Bài viết cũ của tôi:
Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam
MỤC 2: KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRONG KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI VỀ TĂNG TRƯỞNG VÀ CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG TRONG NHỮNG THẬP KỶ GẦN ĐÂY.A- Kinh nghiệm của các nước Đông Nam ÁI- Tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của Malaixia
Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1957 đến nay, Malaixia tiến hành chính sách phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và vững mạnh vì lợi ích dân tộc. Trải qua hơn bốn thập kỷ phát triển và xây dựng đất nước, Malaixia đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Hiện nay Malaixia đang từng bước khẳng định sự thành công của quá trình công nghiệp hóa nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế cao và hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, các vấn đề xã hội được cải thiện, mức sống của người dân được nâng cao. Tăng trưởng kinh tế Malaixia không chỉ đạt được ở tốc độ cao mà chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, tạo thành cơ sở vững chắc đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh theo hướng bền vững, tăng năng suất lao động trong nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ.
1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế có sự cải thiện liên tục từ 1957 đến nay. Tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn từ 1970 - 1996 liên tục tăng và ở mức cao, bình quân 6,7%/năm. Sau khủng hoảng tài chính 1997 - 1998, Malaixia đã có những biện pháp đúng đắn nhằm khắc phục khủng hoảng (trong đó có việc ấn định tỷ giá và kiểm soát vốn), từ năm 1999 đến nay nền kinh tế Malaixia đã phục hồi khá nhanh.
Đồ thị 1: Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 1990-2007 (%)
Nhìn vào đồ thị trên có thể thấy rõ, ngoại trừ năm 1998 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, nền kinh tế Malaixia có tăng trưởng âm (-7,4%), còn lại, các năm tiếp sau đều có sự tăng trưởng khá và ổn định. Từ năm 1999 đến nay nền kinh tế Malaixia đã phục hồi khá nhanh. Tăng trưởng GDP năm 1999 đạt 6,1%; năm 2000 đạt 8,9%. Trong năm 2001, do tình hình kinh tế toàn cầu giảm sút, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Malaixia chỉ đạt 0,5%. Tuy nhiên, sang năm 2002, kinh tế Malaixia đã hồi phục và đạt mức tăng trưởng 5,4% và năm 2003 đạt 5,8%, sang năm 2004 đạt mức 6,8% và năm 2007 đạt 6,3%.
Điều này cho thấy những chính sách kinh tế - xã hội được Chính phủ Malaixia áp dụng để hồi phục nền kinh tế đã có hiệu quả cao, trong đó có việc ấn định tỷ giá và kiểm soát vốn. Tốc độ hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế rõ ràng là một chỉ số đặc biệt quan trọng nói lên tính bền vững của quá trình tăng trưởng ở Malaixia.
2) Chất lượng tăng trưởng kinh tế
a) Xét theo chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp (TFP):
Bảng dưới đây cho thấy cũng như nhiều nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, trong khoảng 30 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Malaixia đã chủ yếu dựa vào tích luỹ vốn vật chất; đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng là không lớn.
Bảng 2: Vai trò của TFP trong tăng trưởng kinh tế của Malaixia (%)
Thời kỳ
|
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP)
|
Tốc độ tăng trưởng của TFP
|
Đóng góp của TFP trong việc tăng GDP
|
1970 - 1980
1980 - 1990
1990 - 1994
1995 - 1999
------------
1980 – 2000
|
7,6
5,8
9,31
5,12
----------------
6,48
|
2,5
0,7
3,36
0,32
----------------
1,29
|
32,9
12,1
36,09
6,25
----------------
19,90
|
Nguồn: ASEAN Development Outlook 2005.
Yếu tố đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng trưởng sản lượng của nền kinh tế Malaixia giai đoạn 1970 - 1980 là vốn vật chất gồm vốn và lao động; trong khi đóng góp của TFP chỉ chiếm khoảng một phần ba. Thời kỳ 1980 – 1990, đóng góp của TFP vào tốc độ tăng trưởng lại giảm xuống khá mạnh, chỉ còn 12,1%. Thời kỳ 1990 – 1994, vai trò của TFP lại được phục hồi rất nhanh và vượt khá cao so với trung bình của các giai đoạn trước (36,09%). Tuy nhiên, trong thời kỳ 1995 – 1999, đóng góp của TFP vào tốc độ tăng trưởng lại giảm mạnh, xuống đến mức chưa từng có trong lịch sử Malaixia hiện đại (chỉ còn 6,25%) do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Tính trung bình cho khoảng 2 thập kỷ cuối thế kỷ XX, đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế của Malaixia chỉ đạt xấp xỉ 20% là tương đối thấp.
b) Xét theo nhóm chỉ tiêu sử dụng có hiệu quả các nguồn lực
(1) Năng suất lao động
Đi liền với quá trình chuyển dịch nhanh chóng cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa của Malaixia là sự gia tăng năng suất lao động xã hội. Năng suất lao động tăng lên đáng kể đóng góp trực tiếp vào tăng GDP của nền kinh tế, giá trị gia tăng tính trên một lao động tăng khoảng 3-4% trong những năm từ năm 2000 đến nay. Trong những khu vực tiên phong của nền kinh tế như khu vực công nghiệp chế tạo, năng suất tăng nhanh gần gấp 2-3 lần so với năng suất toàn bộ nền kinh tế, tức khoảng 7-9% một năm. Trong khu vực nông nghiệp, năng suất lao động cũng tăng ở mức 2,5%/năm và giải phóng được đáng kể lực lượng lao động cho công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng năng suất trong nền kinh tế còn đạt mức cao hơn trong thời kỳ trước khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997. Tính cho cả nền kinh tế, năng suất lao động đo bằng GDP trên một lao động theo giá cố định đã tăng với tốc độ 5,1%/năm trong khoảng 30 năm gần đây. Đến năm 2004, năng suất lao động xã hội của Malaixia đạt 11.276,2 USD cao gấp 2,5 lần mức năng suất của Thái Lan.
Nhìn chung, năng suất lao động của Malaixia đã tăng lên khá nhanh trong những thập kỷ gần đây do tốc độ tăng trưởng GDP tăng nhanh trong khi tốc độ tăng trưởng dân số và tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động chậm dần. Mặc dù vai trò của nhân tố năng suất lao động và chính sách khoa học và công nghệ của Maiaixia là khá lớn trong quá trình tăng trưởng kinh tế, tạo thêm công ăn, việc làm cũng như thúc đẩy nhanh xuất khẩu hàng hoá chế tạo của đất nước, nhưng thành công trong ngành công nghiệp của Malaixia lại chỉ phụ thuộc vào một nhóm ít ngành, như ngành công nghiệp điện tử. Sự chuyển giao công nghệ từ các công ty đa quốc gia tới các công ty bản xứ vẫn còn bị hạn chế. Chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) của Malaixia còn thấp (ví dụ chi ngân sách cho hoạt động thời kỳ 1987 – 1997 chỉ khoảng 0,3% GDP).
(2) Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư
Đo bằng hệ số ICOR, hiệu quả đầu tư của Malaixia so với nhiều nước là khá tốt. Trong các thập kỷ 70, 80 và nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hệ số ICOR của Malaixia chỉ dao động trong khoảng 2,3-4. Từ năm 1999, hệ số ICOR của nước này đã tăng lên khá nhanh, nếu như năm 1999 là 4 thì đến năm 2002 đã tăng lên tới 5,45.
Bảng 1: Hệ số ICOR của Malaixia (đầu tư không tính trễ)
Năm
|
Đầu tư / GDP
|
GDP
|
ICOR
|
2002
|
24.00
|
4.40
|
5.45
|
2003
|
21.60
|
5.50
|
3.93
|
2004
|
22.70
|
7.20
|
3.15
|
2005
|
19.90
|
5.20
|
3.83
|
2006
|
20.00
|
5.90
|
3.39
|
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hệ số ICOR của Malaixia đã liên tục giảm nhanh, năm 2003 chỉ còn 3,93; năm 2004 là 3,15; năm 2005 là 3,83 và năm 2006 là 3,39; trung bình 5 năm 2002-2006 là 3,95. Mặc dù vậy, theo quan điểm của các nhà kinh tế, hệ số ICOR của Malaixia vẫn còn khá cao và đây chính là một trong những yếu tố có thể gây tổn hại đến chất lượng tăng trưởng của Malaixia trong tương lai.
c) Xét theo nhóm chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh và tính ổn định trong tăng trưởng của nền kinh tế
(1) Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế
Cơ sở chứng tỏ sự tăng trưởng bền vững dài hạn cũng như chất lượng tăng trưởng của Malaixia còn thể hiện rõ ở quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành đã diễn ra rất nhanh, từ nền kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp sang nền kinh tế có tỷ trọng công nghiệp ngày càng gia tăng.
Tỷ trọng của công nghiệp trong GDP bắt đầu vượt qua nông nghiệp từ giữa những năm 1970 và sau đó tỷ trọng nông nghiệp trong GDP đã giảm nhanh chóng, từ 22% năm 1980 xuống còn 15% năm 1990, 8,3% năm 2000 và còn khoảng 8,2% năm 2005. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ trọng nông nghiệp lại tăng lên, đạt 10% năm 2007.
Trong khi đó, tỷ trọng của khu vực công nghiệp đã tăng nhanh trong cùng thời kỳ, từ 38% năm 1980 lên 41,5% năm 1990, 46,8% năm 2000 và đạt mức 48,7% vào năm 2005. Trong 2 năm 2006-2007, tỷ trọng công nghiệp lại giảm nhẹ, chỉ còn 46,8% năm 2007. Tương ứng với quá trình đó, tỷ trọng của khu vực dịch đã tăng nhanh từ 40,1% năm 1980 lên 43,5% năm 1990, 44,9% năm 2000 và đạt mức cao nhất là 47,4% vào năm 2002. Từ năm 2003, tỷ trọng khu vực dịch vụ giảm dần, và xuống còn 43,2% vào năm 2007.
Chất lượng của quá trình tăng trưởng sản xuất cũng được phản ánh qua sự phát triển mạnh mẽ của khu khu vực công nghiệp chế tạo. Khu vực này đã lớn mạnh liên tục và đóng góp đáng kể cho tốc độ tăng trưởng cao trong suốt thời kỳ tăng trưởng nhanh, chiếm tới 35% GDP vào năm 1997 song giảm xuống còn khoảng 30% năm 2007. Thực tế, khu vực này cũng đã tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao cho nền kinh tế. Ngành công nghiệp không chỉ hướng tới xuất khẩu mà còn đáp ứng được những nhu cầu tiêu dùng trong nước. Các sản phẩm công nghiệp gia dụng như đồ điện, điện tử, may mặc đã hướng vào mục tiêu phát triển thị trường trong nước đã góp phần giảm nhập khẩu và tiến mạnh vào xuất khẩu.
Ngành dịch vụ cũng là một ngành được ưu tiên phát triển ngay từ khi tiến hành phát triển kinh tế. Trong suốt những năm vừa qua, ngành dịch vụ đã đạt được nhiều kết quả khá vững chắc. Chính phủ Malaixia rất chú trọng tới việc cải cách khu vực này theo hướng ngày càng tốt hơn, để các sản phẩm truyền thống của Malaixia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, đưa Malaixia trở thành một trung tâm gia công hàng đầu trong khu vực. Những ngành dịch vụ hiện đại như tài chính, ngân hàng, viễn thông, công nghệ cao không ngừng phát triển. Những nỗ lực của Chính phủ Malaixia đã đạt được kết quả rất khả quan, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Du lịch là lĩnh vực mang lại thu nhập lớn thứ hai cho Malaixia, sau ngành công nghiệp chế tạo. Các dịch vụ bổ trợ như dịch vụ hàng không, cơ sở hạ tầng, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, siêu thị hiện đại, khu vui chơi giải trí liên tục được xây mới theo hướng hiện đại đáp ứng những nhu cầu cao nhất của người tiêu dùng đã góp phần vào sự thành công trong chính sách phát triển du lịch.
(2) Khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước
Tăng trưởng với tốc độ nhanh và ổn định của nền kinh tế Malaixia đạt được chủ yếu do khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước tăng lên, thể hiện ở: Một là độ mở cửa của nền kinh tế Malaixia ra nền kinh tế khu vực và toàn thế giới tăng nhanh. Thương mại của Malaixia đã tăng mạnh trong suốt thập kỷ 4 thập kỷ gần đây; đồng thời xuất khẩu đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của Malaixia. Năm 2004, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ là 14,6%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ năm 2003 đạt 118,577 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nhập khẩu cũng đã tăng với tốc độ tương ứng là 11,3% và 6,5% trong cùng thời kỳ. Nhờ vậy, tỷ trọng thương mại so với GDP của Malaixia đã tăng mạnh và đạt mức cao hơn so với các nước trong khu vực. Hai là sự phát triển lành mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Tốc độ tiêu dùng tư nhân đã gia tăng mạnh mẽ trong suốt 3 thập kỷ từ năm 1980 đến nay. Ba là, Malaixia thực hiện thành công tiến trình công nghiệp hóa dẫn đến nhanh chóng thay đổi các thành phần kinh tế. Trong giai đoạn đầu phát triển, do xuất phát điểm là một nước nông nghiệp lạc hậu nên Nhà nước chủ động đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế. Nhưng từ năm 1983, Malaixia thực hiện chính sách tự do hóa kinh tế, nới lỏng các quy định, luật lệ khắt khe; khuyến khích tư nhân tham gia phát triển kinh tế, chủ trương tư nhân hóa các hoạt động kinh doanh và các công ty quốc doanh. Kết quả là từ cuối thập kỷ 1980, khu vực kinh tế tư nhân đã nắm vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Hàng loạt các doanh nghiệp mới ra đời tham gia vào mọi hoạt động của nền kinh tế và họat động của các doanh nghiệp này là rất có hiệu quả.
Bốn là, quá trình tăng trưởng của Malaixia đồng thời gắn liền với sự nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Malaixia liên tục nâng cao vị trí. Chỉ số năng lực cạnh tranh tăng trưởng năm 2003 ở vị trí thứ 29/102 nước, đến năm 2004 tụt xuống 3 bậc lên vị trí 31/104 nước (4,88 điểm), nhưng năm 2005 tiến lên 7 bậc lên vị trí 24/117 nước (4,9 điểm). Trong năm 2005, vị trí xếp hạng của Malaixia cho các chỉ số thành phần đều có sự tiến bộ và ở vị trí cao như: Chỉ số công nghệ tăng lên 2 bậc từ vị trí 27/104 nước lên vị trí 25/117 với 4,22 điểm, chỉ số thể chế công tăng 9 bậc từ vị trí 38/104 lên 29/117 với 5,36 điểm và chỉ số môi trường vĩ mô cũng tăng 1 bậc từ 20 lên 19. Năng lực cạnh tranh kinh doanh của Malaixia cũng được đánh giá ở vị trí cao và ngày càng được tăng cường. Năm 2004 và 2005, xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh kinh doanh đều ở vị trí thứ 23.
(3) Sự ổn định của hệ thống tài chính, tiền tệ
Có một đặc điểm tương đối khác so với các nước trong khu vực là cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao song tỷ lệ lạm phát ở Malaixia khá ổn định. Thực tế là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thì lạm phát cũng sẽ tăng; song trong suốt thập kỷ 90, tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng của Malaixia chỉ khoảng 3-4%; từ năm 2000 đến năm 2004 chỉ khoảng 1,2-1,8%/năm. Như vậy, ở Malaixia, Chính phủ đã tỏ ra khá thành công trong việc kiềm chế lạm phát. Khi mức lạm phát tăng từ 1,4% năm 2004 lên 3% trong năm 2005, 3,6% năm 2006, đã có những ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển kinh tế chung. Do vậy, từ năm 2005, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Malaixia đã tăng cường các giải pháp ổn định giá; nhờ đó, tỷ lệ lạm phát ở Malaixia đã giảm xuống chỉ còn 2,1% năm 2007 và dự báo khoảng 2,4% năm 2008.
Mặt khác, tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP của Malaixia khá cao, dù chưa đến mức nguy hiểm. Nếu như tỷ lệ này chỉ khoảng 2-3% trong thập kỷ 90, trong đó có những năm ngân sách thặng dư, thì từ năm 2000 đến năm 2003, tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP liên tục trên mức 5% (từ 5-5,5%). Tuy nhiên, nhờ những chính sách tăng cường kiểm soát chi tiêu của Chính phủ, tỷ lệ này đã giảm dần xuống còn 4,1% năm 2004, 3,6% năm 2005, 3,3% năm 2006 và khoảng 2,8-3% năm 2007.
Về tỷ giá, từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Chính phủ Malaixia áp dụng chính sách ấn định tỷ giá hối đoái ở mức 1 USD = 3,78 Ringgit cùng với nhiều biện pháp kiểm soát tiền vốn, thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô có hiệu quả, do đó tránh được sự trượt dốc của nền kinh tế, ngăn chặn tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực, tạo môi trường tài chính - tiền tệ ổn định và thuận lợi để phục hồi nền kinh tế. Cho đến năm 2005, chính sách ấn định tỷ giá vẫn đang là giải pháp tốt nhất mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Malaixia nhờ tạo nên sự ổn định trong buôn bán quốc tế. Mặc dù hiện nay đồng Ringgit đã tăng giá trị thực tế so với đồng USD và chịu tác động từ một số nhân tố, chẳng hạn như Hồng Công nới lỏng chính sách ấn định tỷ giá đã áp dụng trong 22 năm qua, Trung Quốc điều chỉnh chính sách tiền tệ, thay đổi tỷ giá..., nhưng các nhà hoạch định chính sách của Malaixia cho rằng những tác động trên vẫn trong tầm kiểm soát. Chính phủ chỉ xem xét lại chính sách gắn kết đồng Ringgit với đồng USD, trừ khi đồng nội tệ dao động khoảng 20% so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Tuy nhiên, chính sách ấn định tỷ giá thấp hơn giá trị thực tế cũng gây nhưng tác động tiêu cực đến nền kinh tế Malaixia, như hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ. Đến tháng 7/2005, ngay sau khi Trung Quốc thông báo quyết định tăng 2,1% giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD, trong cùng ngày 21/7 Malaixia cũng bãi bỏ chính sách cố định tỷ giá được áp dụng kể , thay vào đó đồng Ringgit lên giá dần dần theo chủ trương "thả nối có quản lý". Tỷ giá của đồng Ringgit được giao dịch từ 3,78 Ringgit/USD lên 3,76 Ringgit/USD, tăng lên 3,5 Ringgit/USD vào cuối năm 2005... Ngân hàng Trung ương Malaixia thực hiện biện pháp bảo đảm cho đồng Ringgit của Malaixia lên giá từ từ để không tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
d) Xét theo nhóm chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng gắn với phát triển xã hội
(1) Về chỉ số phát triển con người, theo Báo cáo phát triển con người năm 2005 thì năm 2003 chỉ số HDI của Malaixia là 0,796, xếp thứ 61 trong 177 nước có số liệu so sánh. Theo Báo cáo phát triển con người năm 2007 thì năm 2005 chỉ số HDI của Malaixia là 0,811, xếp thứ 63 trong 177 nước có số liệu so sánh. Đó là thành quả của tăng trưởng kinh tế và sự quan tâm của Chính phủ Malaixia tới các vấn đề an sinh xã hội và phúc lợi cho người dân.
(2) Về giáo dục: Những chính sách đầu tư thích đáng cho giáo dục đã thu được những kết quả tích cực. Tỷ lệ dân số biết biết chữ năm 1970 ở Malaixia mới đạt 58%, thì đến năm 1990 đã đạt 96% và hiện nay tỷ lệ này đã tăng lên 98-99%. Đặc biệt, từ năm 1997, tỷ lệ học sinh tiểu học của Malaixia đạt 100% nhóm tuổi, trong đó trên 95% hoàn thành chương trình tiểu học; điều đó chứng tỏ những trẻ em thiệt thòi ở vùng sâu, vùng xa và thiểu năng tàn tật cũng đã có cơ hội tới trường. Tỷ lê chi phí ngân sách của Nhà nước cho giáo dục được duy trì ở mức cao, đồng thời tính xã hội hóa của giáo dục ngày càng cao. Chi tiêu của Chính phủ cho giáo dục chỉ là một bộ phần cấu thành trong nguồn tài chính dành cho giáo dục, vì vậy khi có sự đóng góp tích cực của xã hội dân sự, thì Chính phủ có thể giảm bớt phần chi phí của mình mà vẫn đạt được tiến bộ trong giáo dục.
(3) Trong lĩnh vực y tế, Malaixia cũng đã tăng mức chi tiêu công cộng chiếm tới 1,3% GDP giai đoạn 1992 – 1998 và khoảng 1,5% trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay. Theo thống kê, nếu như năm 1980, 40% dân số của Malaixia không được tiếp cận các dịch vụ y tế thì đến năm 1993, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 12%. Và kết quả là; tỷ lệ trẻ em bị chết dưới 5 tuổi đã giảm mạnh từ 42‰ năm 1980 xuống còn 22‰ năm 1990, 14% năm 2000 và 12‰ năm 2005 và khoảng 10% hiện nay; tỷ lệ chết của trẻ sơ sinh là 16% năm 1990 giảm xuống còn 11‰ năm 2000 và khoảng 9% hiện nay. Tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng từ 65 tuổi vào năm 1970 lên 73 tuổi năm 2000 và khoảng 75 tuổi hiện nay.
(4) Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch và các dịch vụ vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn ở Malaixia ngày càng tăng, đã tăng từ 71% thời kỳ 1982 - 1985 lên 89% thời kỳ 1990 - 1996, trong đó năm 1996 có 100% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 86% cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ dân số được cung cấp các dịch vụ vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn ở Malaixia cũng đã tăng mạnh giữa hai thời kỳ nói trên, từ 75% thời kỳ 1982 - 1985 đến 94% thời kỳ 1990 - 1996, trong đó 100% các cư dân thành thị được hưởng dịch vụ này.
(5) Cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, người dân Malaixia đã có cơ hội tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ công. Với mục đích theo đuổi một quá trình tăng trưởng và công bằng, Chính phủ và xã hội dân sự Malaixia đã đầu tư và quan tâm mạnh mẽ tới tăng cơ hội tiếp cận cho người dân tới các dịch vụ công. Chi tiêu công cộng cho phát triển xã hội đã tăng từ 17% trong thời kỳ 1971 - 1975 lên 25% trong thời kỳ 1990 – 1995. Nhờ đó, người dân Malaixia được đi học và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
(6) Trong quá trình hình thành và phát triển hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội, nhiều quỹ và các chương trình được thành lập và hoạt động nhằm phục vụ cho sự an toàn cuộc sống cho người dân. Quỹ bảo vệ người lao động được thành lập năm 1951 và sửa đổi năm 1991. Quỹ này hoạt động dựa trên nguyên tắc đóng góp từ phía người sử dụng lao động và người lao động cùng với lãi suất thu được để cung cấp các khoản tiền trợ cấp hưu trí, bệnh tật vĩnh viễn, chết hoặc di cư ra khỏi Malaixia. Quỹ hưu trí cũng được thành lập từ năm 1952. Điều luật an sinh xã hội cho người lao động được thành lập năm 1969 và sửa đổi năm 1992. Sự hoạt động của điều luật này nhằm tạo ra sự an sinh xã hội cho người lao động và những người ăn theo trong gia đình thuộc các nhóm thu nhập thấp trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động. Với sự phát triển đầy đủ các chương trình phúc lợi thành một hệ thống, người dân Malaixia, đặc biệt những người trong đối tượng khó khăn đã được hưởng nhiều sự trợ cấp để đảm bảo cuộc sống tối thiểu, cũng như các cơ hội tiếp cận dịch vụ công cộng khác, chất lượng cuộc sống được nâng cao, theo đó công bằng xã hội được cải thiện, tỷ lệ người nghèo giảm đáng kể.
(7) Đặc biệt, trong chính sách phát triển mới của Chính phủ Malaixia, chiến lược xóa đói giảm nghèo sẽ được tiếp tục thực hiện, chú trọng cải thiện phân phối thu nhập giúp người nghèo được hưởng lợi ích từ tăng trưởng. Chính sách này cũng quan tâm đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của những khu vực và các bang chậm phát triển để họ có khả năng tiếp cận lớn hơn đối với các dịch vụ cơ bản được cải thiện. Kết quả là, từ một đất nước có trên 50% dân số sống dưới mức nghèo khổ vào đầu thập kỷ 1970, đến năm 2002, số người nghèo đói ở Malaixia chỉ còn dưới 1% và từ năm 2004 không còn người có mức sống dưới 1 USD/ngày (tính theo tỷ giá PPP). Ngoài ra, sự chênh lệch về thu nhập ở Malaixia cũng ngày càng được thu hẹp giữa các nhóm ngành nghề và các nhóm dân cư thông qua các chính sách của Chính phủ đối với những tầng lớp có thu nhập thấp. Từ đó, cuộc sống của nhóm người nghèo đã được cải thiện nhiều và họ đã có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào quá trình phát triển đất nước.
Nhờ thành quả của tăng trưởng kinh tế trong nước cũng như các chương trình phúc lợi và định hướng tập trung vào các nhóm bị thiệt thòi, Malaixia đã trở thành một trong những nước có thành tựu xóa đói đói giảm nghèo đáng khâm phục. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội được tăng lên đáng kể và chất lượng các dịch vụ này được cải thiện rất nhiều, công bằng xã hội được đề cao và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương phần nào được bù đắp.
(8) Về phòng, chống tham nhũng: Malaixia là một trong những nước được đánh giá có mức độ trong sạch khá cao trong khu vực Đông á, điểm số Chỉ số nhận biết tham nhũng (CPI) chỉ sau Singapo, Nhật Bản, Đài Loan, đứng vị trí thứ 39/159 nước được xếp loại trong năm 2005. Điểm số CPI của Malaixia luôn được giữ ở mức cao và ổn định, cụ thể đạt 4,8 điểm năm 2000; tăng lên 5 năm 2001; 4,9 năm 2002; 5,2 năm 2003; 5 năm 2004; ổn định 5-5,1 từ năm 2005 đến nay.
Công tác phòng chống tham nhũng của Malaixia rất chú trọng công tác giáo dục con người. Nước này sớm đã ban hành ban hành luật về đạo đức của công chức, trong đó đưa ra quy định những điều công chức không được làm rất cụ thể và chi tiết. Quy định cả những hoạt động bên ngoài công sở quy định về việc nhận và trao quà, về sở hữu đất đai, đầu tư, vay vốn, giải trí... Riêng về nhận quà, Điều 6 của văn bản này quy định: Công chức không được nhận hoặc đưa quà cũng như không được phép cho vợ, chồng, con, cha, mẹ... thay mặt mình để nhận hoặc đưa quà tặng dưới bất kỳ hình thức nào (trừ khi quà tặng đó là diễn văn ca ngợi khi về hưu hoặc chuyển công tác, với điều kiện diễn văn đó không kèm theo bất kỳ một vật có giá trị nào trong trường hợp khó từ chối mà đã nhận thì phải bảo quản an toàn món quà đó và báo cáo bằng văn bản với cấp trên để xin ý kiến).
Malaixia cũng có quy định sau khi từ chức hoặc nghỉ hưu một thời gian nhất định, công chức không được thực hiện các hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực công tác trước đây của mình (để tránh lợi dụng ảnh hưởng của cá nhân nhằm thu lợi cho bản thân (lợi ích riêng), gây thiệt hại cho lợi ích chung), v.v…
Về việc kê khai tài sản của công chức: Malaixia thành lập các cơ quan phụ trách việc kê khai tài sản - Cơ quan đăng ký tài sản công chức. Cơ quan này có quyền sa thải công chức nếu công chức không giải thích được nguồn gốc tài sản của mình (Điều 9, Quy định về chế độ công chức).
Malaixia ban hành Luật về chống tham nhũng từ rất sớm (năm 1961) và sửa đổi năm 1997, trong đó có những quy định chế tài nghiêm khắc với những hành vi được coi là tham nhũng và hình phạt tương xứng với những hành vi đó. Malaixia đã thành lập cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng từ rất sớm. Cơ quan chống tham nhũng của Malaixia (ACA) được bắt đầu hoạt động chính thức vào ngày 1/10/1967. Chức năng chính của cơ quan này là chống tham nhũng, song ngoài ra còn tiến hành điều tra cả các vụ kiên quan đến lợi ích quốc gia như buôn lậu, cờ bạc có tổ chức, các vụ lừa đảo nghiêm trọng,…
e) Xét theo nhóm chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng gắn với bảo vệ, phát triển tài nguyên, môi trường
Là một nước có diện tích đất đai rộng và màu mỡ, giàu tài nguyên, nhiều rừng với các loại gỗ quý, các loại khoáng sản đa dạng và trữ lượng cao như dầu mỏ, khí đốt…, Chính phủ Malaixia đã rất chú trọng đến tính bền vững về sinh thái trong các chiến lược và kế hoạch tăng trưởng kinh tế dài hạn của đất nước. Đặc biệt, từ Kế hoạch phát triển lần thứ 19 (1996 - 2000), Chính phủ Malaixia đã đề ra mục tiêu phát triển bền vững trong đó nhiệm vụ bảo vệ, phát triển tài nguyên, môi trường đã được ưu tiên và đề cao. Malaixia đã đầu tư một khoản ngân sách gần 500 triệu USD cho các công trình bảo vệ môi trường nước cho giai đoạn thực hiện kế hoạch này.
Trong sản xuất công nghiệp, Malaixia cũng đã đưa ra và áp dụng các chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ sạch và các thiết bị kiểm soát ô nhiễm, chấp nhận các tiêu chuẩn ISO 14001 về hệ thống tiêu chuẩn quản lý môi trường của tổ chức tiêu chuẩn quốc tế. Malaixia còn khuyến cáo người dân áp dụng các phương thức nuôi trồng sinh học trong nông nghiệp, không lạm dụng quá mức phân bón hóa chất và thuốc trừ sâu. Đặc biệt, để bảo vệ và phát triển diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng, Malaixia đã đánh thuế vào các quá trình khai thác gỗ và các lâm sản khác và có các chương trình đầu tư hỗ trợ việc trồng rừng. Nhờ đó, tốc độ khai thác rừng; gia tăng lượng chất thải và sử dụng các nguồn năng lượng không tái sinh được đánh giá là ở mức không quá cao so với các nước có cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tốc độ phá rừng của Malaixia là hơn 4.000 km2 một năm, trong khi đó các chỉ số này là hơn 10 ngàn ở Inđônêxia.
Về bảo tồn đa dạng sinh học, xét từ góc độ đe dọa diệt chủng đối với các loài động thực vật, Malaixia có những dấu hiệu tích cực hơn so với những nước trong khu vực. Năm 1997, Malaixia có gần 800 loài động vật thì số loài bị đe dọa diệt chủng là 76, chiếm chưa đến 10% trong tổng số, trong khi đó tỷ lệ số loài bị đe doạ diệt chủng ở Inđônêxia là xấp xỉ 12%, khoảng 24% ở Philippin và ở Việt Nam là 85/748, khoảng 11%. So sánh về sự bảo tồn thực vật, tỷ lệ số loài thực vật lấy gỗ lâu năm bị đe dọa mất giống là 3% trong tổng số 500 loài, trong khi đó, tỷ lệ này là hơn 4% (360/8931) ở Philippin và khoảng 3,2%( 341/10500) ở Việt Nam. Như vậy, so với Philippin, Inđônêxia hay Việt Nam, Malaixia đã bảo tồn sự đa dạng sinh học tốt hơn. Malaixia còn tích cực thể hiện vai trò của mình và tham gia vào các hiệp định quốc tế và khu vực về vấn đề bảo vệ môi trường toàn cầu và có các chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ. Như vậy, có thể nói, quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh ở Malaixia đã gắn bó chặt chẽ với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tóm lại, quá trình tăng kinh tế ở Malaixia trong những thập niên qua đã thực sự là quá trình tăng trưởng có nền móng vững chắc và tác động tích cực vào các đối tượng lao động trực tiếp tạo ra quá trình tăng trưởng đó, năng suất lao động được cải thiện, tăng trưởng kinh tế nhanh theo hướng phát triển bền vững.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét