Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Trung Quốc sẽ mới như thế nào?

SGTT.VN - Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII – Đại hội chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ 5 (thời Tổng bí thư Tập Cận Bình) – diễn ra vào tháng 11.2012 trong bối cảnh Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, đồng thời đang đứng trước áp lực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Báo cáo Chính trị lần rồi cho thấy những thay đổi quan trọng về phương hướng phát triển kinh tế Trung Quốc trong thời gian sắp tới, có nội dung đã được bắt đầu triển khai. Điều này có ý nghĩa gì với Việt Nam trong quá trình hoạch định chiến lược, chính sách phát triển cho chính mình?
Ngũ vị nhất thể với chiến lược biển đáng chú ý


Việc mua tàu đã qua sử dụng để tân trang nhằm có được một chiếc tàu sân bay nằm trong chiến lược biển của Trung Quốc. Ảnh: news.cn
Nội dung mới đáng chú ý đầu tiên đó là về bố cục tổng thể, Báo cáo Chính trị Đại hội XVIII đã nêu lên rằng, sự phát triển của Trung Quốc sẽ chuyển từ “tứ vị nhất thể” (4 trong 1) với bốn trụ cột là xây dựng kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa sang “ngũ vị nhất thể” với trụ cột thứ năm là xây dựng “văn minh sinh thái”.
Mặc dù văn minh sinh thái đã được đề cập đến trong nội dung của báo cáo Chính trị Đại hội XVII nhưng khi đó nó mới chỉ được nhắc đến như một trong những tiêu chí để đánh dấu việc xây dựng xã hội khá giả toàn diện. Trong nội dung phát triển văn minh sinh thái, lần đầu tiên báo cáo Chính trị của Đại hội XVIII đề cập đến việc phát triển kinh tế biển và đưa Trung Quốc trở thành cường quốc về biển.

Báo cáo nhấn mạnh “nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, kiên quyết duy trì bảo vệ quyền lợi biển của quốc gia, xây dựng cường quốc biển” (提高海洋资源开发能力,发展海洋经济,保护海洋生态环境,坚决维护国家海洋权益,建设海洋强国). Mặc dù không đưa nội dung này vào mục kinh tế, nhưng việc đưa “phát triển kinh tế biển” vào thành một nội dung của trụ cột thứ năm trong trọng tâm phát triển quốc gia thời gian năm năm tiếp theo cho thấy với quốc gia mà việc các trọng tâm chính sách phát triển được đưa vào các nghị quyết thì việc thể chế hóa để thực hiện sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Đó là điều mà các quốc gia trong khu vực có thể cần quan tâm hơn nữa.

Hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện

Trong lĩnh vực quan trọng “xây dựng xã hội khá giả toàn diện”, điểm mới nhất mà báo cáo Chính trị thể hiện đó là nâng mục tiêu từ “xây dựng xã hội khá giả toàn diện” thành “hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện”. Đồng thời, nếu Báo cáo Chính trị của Đại hội XVII chỉ đề cập đến mục tiêu tăng gấp đôi tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) thì Đại hội lần này đã đề xuất thêm một mục tiêu là tăng gấp đôi GDP và thu nhập bình quân của cư dân thành thị nông thôn. Chúng tôi cho rằng điều này phản ánh một thay đổi quan trọng về nhận thức của tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc, đó là việc chuyển từ đơn thuần nhấn mạnh đến quy mô tốc độ của sản xuất sang coi trọng hơn nữa đến vấn đề phân phối, làm sao để mọi người dân Trung Quốc được hưởng ích lợi và thành quả của tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, việc từ bỏ tốc độ, chuyển hướng sang chất lượng phát triển cũng được thể hiện trong việc Báo cáo Chính trị Đại hội lần này chuyển từ mục tiêu “tăng nhanh tỉ lệ dân số đô thị” thành “nâng cao chất lượng đô thị hóa”. Số liệu viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho thấy đến cuối năm 2011, số người thường trú tại các đô thị của Trung Quốc đã đạt 691 triệu, tỉ lệ đô thị hóa đạt 51,27%, tăng 12,26% so với năm 2002 – tăng khoảng 189 triệu người. Mặc dù vậy, hiệu quả sử dụng đất rất thấp, quy hoạch xây dựng còn nhiều hỗn loạn, môi trường nhiều thành phố ô nhiễm nghiêm trọng. Sự chuyển hướng về chính sách cho thấy mức độ bất bình đẳng/chênh lệch thu nhập, phân hóa giàu nghèo tại Trung Quốc đã lên đến ngưỡng cao. Trung Quốc nhấn mạnh thành quả phát triển mang lại lợi ích công bằng hơn cho nhân dân, đề xuất “công bằng quyền lợi, công bằng cơ hội, công bằng luật chơi”. Tuy nhiên, nỗ lực này của chính phủ có thể làm chậm quá trình hình thành của tầng lớp trung lưu và mục tiêu mở rộng nhu cầu trong nước.

Thị trường hóa toàn diện

Về nhiệm vụ đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, điểm nổi bật đáng chú ý mà Báo cáo Chính trị nêu lên là mặc dù tiếp tục khẳng định vị thế của chế độ công hữu, một điểm ngạc nhiên thú vị là cụm từ “kiên trì và hoàn thiện chế độ kinh tế cơ bản trong đó chế độ công hữu là chủ thể, nhiều thành phần kinh tế thuộc chế độ sở hữu khác cùng phát triển” đã không còn xuất hiện. Chúng tôi cho rằng, điều này có lẽ là một tín hiệu cho thấy thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc sẽ dành thêm sự ưu tiên cho phát triển kinh tế tư nhân và cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước (SOEs) – điều đã ít đạt được kết quả dưới thời Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào.

Đặc biệt, sự phát triển của các tổ chức tín dụng ngoài nhà nước cũng nhận được sự quan tâm hơn – theo nội dung của báo cáo Chính trị. Sự phát triển của ngành tài chính – ngân hàng Trung Quốc hiện nay vẫn mang đặc điểm do kinh tế nhà nước kiểm soát, đồng thời tương đối khép kín với bên ngoài. Việc đưa vào nội dung mới tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng ngoài nhà nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa là một bước tiến đáng kể trong tiến trình lành mạnh hóa và nâng cao hiệu quả của hệ thống tài chính tiền tệ Trung Quốc.

Đặc biệt, đây được coi là điều kiện quan trọng để mở cửa tài khoản vốn, tiến tới xây dựng một đồng tiền quốc tế. Cải cách theo hướng thị trường hóa đối với lãi suất và tỉ giá được đưa vào thành một nội dung trong báo cáo Chính trị bên cạnh cam kết từng bước thực hiện hoán đổi tài khoản vốn. Nhằm đưa Trung Quốc trở thành quốc gia giàu tính sáng tạo, Báo cáo Chính trị đã nhấn mạnh Trung Quốc cần nâng cao 3 năng lực sáng tạo, trong đó năng lực sáng tạo mang tính lần đầu được đặt ở vị trí trung tâm – phản ánh những chính sách đầu tư thiên lệch cho R&D (nghiên cứu & phát triển) của chính phủ trước kia chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Một điều kiện để đảm bảo các chính sách thu hút, phát triển R&D phát huy được hiểu quả đã được Báo cáo lần đầu tiên nhắc đến, đó là việc “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”.

Chuyển đổi phương thức phát triển: cải cách tài chính – tiền tệ là nền tảng tạo giao đoạn tăng trưởng tiếp theo
Điều đáng chú ý nhất là tư duy phát triển với động lực là cỗ xe tam mã: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu đã chuyển thành nâng cao tiêu dùng trong nước và đầu tư ở mức độ hợp lí.

Theo những nội dung kinh tế của báo cáo Chính trị Đại hội XVIII như nêu ở trên, có thể thấy những ưu tiên về mặt kinh tế mà thế hệ các nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc – đứng đầu là ông Tập Cận Bình – hướng đến sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực trọng yếu: (1) Duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức độ bền vững (hàm ý cả về chất lượng lẫn tốc độ tăng trưởng). (2) Cải thiện dân sinh. (3) Tiếp tục kiên trì mở cửa hội nhập về kinh tế để tăng cường ảnh hưởng kinh tế ra bên ngoài.

Trong những nội dung này, chúng tôi cho rằng cải thiện dân sinh, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn và mở cửa toàn diện hơn nữa là những lĩnh vực cải cách sẽ được thúc đẩy trước tiên. Bởi lẽ, đây vừa là những lĩnh vực cấp bách đang thu hút sự quan tâm của xã hội, vừa dễ tiến hành hơn cả do không vấp phải sự phản đối của các “nhóm lợi ích” – điều mà cải cách SOEs, xử lí quan hệ giữa chính phủ với thị trường khó có thể đạt được ngay. Mặc dù khả năng thực thi và mức độ thành công của ba chương trình kinh tế lớn này sẽ như thế nào vẫn còn cần thời gian để đánh giá, nhưng chúng tôi cho rằng có thể cải cách tài chính – tiền tệ sẽ trở thành nền tảng làm nên giai đoạn tăng trưởng kế tiếp của Trung Quốc.

Bởi xét về xu thế phát triển, dư địa cải cách nông nghiệp, cải cách SOEs và dư địa lợi ích từ việc gia nhập WTO không còn nhiều, trong khi đó lĩnh vực tài chính – tiền tệ hầu như chưa có những cải thiện đáng kể.

Xét về cơ cấu nhân sự cấp cao của Trung Quốc có thể nhận thấy Đại hội XVIII chứng kiến sự xuất hiện nhiều nhất của số ủy viên trung ương xuất thân từ chuyên gia kinh tế và ngân hàng tài chính. Tổng số ủy viên trung ương từng học kinh tế, là chuyên gia kinh tế là 16/25. Đáng chú ý là số chuyên gia tài chính – ngân hàng trong nhóm ủy viên trung ương cũng rất nhiều. Ngoài vị trí quen thuộc của các ủy viên trung ương thuộc về lĩnh vực tài chính ngân hàng thì lần Đại hội này cũng chứng kiến sự áp đảo của các chuyên gia kinh tế và tài chính ngân hàng trong bộ Chính trị - 4/7 ủy viên thường vụ bộ Chính trị xuất thân là chuyên gia kinh tế và tài chính ngân hàng – trong đó đáng chú ý nhất là ông Vương Kỳ Sinh. Điều này cho phép dự đoán rằng, cải cách tài chính ngân hàng sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa từ tầng lớp lãnh đạo cao cấp nhất trong tổ chức Đảng và bộ máy chính quyền Trung Quốc. Đồng thời, các cải cách này sẽ được tiến hành bài bản, hiệu quả hơn nhờ tầng lớp những nhà lãnh đạo kĩ trị này.

Một trong những thách thức thực sự mà Trung Quốc đang phải tìm câu trả lời khi thực hiện các cải cách về tài chính – tiền tệ là quốc gia này sẽ xử lí như thế nào mối quan hệ giữa việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ với cải cách thị trường tài chính tiền tệ trong nước (gồm cải cách theo hướng thị trường về lãi suất, tỉ giá và thực hiện tài khoán vốn có khả năng hoán đổi). Nhìn chung, chúng tôi đánh giá rằng, tiến trình mở cửa thị trường tài chính tiền tệ Trung Quốc sẽ tiếp tục theo hướng: đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và chậm chạp hơn trong việc tự do hóa tài khoản vốn. Điều này về cơ bản thể hiện sự thận trọng và phù hợp với truyền thống cải cách “dò đá qua sông”, tiệm tiến từng phần đã được tiến hành trong rất nhiều lĩnh vực cải cách then chốt trước đây như cải cách giá cả, cải cách SOEs, cải cách tỉ giá v.v.nhưng cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho tốc độ và mức thành công của quá trình quốc tế hóa.

TS PHẠM SỸ THÀNH (*)

---------

(*) TS Phạm Sỹ Thành nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế học tại học viện Kinh tế, đại học Nam Khai, Thiên Tân, Trung Quốc. TS. Phạm Sỹ Thành là giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) của trung tâm nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) từ tháng 1.2012 đến nay.

http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/sgtt.vn/Trung-Quoc-se-moi-nhu-the-nao/10342986.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét