Thứ Tư, 17 tháng 4, 2019

Vị đại sứ Việt Nam thứ ba ở Liên Xô

Sử Việt:
Vị đại sứ Việt Nam thứ ba ở Liên Xô 
09/04/2019 - Đó là cụ Nguyễn Thọ Chân, sinh 1921, ở làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Anh em chúng tôi có một mối thân tình với ông vì ông với cha tôi từng cùng hoạt động thời kì bí mật trước 1945, từng cùng là “bạn tù chính trị” ở Hỏa Lò, Côn Đảo, lại cùng là cán bộ Ngoại giao (hàm Đại sứ) của nước Việt Nam DCCH. Vì ông trẻ hơn cha tôi 15 tuổi nên chúng tôi gọi là “chú”. Chú Nguyễn Thọ Chân là số rất, rất ít ủy viên Trung ương Đại hội 3 (1960) còn sống đến ngày hôm nay. Năm 2019 này chú đã qua tuổi 99. Xin kính chúc chú “vạn thọ vô cương”! 

Con cháu, đồng đội đến chúc thọ nhà 
Cách mạng lão thành Nguyễn Thọ Chân.
Được sưởi ấm bằng người đồng chí
Năm 2004, khi biên tập cuốn sách “Trần Tử Bình – từ Phú Riềng Đỏ tới mùa Thu Hà Nội” chú đã kể cho chúng tôi một kỉ niệm quý. Chuyện là, cuối năm 1942, cha tôi là Xứ ủy Bắc kỳ kiêm bí thư Hà Nam, còn chú là bí thư Hà Đông. Có một lần, cha tôi cùng bác Hạ Bá Cang về gặp chú ở một xã Hà Đông sát địa giới 2 tỉnh, bàn về việc phối hợp phong trào. Thật không may lần đó chú bị sốt rét ác tính, lại thiếu ăn nên người lạnh run bần bật. Dù biết có “thượng cấp” cùng Bí thư Hà Nam tới “khai hội” mà không thể ngồi dậy được. Bà cụ cơ sở phải nấu cho nồi nước lá xông rồi vét số gạo còn lại trong chum, nấu cho bát cháo trắng. Cháo chín, cụ bỏ vài hạt muối rồi ra vườn hái thêm mấy lá hành, lá tía tô bỏ vào bát. Húp xong bát cháo vẫn phải đi nằm. Đang mê mệt ngủ thì thấy có ai đó ôm lấy mình sưởi ấm. Thì ra cha cháu và bác Việt đã thay nhau lấy thân nhiệt của mình sưởi ấm cho chú. Cái tình bạn, tình đồng chí thời kì bí mật ấy thật quý giá, cho đến bây giờ chú vẫn không thể nào quên…

Tù chính trị Hỏa Lò, Côn Đảo

Đầu năm 1943, chú Chân về Hà Nội hoạt động, tham gia Ban cán sự Hà Nội rồi thay ông Bạch Thành Phong làm bí thư. Cuối năm 1943, chú bị Pháp bắt cùng bạn học trường Thăng Long là Chuẩn “muỗi” (Vũ Kỳ, sau này là thư kí cho cụ Hồ) thì Lê Quang Đạo về thay. Nguyễn Thọ Chân bị đưa ra Tòa án Binh xử và bị kết án 20 năm tù khổ sai, bị tống giam Hỏa Lò rồi đày ra Côn Đảo. Chú kể: “Ra tới Côn Đảo, gặp được anh Ba Lê Duẩn, anh Phạm Hùng, bác Tôn bị đày từ những năm 1931-36 cùng cha cháu, rồi gặp cả Vũ Xuân Chiêm... Tới sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình, trong đất liền mới cho tầu ra đón các tù chính trị ở Côn Đảo về. Tại Sài Gòn, gặp lại Lý Chính Thắng, bạn học Thăng Long xưa, chú được giới thiệu về làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định rồi Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Cuối năm 1946, anh Nguyễn Văn Linh về làm Bí thư Sài Gòn thì chú làm Bí thư Ban Cán sự nội thành, phụ trách đảng bộ Pháp kiều và Hoa kiều”.

Năm 1949, chú có mặt trong phái đoàn cán bộ miền Nam ra họp Đại hội lần thứ 2 của Đảng, đây là lần đầu tiên được gặp cụ Hồ. Do chưa thể tiến hành Đại hội được, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, chú trở về Nam cùng đồng chí Phạm Hùng qua đường đông bắc Thái Lan. Cuối năm 1949, chú tham gia Thường vụ Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, rồi tiếp tục phụ trách nội thành. Tới tháng 4/1951, chú bị quân Pháp bắt và bị tống giam đến năm 1954 mới được trao trả.

Trở về miền Bắc

Tập kết ra Bắc, chú được cử đi làm công tác “sửa sai” sau Cải cách ruộng đất, tới năm 1956 mới được gọi về Bộ Lao động, làm Tổng Thanh tra Lao động. Năm 1959, chú được cử làm Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội. Trong Đại hội Đảng 3 (1960), chú được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương, năm 1961, nhận nhiệm vụ Bí thư Hồng Quảng, năm 1964, sáp nhập khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh, chú được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Năm 1965, chú cùng nhân dân Quảng Ninh đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về ăn Tết.

Chúng tôi còn được chú chia sẻ chuyện tình của mình: “Thời gian hoạt động ở Nam Bộ, chú kết thân với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Thấy chú chưa có gia đình, ông Phạm Ngọc Thạch đã giới thiệu Hương, cô em họ, cho chú. Thân phụ cô Hương là giáo chức yêu nước, tham gia xây dựng trường Dục Thanh ở Phan Thiết (nơi Bác Hồ từng dạy học trước khi đi tìm đường cứu nước). Học hết tú tài năm 1954, cô Hương tập kết ra Bắc và học tiếp Sư phạm Địa, Sử. Năm 1959, chú cưới cô Hương”...

Công tác Ngoại giao

Thời gian (1967–1972), chú về Bộ Ngoại giao và được cử sang Moskva làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền thay đại sứ tiền nhiệm Nguyễn Văn Kỉnh. Trước khi đi, được gặp Bác, chú lo lắng: "Cháu lùn và xấu thế này, làm sao mà làm ngoại giao được?". Bác cười và động viên: "Làm ngoại giao nhưng đừng có ngoại giao quá, đừng có lễ tân lắm, cốt nhất là ở lòng chân thành của mình với người ta". Trong nhiệm kì đó, bà Hương cùng đi làm phu nhân đại sứ và làm nghiên cứu sinh ở Tổng hợp Lomonosov.

Đây chính là giai đoạn toàn Đảng, toàn dân ta đang tập trung đánh Mỹ. Trên cương vị đại sứ, chú đã tận dụng tối đa hiệu quả sự ủng hộ cả tinh thần và vật chất của nhân dân Liên Xô cho Việt Nam.

Tháng 2/1968, chú đại diện nước ta sang thăm Thụy Điển và cùng tham gia cuộc tuần hành chống đế quốc Mỹ tại Stockholm. Bộ trưởng Giáo dục Olof Palme (sau này là Thủ tướng) đã đọc diễn văn phản đối Mỹ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam và ủng hộ 5 triệu đô-la để xây dựng một bệnh viện cho Việt Nam. Ngay sau đó, quan hệ ngoại giao giữa 2 nước được thiết lập, năm 1969, chú được cử làm đại sứ kiêm nhiệm tại Thụy Điển. Ngày 30/1/1971, ông Võ Thúc Đồng sang thay chú làm đại sứ ở Liên Xô.

Về nước, Nguyễn Thọ Chân được cử làm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Chính phủ và Phó trưởng Ban Thống nhất Trung ương (1971-1974). Năm 1974, chú được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Lao động tới năm 1981, sau đó làm Trưởng ban Thi đua Trung ương và Phó chủ tịch Hội đồng Thi đua toàn quốc đến năm 1989.

Món nợ thời chiến tranh

Lần đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ cho đại sứ Nguyễn Thọ Chân đặt vấn đề xin Liên Xô xóa nợ trong viện trợ chiến tranh chống Mỹ. Đại sứ qua đường ngoại giao xin gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A. Kosygin.

Tại điện Kremly, trong cuộc họp khi vừa đặt vấn đề, A. Kosygin nheo mắt hỏi: “Thế đồng chí có biết Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam trong những năm qua bao nhiêu không?”. Chú trả lời: “Nhiều lắm, tôi nghĩ”. Ông A. Kosygin giải thích: “Chúng tôi đã viện trợ cho Việt Nam máy bay, xe tăng, tên lửa, pháo cao xạ, pháo mặt đất, đạn, ô tô... vũ khí nặng. Thấm nhuần tinh thần Thủ tướng truyền đạt, chú mạnh dạn trình bày tiếp: “Thưa đồng chí A. Kosygin! Đây chính là khoản nợ mà nhân dân Việt Nam không bao giờ quên và không bao giờ trả hết được… Việt Nam chúng tôi qua 9 năm chống Pháp, nay gần 20 năm chống Mỹ, chết hàng triệu người, đất nước bị tàn phá, đã nghèo lại càng nghèo hơn. Sau chiến tranh thì kiệt quệ, lấy đâu ra tiền, vàng để trả nợ các đồng chí. Chúng tôi mạnh dạn đặt vấn đề với các đồng chí để các đồng chí nghiên cứu. Nếu Liên Xô xóa nợ cho Việt Nam thì Trung Quốc (mà Trung Quốc cũng viện trợ cho chúng tôi rất nhiều) rồi các nước XHCN khác cũng theo các đồng chí xóa nợ cho chúng tôi. Việc làm này có ý nghĩa chính trị rất lớn.

Dừng một lát, ông Cô-sư-ghin mới gật gật cái đầu: "Nhưng tôi chỉ là một ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Hôm nay, xin ghi nhận ý kiến của đồng chí. Tôi phải báo cáo Bộ Chính trị và Hội đồng Bộ trưởng về việc này". Sau đó chú cảm ơn và xin phép ra về...

Tới 1972, chú mãn hạn đại sứ và bàn giao lại cho ông Võ Thúc Đồng. Sau nhiều cuộc đàm phán, tới năm 1975, Liên Xô đã chính thức xóa phần lớn nợ đã viện trợ cho Việt Nam.

Về với đời thường


Năm 1989, chú về nghỉ hưu tại TP HCM. Mấy năm trước, sáng nào chú cũng duy trì thói quen đi bơi: “Chú bơi đều, cứ 500m mỗi sáng. Thấy người sảng khoái, về nhà có thể đọc sách, báo và ngồi viết bài cho các báo”.

Cách đây mấy năm, cùng anh Hà Chí Thành (con cụ Hà Huy Giáp) đến thăm và tặng chú số báo Công luận (phát hành năm 1933 ở Sài Gòn) mới sưu tầm được trong Thư viện TP HCM. Báo có những bài phóng sự viết về vụ xét xử 120 phạm nhân yêu nước tại Tòa Đại hình Sài Gòn; trong đó có Lê Văn Lương, Lý Tử Trọng... Chú Chân đón nhận món quà này, đọc say sưa và không phải dùng kính lão. Chú còn bảo: "Hiện chú lưu trữ nhiều tư liệu, phân thành các thư mục... Khi cần viết có thể tìm ra ngay". Mấy anh em tôi nhìn nhau cùng lè lưỡi, khâm phục cách làm việc rất khoa học của cụ.

*

Chú Nguyễn Thọ Chân là số rất, rất ít ủy viên Trung ương Đại hội 3 (1960) còn sống đến ngày hôm nay. Năm 2019 này chú đã qua tuổi 99. Xin kính chúc chú “vạn thọ vô cương”!

Trần Kiến Quốc

http://www.daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/vi-dai-su-viet-namthu-ba-o-lien-xo-tintuc434322

Nguyễn Thọ Chân (sinh 1922) là một chính khách và Nhà ngoại giao Việt Nam. Ông từng là Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô (1967–1971) và kiêm Đại sứ tại Thụy Điển (1969–1971), cựu Bộ trưởng Bộ Lao động Việt Nam; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Namkhóa III.
Nguyễn Thọ Chân sinh ngày 20 tháng 8 năm 1922, quê ở làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, cùng quê và là chú ruột Tổng bí thư Đỗ Mười.
Ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương từ năm 1936, đấu tranh yêu cầu chính quyền thực dân Pháp mở rộng quyền tự do dân chủ cho Đông Dương. Chịu ảnh hưởng nhiều của một số đảng viên Cộng sản đang hoạt động công khai hoặc bí mật lúc đó trong phong trào Bình dân, ông tích cực tham gia hoạt động và trở thành một đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1939, khi mới 18 tuổi.
Năm 1942, ông làm công nhân đi vô sản hóa và tham gia tỉnh ủy Hà Đông. Tháng 8 năm 1942, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông thay ông Bạch Thành Phong[1].
Cuối năm 1942, đầu năm 1943, ông tham gia Ban cán sự (Thành ủy Hà Nội) cùng với Vũ Kỳ(sau này là thư ký riêng của Hồ chủ tịch), làm Bí thư Thành ủy.
Tháng 4/1943, ông bị chính quyền Pháp bắt cùng với Vũ Kỳ. Tháng 7/1943, ông bị chuyển sang Hỏa Lò sau đó bị xử ra tòa án binh, bị kết án 20 năm tù khổ sai. Cuối năm 1943, ông bị đày đi Côn Đảo.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Chính phủ đón về cùng với Lê DuẩnTôn Đức ThắngPhạm Hùng... được phân công về tham gia Tỉnh ủy Gia Định.

Hoạt động tại miền nam

Tháng 3/1946, ông được cử về Sài Gòn, khôi phục lại các tổ chức lập lại Thành ủy và làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Cuối năm 1946, Nguyễn Văn Linh về thay ông làm Bí thư thành ủy Sài Gòn, ông chuyển sang làm Bí thư ban cán sự nội thành, phụ trách các đảng bộ Pháp kiều và Hoa kiều.
Năm 1949, ông được cử tham gia phái đoàn miền Nam ra họp Đại hội lần thứ hai của Đảng tại Việt Bắc[2]. Tại đây, ông lần đầu tiên được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do Đại hội Đảng hoãn họp, theo chỉ thị của chủ tịch Hồ Chí Minh, ông trở về Nam Bộ cùng Phạm Hùng qua Đông Bắc Thái Lan.
Cuối năm 1949, sau khi từ chiến khu Việt Bắc trở về, ông tham gia Thường vụ Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, rồi tiếp tục lại phụ trách nội thành.
Tháng 4/1951, ông bị quân Pháp bắt và bị giam giữ đến năm 1954 mới được trao trả.

Hoạt động tại miền bắc

Năm 1956, ông được phân công công tác tại Bộ Lao động, giữ chức Vụ trưởng, Tổng Thanh tra Lao động.
Năm 1959, ông được cử về làm Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội.
Năm 1960 ông được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa 3,[3] và được cử làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội.[4]
Năm 1961, ông làm Bí thư khu ủy Hồng Quảng. Đến năm 1964, Chính phủ thống nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh và ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đầu tiên.[5].Năm 1965, ông thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về vui Tết.

Tham gia công tác ngoại giao

Bộ trưởng Olof Palme sát cánh với đại sứ Nguyễn Thọ Chân trong cuộc tuần hành chống Mỹ xâm lược Việt Nam tại Stockholm tháng 2/1968
Năm 1967, ông về công tác tại Bộ Ngoại giao và được giao nhiệm vụ là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô.[6] Trước khi nhận nhiệm vụ, ông có thắc mắc: "Tôi lùn và xấu thế này, làm sao mà làm ngoại giao được?". Chủ tịch Hồ Chí Minh có giải thích: "Làm ngoại giao nhưng đừng có ngoại giao quá, đừng có lễ tân lắm, cốt nhất là ở lòng chân thành của mình với người ta".
Tháng 2 năm 1968, ông được cử làm đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm Thụy Điển và cùng tham gia cuộc tuần hành chống Mỹ xâm lược Việt Nam tại Stockholm. Trong cuộc tuần hành này, đaị diện chính phủ Thụy Điển, ông Olof Palme - Bộ trưởng giáo dục [7] đọc diễn văn chống xâm lược Mỹ và tuyên bố chính phủ Thụy Điển ủng hộ 5 triệu Dollar Mỹ để trang bị cho một bệnh viện Việt Nam, sau đó thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tháng 6 năm 1968, ông cử Lưu Văn Lợi, lúc đó là tùy viên văn hóa - báo chí của đại sứ quán, tháp tùng cố vấn Lê Đức Thọ sang Paris tham gia các cuộc thương lượng với Henry Kissinger. Năm 1969, ông được cử kiêm nhiệm chức vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Thụy Điển.
Ngày 12 tháng 6 năm 1971, ông Nguyễn Hữu Ngô, đại sứ Việt Nam tại Tiệp Khắc, được cử thay ông kiêm nhiệm chức đại sứ tại Thụy Điển.[8]. Ngày 30 tháng 10 năm 1971, ông Võ Thúc Đồng được cử thay ông giữ chức đại sứ tại Liên Xô.

Về nước

Sau khi về nước, Nguyễn Thọ Chân được cử làm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Chính phủ và Phó trưởng Ban Thống nhất Trung ương của Đảng (1971 - 1974) thực hiện nhiệm vụ chi viện cho miền Nam.
Năm 1974 ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ lao động thay cho ông Nguyễn Hữu Khiếu, nhiệm kỳ bộ trưởng đến năm 1981.[9],[10]
Năm 1981 ông làm Trưởng ban Thi đua Trung ương và Phó chủ tịch Hội đồng thi đua toàn quốc đến năm 1989.[11]

Nghỉ hưu

Năm 1989, ông nghỉ hưu và hiện đang cư trú cùng gia đình tại đường Cao Thắng, phường 3, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục hoạt động xã hội, ông đứng ra xây dựng và làm Chủ tịch đầu tiên Hội sinh vật cảnh Việt Nam cho đến khi sống định cư tại TP Hồ Chí Minh, ông vẫn làm Phó chủ tịch Trung ương hội và làm Chủ tịch Hội sinh vật cảnh tp. HCM trong nhiều năm
Tuy về hưu nhưng ông vẫn tiếp tục viết những công trình nghiên cứu về vấn đề chính trị ngoại giao và đề đạt với Trung ương Đảng
Ông được đánh giá như một cán bộ thanh liêm, giản dị. Sau thời gian công tác ở nước ngoài, ông và gia đình không có nhà riêng mà ở nhà khách Trung ương suốt gần 20 năm.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Th%E1%BB%8D_Ch%C3%A2n

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét