hạn phương pháp Penrose: http://en.wikipedia.org/wiki/Penrose_method), thì điều này thuận lợi hơn cho dân chủ.
Thượng nghị viện ở Việt Nam?
Việt Nam là một nước đứng thứ 13 về dân số trên thế giới (xem: http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_population), có thể coi là nước lớn về mặt dân số, và do đó việc đưa vào thượng nghị viện là một ý tưởng thích hợp.
Bản dự thảo hiến pháp tham chiếu do 72 nhân sĩ trong nước đưa ra trong kiến nghị lên quốc hội hôm 04/02/2013 có đưa ra mô hình hạ nghị viện + thương nghị viện cho Việt Nam. Tuy nhiên, bản dự thảo đó không đi kèm giải thích vì sao lại chọn mô hình này và các điều khoản trong đó liên quan 2 viện là dựa trên các cơ sở nào, và chưa chứng tỏ được sự khác nhau về trách nhiệm giữa thượng nghị viện và hạ nghị viện. Cần phải chỉ ra rõ hơn lý do tồn tại của thượng nghị viện là gì.
Một số câu hỏi cụ thể:
- Thượng nghị viện có thể được dùng như là phương tiện để ĐCS nhượng bộ quyền lực trong danh dự không (Tức là Đảng từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn bộ nhà nước, nhưng được nắm thượng nghị viện, ít ra là trong những năm của giai đoạn chuyển đổi. Thượng nghị viện có thể thành như “Hội Đồng Cố Vấn Quốc Gia”, là một chỗ danh dự cho các cán bộ cao cấp của ĐCS không còn nắm quyền lãnh đạo nhà nước nữa ?). Nếu thế thì một bộ phận các ủy viên TW Đảng sẽ thành “ủy viên Hội Đồng Cố Vấn Quốc Gia”?
- Số lượng thượng nghị sĩ là bao nhiêu, bầu theo kiểu gì, nhiệm kỳ bao lâu? Có nhất thiết phải theo vùng không? (Ở nhiều nước là bầu theo vùng, mỗi vùng một vài thượng nghị sĩ, nhưng ở Anh “House of Lords” không phải là theo vùng?). Hay là một thứ tổng hợp: vừa có đại diện vùng, vừa có đại diện ngành, vừa có đại diện đảng, v.v. ? Việc bầu vào thượng nghị viện phải khác xa việc bầu vào hạ nghị viện, không thì là thành trùng lặp, mất ý nghĩa.
Một vài tài liệu tham khảo:
http://en.wikipedia.org/wiki/House_of_Lords (thượng nghị viện Vương Quốc Anh)
http://en.wikipedia.org/wiki/United_States_Senate (thượng nghị việ Mỹ)
http://www.dav.edu.vn/en/introduction/organization-structure.html?id=472:so-34-bau-cu-thuong-nghi-vien-buoc-thu-nghiem-dau-tien-trong-cai-cach-dan-chu-o-thai-lan (bầu cử thượng nghị viện Thái Lan thay vì chính quyền chỉ định, trong quá trình dân chủ hóa Thái Lan)
http://www.aph.gov.au/About_Parliament/Senate/Powers_practice_n_procedures/briefs/brief10 (vai trò của thượng nghị viện ở Úc)
http://en.wikipedia.org/wiki/Bundesrat_of_Germany (thượng nghị viện củaĐức, gọi là “Hội Đồng Liên Bang”, gồm các đại diện của chính quyền các bang)
http://www.boxitvn.net/bai/44588 (bản kiến nghị + dự thảo hiến pháp tham khảo của 72 tri thức Việt Nam)

Nguồn: http://zung.zetamu.net/2013/02/vai-tro-c%E1%BB%A7a-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-ngh%E1%BB%8B-vi%E1%BB%87n/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét