Bài viết cũ của tôi:
TIẾT KIỆM, ĐẦU TƯ TRONG TIẾN TRÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ: LÝ THUYẾT VÀ KINH NGHIỆM THẾ GIỚI
MỤC III - QUAN HỆ GIỮA VỐN NƯỚC NGOÀI VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HOÁ
Có thể nói trong lịch sử kinh tế thế giới, chưa bao giờ vốn nước ngoài lại có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng và công nghiệp hoá ở các nước đang phát triển như giai đoạn hiện nay. Đó là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các thành tựu khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, sự bùng nổ của các thị trường vốn quốc tế và xu hướng quốc tế hoá mạnh mẽ các nền kinh tế thế giới trong làn sóng hội nhập quốc tế chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nhờ huy động được nguồn vốn nước ngoài, các nước đang phát triển không chỉ có thêm lực lượng vật chất để đầu tư phát triển, mà còn tận dụng được các thành tựu khoa học và công nghệ, trình độ quản lý và kỹ năng lao động tiên tiến, thị trường bên ngoài... để phát triển nhanh nền kinh tế của mình và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá nền kinh tế.
Vốn đầu tư nước ngoài gồm ba bộ phận hợp thành; đó là đầu tư ưu đãi qua nguồn vốn viện trợ chính thức (ODA), đầu tư trực tiếp nước ngoài được thu hút vào trong nước (FDI), và luồng vốn đầu tư gián tiếp chảy vào (IFI). Luồng vốn gián tiếp chủ yếu gồm cổ phiếu, trái phiếu và vay thương mại của các ngân hàng nước ngoài. Xem xét vai trò của vốn nước ngoài tới phát triển kinh tế đòi hỏi phải nhìn trên cả hai góc độ huy động và sử dụng vốn. Trong mục này, chúng ta sẽ phân tích kinh nghiệm sử dụng các loại vốn nước ngoài tại các nước đang phát triển trên hai góc độ này.
I- ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
1) Một số quan điểm về vai trò của đầu tư nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá
Mặc dù suy nghĩ chung của số đông các nhà kinh tế và hoạch định chính sách cho rằng vốn nước ngoài có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá, nhưng đến nay, vẫn chưa có các lập luận lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tế đáng thuyết phục để có một kết luận rõ ràng về vấn đề này. Vào những năm 60, đa số các nhà kinh tế cho rằng vốn nước ngoài có tác động tích cực tới tăng trưởng và công nghiệp hoá, thậm chí làm cho quá trình tăng trưởng có hiệu quả hơn (Rosenstein-Rodan, 1961; Chenery và Strout, 1966). Quan điểm này vẫn rất phổ biến trong giai đoạn hiện nay. Thậm chí, do đề cao vai trò của vốn nước ngoài, nhiều nhà kinh tế còn cho rằng việc điều chỉnh những mất cân bằng trong cán cân thanh toán quốc tế tại các nước đang phát triển trong hai thập kỷ 80 và 90 đã không làm tăng tỷ lệ tiết kiệm nội địa mà chỉ làm giảm tỷ lệ đầu tư do cắt giảm nguồn vốn nước ngoài; hậu quả là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và tốc độ công nghiệp hoá đã giảm đáng kể tại nhiều nước, nhất là tại tất cả các nước kém phát triển nhất và các nước giảm được nợ nước ngoài nhanh nhất (Serven và Solimano, 1989, 1999).
Tuy nhiên, ngay từ thập kỷ 70, đã có nhiều nhà kinh tế ngả sang thuyết thay thế (displacement), theo đó vốn nước ngoài có thể thay thế vốn trong nước, làm cho nền kinh tế phát triển phụ thuộc vào bên ngoài và không bền vững (Areskoug, 1973; Griffin, 1970, Weisskopf, 1972). Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới và ngay tại các nước đang phát triển châu á những thập kỷ gần đây dường như cũng không khảng định được quan điểm này. Một mặt, đa số đã thừa nhận việc tăng nhanh đầu tư nước ngoài trong hai thập kỷ qua đã thực sự đóng góp vào quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá của các nước đang phát triển. Ví dụ các nghiên cứu cho thấy trừ Nhật bản và Hàn Quốc, quá trình công nghiệp hoá của phần lớn các nước châu á đều gắn liền với việc thu hút thành công các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài. Singapo, Malaixia và Đài Loan là những nước rất sớm đi theo con đường này và đã công nghiệp hoá thành công. Thái Lan, Inđônêxia và Trung Quốc cũng đang tìm cách đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá thông qua con đường thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp, và đã thu được những thành công bước đầu.
Mặt khác, kinh nghiệm thực tế cho thấy khía cạnh bất lợi của đầu tư nước ngoài đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây; trước hết là việc tích luỹ nợ nước ngoài ngày càng cao đã hạn chế tiềm năng phát triển của các nước đang phát triển; tiếp đến là các cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài hoặc khủng hoảng kinh tế do sử dụng vốn nước ngoài ngày càng nhiều đã gây tổn thất không ít cho các nước này và ngăn cản các nước này tiếp cận thị trường vốn quốc tế để huy động vốn đầu tư phát triển. Khi các chính phủ chậm trễ trong việc thực hiện những chính sách điều tiết kinh tế thận trọng, buộc các ngân hàng áp dụng hệ thống quản lý rủi ro, tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng, tăng cường các động cơ khuyến khích việc phân bổ nguồn lực có hiệu quả... trước khi xoá bỏ một số rào cản đối với các luồng vốn ngoài thì rất dễ xảy ra các biến động bất lợi cho nền kinh tế (McKinnon, 1991). Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Đông á, nhiều ý kiến cho rằng tình hình trên đã xảy ra tại các nước Đông á gặp khủng hoảng (Chow, 2000). Kết quả là chính phủ và các ngân hàng không được chuẩn bị tốt để đối phó với các luồng vốn vào khổng lồ và các luồng vốn ra đột ngột vào năm 1997 (Wong 1999; Furman và Stiglitz 1998; Hellman, Murdock và Stiglitz 2000).
Một trong những vấn đề tranh cãi khác là quá trình công nghiệp hoá bằng nguồn vốn nước ngoài chỉ nên được thực hiện bằng các quan hệ thị trường hay phải có sự hỗ trợ của các chính sách công nghiệp. Thực tế cho thấy tại những quốc gia công nghiệp hoá và phát triển nhanh, những chính sách công nghiệp theo định hướng xuất khẩu đã mang lại những kết quả khả quan (Yusuf 2001). Trong lĩnh vực FDI, các quốc gia này thường có xu hướng kiểm soát việc lựa chọn những ngành cần thúc đẩy nhanh hơn trong tiến trình công nghiệp hoá. Họ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ thiết lập nhiều cơ sở lắp ráp mà còn mang cả các dây chuyền sản xuất đi theo nhằm nhanh chóng công nghệ trong nước. Việc thiết lập các cơ sở công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở đây khá dễ dàng; hơn nữa, tốc độ chuyển giao công nghệ đã diễn ra tương đối nhanh nhờ năng lực quản lý và trình độ công nhân của nước chủ nhà khá cao trong việc tiếp thu công nghệ mới.
2) Xu hướng đầu tư nước ngoài trong hai thập kỷ gần đây
Đồ thị dưới đây trình bày những số liệu về dòng vốn nước ngoài ròng (vốn vào trừ đi vốn ra) được đưa vào tất cả các nước đang phát triển nói chung và vào các nước đang phát triển khu vực châu á nói chung trong 2 thập kỷ gần đây. Đồ thị cho thấy xu hướng tiến triển của luồng vốn nước ngoài chảy vào châu á tương đối khớp với xu hướng tiến triển của luồng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào toàn bộ các nước đang phát triển. Hai luồng vốn này đều tăng trong thập kỷ 70 và lên đến đỉnh điểm vào năm 1981 trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng nợ tại Mehicô năm 1982. Từ năm 1982, các dòng vốn này giảm dần, đến điểm thấp nhất vào năm 1985 do hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ; trong đó giảm mạnh nhất là luồng vốn tư nhân, trước hết là đầu tư trực tiếp nước ngoài và tín dụng xuất khẩu.
Đồ thị 3: Tổng giá trị vốn nước ngoài ròng đưa vào các nước châu á (tỷ USD)
Nguồn số liệu: Indicators of Developing Asian and Pacific Countries, Asian Development Bank, 2002.
Từ năm 1986, các dòng vốn này lại trở lại xu hướng tăng và tốc độ tăng trưởng ngày càng cao. Sự tăng trưởng của chúng trong những năm đầu thập kỷ 90 đã gây ấn tượng mạnh vì trong giai đoạn này, một số nước công nghiệp mới đã bắt đầu trả nợ ào ạt các khoản vay nợ quá khứ. Nếu như trong nửa cuối thập kỷ 80, các luồng vốn này tăng mạnh nhờ sự tăng nhanh của vốn viện trợ phát triển chính thức thì trong hơn nửa đầu thập kỷ 90, các luồng vốn này tăng mạnh nhờ sự tăng nhanh của các nguồn vốn tư nhân.
Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính tiền tệ châu á, mà nguyên nhân cơ bản của nó là lạm dụng vốn nước ngoài và khủng hoảng từ khu vực kinh tế tư nhân, đã chấm dứt giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục của 2 luồng vốn này. Đồ thị cho thấy luồng vốn vào tất cả các nước đang phát triển nói chung cũng như vào khu vực châu á nói riêng đều giảm rất mạnh sau năm 1997.
Trong khi luồng vốn ròng chảy vào các nước đang phát triển có xu hướng tăng lên thì có một xu thế khác cũng mạnh không kém là dịch vụ nợ các các nước này cũng tăng lên rất mạnh. Hậu quả là, nếu gọi luồng vốn vào ròng bằng vốn vào giải ngân trừ đi dịch vụ nợ thì từ nửa cuối thập kỷ 80 đến nay, luồng vốn vào ròng tại nhiều nước châu á, nhất là tại các nước Đông Nam á, là âm rất lớn, tức là trả nợ còn cao hơn luồng vốn vào theo định nghĩa thông thường.
3) Vốn nước ngoài và tăng trưởng kinh tế
Người ta nhận thấy ở những nước và các vùng có tỷ lệ tăng trưởng và công nghiệp hoá nhanh, thường có hiện tượng tăng mạnh thương mại và đầu tư trong nội bộ vùng. Châu á, trong đó nổi bật là Đông á, là một ví dụ điển hình. Kinh nghiệm cho thấy mở cửa, hội nhập lúc đầu làm cho ngoại thương phát triển mạnh; tiếp đến sự phát triển của ngoại thương kéo theo sự tăng lên mạnh mẽ của đầu tư nước ngoài. Cuối cùng, các nguồn đầu tư nước ngoài được sử dụng có hiệu quả trong một chiến lược công nghiệp hoá phù hợp, ví dụ như được đầu tư vào công nghiệp chế biến trong giai đoạn đầu phát triển và vào các ngành có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến trong giai đoạn phát triển cao hơn, đã tạo ra được những sản phẩm có khả năng thương mại trong nội bộ vùng và quốc tế, từ đó làm cho thương mại vùng phát triển mạnh, đẩy nhanh được tốc độ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá.
Với những nhận xét trên, Rana và Dowling đã cho rằng tăng trưởng và công nghiệp hoá luôn luôn gắn liền với phát triển thương mại và đầu tư trong nội bộ vùng, tạo thành một vòng xoáy ngày càng mở rộng theo hướng phát triển (sơ đồ 1). Vốn nước ngoài đem vào kết hợp với môi trường chính sách kinh tế thuận lợi đã thúc đẩy nhanh thương mại và công nghiệp hoá, từ đó vừa làm tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, vừa nâng cao và duy trì bền vững tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Đến lượt mình, việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển thương mại và tăng trưởng nhanh lại tạo môi trường thuận lợi để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư giữa các nước trong nội bộ vùng. Vòng xoáy tích cực này đã là nhân tố chính tạo ra một khu vực Đông á tăng trưởng công nghiệp hoá nhanh trong thập kỷ 70, 80 và nửa đầu thập kỷ 90.
Sơ đồ 1: Quan hệ động giữa tăng trưởng, công nghiệp hoá và vốn nước ngoài
Tăng trưởng và công nghiệp hoá nhanh còn nhờ vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giữa các nước trong nội bộ vùng theo hướng tận dụng lợi thế so sánh của nhau như đã trình bày trong lý thuyết đàn nhạn bay.
Để xem xét dưới góc độ thực nghiệm ảnh hưởng của vốn nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế, ban đầu, các nhà kinh tế đã giả sử mỗi đồng vốn nước ngoài đem vào sẽ làm tăng vốn đầu tư trong nước đúng một đồng, và dòng vốn vào không ảnh hưởng đến hệ số ICOR; khi đó họ nhận thấy tại đa số các nước nghiên cứu, vốn nước ngoài có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng và công nghiệp hoá (Rosenstein Rodan, 1961). Tuy nhiên, những nghiên cứu lý thuyết sau đó đã tỏ ra nghi ngờ hai giả thuyết trên. Quan điểm mới cho rằng vốn nước ngoài có thể thay thế tiết kiệm nội địa với 2 lý do. Thứ nhất, vốn nước ngoài vào có thể làm giảm những cố gắng thu thuế của chính phủ, làm tăng chi cho tiêu dùng chính phủ và tự do hoá nhập khẩu, từ đó làm giảm tiết kiệm và đầu tư bằng nguồn vốn trong nước. Thứ hai, vốn nước ngoài tư nhân có thể cạnh tranh mạnh với vốn nội địa, làm cho số cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư trong nước giảm sút. Vì tiết kiệm được xác định trên cơ sở số cơ hội đầu tư nên vốn nước ngoài có thể làm giảm tỷ lệ tiết kiệm nội địa. Ngoài ra, vốn nước ngoài còn có thể làm giảm hiệu quả tăng trưởng và công nghiệp hoá thông qua việc nhập các kỹ thuật, công nghệ và hệ thống quản lý không phù hợp. Do những nguyên nhân này, một đồng vốn nước ngoài đưa vào có thể không làm tăng vốn đầu tư xã hội thêm 1 đồng và hệ số ICOR cũng có thể tăng lên; tức là vốn nước ngoài có thể sẽ ảnh hưởng bất lợi tới quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá (Areskoug 1973, Griffin 1970).
Chính vì vậy, đã có nhiều tiếp cận khác nhau xem xét vai trò của vốn nước ngoài và các thành phần của nó tới tiết kiệm, tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá ở các nước đang phát triển. Trong một nghiên cứu sử dụng chuỗi số liệu thời kỳ 1960-1980 cho 4 nước châu á (Bangladesh, Hàn Quốc, Nepal và Thái Lan), Fry (1984) nhận thấy vốn nước ngoài có tác động tiêu cực tới tiết kiệm nội địa, và làm giảm hiệu quả tăng trưởng và công nghiệp hoá. Trong một nghiên cứu khác, sử dụng chuỗi số liệu đa quốc gia từ 18 nước châu á, Gupta và Islam (1983) nhận thấy trong khi vốn tư nhân nước ngoài có ảnh hưởng tích cực tới tỷ lệ tiết kiệm và tăng trưởng ở các nước này thì vốn chính thức, nhất là vốn ODA lại có hiệu quả âm hoặc thay thế rất cao; tuy nhiên ảnh hưởng chung của cả hai loại vốn lại không rõ ràng.
Bên cạnh nghiên cứu mối quan hệ trên, mối quan hệ giữa vốn nước ngoài và đầu tư cũng được xem xét, phân tích. Theo tổng kết của Go (1983), vốn nước ngoài nói chung có xu hướng làm tăng đầu tư toàn nền kinh tế; ví dụ sử dụng số liệu 13 nước châu á thời kỳ 1962-1982, ông đã tìm thấy quan hệ khá chặt sau, theo đó vốn nước ngoài tăng thêm 1% sẽ làm vốn đầu tư tăng thêm 0,2%.
Một số nghiên cứu khác tập trung xem xét ảnh hưởng của vốn nước ngoài tới hiệu quả đầu tư. Trong khi Go (1983) dùng hệ số ICOR đại diện cho hiệu quả vốn đầu tư, thì Lee và Rana (1986) sử dụng chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp TFP làm xấp xỉ cho hiệu quả đầu tư; nhưng cả hai đều nhận thấy có một quan hệ dương giữa vốn nước ngoài và chỉ tiêu hiệu quả vốn đầu tư. Một số nghiên cứu khác cũng cho các kết quả tương tự. Như vậy, vốn nước ngoài có ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Các nghiên cứu chi tiết hơn theo hướng này còn cho thấy vốn tư nhân nhìn chung có ảnh hưởng tích cực hơn so với vốn chính thức.
Để đo lường tác động trực tiếp của vốn nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển, đa số các nghiên cứu đã sử dụng hàm sản xuất tân cổ điển; điển hình là các nghiên cứu của Stoneman (1975), Papanek (1972), Dowling và Hiemenz (1983), Rana và Dowling (1988)... Các nghiên cứu này đều sử dụng các chuỗi số liệu đa quốc gia thập kỷ 50, 60, 70 và 80, và thấy rằng vốn nước ngoài nói chung và các thành phần của nó nói riêng đều có tác dụng tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Thậm chí một số loại vốn nước ngoài còn có tác dụng tích cực hơn tiết kiệm nội địa.
Tuy nhiên, đa số các nghiên cứu xuyên quốc gia trong giai đoạn trước năm 1990 đều có hai yếu điểm lớn. Một là, các mô hình hồi quy khi đó đều khá thô sơ nên không đưa hết các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng vào mô hình, ví dụ như vai trò của thương mại quốc tế. Hai là, các mô hình đều là mô hình đơn, gồm 1 phương trình duy nhất nên không tính đến quan hệ nhân quả hai chiều giữa các nhân tố trong mô hình, đặc biệt là quan hệ giữa tiết kiệm nội địa và tăng trưởng kinh tế trong quá trình công nghiệp hoá. Vì vậy, một số kết quả bị nghi ngờ chưa chính xác.
Bảng 9: Ảnh hưởng nhân tử của các nhân tố trong mô hình của Rana và Dowling (1988)
Ảnh hưởng của tăng thêm 1% của các nhân tố dưới đây tới các chỉ tiêu nêu trong ba cột bên
|
Tới tỷ lệ tăng trưởng GDP
|
Tới tỷ lệ tiết kiệm nội địa
|
Tới hiệu quả vốn đầu tư
|
- Vốn ODA / GDP
|
0,101
|
-0,085
|
-0,633
|
- Vốn tư nhân / GDP
|
0,732
|
0,715
|
1,169
|
- Xuất khẩu / GDP
|
0,074
|
0,049
|
0,265
|
Để xử lý những điểm yếu này, từ cuối thập kỷ 80, đã xuất hiện một số nghiên cứu tổng hợp hơn dựa trên một hệ thống gồm nhiều phương trình đồng thời. Ví dụ với một hệ gồm 3 phương trình với ba biến giải thích là các loại vốn ODA/GDP, vốn tư nhân / GDP và xuất khẩu / GDP, Rana và Dowling đã ước lượng ảnh hưởng của các loại vốn nước ngoài tới tăng trưởng và tiết kiệm như trong bảng trên. Kết quả cho thấy khi tỷ lệ vốn nước ngoài trên GDP tăng thêm 1% (hai loại vốn ODA và vốn tư nhân tăng cùng tỷ lệ) thì tổng vốn nước ngoài nói chung có ảnh hưởng tích cực tới cả tăng trưởng kinh tế lẫn tỷ lệ tiết kiệm của các nước đang phát triển châu á.
Tiếp đến, Rana và Dowling (1990) đã xây dựng mô hình với 2 phương trình đồng thời sau:
GR =
|
a0 +
|
a1 AID +
|
a2 FPI +
|
a3 S +
|
a4 CX +
|
a5 CLF +
|
ut
|
a1 ³£ 0
|
a2 ³£ 0
|
a3 > 0
|
a4 > 0
|
a5 > 0
| |||
S =
|
a6 +
|
a7 AID +
|
a8 FPI +
|
a9 CX +
|
a10 GDPN +
|
a11 GR +
|
vt
|
a7 ³£ 0
|
a8 ³£ 0
|
a9 > 0
|
a10 > 0
|
a11 > 0
|
trong đó:
GR : tỷ lệ tăng trưởng GDP
AID : vốn hỗ trợ chính thức, tính theo phần trăm GDP
FPI : vốn tư nhân nước ngoài, kể cả vay dài hạn, % của GDP
S : tỷ lệ tiết kiệm nội địa trên GDP
CX : tỷ lệ xuất khẩu so với GDP
CLF : tỷ lệ tăng trưởng lực lượng lao động
GDPN : GDP đầu người
u, v : sai số ngẫu nhiên
Mô hình bao gồm phương trình tăng trưởng và phương trình tiết kiệm; trong đó phương trình tăng trưởng được xây dựng từ mô hình hai khu vực gồm khu vực xuất khẩu và khu vực không xuất khẩu; phương trình tiết kiệm là một hàm tiết kiệm dạng chuẩn, được bổ sung thêm biến xuất khẩu, thu nhập đầu người và tỷ lệ tăng trưởng. Mô hình bao gồm hai biến nội sinh (GR và S) và 5 biến ngoại sinh (AID, FPI, CX, CLF và GDPN). Dấu mong đợi của các tham số được ghi trong ngoặc dưới tên mỗi biến; vì còn có những bất đồng giữa các nhà kinh tế nên dấu của các tham số a1, a2, a7, a8 có thể âm hoặc dương
Mô hình với 2 phương trình trên đã hạn chế được những điểm yếu của mô hình một phương trình. Thực tế khi ước lượng mô hình trên bằng phương pháp bình phương cực tiểu gián tiếp đã cho các kết quả khác với mô hình một phương trình, tức là độ chính xác cao hơn (Rana 1988).
Mô hình trên đã được Rana và Dowling (1990) ước lượng lại với chuỗi số liệu cũ 1965- 1982 và kéo dài thêm thời kỳ 1983-1988 cho một nhóm nước đang phát triển châu á. Kết quả cho thấy khi vốn chính thức tăng thêm 10% thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng thêm 0,5% và khi vốn tư nhân tăng thêm 10% thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng thêm 1,2%. Như vậy, vốn nước ngoài có ảnh hưởng rất tích cực tới tăng trưởng kinh tế, trong đó vốn tư nhân có vai trò quan trọng hơn.
Bảng 10: Ảnh hưởng nhân tử của các nhân tố trong mô hình của Rana và Dowling (1990)
Ảnh hưởng của tăng thêm 1% của các nhân tố dưới đây tới hai tỷ lệ nêu trong hai cột bên
|
Tới tỷ lệ tăng trưởng GDP
|
Tới tỷ lệ tiết kiệm nội địa
|
- Vốn ODA
|
0,047
|
-0,016
|
- Vốn nước ngoài tư nhân
|
0,119
|
0,032
|
- Tăng trưởng xuất khẩu
|
0,097
|
0,016
|
- Tăng trưởng lực lượng lao động
|
0,137
|
-
|
- Trình độ GDP đầu người
|
-
|
0,400
|
- Tỷ lệ tăng trưởng GDP
|
-
|
0,053
|
- Tỷ lệ tiết kiệm nội địa
|
0,803
|
-
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét