Áp lực từ thương chiến, ông Tập Cận Bình muốn “tung chiêu rắn”
Mới đây, tại một hội nghị nội bộ, ông Tập Cận Bình cho biết, đối diện với những vấn đề mới trong nước và những nhân tố bất ổn từ bên ngoài, cần phải tung “đòn thực và đòn rắn” để đối phó. Có phân tích chỉ ra, chính quyền ông Tập Cận Bình liên tiếp có những phán đoán sai lầm trong chiến tranh thương mại với Mỹ, chính là do ảnh hưởng bởi tin tức giả và tình báo giả.
Ông Tập Cận Bình (Ảnh: Getty Images)
Tân Hoa Xã đưa tin, hôm 29/5, Ủy ban Cải cách sâu rộng toàn diện Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tổ chức hội nghị lần thứ 8, ông Tập Cận Bình kiêm Chủ nhiệm ủy ban này đã chủ trì và phát biểu tại hội nghị. Thường ủy Bộ chính trị, Phó Chủ nhiệm ủy ban Cải cách Lý Khắc Cường, Vương Hộ Ninh, Hàn Chính tham gia hội nghị. Ông Tập Cận Bình nói, hiện tại “nhân tố bất ổn định bên ngoài” đang gia tăng, cải cách đang đối diện với “nhiều tình huống mới, nhiều vấn đề mới”, do đó “cần giữ vững chiến lược”, “tung ra các đòn thực và rắn trong vấn đề phòng chống và hóa giải những mâu thuẫn lớn và vấn đề nổi cộm”, để tiếp tục thúc đẩy cải cách.Hiện tại, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn đang nóng lên, và đối mặt với leo thang toàn diện; việc Mỹ chặn Huawei cũng làm cuộc chiến tranh lạnh về khoa học công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc thêm căng thẳng, Bắc Kinh rơi vào tình thế khó khăn lớn hơn.
Trong nước, kinh tế đi xuống và chiến tranh thương mại cũng khuấy động cục diện chính trị của ĐCSTQ, các tập đoàn lợi ích trong nội bộ bị xung kích và thế lực chống ông Tập Cận Bình trong nội bộ đảng cũng đang nhìn chằm chằm, đang chờ cơ hội tấn công ông Tập. Đồng thời, những người đòi quyền lợi và những nhân sĩ bất đồng chính kiến, cùng với những người thuộc phe tiến bộ trong thể chế cũng đang nỗ lực thúc đẩy biến đổi cục diện chính trị của Trung Quốc. Chính quyền ông Tập Cận Bình đang đối mặt với nhiều khó khăn cả trong và ngoài.
Sau khi Tờ New York Times tiến hành phỏng vấn nhiều quan chức Trung Quốc và các học giả, đã chỉ ra: Việc Trung Quốc giải thích sai về ông Trump và nước Mỹ là một trong những sai lầm lớn nhất trong lịch sử của chính phủ Trung Quốc. Phán đoán sai lầm này bắt nguồn từ khi Trung Quốc tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới đã không thực hiện cam kết mà lại hí hửng đắc ý, ông Tập Cận Bình lại cho rằng ông Trump đang nóng lòng đạt được thỏa thuận trước khi bước vào cuộc bầu cử năm 2020. Do đó Trung Quốc mới chần chừ, cuối cùng là phải hứng chịu hậu quả.
Trong phát biểu lần này, ông Tập Cận Bình không nói rõ “tung đòn rắn” là như thế nào. Nhưng trong nước Trung Quốc, chính quyền đang tăng cường quản lý giám sát xã hội, kiểm soát chặt chẽ, đồng thời cũng đang tìm cách biện pháp ứng phó với khủng hoảng kinh tế. Thông tin mới nhất chỉ ra, hàng loạt các ngân hàng thương mại tại nông thôn và thành thị đối mặt với nguy cơ phá sản, sẽ bị chính quyền cho rút khỏi thị trường. Nội bộ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng có một danh sách các ngân hàng chuẩn bị được tiếp quản. Gần đây, Ngân hàng Bao thương (Baoshang Bank) đã bị Ngân hàng Trung ương cùng Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc tiếp quản, cũng đã chứng minh một phần cho thông tin nói trên.
Về đối ngoại, sau khi ông Tập Cận Bình thị sát doanh nghiệp khai thác chế biến đất hiếm tại Giang Tây, Ủy ban Cải cách phát triển quốc gia và Bộ Thương mại Trung Quốc cũng liên tiếp phát đi thông tin, đe dọa muốn đánh “cuộc chiến đất hiếm” với Mỹ. Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn Cầu cũng chia sẻ trên Twitter rằng, Bắc Kinh đang “cân nhắc kỹ” việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm.
Cùng với đó hôm 20/5, Công ty Lynas (công ty hàng đầu về khai thác sản xuất đất hiếm của Úc) cũng tuyên bố hợp tác xây dựng nhà máy với công ty đất hiếm Blue Line của Mỹ; Bộ Quốc phòng Mỹ cũng yêu cầu chính phủ Mỹ phân bổ ngân sách, tăng năng lực sản xuất đất hiếm, điều này cho thấy phía Mỹ cũng đang chuẩn bị cho khả năng “cuộc chiến đất hiếm” bùng nổ.
Hiện vẫn không thể biết được liệu phía Trung Quốc có thực sự muốn tung lá bài đất hiếm ra hay không. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm cũng không tạo thành đả kích lớn cho Mỹ, ngược lại, sẽ tự làm hại chính mình. Nếu ông Tập Cận Bình thực sự muốn đánh “cuộc chiến đất hiếm”, có thể sẽ tiếp tục là một phán đoán sai lầm.
Tờ Epoch Times có bài bình luận chỉ ra, hai năm trước, khi ông Tập Cận Bình và ông Trump quyết định kế hoạch đàm phán thương mại 100 ngày, quan hệ Mỹ – Trung vẫn chưa xấu đi, tuy nhiên chính quyền Bắc Kinh hết lần này đến lần khác đều đã phán đoán sai lầm, đẩy tình hình đến bước như ngày hôm nay. Quyết sách sai lầm của Bắc Kinh bao gồm: Dựa vào nể mặt và đặt hàng thương mại để mua chuộc ông Trump; cố gắng đặt cược vào phe ôn hòa của Nhà Trắng; giải thích sai bài “hịch văn” của Phó tổng thống Mike Pence; đánh giá thấp ý chí của ông Trump, để rồi “đi lại nước cờ”, v.v. Thậm chí có thông tin nói, đến hiện tại Bắc Kinh vẫn còn đang đặt cược vào canh bạc “năm 2020 ông Trump sẽ mất chức”.
Bài bình luận nói, những phán đoán sai lầm này là liên tục, cách giải thích duy nhất là cao tầng tại ĐCSTQ đã nhận được thông tin giả hoặc tình báo giả, bị người khác dẫn hướng sai. Bài viết điểm tên chính là Vương Hộ Ninh – “bộ óc” xuất thân từ phe Giang Trạch Dân gây ra.
Ông Giang Trạch Dân nắm quyền lực 20 năm, đã bồi dưỡng được tham quan và phân bố khắp trên dưới trong ĐCSTQ; 6 năm chống tham nhũng, ông Tập Cận Bình đã trở thành kẻ thù chung của tham quan thuộc phe Giang. Trong khi đó, chính sách của chính quyền Trung Quốc trong 2 năm qua liên tục có xu hướng tả khuynh, nên cũng mất đi sự ủng hộ của phe tiến bộ trong nội bộ ĐCSTQ.
Cơ bản, ông Tập Cận Bình rơi vào thế cô lập, tình hình “chính lệnh không ra khỏi Trung Nam Hải” vẫn luôn tiếp diễn. Điều này cũng khiến cho ông đang lo thù trong giặc ngoài, rất khó có được lời khuyên chân thành, và có nhiều dẫn hướng sai và sự lừa dối đến từ kẻ thù chính trị. Đồng thời, hệ thống tình báo nước ngoài vẫn luôn nằm trong tay Tăng Khánh Hồng (thuộc phe Giang Trạch Dân), nên việc Tập Cận Bình có được thông tin tình báo chân thật cũng bị hoài nghi.
Trí Đạt
(trithucvn.net)
Trí Đạt
(trithucvn.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét