Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

(8) Tiết kiệm, đầu tư đối với tăng trưởng và công nghiệp hóa

Bài viết cũ của tôi:
TIẾT KIỆM, ĐẦU TƯ TRONG TIẾN TRÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ: LÝ THUYẾT VÀ KINH NGHIỆM THẾ GIỚI
II- QUAN HỆ GIỮA ĐẦU TƯ VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
          1) Tiến triển của đầu tư tại các nước đang phát triển
Đánh giá năng lực đầu tư của một nền kinh tế thường dựa trên chỉ tiêu tỷ lệ đầu tư trên GDP; chỉ tiêu này cho biết phần thu nhập quốc gia và huy động thêm thu nhập từ nước ngoài được dành để đầu tư phát triển đất nước, số thu nhập quốc gia còn lại được dùng để tiêu dùng hoặc tích luỹ nhưng chưa được đem vào đầu tư. Việc bảo đảm tỷ lệ đầu tư tương đối cao để đạt được những mục tiêu tăng trưởng và công nghiệp hoá trong giai đoạn đầu phát triển thường là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp.
Tuy không phải dễ dàng đưa tỷ lệ đầu tư lên những mức cao như mong muốn, nhưng nói chung các nước đang phát triển đều có khả năng tỷ lệ đầu tư của mình trong nửa thế kỷ qua. Theo Gillis (1987), trong số 35 nước đang phát triển có thu nhập thấp theo phân loại của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo phát triển năm 1985, chỉ có 4 nước không có khả năng nâng tỷ lệ đầu tư trong suốt thời kỳ 1960-1983; các nước còn lại đều có khả năng tăng tỷ lệ này.
Tính chung cho 35 nước, tỷ lệ đầu tư đã tăng từ 19% năm 1960 lên 26% năm 1983.


Tình hình tương tự đối với 59 nước thuộc nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình; do không phải tất cả các nước thuộc nhóm này đều có khả năng tăng được tỷ lệ đầu tư của mình trong thời kỳ 1960-1983 nên tốc độ tăng chung của cả nhóm chậm hơn, từ 20% lên 22%. Nếu phân nhóm nước này thành 2 nhóm nhỏ hơn gồm các nước có thu nhập trung bình thấp và các nước có thu nhập trung bình cao thì nhóm đầu (36 nước) đã tăng tỷ lệ đầu tư của mình lên khoảng 50% (từ 15% lên 22%) trong khi nhóm sau (23 nước) không tăng được tỷ lệ đầu tư của mình (ổn định ở mức 22%). Trong số các nước có thu nhập trong bình cao, chỉ có Singapo, Malaixia, Jordani, Angiêri và Nam Tư tăng được tỷ lệ đầu tư lên tới 30% hoặc hơn.
          Bảng dưới đây trình bày các số liệu về tiến triển của tỷ lệ đầu tư chung cho toàn thế giới và một số nhóm nước trong 3 thập kỷ gần đây. Rõ ràng trong suốt 3 thập kỷ 70, 80 và 90 của thế kỷ trước, tỷ lệ đầu tư của thế giới vẫn dậm chân tại chỗ; điều này phần nào khảng định những khó khăn khi muốn nâng cao được tỷ lệ này. Phân tích kỹ hơn, có thể thấy trong khi tỷ lệ đầu tư tại các nước đang phát triển tăng nhanh thì tỷ lệ đầu tư tại các nước công nghiệp có xu hướng giảm sút (xem đồ thị 2). Ngoài ra, có thể thấy tỷ lệ đầu tư ở khu vực châu Á tăng lên rất nhanh, từ chỗ chỉ ở mức 18,5% năm 1970, tức là bằng khoảng 80% tỷ lệ đầu tư trung bình của thế giới khi đó, đã tăng đến 31,1% năm 1997, cao gần gấp rưỡi so với thế giới. Số liệu cũng cho thấy tỷ lệ đầu tư ở các nước Đông Á tăng lên rất nhanh hoặc được duy trì ở mức rất cao trong khi tỷ lệ này ở khu vực Nam Á tăng lên rất chậm, thậm chí giảm tại một số nước.
Bảng 2: Tỷ lệ đầu tư trên GDP của một số nước trên thế giới  (%)
Nước
1970
1980
1985
1990
1991
1992
1993
1994
1995
1996
1997

Thế giới

22,4
24,5
22,6
23,5
22,7
22,4
22,4
22,7
22,9
22,7
22,7

Châu á

18,5
27,3
29,4
31,4
31,1
31,7
33,1
32,9
33,6
32,4
31,1
Hồng Kông
20,5
35,1
21,6
27,4
27,2
28,5
27,6
31,9
34,8
32,1
35,4
Singapo
38,7
46,3
42,5
35,9
34,1
35,9
37,9
32,8
33,7
35,3
37,4
Hàn Quốc
25,4
31,7
29,6
36,9
38,9
36,6
35,1
36,1
37,0
38,4
35,0
Trung Quốc
-
34,9
38,5
35,2
35,3
36,6
43,5
40,9
40,2
38,7
37,5
Malaixia
20,3
30,4
27,6
31,2
37,2
35,1
37,8
40,4
43,5
41,6
42,5
Thái Lan
25,6
33,8
28,2
41,1
42,8
40,0
39,9
40,4
42,3
41,0
29,2
Inđônêxia
13,6
20,9
28,1
36,1
35,5
35,8
29,5
31,1
31,9
30,7
31,3
Phillippin
21,2
29,1
14,3
24,2
20,2
21,3
24,0
24,1
22,5
24,0
24,8
Ấn độ
17,1
20,9
24,2
25,2
22,7
24,0
20,8
22,9
25,6
23,1
23,4
Pakistan
15,8
18,5
18,3
18,9
19,0
20,1
20,7
19,4
18,4
18,6
17,8
Bangladesh
-
11,3
10,3
12,8
11,5
12,1
14,3
13,8
16,6
17,2
15,3
Mianma
12,0
23,5
16,2
16,3
18,8
18,1
18,0
16,2
18,2
16,0
14,9
Các nước công nghiệp

23,9

23,2

21,2

21,6

20,3

19,8

19,3

19,9

20,0

20,1

20,3
Mỹ
17,3
19,3
19,4
16,3
14,8
15,2
16,2
17,4
17,1
17,4
18,1
Anh
19,5
18,6
17,2
19,2
16,1
15,3
15,0
15,5
16,1
15,8
15,7
Pháp
26,9
24,2
18,9
22,5
21,5
19,7
17,1
18,0
19,2
18,3
18,1
Nhật Bản
39,0
32,2
28,2
32,3
32,2
30,8
29,7
28,7
28,6
29,9
28,6
Nguồn: International Financial Statistics của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Như vậy, trong khoảng 3 thập kỷ gần đây, tỷ lệ đầu tư của các nước đang phát triển đã vượt ngày càng xa so với tỷ lệ đầu tư tại các nước công nghiệp; tỷ lệ đầu tư tại các nước châu Á vượt ngày càng xa so với tỷ lệ đầu tư tại các khu vực khác trên thế giới, và tỷ lệ đầu tư tại các nước Đông Á vượt ngày càng xa so với tỷ lệ đầu tư tại các nước khác  trong khu vực châu Á. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên khi tỷ lệ tăng trưởng thu nhập tại các khu vực Đông Á tăng nhanh nhất thế giới; và tỷ lệ tăng trưởng thu nhập của các nước đang phát triển tăng nhanh hơn các nước công nghiệp.
          2) Vai trò của đầu tư với tăng trưởng và công nghiệp hoá
          Vai trò quan trọng của đầu tư trong việc tạo ra tăng trưởng thu nhập và công nghiệp hoá đã được thừa nhận rộng rãi trong xã hội công nghiệp; đây là những nước phát triển chủ yếu dựa vào nguồn vốn nội địa. Ngay từ năm 1776, căn cứ vào kinh nghiệm thực tế của các nước, Adam Smith đã khảng định quỹ đầu tư phát triển chủ yếu của các quốc gia là tiết kiệm nội địa; theo ông, "vốn của mỗi cá nhân tăng lên chỉ nhờ những tiết kiệm của anh ta lấy từ thu nhập hàng năm; và do vậy, vốn của toàn xã hội cũng phải tăng lên theo cách tương tự" (Smith, 1776). Gillis (1987) chứng minh rằng đầu tư tự nó đã tạo ra khoảng 50% tỷ lệ tăng trưởng thu nhập của 9 nước công nghiệp từ năm 1960 đến năm 1975. Nhiều công trình nghiên cứu thực nghiêm đã chỉ ra rằng chính tỷ lệ đầu tư thấp tại Mỹ là nguyên nhân đầu tiên làm cho tỷ lệ tăng trưởng thu nhập đầu người thấp; do tỷ lệ đầu tư trên GDP của Mỹ những năm 70 giảm xuống chỉ còn khoảng 17% so với 20% trong thập kỷ 60 nên tỷ lệ tăng trưởng GDP đầu người của Mỹ giảm mạnh. Tình hình tương tự diễn ra vào cuối thập kỷ 80. Tuy nhiên, trong nửa đầu thập kỷ 80 và hơn nửa đầu thập kỷ 90, tỷ lệ đầu tư trên GDP ở Mỹ quay trở lại mức cao làm tỷ lệ tăng trưởng GDP đầu người tăng lên. Hiện tượng tương tự cũng đã xảy ra ở Pháp, Anh và Nhật Bản cũng như đối với toàn khối các nước công nghiệp (Vadoukakis, 1995). Thậm chí, Feldstein và Horioka (1980) còn cho rằng sự khác nhau về tỷ lệ đầu tư và tăng trưởng giữa các nước trên thế giới chủ yếu là do sự khác nhau về tỷ lệ tiết kiệm, và tại các nước công nghiệp, gần như tất cả số tiết kiệm tăng thêm được giữ lại trong nước để đầu tư. Dĩ nhiên, quan điểm cực đoan như vậy đã gây ra những cuộc tranh luận lớn vì nó mâu thuẫn với xu hướng phát triển mạnh của thị trường vốn quốc tế từ đầu thập kỷ 80.
Cũng như tiết kiệm, người ta nhận thấy có một tương quan dương và rất chặt giữa tỷ lệ đầu tư và tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế. Khu vực Đông á là một ví dụ rất điển hình; các nền kinh tế trong khu vực này đã có thể giữ được tỷ lệ tăng trưởng GDP khoảng 7-8%/năm đồng thời tỷ lệ đầu tư trên GDP ổn định ở mức khoảng 30%.
          Bên cạnh các quan điểm truyền thống cho rằng đầu tư có ảnh hưởng quyết định tới tăng trưởng dài hạn, vẫn còn một số xu hướng trái ngược. Ngay một số nhà kinh tế hàng đầu của thuyết tân cổ điển cũng đã nghi ngờ quan điểm này. Mô hình tân cổ điển (Solow) cho rằng đầu tư chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng trong giai đoạn nền kinh tế tiến đến trạng thái bền vững; trong khi đó, tăng trưởng dài hạn được xác định chỉ bởi tỷ lệ thay đổi tiến bộ công nghệ, vốn được coi là ngoại sinh. Các nghiên cứu xuyên (hay đa) quốc gia (cross-country) dựa trên mô hình tân cổ điển thường đi đến kết luận rằng sự khác nhau về tỷ lệ đầu tư chỉ giải thích một phần sự khác nhau về tỷ lệ tăng trưởng trong khoảng thời gian dài; còn tiến bộ công nghệ đóng vai trò chính, động lực của tăng trưởng dài hạn.
Tuy nhiên, một số nhà tân cổ điển khác như Kaldor (1957) và Robinson (1962) lại phê phán quan điểm này vì cho rằng việc tách rời vốn đầu tư và tiến bộ công nghệ là không thể chấp nhận được; thực tế người ta đã khảng định rằng  hầu hết các tiến bộ công nghệ mới đều nằm trong máy móc thiết bị mới, tức là thuộc phạm trù vốn đầu tư (Schumpeter, 1934). Một số nghiên cứu khác lại cho rằng quan hệ lý thuyết giữa đầu tư và tăng trưởng trong mô hình Solow không chặt đến mức như người ta quan sát thấy trong thực tiễn; do đó phải chăng mô hình có vấn đề và nên quay trở lại quan điểm truyền thống trong đó đầu tư được coi là nhân tố chính xác định tăng trưởng.
Một hướng nghiên cứu khác là xem xét khả năng thay thế lẫn nhau giữa đầu tư vào vốn vật chất và đầu tư vào vốn con người. Quan điểm chung cho rằng trang thiết bị tiên tiến đòi hỏi người thao tác phải có những kỹ năng và trình độ giáo dục nhất định. Do đó Mankiw, Romer và Weil (1992) đã giả thiết tích luỹ vốn vật chất dẫn dắt tích luỹ vốn con người; từ đó thấy rằng đầu tư luôn luôn đóng vai trò quan trọng tới tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá vì nó có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp (qua đầu tư vào vốn con người) tới tăng trưởng kinh tế.
Hướng nghiên cứu thứ năm là xem xét mối liên hệ giữa tích luỹ vốn hiện vật và thay đổi công nghệ. Nếu tăng trưởng năng suất lao động là nội sinh (các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy điều này hợp lý hơn là ngoại sinh) với tỷ lệ với tích luỹ vốn hiện vật (hoặc con người), thì sự tăng lên của tỷ lệ đầu tư có thể làm tăng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tại tình trạng bền vững (Hebbel, Serven và Solimano, 1996). De Long và Summers (1993) đã ước lượng mô hình xác định tỷ lệ tăng trưởng của năng suất nhân tố tổng hợp theo một mẫu lớn các nước đang phát triển và nhận thấy có một tương quan dương rất có ý nghĩa giữa tỷ lệ tăng trưởng này và tỷ lệ đầu tư cho trang thiết bị so với GDP. Do vậy, tăng tỷ lệ đầu tư vào trang thiết bị cũng có vai trò tích cực đối với tăng trưởng kinh tế.
Tương tự, Levine và Renett (1992) đã kiểm tra quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng, và nhận thấy chỉ có tỷ lệ đầu tư vào vốn vật chất trên GDP mới có quan hệ chặt với tỷ lệ tăng trưởng GDP. Kết quả này cũng được khảng định qua một số nghiên cứu thực nghiệm khác khi xác định các nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng. Khi phân chia đầu tư làm hai thành phần xây dựng và trang thiết bị, De Long và Summers (1993) cũng nhận thấy ở cả hai nhóm nước công nghiệp và đang phát triển, đầu tư vào máy móc thiết bị có ý nghĩa hơn đối với tăng trưởng GDP đầu người so với đầu tư vào xây dựng.
Chenery (1986) đã áp dụng mô hình theo tiếp cận cơ cấu cho trường hợp 39 nền kinh tế đang phát triển (xem chương I). Lúc đầu ông ước lượng mô hình chỉ với 2 biến giải thích theo quan điểm tân cổ điển, và đã thu được kết quả phù hợp với các ước lượng theo chuỗi thời gian khi sử dụng mô hình tăng trưởng tân cổ điển cho từng nước. Sau đó ông lần lượt bổ sung các biến giải thích cơ cấu vào trong mô hình. Trong hầu hết các trường hợp, ông nhận thấy việc bổ sung thêm các biến cơ cấu vào mô hình đều có tác dụng giải thích tốt hơn đáng kể so với chỉ dùng hai biến của mô hình tân cổ điển.
          Đặc biệt, riêng về nhân tố vốn, ông nhận thấy tăng trưởng vốn là nhân tố quan trọng nhất tạo ra quá trình tăng trưởng. Tuy nhiên, đóng góp của nó tới tăng trưởng giảm đi; từ trên 50% tỷ lệ tăng trưởng trong mô hình tân cổ điển xuống còn khoảng 30-40% trong mô hình của thuyết cơ cấu. Luồng vốn nhập khẩu từ bên ngoài (thể hiện qua thâm hụt cán cân vãng lai) cũng có tác dụng tích cực tới tăng trưởng; điều này củng cố thêm giả thuyết về hạn chế nhập khẩu có thể là một nguyên nhân làm giảm tỷ lệ tăng trưởng (giả thuyết hai chênh lệch - two gap).
Trong mô hình của thuyết cơ cấu, đóng góp của nhân tố phân bố lại vốn và lao động từ khu vực sản xuất nông nghiệp sang khu vực tăng trưởng cao hơn chiếm khoảng 20% tỷ lệ tăng trưởng. Tăng trưởng xuất khẩu chỉ có ý nghĩa mạnh đối với tỷ lệ tăng trưởng GDP trong các giai đoạn 1964-1973 và 1973-1987, còn nó ít ý nghĩa trong giai đoạn trước thập kỷ 60; nếu hai biến xuất khẩu và phân bố lại vốn và lao động được đưa vào cùng một phương trình hồi quy thì vai trò của nhân tố xuất khẩu quan trọng hơn. Riêng đóng góp của nhân tố lao động rất thấp, điều này phù hợp với sự thực là các nền kinh tế đang phát triển luôn luôn ở trong tình trạng dư thừa lao động.
Khi phân chia đầu tư làm đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân, Aschauer (1989a, 1989b) nhận thấy đầu tư nhà nước có tác động tích cực đối với đầu tư tư nhân; do đó ông cho rằng nên sử dụng chiến lược tăng mạnh đầu tư nhà nước làm công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tương tự, các nghiên cứu của Gramlich (1994), Berndt và Hansson (1992), Argimon và Roldan (1995), Serven và Solimano (1993) đều chỉ ra ảnh hưởng dương và rất có ý nghĩa của đầu tư nhà nước tới đầu tư tư nhân tại các nước đang phát triển nói chung và các nước vùng Đông á và Mỹ la tin nói riêng.
          3) Vai trò của đầu tư với tăng trưởng và công nghiệp hoá khi xét tới nhân tố năng suất nhân tố tổng hợp (TFP)
          Các nghiên cứu thực nghiệm theo mô hình cổ điển cho thấy đầu tư là nhân tố rất quan trọng đối với mọi quá trình tăng trưởng và hầu như không có nước nào đạt được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững mà không có những cố gắng đầu tư cao. Như vậy, đầu tư là một điều kiện cần của quá trình tăng trưởng. Tuy nhiên, một câu hỏi khác được đặt ra là liệu tích luỹ và đầu tư cao có phải là đủ để đảm bảo một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dài hạn không ?. Câu trả lời phổ biến là không vì sự tăng trưởng cao và bền vững còn phụ thuộc vào hai nhân tố khác; đó là cơ cấu đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
          Phân tích quan hệ đầu tư - tăng trưởng chỉ dựa vào một vài hàm sản xuất cổ điển giản đơn như mô hình Harrod - Domar ở trên không làm rõ được tại sao có những điểm khác nhau cơ bản trong quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá tại các quốc gia đang phát triển. Vì vậy, các nhà kinh tế thế hệ sau đã cố gắng đưa vào hàm sản xuất nhiều nhân tố có thể tác động tới quá trình này để tách riêng vai trò của của từng nhân tố chứ không chỉ gộp tất cả cho vốn đầu tư. Một trong những hàm sản xuất được sử dụng phổ biến tại các nước đang phát triển như sau:
                    Q = f (K, L, T, A)
trong đó Q là đầu tư của sản xuất hay tổng sản phẩm trong nước; K là vốn cố định; L là lực lượng lao động được huy động; T là chỉ tiêu tổng hợp phản ảnh nguồn đất đai và tài nguyên thiên nhiên được đưa vào phục vụ sản xuất; và A là sự tăng lên của năng suất hay hiệu quả sử dụng các đầu vào.
Trong mô hình, vốn được đo bằng các khoản đầu tư vật chất của quốc gia đó, có sự điều chỉnh do trang thiết bị lỗi thời. Lao động được đo bằng số giờ lao động, có tính đến tỷ lệ lao động biết chữ. Tiến bộ kỹ thuật, hay còn gọi là năng suất nhân tố tổng hợp hay năng suất chung của các yếu tố sản xuất, được đo bằng mức hiệu quả mà nền kinh tế đạt được trong việc kết hợp 2 yếu tố lao động và vốn. Nếu hai nền kinh tế cùng đầu tư những khoản tiền như nhau và tuyển dụng một số lượng nhân công như nhau, nhưng nền kinh tế này lại nghèo hơn nền kinh tế kia thì người ta sẽ nói nền kinh tế đó có năng suất nhân tố tổng hợp thấp hơn. Tương tự, nếu tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế giảm xuống trong khi vẫn duy trì một lượng đầu tư và tuyển dụng cùng số nhân công như trước đây, thì người ta sẽ nói rằng tốc độ tăng năng suất chung của nền kinh tế đã giảm xuống. Như vậy, năng suất nhân tố tổng hợp là một dạng hộp đen mà các nhà kinh tế có thể đưa vào đó tất cả các tăng trưởng không thể lý giải được bằng các yếu tố vốn và lao động.
Về mặt thực nghiệm, mô hình trên được đưa về dạng phương trình sau:
                    gq = a + wk . gk + wl . gl + wt . gt
trong đó g(...) biểu thị tỷ lệ tăng trưởng của các biến số tương ứng. Hệ số a trong phương trình ước lượng được coi là mức tăng năng suất tổng hợp của các nhân tố.
          Khi áp dụng mô hình này cho các nước, theo tổng kết của M. Gillis và các tác giả khác (1988), các nhà kinh tế đã rút ra hai kết luận quan trọng về vài trò của các nhân tố: Thứ nhất, phần lớn các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tăng lên của năng suất hay hiệu quả cao hơn nhiều so với dự tính; trong khi đó sự tăng lên của vốn thường nhỏ hơn nhiều so với một nửa mức tăng sản lượng, đặc biệt là tại các nước tăng trưởng và công nghiệp hoá nhanh.
          Thứ hai, trong khi vốn không đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng như người ta đã giả thiết trong các mô hình tăng trưởng cổ điển, thì nó lại có một vai trò to lớn hơn trong sự tăng trưởng và công nghiệp hoá của các nước đang phát triển ngày nay so với vai trò của nó đối với các nước đã có thu nhập cao vào những năm 80. Hơn nữa, một phần quan trọng của hiệu quả hay năng suất tăng thêm có nguồn gốc từ những tiến bộ công nghệ do trang thiết bị đầu tư mang lại. Như vậy, xét cho cùng thì các nghiên cứu thực nghiệm vẫn khảng định vai trò cực kỳ quan trọng của vốn đầu tư đối với các nước nghèo; điều này giải thích tại sao đến nay vốn đầu tư vẫn luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách tại các nước đang pháp triển. Dưới đây chúng ta sẽ xem xét một số kết quả thực nghiệm rút ra từ mô hình này.
          a) Trường hợp các nước công nghiệp
          Để minh họa vai trò của đầu tư tới tăng trưởng của các nước công nghiệp trong giai đoạn gần đây, chúng ta hãy xem xét trường hợp nước Mỹ. Theo số liệu của bộ Thương mại Mỹ (bảng 2), tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong những năm 90 (giai đoạn Mỹ bước vào xây dựng nền kinh tế mới) đạt khá nhưng chưa phải là cao; nhưng nếu nhìn sang cột bên cạnh, chúng ta thấy tỷ lệ tăng trưởng năng suất lao động (GDP do 1 lao động mang lại) lại rất đáng nể. Tình hình còn mạnh mẽ hơn nhiều khi phân tích nửa cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX.

          Bảng 3: Tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ (%/năm)
Thời kỳ
Tăng trưởng GDP
Tăng trưởng GDP trên 1 lao động
1975 - 2/1982
3,0
0,7
2/1982 - 4/1990
3,7
1,6
1/1991 - 4/1999
3,5
2,0
Riêng từ 3/1995
4,2
2,6
Nguồn: Bộ Thương Mại Mỹ, trong Cohen (2000)
          Để đánh giá nguồn gốc của sự tăng trưởng này, Oliner và Sichel đã xây dựng một mô hình toán học tách riêng các đóng góp của từng nhân tố. Kết quả tính toán được trình bày trong bảng sau:
          Bảng 4: Phân tích sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ (%/năm)

1974-1990
1991-1995
1996-1999
Tỷ lệ tăng trưởng GDP/ lao động
1,43
1,61
2,66
Trong đó đóng góp của :



 - Tích tụ vốn
0,81
0,60
1,09
 - Chất lượng nguồn nhân lực
0,22
0,44
0,31
 - Năng suất tổng hợp của các yếu tố
0,40
0,57
1,25
Tỷ trọng đóng góp của các nhân tố (%)



 - Tích tụ vốn
56,6
37,3
41,4
 - Chất lượng nguồn nhân lực
15,4
27,3
12,6
 - Năng suất tổng hợp của các yếu tố
28,0
35,4
46,0
Nguồn: Oliner và Sichel, dẫn lại trong Cohen (2000)
          Số liệu cho thấy đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp tới tăng trưởng kinh tế tính trên 1 lao động của Mỹ đã tăng lên rất mạnh trong thập kỷ 90, đặc biệt là nửa cuối của thập kỷ 90. Đến nay, có thể nói khoảng 1 nửa tỷ lệ tăng trưởng trên 1 lao động của nền kinh tế Mỹ có được là nhờ tăng trưởng của nhân tố năng suất tổng hợp. Ngược lại, vai trò của vốn đầu tư và chất lượng lao động đã giảm mạnh so với thập kỷ 70 và 80. Tuy nhiên, dù giảm sút nhưng vai trò của vốn vẫn rất quan trọng, đến nay vẫn chiếm trên 40% chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, gấp nhiều lần đóng góp của chất lượng lao động và xấp xỉ ngang bằng đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp. Phân tích sâu hơn của Oliner và Sichel còn cho thấy vai trò quan trọng của nhân tố tích tụ vốn nêu trên bắt nguồn từ sự phát triển của lĩnh vực tin học. Các kết quả này cũng rất gần với kết quả nghiên cứu của Jorgenson và Stiroh (2000) hay của Gordon (2000; xem trích dẫn chi tiết trong Cohen, 2001).
Về thực nghiệm, các nghiên cứu của Solow và Denilson cách đây khoảng 3-4 thập kỷ cũng đã chứng minh tiến bộ kỹ thuật quyết định đến 50% tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ; Carre, Dubois và Malinvaud cũng rút ra kết luận tương tự khi nghiên cứu trường hợp nước Pháp (Boyer và Didier, 2000)
Vai trò của vốn đầu tư cũng rất quan trọng trong nền kinh tế Pháp, như minh chứng trong bảng số liệu dưới đây. Số liệu trong cột cuối cùng cho thấy trong thập kỷ 90, tích luỹ vốn đã tạo ra khoảng 43% tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Pháp, một con số tương tự như trường hợp nước Mỹ (Boyer và Didier, 2000). Hơn thế nữa, nếu như vai trò của yếu tố vốn trong nền kinh tế Mỹ có xu hướng giảm đi thì nó lại tăng lên trong nền kinh tế Pháp. Đáng chú ý là sự giảm sút của vai trò của nhân tố năng suất tổng hợp tới tăng trưởng kinh tế Pháp trong những năm 90. Khi phân tích sâu hơn theo lĩnh vực, Accardo, Bouscharain và Jlassi (2000) nhận thấy rằng sự giảm sút này chủ yếu là do khu vực dịch vụ không đạt được tiến bộ kỹ thuật nào, mà nguyên nhân sâu xa chính là chính sách phát triển việc làm ồ ạt của chính phủ Pháp nhằm chống thất nghiệp, trong đó ngành dịch vụ là nơi thu hút lao động mới nhiều nhất.
          Bảng 5: Phân tích sự tăng trưởng của nền kinh tế Pháp (%/năm)

1975-1989
1990-1998
Tỷ lệ tăng trưởng GDP
2,58
1,60
Trong đó đóng góp của :


 - Yếu tố vốn
0,77
0,69
 - Yếu tố lao động
0,21
0,14
 - Năng suất tổng hợp của các yếu tố
1,60
0,77
Tỷ trọng đóng góp của các nhân tố (%)


 - Yếu tố vốn
29,9
43,1
 - Yếu tố lao động
8,1
8,8
 - Năng suất tổng hợp của các yếu tố
62,0
48,1
Nguồn: Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Pháp, INSEE (2000)
          Bên cạnh đó, nếu một nửa sự tăng trưởng của các nước công nghiệp được giải thích bằng nhân tố năng suất tổng hợp thì câu hỏi đặt ra là năng suất này bắt nguồn từ đâu ? Những phân tích chi tiết hơn đều cho thấy phần lớn là từ những cố gắng đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu triển khai (Boyer và Didier, 2000). Như vậy, chúng ta lại thấy vai trò của vốn đầu tư và tầm quan trọng của việc sử dụng hợp lý vốn đầu tư trong quá trình tăng trưởng và công nghiệp hóa.
          b) Trường hợp các nước đang phát triển
          Những nghiên cứu thực tiễn về tác động trực tiếp của vốn đầu tư tới tăng trưởng và công nghiệp hoá tại các nước đang phát triển không nhiều do những hạn chế về nguồn số liệu. Tuy vậy, những phân tích có được đều cho thấy vốn đầu tư có tác động đáng kể tới tăng trưởng ở những nước này, đặc biệt trong giai đoạn đầu phát triển và công nghiệp hoá. Khi chuyển sang giai đoạn phát triển cao hơn, vai trò của tăng năng suất lao động dường như cao hơn. Một số nghiên cứu cho trường hợp các nước có thu nhập trung bình như Hàn Quốc, Philipin và Mêhico cho thấy trong thập kỷ 70 và 80, sự tăng trưởng của nguồn vốn vật chất đã đóng góp từ 1/4 đến 1/3 tỷ lệ tăng trưởng thu nhập. Một số nghiên cứu còn cho rằng mức đóng góp lên tới 50% trong trường hợp các nước kém phát triển (Gillis, 1987).
          Áp dụng phương pháp phân tích qua nhân tố tổng hợp nêu trên cho trường hợp 4 con rồng châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Xingapo và Hồng Kông) thời kỳ từ cuối thập kỷ 70 đến nay, có thể thấy vai trò của nhân tố vốn vẫn rất quan trọng. Bảng dưới đây cho thấy mặc dù tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của các con rồng châu Á rất cao nhưng vai trò của nhân tố năng suất nhân tố tổng hợp rất thấp, đặc biệt trong vòng hơn 20 năm cuối thế kỷ XX, Singapo không có tiến bộ kỹ thuật đáng kể nào. Ngược lại, đóng góp của nhân tố vốn chiếm tỷ trọng cao nhất, tới trên 40%, trong đó ở Singapo, con số này là 65%.
Bảng 6: Phân tích sự tăng trưởng của 4 con rồng châu á (%/năm)

Tăng trưởng chung
Đóng góp
của vốn
Đóng góp
của lao động
Đóng góp của
năng suất chung
Hàn Quốc
10,3
4,6
4,0
1,7
Đài Loan
9,4
3,2
3,6
2,6
Singapo
8,7
5,6
2,9
0,2
Hồng Kông
7,3
3,0
2,0
2,3
Tỷ trọng đóng góp:




Hàn Quốc
100
44,66
38,83
16,50
Đài Loan
100
34,04
38,30
27,66
Singapo
100
64,37
33,33
2,30
Hồng Kông
100
41,10
27,40
31,51
Nguồn: Cohen (2000)
          Chính vì vai trò của nhân tố vốn và lao động như trên, Krugman (1999) đã cho rằng sự phát triển của các con rồng châu á chủ yếu bắt nguồn từ các nhân tố bên trong hơn là sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ đến từ bên ngoài. Theo Krugman, Singapo là một ví dụ điển hình: gần 2/3 số lượng của cải làm ra xuất phát từ tích luỹ vốn, từ chính sách thắt lưng buộc bụng để đầu tư vào nền kinh tế. Đối với Hàn Quốc và Đài Loan, gần 3/4 của cải làm ra xuất phát từ yếu tố vốn và lao động. Duy chỉ có Hồng Kong là có một sự tăng trưởng cao dựa trên yếu tố khoa học và công nghệ. Tình hình trên cũng đã xảy ra với nhiều nước châu Á khác; trong đó Trung Quốc là một quốc gia tiêu biểu: tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư của Trung Quốc thường xuyên ở mức trên 40%. Như vậy có thể nói phương thức phát triển của các nước châu á dựa chủ yếu vào các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng; trong đó vốn đầu tư giữ vai trò quan trọng nhất.
          Tình hình không giống như vậy đã diễn ra trong các nền kinh tế Nam Mỹ. Elias (1992) đã sử dụng mô hình tăng trưởng tân cổ điển hiện đại đê xác định vai trò của các nhân tố vốn, lao động và TFP tới tăng trưởng kinh tế các nước Mỹ Latin. Đây là một công trình nghiên cứu rất công phu, đi từ phân tích chi tiết cho từng giai đoạn 5 năm, từng thập kỷ và gộp thành một thời kỳ dài tới 45 năm. Kết quả chung nhất được trình bày trong bảng dưới đây:
Bảng 7: Đóng góp của vốn, lao động và TFP tới tỷ lệ tăng trưởng   GDP thời kỳ 1940-1985 (%)
Nước
Tăng trưởng GDP
Đóng góp của
Vốn
Lao động
TFP
Achentina
3,6
43,1
26,4
30,5
Brazil
6,4
50,8
20,3
28,9
Chilê
3,8
34,2
26,3
39,5
Columbia
4,8
42,7
32.3
25,0
Mehicô
6,3
40,5
23,0
36,5
Peru
4,2
67,9
32,1
0
Venezuela
5,2
56,7
33,7
9.6





Các nước Mỹ latin
5,34
43,4
24,7
31,9
Nhật
5,2
45,4
17,3
37,3
Mỹ
3,62
21,8
35,4
42,8
Nguồn: Elias (1992)
          Kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Elias cho thấy các nền kinh tế Mỹ Latin phát triển dựa vào nhân tố TFP cao hơn đáng kể so với các nước công nghiệp mới ở châu á; chỉ có Hồng Kông mới sách được mức trung bình của khối nước này. Ngược lại, vai trò của lao động đối với các nước Mỹ latin thấp hơn. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy vai trò của vốn đầu tư tại hai nhóm nước dường như tương đương. Điều này khảng định tầm quan trọng đặc biệt của vốn đầu tư: Sự tăng lên của nhân tố TFP chỉ có tác dụng làm giảm nhu cầu sử dụng lực lượng lao động chứ không giảm vài trò của vốn đầu tư.
          Như vậy, kinh nghiệm các nước cho thấy đầu tư không phải là nhân tố duy nhất quyết định quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá tại các nước kém phát triển; nhưng một điều rõ ràng đều được các nghiên cứu chỉ ra là chỉ khi đất nước giữ được tỷ lệ đầu tư trên tổng sản phẩm tương đối lớn thì mới duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức trung bình. Tỷ lệ đó phụ thuộc vào môi trường trong đó quá trình đầu tư được thực hiện; nhưng rất ít khi thấp hơn 15-20% và trong một số trường hợp phải đạt tới 25-30% nếu như nguồn vốn đầu tư bị sử dụng phân tán và lãng phí. Chính từ nhận xét này, có thể nói sự phát triển thần kỳ của khu vực Đông á hay một số nước Mỹ latin không phải là điều bí hiểm; ngược lại sự tụt hậu của khu vực châu Phi cũng là bình thường vì tỷ lệ đầu tư trên GDP nơi đây thuộc loại thấp nhất thế giới (khoảng 15-20%).
Bảng 8: Hệ số ICOR của một số nước trên thế giới
Nước và lãnh thổ
1969-1980
1981-1990
1991-1997**
Hồng Kông
2,44
3,36
6,01
Singapo
3,97
4,42
4,31
Hàn Quốc
3,28
3,43
5,88
Trung Quốc
4,64*
3,26
3,53
Malaixia
2,55
4,19
4,64
Thái Lan
4,30
4,23
5,36
Inđônêxia
2,37
5,11
4,84
Phillippin
4,59
4,69
4,77
Ấn độ
3,42
4,08
3,76
Pakistan
2,96
3,18
3,76
Bangladesh
2,44
2,93
2,95
Mianma
3,11
3,23
2,46
Mỹ
4,31
5,05
5,49
Anh
6,72
5,64
5,62
Pháp
6,33
7,59
7,37
Nhật Bản
5,70
6,84
28,28
Nguồn: Tính toán theo số liệu trong International Financial Statistics, Yearbook năm 1999 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trong tính toán đã loại trừ 1 số năm rất đặc biệt. Dấu * chỉ số liệu 1979-1980, ** chỉ giai đoạn 1991-1996 đối với các nước Châu á bị khủng hoảng.
          Theo một quan niệm phổ biến hiện nay, để các nước nghèo vươn lên kịp các nước phát triển trung bình thì tỷ lệ tăng trưởng GDP phải đạt ít nhất 6%/năm. Trong trường hợp cụ thể của một nước, nếu nước đó sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả, hệ số ICOR chỉ là 3 thì chỉ cần duy trì tỷ lệ đầu tư ở mức 18% GDP là đủ. Ngược lại, khi nước đó sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả hơn, để hệ số ICOR lên tới 6 như Việt Nam hiện nay thì để tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 6%, tỷ lệ đầu tư ở nước đó phải đạt tới 36% (nếu tỷ lệ đầu tư trên GDP được tính theo giá cố định theo đúng phương pháp tính GDP).
          Tóm lại, trong thời đại ngày nay, mặc dù vai trò của nhân tố tiến bộ công nghệ đã tăng lên, nhưng vốn đầu tư vẫn đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình phát triển. Theo Cohen (2000), đây chính là thông điệp cho các nước đang phát triển: để phát triển và công nghiệp hoá, con đường đơn giản nhất là tăng tỷ lệ tiết kiệm, đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực; các yếu tố này sẽ giúp các nước nghèo có thể đuổi kịp được các nước giàu.

Kết luận:
          Những nghiên cứu trên về kinh nghiệm thực tiễn tại các nước đang phát triển cho phép rút ra những bài học rất bổ ích đối với chúng ta:
          Thứ nhất, tiết kiệm nội địa bao giờ cũng là nguồn quan trọng nhất để đầu tư và là nhân tố quan trọng nhất để tăng trưởng và công nghiệp hoá tại các nước đang phát triển.
Thứ hai, các loại vốn gắn liền với trách nhiệm và theo cơ chế lãi suất thị trường thường có hiệu quả cao hơn vốn ưu đãi; do đó, trong chiến lược huy động và sử dụng vốn, cần tích cực sử dụng các loại vốn này.
Thứ ba, mặc dù quan điểm tân cổ điển đang thắng thế trong lãnh đạo chính sách kinh tế trong khoảng 2 thập kỷ gần đây, vai trò của yếu tố TFP vẫn rất quan trọng. Trong dài hạn, việc đuổi kịp mức thu nhập của các quốc gia phát triển không chỉ phụ thuộc vào tăng tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư mà còn phụ thuộc vào tốc độ dịch chuyển giới hạn công nghệ của các nước đang phát triển; và nếu muốn đạt mục tiêu trên, các quốc gia phải có khả năng đẩy đường giới hạn công nghệ ra xa hơn trong một số ngành nhất định.
          Thứ tư, một trong những khía cạnh rất quan trọng khác của quan hệ đầu tư - tăng trưởng là cần tăng nhanh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Tỷ lệ đầu tư cao do dư thừa các nguồn tiết kiệm nội địa hoặc vay mượn từ nước ngoài thường phát huy tác dụng thấp đối với quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá; nó cũng không tạo thêm được nhiều công ăn việc làm hay cải thiện được tình trạng phân phối thu nhập bất bình đẳng phổ biến trong xã hội khi các khoản vốn đầu tư khổng lồ bị phung phí vào những dự án có hiệu quả kinh tế và năng suất lao động thấp. Ví dụ như trường hợp xây dựng các nhà máy luyện thép hay hoá chất có quy mô lớn mang tính phô trương, không phù hợp với trình độ phát triển kinh tế và công nghiệp hoá của đất nước theo lý thuyết đàn nhạn bay. Hoặc vốn đầu tư được phân tán cho hàng trăm nhà máy điện, nhà máy xi măng, nhà máy đường mà thực tế chứng minh không có hiệu quả. Thậm chí chi phí đầu tư cho những dự án đào tạo giáo dục tốn kém nhưng lệch lạc hay xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí cực kỳ hiện đại và tốn kém phục vụ tầng lớp thượng lưu ở thành phố cũng có thể dẫn tới lãng phí vốn đầu tư và không mở ra khả năng tăng trưởng nhanh và bền vững.
          Thứ năm, để việc sử dụng vốn đầu tư tại các nước nghèo có hiệu quả, theo số đông các nhà kinh tế, đầu tư tập trung vào những ngành cần nhiều vốn, ít lao động thường là quyết định chính sách sai lầm của chính phủ; đó là do các nhà quản lý thường tin tưởng rằng chỉ có xây dựng các công trình mới, sử dụng các loại công nghệ đắt tiền... mới đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, lý thuyết cũng như thực tiễn đã không chứng minh được sự đúng đắn của quan niệm này. Dựa trên phân tích, so sánh hai kịch bản phát triển của hai nước khác nhau, trong đó nước thứ nhất theo đuổi chiến lược phát triển dựa vào đầu tư với quy mô lớn và cần nhiều vốn, nước thứ hai lại hướng vào các ngành sử dụng ít vốn, nhiều lao động, người ta thường thấy cách đi của nước thứ hai có hiệu quả cao hơn và công nghiệp hoá được thực hiện vững chắc hơn, từ đó rút ra kết luận rằng sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư đối với quá trình tăng trưởng có ý nghĩa quan trọng không kém so với tăng nguồn vốn đầu tư.
Từ các nhận xét trên, rõ ràng, để tăng trưởng và công nghiệp hoá, cần thực hiện rộng rãi các chính sách theo hướng cổ vũ mạnh mẽ tiết kiệm nội địa, chuyển tiết kiệm nội địa thành vốn đầu tư, đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét