Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Mối tình “thuở hàn vi” của TT Nguyễn Văn Thiệu

Mối tình “thuở hàn vi” của Nguyễn Văn Thiệu
Từ khi còn là một tay Thiếu tá tiểu đoàn trưởng, Thiệu đã có cuộc tình thi vị, lãng mạn với cô gái quê lai Tây bên sông Cầu Phú Yên. Chuyện giới chóp bu của chế độ Sài Gòn có bồ nhí, có vợ nọ con kia không phải chuyện lạ, nên chuyện Nguyễn Văn Thiệu có những nghi án tình ái với những giai nhân thời đó cũng không phải chuyện gì đáng thắc mắc. Nhưng có điều Nguyễn Văn Thiệu không chỉ trăng hoa khi đã lên làm Tổng thống.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Từ khi còn là một tay Thiếu tá tiểu đoàn trưởng, Thiệu đã có một cuộc tình thi vị, lãng mạn với cô gái quê nghèo khó bên bến sông Cầu – Phú Yên. Vì cuộc tình này mà sau đó, khi biết nàng Oanh ở bến Sông Cầu thành bồ nhí của một tay cấp dưới của mình, Thiệu đã thẳng tay vùi dập công danh của tay cấp dưới dám “trêu gan Tổng thống”.

Nàng Oanh, cô gái lai Tây ở bến sông Cầu Phú Yên

Năm 1954, Nguyễn Văn Thiệu lúc đó là Thiếu tá, tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn địa phương quân đóng tại Sông Cầu, Phú Yên. Mỗi ngày vị Thiếu tá tiểu đoàn trưởng bảnh trai, oai vệ đều có dịp đi ngang bến Sông Cầu và trong một lần rất tình cờ, Thiếu tá Thiệu đã gặp một cô gái rất đẹp, có gương mặt lai Tây, da trắng, dáng cao, rõ ràng là một hoa khôi trong vùng.

Ngay lần gặp đầu tiên, Thiếu tá Thiệu đã “kết mô đen” cô gái lai Tây đẹp ngời ngời này. Cất công tìm hiểu gia thế cô gái, Thiệu được biết cô là con gái của một góa phụ, người địa phương, gia cảnh nghèo khổ. Cô gái tên Oanh nên thường được gọi là nàng Oanh.

Sau vài lần lui tới viếng thăm, Thiếu tá Thiệu chiếm được cảm tình của người đẹp và bà mẹ nghèo lam lũ. Dưới mắt hai mẹ con, viên Thiếu tá tiểu đoàn trưởng oai vệ, đẹp trai, người Phan Rang nói được hai thứ tiếng Pháp, Anh lưu loát là một mẫu đàn ông lý tưởng.

Do đó việc nàng Oanh từ chỗ cảm phục đi đến yêu say đắm viên Thiếu tá đẹp trai chỉ là “một việc phải đến đã đến”.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ngược lại Thiếu tá Thiệu dù đã có vợ là Mai Anh ở nhà, nhưng là người lính trong thời chiến, rày đây mai đó chẳng biết sống chết thế nào, lại xa vợ con, thiếu thốn tình cảm nên trước một cô gái trẻ trung, xinh đẹp như nàng Oanh chẳng khác nào một thỏi nam châm có sức hút mãnh liệt trái tim hạn hán của chàng lính trẻ xa nhà, thiếu thốn tình cảm.

Và chuyện gì phải đến đã đến, họ trở thành một đôi tình nhân hết sức lãng mạn của những đêm trăng đẹp tại bến Sông Cầu.

Giữa lúc cuộc tình của viên Thiếu tá tiểu đoàn trưởng và cô gái lai Tây tại bến Sông Cầu ngày càng trở nên thắm thiết thì đùng một cái, Thiếu tá Thiệu được lệnh chuyển quân.

Thời gian chia tay ngắn ngủi, nàng Oanh cũng chỉ biết tin theo những lời thề non, hẹn biển của viên Thiếu tá hứa chắc như đinh đóng cột rằng sẽ quay trở lại bến Sông Cầu một ngày không xa.

Nhưng rồi không biết bao nhiêu mùa trăng treo trên bến Sông Cầu, có một người con gái vẫn luôn mong ngóng bóng hình viên Thiếu tá quay trở lại mà hình bóng ấy vẫn mãi mịt mù, chẳng khác nào bóng chim tăm cá.

Cuộc chia tay đầy nước mắt

Thời cuộc biến chuyển, Thiếu tá Nguyễn Văn Thiệu cũng bị xoay theo những cơn lốc lịch sử và cuộc đời binh nghiệp nay đây mai đó theo những cuộc hành quân vạn dặm mà mỗi ngày mỗi xa hình bóng cô gái ở bến Sông Cầu đã từng khóc hết nước mắt trong ngày chia tay.

Giờ đây, Thiếu tá Thiệu đã thăng Trung tá, có lẽ ông ta cũng chẳng còn nhớ gì đến ánh mắt của nàng Oanh, bom đạn chiến tranh đã xóa nhòa tất cả và trái tim của Trung tá Thiệu giờ là Trung đoàn trưởng chắc cũng không còn khoảng trống để chứa tình cảm của cô gái mà hình bóng đã nhạt nhòa ở tận cuối chân trời.

Huống chi con đường binh nghiệp của Nguyễn Văn Thiệu lúc đó đang gặp thuận lợi, còn có cơ hội để tiến xa trong tương lai mà đối với Thiệu, công danh sự nghiệp là trên hết, tình cảm chỉ là chuyện gia vị của một bữa ăn đời thường trên bước đường binh nghiệp.

Quả nhiên, thời cuộc biến chuyển rất nhanh sau năm 1954, Bảo Đại bị truất phế, Ngô Đình Diệm từ Thủ tướng lên làm Tổng thống của nền đệ nhất cộng hòa, Nguyễn Văn Thiệu cũng như nhiều sĩ quan binh lính của Pháp chuyển sang lính của Việt Nam Cộng Hòa và năm 1955.

Thiệu thăng cấp Đại tá, giữ chức Chỉ huy trưởng trường Võ bị Đà Lạt, một trường “đại học” chuyên đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp mà sinh viên phải tốt nghiệp tú tài đôi mới được gọi vào học, khi ra trường được móc luôn lon Thiếu úy không qua cấp chuẩn úy như sĩ quan trừ bị Thủ Đức và có thể lên tới cấp Tướng.

Năm 1962, Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 Bộ binh. Và chỉ 1 năm sau đó, 1963, Nguyễn Văn Thiệu tham gia vào nhóm tướng lãnh đảo chánh kéo quân về vây Đinh Độc Lập lật đổ Ngô Đình Diệm.

Cuộc đảo chánh thành công, anh em Diệm Nhu bị giết, Nguyễn Văn Thiệu cũng đóng góp công lao vào vụ lật đổ này nên được phong Tướng rồi nhảy luôn vào chính trường và chỉ một thời gian sau, do biến chuyển của thời cuộc, Nguyễn Văn Thiệu lên làm Quốc trưởng của nền đệ nhị cộng hòa.

Nấc thang danh vọng và quyền lực của Thiệu như vậy là đã lên đến tột đỉnh. Lúc này chắc chắn Nguyễn Văn Thiệu chẳng còn nhớ gì đến nàng Oanh ở bến Sông Cầu ngày xưa.

Cơ hội gặp lại nàng Oanh
Khi Nguyễn Văn Thiệu làm Quốc trưởng thì thời đó (1965-1967) tỉnh trưởng Phú Yên là Trung tá Trần Văn Hai, biệt danh Hai “trề”. Trần Văn Hai quê Cần Thơ, được tiếng là một sĩ quan thẳng thắn, không nịnh bợ, hết lòng vì nhiệm vụ.

Phú Yên thuộc vùng 2 chiến thuật mà tư lệnh vùng 2 là Trung tướng Vĩnh Lộc - một sĩ quan thuộc hoàng tộc, anh em với Bảo Đại và rất thân cận với Bảo Đại, khi trở thành sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thời Ngô Đình Diệm, cũng là một tướng lãnh thân Diệm và có nhiều thế lực.

Là tư lệnh vùng 2, tức tướng vùng, Vĩnh Lộc chẳng khác nào một ông vua không ngai, chỉ đứng sau Phủ Đầu Rồng và chỉ huy tối cao Nguyễn Văn Thiệu.

Vĩnh Lộc ỷ thế tướng vùng nên khi đi thăm thú đâu đó, nhất là các đơn vị đóng quân ở Tây Nguyên thường biểu lộ tính ngông nghênh không thèm đi ô tô mà… cưỡi voi cho nó “sốc”. Bởi vậy nên khi nói đến Vĩnh Lộc, người ta cũng kêu luôn biệt danh của viên tướng ngông nghênh này là “Anh cả Trường Sơn”.

Một hôm Vĩnh Lộc bất ngờ gọi cho Trần Văn Hai, tỉnh trưởng Phú Yên đích thân mang “công xa” của tỉnh trưởng ra sân bay đón ca sĩ Minh Hiếu, “người yêu bé nhỏ” của mình rồi đưa về dinh tỉnh trưởng nghỉ ngơi, tiếp đãi trọng hậu để chờ Vĩnh Lộc vào sau do bận việc.

Tỉnh trưởng Hai “trề” dư biết ca sĩ Minh Hiếu là ai, đóng vai trò gì với Trung tướng Vĩnh Lộc, cấp trên trực tiếp của mình. Nhưng Trung tá Hai “trề” cũng ngông nghênh không kém Vĩnh Lộc, khi nhận được lệnh đã nổi máu điên, chỉ chấp hành có một nửa lệnh trên.

Thay vì dùng công xa của tỉnh trưởng ra sân bay đón người đẹp cho hoành tráng, Hai “trề” dùng xe riêng của mình ra đón, và thay vì đưa nàng Minh Hiếu thẳng về dinh tỉnh trưởng cho long trọng, lại cả gan vứt người đẹp ở một khách sạn sang trọng nằm trên đường Lê Thánh Tôn thị xã Tuy Hòa.

Ca sĩ Minh Hiếu lúc đó đang nổi tiếng như cồn, bài tủ của cô ca sĩ này là bài “Quen nhau trên đường về” và là người yêu của ca sĩ Nhật Trường tức nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Chính vì bị ông tướng vùng 2 Vĩnh Lộc dùng uy quyền “cuỗm” mất người yêu nên Trần Thiện Thanh lúc đó chỉ là một hạ sĩ quan Tâm lý chiến vừa thất tình, vừa oán hận đã sáng tác bài “Hoa trinh nữ” để than thân trách phận, đồng thời trách luôn cả nàng Minh Hiếu đã tham tướng, bỏ lính… vì vậy trong bài “Hoa trinh nữ” đã có câu: “Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường”.

“Vua” ở đây ám chỉ “vua” không ngai Vĩnh Lộc “Anh cả Trường Sơn”. Khi Vĩnh Lộc vào tới Phú Yên, gặp nàng Minh Hiếu, người đẹp liền tỉ tê, trách móc việc bị Hai “trề” xem thường sau đó rồi giận dỗi bỏ về Sài Gòn.

Mất hứng, lại bị bẽ mặt với người đẹp, Vĩnh Lộc đã nổi điên lấy cớ Hai “trề” làm tỉnh trưởng chẳng được cái tích sự gì, để cho Việt Cộng đánh Phú Yên tơi bời rồi… cách chức tỉnh trưởng Phú Yên, chuyển ra đơn vị chiến đấu ngoài mặt trận.

Người thay thế Hai “trề” giữ chức tỉnh trưởng Phú Yên là Trung tá Trần Văn Bá. Và đây là cơ hội để Nguyễn Văn Thiệu tìm lại nàng Oanh, người đẹp ở bến Sông Cầu.

Tìm lại người xưa

Trung tá Trần Văn Bá chẳng phải ai xa lạ, lúc Nguyễn Văn Thiệu làm Tiểu đoàn trưởng, đóng quân ở bến Sông Cầu Phú Yên thì Trần Văn Bá mới là Trung úy Tiểu đội phó, thuộc cấp của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thiệu.

Năm 1971, sau khi xích mích với Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu “độc diễn” ứng cử Tổng thống. Màn độc diễn… có một không hai này thành công tốt đẹp, Nguyễn Văn Thiệu “lên ngôi”.

Nhân lúc tỉnh trưởng Phú Yên còn khuyết người, Nguyễn Văn Thiệu đưa luôn Trần Văn Bá bấy giờ là Thiếu tá thăng luôn Trung tá lên ngồi ghế tỉnh trưởng Phú Yên.

Bởi Trần Văn Bá là con của bác sĩ Trần Văn Chẩn - Giám đốc Bệnh viện Mỹ Tho, vừa là thuộc cấp cũ, vừa là họ hàng với bà Mai Anh, vợ của Nguyễn Văn Thiệu, không ai có đủ chuẩn để ngồi vào ghế này hơn Trần Văn Bá.

Sau đó không lâu, Nguyễn Văn Thiệu có chuyến kinh lý Phú Yên. Khỏi phải nói, “đệ tử ruột” Trần Văn Bá đã tổ chức đón tiếp Nguyễn Văn Thiệu long trọng đến cỡ nào.

Tại dinh tỉnh trưởng, đang trong buổi đại tiệc tiếp đón Tổng thống diễn ra tưng bừng, đầy khí thế bỗng dưng Nguyễn Văn Thiệu quay qua hỏi Trần Văn Bá một câu bất ngờ, khó đỡ:

- Cô Oanh ở bến Sông Cầu bây giờ ra sao, có còn ở chỗ ngày xưa không?

Trần Văn Bá đang nhậu, mặt đỏ như mặt trời mọc bất ngờ nghe câu hỏi trên bỗng dưng tái mét, xanh như đít nhái. Bởi hơn ai hết, khi còn là thuộc cấp của Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thiệu thủa đóng quân tại bến Sông Cầu, Trần Văn Bá biết mối tình thắm thiết giữa Thiệu và cô gái lai Tây thường được gọi thân mật là nàng Oanh.

Nhưng rồi Thiệu chuyển quân ra mặt trận, bỏ nàng Oanh ở bến Sông Cầu vò võ đợi trông, chẳng biết bao giờ người xưa trở lại nên sau đó nàng Oanh đã lấy một anh lính địa phương quân làm chồng. Anh này tên Hoanh, chẳng may anh Hoanh tử trận.

Thực hiện chính sách đối với gia đình thương binh, tử sĩ của chính Nguyễn Văn Thiệu ban hành, Trần Văn Bá tìm nàng Oanh vợ của tử sĩ đưa về dinh tỉnh trưởng làm điện thoại viên, trực điện thoại văn phòng tỉnh trưởng.

Cô gái ở bến Sông Cầu vẫn đẹp rực rỡ, không chỉ là một bông hoa tươi thắm trang trí cho văn phòng tỉnh trưởng mà còn là thư ký riêng, nhân tình của Trung tá Tỉnh trưởng Trần Văn Bá.

Rồi theo thời gian, từ vai trò nhân tình, tiến lên một bước thành “vợ bé”, cuối cùng thì nàng Oanh ở bến Sông Cầu, từng là người yêu của Nguyễn Văn Thiệu đã sinh cho Tỉnh trưởng Trần Văn Bá một cậu con trai kháu khỉnh.

Thế mới rắc rối. Trần Văn Bá lo cuống cuồng, sợ chuyện đổ bể, tới tai bà vợ dữ dằn, máu ghen còn hơn Năm rado vợ của Trung tá Thức công binh tạt axít vũ nữ Cẩm Nhung thì ít mà sợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phát hiện thì nhiều. Bởi nếu Thiệu phát hiện ra chuyện này thì cuộc đời, sự nghiệp của Bá chắc chắn sẽ tan thành mây khói.

Trần Văn Bá cũng tiêu đời như Trần Văn Hai


Nàng Oanh ở bến Sông Cầu lại không ngây thơ, trong lúc Trần Văn Bá muốn ém nhẹm sự việc tày đình thì người đẹp lại muốn công khai hóa chuyện Trần Văn Bá ăn ở với mình để làm áp lực vòi vĩnh tiền bạc và quyền lợi.

Nàng Oanh đi đâu cũng ẵm con theo, công khai nói đó là con của ông tỉnh trưởng và yêu cầu Bá làm khai sinh cho con trai đứng tên cha hẳn hoi.

Ông tỉnh trưởng biết đã “vào tròng” thì đã muộn nên mọi yêu sách của nàng Oanh bến Sông Cầu đều được đáp ứng đầy đủ kể cả việc mua một ngôi biệt thự, đầy đủ tiện nghi cho hai mẹ con nàng Oanh ở chỉ với mục đích nàng Oanh đừng làm ầm ĩ chuyện Bá trót lỡ dại nên gây ra thảm họa khó lường mà thôi.

Nhưng cái mà Bá không lường nổi là Nguyễn Văn Thiệu sau bao nhiêu năm tháng vật đổi sao dời, hoàn cảnh đổi thay, biến cố dồn dập, tưởng rằng khi lên đến tuyệt đỉnh danh vọng và quyền lực, Thiệu không còn tâm trí và thời gian để nhớ chuyện xưa, một mối tình qua đường với cô gái ở bến Sông Cầu xa lắc.

Thế mà Thiệu vẫn nhớ và Trần Văn Bá biết ngày tàn của mình đã tới, nhưng với bản chất xảo trá, ham danh lợi và quyền lực, Trần Văn Bá không thể bó tay ngồi chờ chuyện xảy ra mà phải lật ngược tình thế.

Thiệu đả hỏi thế tức là chưa biết mối quan hệ chết người giữa hắn và nàng Oanh ở bến Sông Cầu nên Bá còn hy vọng để lấp liếm. Thế là Bá tạm yên tâm, tìm cách nói cho qua chuyện với hy vọng trên cương vị Tổng thống, bây giờ Thiệu sẽ không tìm hiểu sâu chuyện này và nhanh chóng bỏ qua.

Suốt những ngày sau đó, Trần Văn Bá cuống cuồng lo tìm đủ mọi cách để che mắt Thiệu và để Thiệu không còn những ý nghĩ bất chợt về nàng Oanh bên bến sông Cầu.

Nhưng Bá đã lầm, câu hỏi của Nguyễn Văn Thiệu không phải một câu hỏi vu vơ. Thiệu cũng không bao giờ bỏ qua những nghi vấn trong đầu mình. Bằng quyền lực và nhiều tai mắt ở tại dinh tỉnh trưởng của Trần Văn Bá, ít lâu sau Thiệu đã biết tỏng mọi chuyện và nổi điên lên vì tay “đệ tử ruột” lại dám cả gan “phỗng tay trên” … đĩa mứt gừng của mình xơi lén.

Bằng nhiều lý do có cơ sở, Nguyễn Văn Thiệu đã lần lượt đánh cho Trần Văn Bá tơi tả và cuối cùng cách chức tỉnh trưởng Phú Yên của Trần Văn Bá khiến hắn ôm hận mà chẳng biết làm sao để rửa hờn, bởi kình địch và tình địch của Bá lại là…Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Cuối cùng Trần Văn Bá chỉ còn cách ngước cổ lên trời bắt chước Chu Du của Đông Ngô mà than ai oán rằng: “Trời đã sinh Bá tại sao còn sinh Thiệu”? Một câu hỏi thậm ngu!.

Đoạn kết của nàng Oanh ở bến sông Cầu

Sau khi Trần Văn Bá bị cách chức tỉnh trưởng Phú Yên, bị Nguyễn Văn Thiệu chơi cho thân bại danh liệt, công danh sự nghiệp, kể cả con đường binh nghiệp cũng tiêu vong thì nàng Oanh ở bến Sông Cầu không còn lý do gì để yêu sách nọ kia với Trần Văn Bá nữa.

Nguyễn Văn Thiệu hạ Trần Văn Bá vì tội dám trêu gan Tổng thống chứ chẳng phải vì mục đích muốn chiếm lại nàng Oanh ở bến Công Cầu.

Bởi lẽ, trong mắt Thiệu, nàng Oanh bây giờ không còn là nàng Oanh ngây thơ, trong sáng của ngày xưa lúc gạt lệ chia tay Thiếu tá Thiệu dưới bóng trăng huyền ảo nơi bến Sông Cầu lãng mạn, đầy tình tứ mà là một phụ nữ đã có con với một anh lính quèn, rồi còn sống “già nhân nghĩa non vợ chồng” với Trần Văn Bá - viên tỉnh trưởng thuộc quyền của mình. Kịch đã hạ màn thì vai diễn cũng chấm dứt.

Chỉ khổ cho nàng Oanh, không còn là bồ nhí của Trần Văn Bá, lại không thể nào nối lại tình xưa nghĩa cũ với Nguyễn Văn Thiệu, cuộc đời nàng Oanh đang sống trong nhung lụa bỗng chốc mất tất cả.

Về sau, nghe đâu nàng Oanh ở bến Sông Cầu lại lấy thêm một đời chồng nữa, đó là ông N.H.T, dân biểu chế độ cũ sống tại Phú Yên. Đến năm 1990, ông dân biểu này cùng nàng Oanh xuất cảnh sang Mỹ theo diện HO nhưng qua Mỹ rồi thì đường ai nấy đi. Từ đó nàng Oanh ở bến Sông Cầu cũng mất tăm, biệt dạng.

Theo PV (Phụ nữ Thủ đô)
http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/tiet-lo-moi-tinh-thuo-han-vi-cua-nguyen-van-thieu-968214.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét