Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019

Quan chức sợ sai, dự án đình trệ, rối như canh hẹ...

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng dù chưa thực sự mạnh, vẫn mang tính phe phái đánh nhau, nhưng cũng có phần gây ra tâm lý hoang mang, sợ sệt, sợ làm sai ở rất nhiều nơi, nhiều cấp. Vì thế khắp nơi phát sinh thêm nhiều quy định, thủ tục mới để chắc chắn hơn, an toàn hơn cho các quan chức. Có những hợp đồng bé tí con con cũng sinh ra đủ thứ thủ tục mới; còn đối với những hợp đồng lớn thì rất nhiều. Nhiều khi, mọi công việc chuẩn bị cho dự án đã xong xuôi hết cả rồi, nhưng chỉ cần một cái nhắn tin vu vơ của một công chức trên bộ, ngành nào đó xuống đơn vị: Nên cẩn thận cái này, cái kia... là dự án bị đình lại. Trì trệ như vậy kéo dài đã mấy năm nên không thể hiểu tại sao tăng trưởng kinh tế năm trước tới 7,08% và ước năm nay tới gần 7%. Những con số tăng trưởng này chúng ở đâu ra ?
Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Quan chức sợ sai, nhiều dự án đình trệ, rối như canh hẹ...
Dân trí - Hiện tượng các quan chức bị khởi tố, sếp doanh nghiệp dính sai phạm phải ngồi tù đã nảy sinh tâm lý "an phận" của nhiều người, để lại hệ quả lớn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, lợi dụng chủ nghĩa "vị thân", "cầu an", đã có những bút phê của quan chức bộ ngành, địa phương lật lại các dự án, khiến doanh nghiệp khốn khổ vì bị "xét lại" các yếu tố môi trường, an ninh, quốc phòng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. 
Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên về chủ đề đã, đang và sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế Việt Nam và những giải pháp ổn định nền kinh tế; đưa quan tham ra ánh sáng nhưng không làm nản chí những người có sáng kiến, có trí tưởng đột phá vì đất nước vì thời cuộc.



Thưa ông, hiện nay một số vụ sai phạm của lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương bị đưa ra ánh sáng, đã giúp lành mạnh hóa nền kinh tế. Nhưng cũng nảy sinh tâm lý nhiều người sợ sai, muốn an phận. Dưới đánh giá của mình, ông có nhận xét gì về hiện tượng này?

- Kỷ luật nhiều, số người không làm, không muốn hoặc không dám hành động sẽ tăng có. Đây là tâm lý và hành vi lo sợ bình thường, họ e ngại làm sai, bị kỷ luật nên không muốn thay đổi.

Ngay cả ở các tập đoàn đang vướng vào vấn đề, hoạt động bình thường hoặc đơn giản cũng rất khó khăn, bản thân những lãnh đạo mới tiếp quản cũng khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng hay khó có quan hệ tốt với các đối tác quốc tế và trong nước vì các đối tác e ngại rủi ro.

Tôi được biết, một số cơ quan doanh nghiệp Nhà nước gặp vấn đề, bản thân họ muốn thay đổi nhưng ở ngay chính những chỗ, những vấn đề đang được xử lý thì làm làm sao? Làm như thế nào?...

Thực tế, nếu làm mà chưa có hướng dẫn, chưa có quy định mới thì tiếp tục vướng, theo một chuyện chưa được xử lý đến đầu đến cuối sẽ dẫn đến rủi ro cho những người lãnh đạo tiếp theo. Vì vậy, tâm lý thủ thường luôn tồn tại.

Theo tôi, cơ bản để xử lý triệt để vấn đề không dám hành động, thủ hòa, an phận là phải sửa lại hệ thống luật lệ, quy định rõ ràng và quyền lợi, trách nhiệm cũng rõ ràng.

Có thực tế, các đối tượng làm sai bị đưa ra ánh sáng cũng tác động đến việc ra quyết định, nhưng cũng có khá nhiều người lợi dụng việc này để cố tìm chây ỳ, trì hoãn hoặc an phận để hạ cách an toàn, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Theo tôi chính sách của Việt Nam cần đánh giá công việc cá nhân phải tốt hơn, cụ thể hơn nữa mới đủ sức thay đổi thói quen. Trách nhiệm tiếp quản ra sao, trách nhiệm xử lý vụ việc thế nào. Chúng ta hiện nay quy trách nhiệm ai là người chịu trách nhiệm lớn nhất, đứng đầu đang không rõ ràng nên ai làm gì cũng sợ là bình thường.

Điển hình mới đây là dự án nhiệt điện 2 tỷ USD ở Thái Bình gặp vấn đề, tôi cho rằng đây là vấn đề có từ thuở nào nhưng chúng ta không thể giải quyết. Giờ dự án thiếu vốn, trong khi Nhà nước có vốn mà không sử dụng được để dự án phải đình trệ. Người có trách nhiệm ngại, không dám mạo hiểm, không dám vượt rào hoặc phá cách để cứu dự án nên dự án rối như canh hẹ. Tóm lại, đây không phải là câu chuyện cá nhân mà là câu chuyện của chính sách, cơ chế.

Xử lý, bắt giữ là một trong những lý do khiến nhiều người biện minh để không làm gì, giữ an toàn cho mình hoặc buộc phải xét lại hết những gì mình đã và đang làm.

Thực tế việc an phận của lãnh đạo không chỉ diễn ra ở các Bộ, dự án mà còn thấy ở các tỉnh thành địa phương. Trào lưu này khiến Nhà nước phải có cách cách tiếp cận khác để không xáo trộn và có tác động xấu đến nền kinh tế.

Ông có cho rằng, hiện tượng "không làm gì" đổ thừa cho chính sách, do hoàn cảnh hoặc chủ nghĩa "xét lại" ở các dự án đã và đang khiến cho đầu tư công đến 8 tháng mới đạt hơn 38% kế hoạch Quốc hội giao và 43% kế hoạch Chính phủ giao. Bên cạnh đó, vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cực kỳ chậm chạp và rối ren?

- Chắc chắn giải ngân đầu tư công chậm đã, đang và sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Và nguyên nhân thì ai cũng biết, do chính sách, do sợ sai.v.v...

Tuy nhiên, hệ lụy của giải ngân chậm sẽ rất lớn. Chúng ta phải biết rằng, dự án đầu tư công là nền tảng, là dự án mở đường và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Nếu đầu tư công giải ngân chậm vậy sẽ khiến hiệu ứng lan tỏa của nền kinh tế giảm và đánh mất hiệu quả.

Tôi khẳng định, đây là vấn đề không thể coi thường. 8 tháng mà giải ngân chưa đến 40% thì quá chậm trong khi phần lớn vốn của chúng ta đi vay, phải trả lãi. Cái đáng lo ngại là xu hướng giải ngân chậm không phải chỉ năm 2019 mà diễn ra từ mấy năm trở lại đây, cứ chậm dần đều.

Cơ chế giải ngân đầu tư công theo tôi là tồn tại những vấn đề thuộc về cơ bản, nền tảng chứ không còn ở chuyện do một vài cá nhân, dự án lẻ tẻ. Việc tháo gỡ phải rất rõ về mặt cơ chế, chính sách mang tính xương sống.

Các đại án tham nhũng cũng góp phần vào giảm tốc độ đầu tư công. Tuy nhiên nó không phải là nguyên nhân chính, tác động lớn nhất ở đây là Luật, Nghị định, Thông tư và việc thực hiện chính sách của người đứng đầu. Các chính sách của Việt Nam về đầu tư công, giải ngân đầu tư công dù được tháo gỡ nhưng vẫn chồng chéo lên nhau không giải quyết được.

Tôi lấy ví dụ, ngay cả Luật Quy hoạch cũng rất chồng chéo, dẫm lên các bộ luật khác, trong khi đó các luật khác từ khi có Luật Quy hoạch thì không được sửa đổi, vì vậy nhiều lãnh đạo sợ phạm luật nên không ai dám làm cả, tâm lý nặng nề lắm!

Thứ 2, hệ quả của chúng ta trong giải ngân vốn đầu tư công luật của mình mang tính tháo gỡ nhiều quá, tháo gỡ từng điểm, từng dự án một nên không đồng bộ. Tháo gỡ điểm này bổ sung thêm, nó lại xung đột với chỗ khác, chỉ giải quyết được một việc, nhưng lại xung đột với vấn đề khác, bộ này xung đột với bộ kia.

Lãnh đạo "sợ sai", "cầu an" hay đổ thừa cho luật lệ, chính sách; nền kinh tế thiếu vắng các dự án lớn và đặc biệt là bệ đỡ của kinh tế Nhà nước đang khó khăn... Bức tranh nền kinh tế thời gian tới sẽ lấy gì để có gam màu sáng, lấy gì là động lực tăng trưởng mới đây?

- Xu hướng chậm giải ngân tôi để ý có từ nhiều năm rồi, điều đó có nghĩa là nó nằm trong cơ chế, chính sách, luật pháp chứ không phải nằm ở chỉ một vài Bộ, ngành, lĩnh vực hoặc do cá nhân cụ thể. Muốn gỡ được phải gỡ hệ thống, nó rất lâu, tốn kém nhưng không thể không làm.

Tăng trưởng kinh tế đang tốt nhưng đầu tư công giảm, điều ấy có nghĩa là có ông khác đỡ cho đầu tư công như FDI, kinh tế tư nhân.

Vai trò kinh tế tư nhân là tốt thật, khẳng định thật! Đó là sự thật và chúng ta phải tháo gỡ cho doanh nghiệp tư nhân thực sự phát triển.

Nhà nước phải nhớ thấy được điều, nếu giải ngân đầu tư công tốt, giả định các điều kiện khác bình thường thì GDP tăng trưởng không chỉ 7,08% như năm vừa qua. Điều này phải nhìn rõ, quy trách nhiệm rõ và là nhiệm vụ cấp bách để tăng đầu tư công. Cơ hội mất đi sẽ không lấy lại được, tư nhân và Nhà nước nếu hợp lực thì cơ hội cho nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều nữa.

Nghị định 126/2017/ND-CP của Chính phủ, không tính giá thuê đất của DNNN trong cổ phần hóa. Tuy nhiên, Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định có tính giá thuê đất của DNNN trong cổ phần hóa, doanh nghiệp không biết xử lý ra sao vì hai Nghị định còn hiệu lực, chưa sửa đổi? Rõ ràng chính sách chồng chéo, gây khó khăn, phương hại cho tiến trình cổ phần hóa, đổi mới. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Cơ chế thị trường về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp Nhà nước vướng từ luật rồi đến Hiến pháp, cái khó ở chỗ đó. Muốn gỡ chúng ta phải gỡ ở chính sách pháp luật, Nghị định. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ít nhất cũng phải đưa giá thuê đất vào trong giá trị tính giá của doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần bởi rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước có sở hữu đất đai hoặc cho thuê đất lớn, có phần lợi thế về địa kinh tế của đất đai, của vị trị đất vàng...

Khi đánh giá trị giá doanh nghiệp trước cổ phần, cần đảm bảo làm sao sát với yếu tố thị trường nhất để xác định đúng giá thuê đất, giá bán đất. Nếu không Nhà nước vẫn bị thiệt hoặc gây ra xung đột lợi ích.

Thực tế, đáng lẽ thêm khi thêm điều của bộ luật này thì phải bỏ các điều, luật liên quan hoặc đối nghịch đi, hoặc giới hạn điều kiện thực thi của những điều liên quan. Hiện ở Việt Nam, luật vẫn "chồng" lên luật, thành "rừng" luật pháp rất phức tạp hay cách thức làm luật vẫn đi sau, tháo gỡ, chưa đi trước, định hướng được.

Tư duy làm luật phải thay đổi chứ không thì nó sẽ kéo theo nhiều cái ràng buộc nhau, rối càng thêm rối.

Đã xuất hiện chuyện doanh nghiệp được cấp phép, sau đó họ chi tiền giải phóng mặt, xây dựng nhà xưởng. Tuy nhiên, sau đó, lãnh đạo địa phương, người có chức quyền bút phê vào dự án đó đề nghị báo cáo thẩm tra về môi trường về an toàn, an ninh... điều này khiến dự án bị đình trệ, doanh nghiệp gánh nợ, ông có tư vấn gì về những trường hợp này?

- Rõ ràng việc lạm dụng hiện tượng xét lại hoặc đã làm sai bước cấp phép giờ đi thu hồi hoặc bút phê là chuyện không được phép.

Chúng ta cần xem địa phương rà soát hợp đồng thế nào trước khi cấp phép để dẫn đến hậu quả doanh nghiệp phải chịu. Còn quy định về môi trường, an ninh thì trong các quy định của pháp luật liên quan và Luật Đầu tư đều đã có đầy đủ.

Theo tôi, nếu dự án được duyệt rồi tức là phải đáp ứng đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn. Còn nếu có tiêu chí rồi, nơi cấp phép làm lơ đi, giờ lại dừng dự án thì rõ ràng vấn đề ở đây là có ẩn tình, "nhấp nháy" gì đằng sau.

Chúng ta phải làm rõ lại trách nhiệm người đứng đầu, nếu quy định pháp luật chưa có vô tình chúng ta gây tổn thất cho doanh nghiệp thì cần có cơ chế đền bù cho doanh nghiệp, phải sòng phẳng với nhau.

Còn nếu có cơ chế, quy định về môi trường, an ninh trong các ngành, lĩnh vực rồi mà vẫn cố tình làm sai thì cần quy định trách nhiệm của người ra quyết định thôi, không còn cách nào khác được.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền
(Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét