Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

100 năm Hội người VN tại Pháp đi cùng dân tộc

Nhiều người khen bài này hay vì nó được đăng đúng ngày 1/4 tức là đọc nội dung thì phải hiểu theo nghĩa ngược lại. Tuy nhiên tôi nghĩ những trải lòng của GS Trân là sự thật, phản ánh đúng nội tâm của GS, một người trung với Đảng. Các bạn đều biết, đa số các Việt kiều về nước đã phải sống kiếp tủi nhục, nghèo khổ... Điển hình là GS Trần Đức Thảo (bị cô lập), GS. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (bị cô lập, bị triệt đường sinh sống), Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (xem cuối bài này),... nhưng vẫn có một số người được Đảng và nhà nước ưu ái, trong đó GS. Nguyễn Ngọc Trân là trường hợp quá điển hình. GS về nước chỉ sau 5 năm đã được giao rất nhiều chức vụ quan trọng, sau đó được cử làm Đại biểu Quốc hội 15 năm, được tự do đi công tác khắp nơi trong và ngoài nước. Nhiều bạn nói với mình GS thường làm việc trên máy bay, có nghĩa là thường xuyên bay (bằng tiền nhà nước). Chỉ có 1 điều đáng tiếc Đảng và Nhà nước vẫn không thể tin tưởng GS nên ở đâu GS cũng chỉ được làm cán bộ cấp phó. Anh em vẫn đùa gọi GS là Việt kiều trong tủ kính, có nghĩa là Đảng và Nhà nước trưng bày GS cho người Việt Nam ở nước ngoài và các nhà khoa học Việt Kiều hồi hương tương lai thấy họ đã đối xử tốt, đã trân trọng và biết sử dụng người Việt hải ngoại như thế nào nếu về nước làm việc.
100 năm Hội người Việt Nam tại Pháp đồng hành cùng dân tộc
01/04/2019 Ban Truyền hình Đối ngoại (VTV4) đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân, thành viên tham gia tích cực trong phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp nhân dịp kỉ niệm 100 năm thành lập Hội người Việt Nam yêu nước tại Pháp. "Về nước hay ở lại nước ngoài, ở lại trong nước hay trở ra nước ngoài, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, do đó là quyết định của mỗi người, của mỗi gia đình. Riêng phần mình, về nước đã bốn mươi hai năm, tôi vẫn thấy thật là hạnh phúc khi được vừa là khán giả, vừa là diễn viên tại quê hương mình, của sự thay da đổi thịt, vượt qua các khó khăn, và lớn lên hàng ngày của Đất Nước", Giáo sư Tiến Sỹ Nguyễn Ngọc Trân chia sẻ.

Sang Pháp học năm 1959 , Giáo sư - Tiến sĩ ( GS.TS) Nguyễn Ngọc Trân tốt nghiệp Tiến sĩ cấp ba và Tiến sĩ Quốc gia Khoa học tại Đại học Sorbonne (Paris), là nghiên cứu viên tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS), Giáo sư đại học (Poitiers, Pháp). Giáo sư là thành viên, tham gia tích cực trong phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Năm 1976, theo lời kêu gọi về nước, gia đình giáo sư là một trong những gia đình trí thức đã quyết định trở lại Việt Nam góp phần gây dựng đất nước.


Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân là thành viên, tham gia tích cực trong phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp.

Ông đã giảng dạy ở Trường Đại học Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1976 đến năm 1980. Tháng 5.1980, ông được phong Giáo sư. Từ 1980 đến năm 1992, ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Từ 1983 - 1990, được Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cử làm Chủ nhiệm chương trình khoa học cấp Nhà nước "Điều tra cơ bản tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Ông là thành viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1992 đến 2017.


Ban Truyền hình Đối ngoại (VTV4) đã có cuộc phỏng vấn ông nhân dịp kỉ niệm 100 năm thành lập Hội người Việt Nam yêu nước tại Pháp (18/06/1919 - 18/06/2019).
Giáo sư, Tiến sĩ đã biết tới và tham gia phong trào người Việt yêu nước ở Pháp trong hoàn cảnh cảnh nào?
GS. TS Nguyễn Ngọc Trân:
Tôi sang Pháp năm 1959 sau khi đỗ hai chứng chỉ Toán đại cương và Toán vi tích phân tại Trường Đại học Khoa học Sài gòn. Năm này, ở trong nước máy chém được Mỹ ngụy lê đi khắp miền Nam thực hiện Luật 10.59, chém đầu những người kháng chiến cũ không quy hàng. Chiến dịch “Tố Cộng” được đẩy mạnh vói âm mưu hủy diệt ý chí cách mạng của những người kháng chiến củ, xé nát gia đình họ, phá hoại cơ sở hoạt động của Cách mạng. Việc hành quyết những người bị kết tội bằng máy chém với mục đích răn đe, gây khiếp sợ cho những người cộng sản. Tháng 3 năm đó, ba tôi đã bị bắt giam và mất trong nhà tù. Tôi và gia đình bị theo dõi sát sao. Vì vậy, mẹ tôi quyết định cho tôi qua Pháp du học.
Tôi đến nước Pháp năm 1959 với hai tâm nguyện phải thực hiện cho được: tích lũy kiến thức khoa học nhiều nhất có thể được để sau này trở về phục vụ đất nước và tham gia, góp phần vào phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp mà Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập năm 1919, 40 năm trước đó. Tôi nghĩ đó là cách tốt nhất đối với tôi để báo hiếu gia đình, một gia đình có truyền thống yêu nước, và để đền đáp công ơn của dân tộc.
-Thời kì đó, phong trào yêu nước của người Việt Nam tại Pháp đã được tổ chức như thế nào?
GS. TS Nguyễn Ngọc Trân:
Khi tôi đến Pháp, Hội Liên hiệp Việt kiều vừa bị cấm hoạt động. Trong bối cảnh đó, mặc dù bị cấm, phong trào Việt kiều ở Pháp không một ngày ngừng công tác vận động kiều bào, đoàn kết, tương thân tương ái và ủng hộ đồng bào trong nước. Hoạt động của phong trào rất đa dạng và thu hút sự tham gia của đông đảo bà con người Việt tại Pháp. Ví như: Tổ chức "Quán cơm Cụ Hồ", sau đó là “Quán Maubert” vừa để liên lạc, mở rộng diện tiếp xúc vửa để gây quỹ cho phong trào; thành lập các đội thể thao và tổ chức giải thi đấu; tổ chức các trại hè lưu động tại các vùng khác nhau của nước Pháp, là dịp để kiều bào từ khắp nơi tề tựu.
Đặc biệt phải kể tới là công tác văn nghệ. Trong chúng tôi lúc đó hầu như tất cả không ai được đào tạo để thành ca sĩ nhạc mới hay cải lương, nhạc sĩ, vũ công, mà là những sinh viên, kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, nghiên cứu viên khoa học, giáo sư,…, thậm chí các cháu thiếu nhi, tập hợp lại, tập dượt cả tháng trời để khi Tết đến, một đêm văn nghệ mừng Xuân, đón Tết hướng về quê nhà được tổ chức cho gần ba ngàn kiều bào khắp nơi kéo về “ăn Tết Maubert”. Không chỉ có ở Paris, mà các địa phương như Marseille, Bordeaux, Lyon – Grenoble, Lille, … được ban văn nghệ Paris về tiếp sức, cũng tổ chức như thế.
Đoàn văn nghệ đã tham gia tất cả các hội diễn Festival tại khắp nước Pháp và Châu Âu… có sự tham gia của sinh viên nhiều nước châu Âu. Đây là một dịp để giới thiệu nền văn hóa đa dân tộc của Việt Nam và nhân dịp này tố cáo chính sách thực dân mới của Mỹ ở miền Nam, chia cắt lâu dài Việt Nam.
Sau khi Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam được thành lập tháng 12.1960, bên cạnh công tác trong cộng đồng kiều bào, công tác giải thích ý nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân trong nước trong nhân dân Pháp là một trọng tâm công tác của phong trào.
Kết quả của công tác này, trên nền của những thắng lợi của nhân dân trong nước, lớn dần lên từ nội dung đến tổ chức. Từ các nhóm “Sách cho Việt Nam” (Livres pour le Vietnam) do sinh viên Pháp thành lập tại các trường đại học để ủng hộ Việt Nam, đã hình thành các “Ủy ban Vietnam” (Comité Vietnam), và “Ủy ban hợp tác khoa học kỹ thuật với Việt Nam” (Comité de Coopération Scientifique et Technique avec le Vietnam, CCSTVN). Hội Hữu nghị Pháp – Việt Nam (AAFV), các tổ chức công đoàn, Liên hiệp các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và kỹ thuật viên, (UGICT thuộc Công đoàn CGT) cũng đã có những hoạt động ủng hộ nhân dân Việt Nam ngày càng mạnh mẽ.
Khi chính quyền Mỹ mở rộng sự can thiệp sang Lào và Campuchia, phong trào cũng xem việc vận động, phối hợp hành động và đoàn kết sinh viên, trí thức hai nước bạn là một nhiệm vụ.
Việc chọn Paris để tổ chức hội nghị đàm phán với Mỹ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã đem lại cho Việt Nam nhiều thuận lợi, góp phần không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng. Trong đó, không thể không nhắc tới sự hậu thuẫn tích cực của Hội Việt kiều yêu nước tại Paris. Xin giáo sư cho biết những đóng góp của kiều bào ta tại Hội nghị này?
GS. TS Nguyễn Ngọc Trân:
Từ thời Nguyễn Ái Quốc cho tới sau này, phong trào Việt kiều tại Pháp luôn là một lực lượng ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào trong nước vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc.
Vào giữa năm 1968, khi Paris được nhân dân trong nước chọn là nơi sẽ diễn ra Hội nghị về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, phong trào tại Pháp cảm nhận đây là một vinh dự to lớn đồng thời là một trách nhiệm nặng nề đặt lên vai mình. Có mấy nhiệm vụ mà phong trào quyết tâm triển khai tốt:
1. Đáp ứng mọi yêu cầu của trong nước để phục vụ tốt nhất có thể được hai đoàn đàm phán, Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, trong thời gian hội nghị, cho dù thời gian hội nghị có kéo dài đến bao lâu đi chăng nữa.
2. Paris là một ngã tư của thế giới, một nhiệm vụ quan trọng là vận động để tiếng nói và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đến với đông đảo nhân dân thế giới, đặc biệt đến với nhân dân, các nhà khoa học và các nghị sĩ Hoa Kỳ bằng nhiều con đường, nhằm tiếp sức cho phong trào phản chiến, cô lập chính quyền Mỹ, đòi rút quân đội Mỹ khỏi Việt Nam.
3. Nhân dịp này, đẩy mạnh công tác giải thích trong kiều bào, qua đó dội về gia đình kiều bào ở Sàigòn và các đô thị ở miền Nam về ý nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân ta, lập trường của hai đoàn đàm phán.
Nhiệm vụ thứ hai, phong trào ở Pháp thực hiện với sự hợp sức của phong trào Việt kiều yêu nước ở các nước Mỹ, Canada, Đức, Bỉ, Nhật, … Công tác đòi hỏi một sự huy động gần như tổng lực, các hội phụ lão, công nhân, công thương, trí thức, sinh viên, ở Paris và ở các chi hội trên toàn nước Pháp. Hội cũng đã chọn ra những hội viên có nghiệp vụ để góp phần vào công tác dịch thuật tài liệu và hỗ trợ hai đoàn khi cần trong các buổi họp báo.
Một số được giao nhiệm vụ hàng ngày đọc báo chí Pháp và các nước, cắt báo và tóm lược những tin đáng quan tâm gửi đến hai phái đoàn. Một số khác được phân công nắm tình hình, dư luận xung quanh diễn biến của hội nghị. Các anh chị bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ phân công nhau túc trực việc đảm bảo sức khỏe cho hai phái đoàn đàm phán bất luận lúc nào, ngày hay đêm. Ban văn nghệ của phong trào cũng sẵn sàng tham gia vào công tác tuyên truyền và hỗ trợ các đoàn văn công trong nước sang biểu diễn.
- Trong giai đoạn từ năm 1968-1973, xin ông cho biết những thời khắc nổi bật đã tăng thêm nguồn sinh lực cho phong trào của Việt kiều tại Pháp trong khoảng thời gian đó?
GS. TS Nguyễn Ngọc Trân:
Bản thân sự có mặt của hai đoàn đàm phán tại Paris đã là một sự cỗ vũ lớn lao. “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”, tiếng nói của Việt Nam, mà hai đoàn là người phát ngôn, là tiếng nói của lương tri cho dù phải lặp đi lặp lại bao nhiêu lần tại bàn đàm phán. Chân lý này đã có âm hưởng ngày càng tích cực không chỉ trong dư luận thế giới, mà còn trong chính kiều bào và chúng tôi thấy có bổn phận làm cho nó vang vọng hơn nữa, xa hơn nữa.    
Tham dự cuộc hội thảo quốc tế “Đạo lý trong cuộc chiến tranh Việt Nam” tổ chức ở Luân Đôn năm 1972, tôi thật sự xúc động khi nghe nhiều diễn giả là những nhà triết gia, là các giải thưởng Nobel chia sẻ các chân lý đó theo cách của họ: “Ủng hộ và giúp nhân dân Việt Nam là một yêu cầu của đạo lý, để đô-la và vũ khí không trở thành chân lý và văn minh của nhân loại!”.
Có thể khẳng định rằng những năm tháng phục vụ hai đoàn đàm phán tại hội nghị Paris, là khoảng thời gian vô cùng quý báu, qua đó phong trào lớn mạnh thêm và mỗi chúng tôi tiếp thu được những bài học trong công tác, tích lũy được một vốn sống vô giá.
Cuối năm 1965 hội Liên hiệp sinh viên tại Pháp được thành lập. Tháng 11.1968 Hội Liên hiệp Trí thức Việt Nam tại Pháp ra đời. Các hội Liên hiệp Phụ lão, Công nhân, Công thương và cuối cùng tháng 5.1969, Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp được thành lập.
Năm 1969 phong trào Việt kiều ở Pháp được may mắn lớn nhận được ảnh Bác Hồ và hai thư của Bác. Tháng 1.1969, Bác đã gửi thư thăm hỏi kiều bào. Tiếp đó là Thư chào mừng Bác gửi nhân dịp đại hội thành lập Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp tháng 5.1969.
Đọc thư Bác, trong tâm trí kiều bào, không ai không nhớ Bác chính là người đã khai sinh ra Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp đúng 50 năm trước và những lời Bác dặn, đoàn kết và đừng quên rằng ở mỗi người, lòng yêu nước như một hòn than cháy đỏ hoặc âm ỉ; “anh chị em trí thức, sinh viên và công nhân gắng sức học tập, nắm vững khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới để sau này về nước góp phần vào công cuộc xây dựng Tổ quốc ta mau chóng trở thành một nước giàu mạnh”.
Tại sao giáo sư lại chọn con đường về nước năm 1976? Quyết định đó đã được cân nhắc và lựa chọn như thế nào?
GS. TS Nguyễn Ngọc Trân:
Việc tôi và gia đình về nước năm 1976 phù hợp với tâm nguyện từ khi đặt chân lên đất Pháp. Tháng 7 năm 1976, đang lúc nghỉ hè ở miền Nam nước Pháp cùng gia đình, tôi nhận được điện tín của Đại sứ quán gọi gấp về Paris có việc cần. Đồng chí Đại sứ đã đưa cho tôi xem điện từ trong nước gửi khẩn sang và đồng chí cho biết đây là điện thứ hai vì đồng chí đã trả lời điện thứ nhất mấy ngày trước là tôi chưa thể về nước trong lúc này. Điện yêu cầu tôi cần có mặt ở trong nước cho kịp khai giảng năm học mới vào đầu tháng 10.1976. Tôi kính nhờ đồng chí Đại sứ điện trả lời, tôi sẽ về nước đúng hẹn. Ngày 26.9.1976, tôi rời Paris.
Xin nói thêm. Năm 1965, khi Mỹ tiến hành dội bom Miền Bắc sau khi đổ quân ồ ạt vào miền Nam, một số anh chị em trong phong trào, trong đó có tôi, đã viết tâm thư, tình nguyện về nước, về Miền Bắc hoặc về vùng giải phóng ở Miền Nam.
Đại sứ Võ Văn Sung tiễn gia đình giáo sư về nước ngày 26/09/1976
Giáo sư tâm đắc nhất điều gì trong phong trào kiều bào ta ở Pháp và mong muốn điều gì với thế hệ trẻ kiều bào ở Pháp hôm nay?
GS. TS Nguyễn Ngọc Trân:
Trong phong trào Việt kiều, tôi được may mắn biết Cụ Ty, người đã nấu ăn cho Hồ Chủ tịch khi Người sang Pháp đàm phán năm 1946, Cụ Mạc, hiền từ, đức độ với mái tóc và chòm râu bạc phơ, “anh” Phùng Công Khải mà nhà in trong suốt năm năm Hội nghị Paris đã in ấn tài liệu của hai đoàn đàm phán bất luận lúc nào, ngày hay đêm để kịp phục vụ, và nhiều người khác nữa trong các giới phụ lão, công nhân, công thương.
Từ điều kiện công tác trong Hội Liên hiệp trí thức Việt Nam tại Pháp, tôi được dịp tiếp xúc nhiều trí thức như ông Hoàng Xuân Hãn, tác giả cuốn Danh từ Khoa học (Pháp – Việt, xuất bản lần thứ nhất năm 1942), ông Nguyễn Văn Phúc, người đã có công trong việc chiếc Caravelle, máy bay phản lực dân sự hai động cơ đầu tiên ra đời và được sản xuất hàng loạt, nhạc sĩ Trần Văn Khê, người đã dày công nghiên cứu và giới thiệu không mệt mõi với thế giới nhạc dân tộc của Việt Nam, nhiều anh chị giáo sư đại học, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, bác sĩ, với nhiều anh chị nghệ sĩ. Bằng những thể hiện khác nhau, tất cả họ đều hướng về quê hương, mong muốn đất nước hòa bình thống nhất để đi vào thời kỳ xây dựng.
Cho tới nay, có một điều mà tôi vẫn thấy xúc động trong sâu thẳm tâm hồn mình mỗi khi nghĩ đến, mặc dù nửa thế kỷ đã trôi qua, đó là những năm tháng Việt Nam chìm trong bom đạn với lời đe dọa sẽ bị đưa trở về “thời kỳ đồ đá” lại chính là những năm tháng nung nấu, thúc giục sự nảy sinh, sự chín muồi của nhiều tài năng nghệ thuật kiều bào nổi tiếng như Điềm Phùng Thị, Lê bá Đảng, Nguyễn Thiện Đạo và nhiều người khác nữa.
Phải chăng đó là cách riêng của các anh chị để nói lên tấm lòng gắn bó với quê hương đất nước, để khẳng định rằng bom đạn không thể nào khuất phục được dân tộc Việt Nam, rằng văn hóa Việt nam sẽ trường tồn? Phải chăng đó đã là chuyện của ngày hôm qua, của thì quá khứ? Tôi không nghĩ như vậy. Trả lời của Phạm Quỳnh Anh, ca sĩ Bỉ gốc Việt đã hát rất thành công bài Bonjour Vietnam (sáng tác của Marc Lavoine), với báo Tuổi Trẻ tháng 11.2008 có một cái gì rất chân thật và sâu sắc:
“Tôi hát Bonjour Vietnam khi chưa biết gì về Việt Nam và cảm nhận về quê cha đất tổ khá mơ hồ. Trong bài hát có nhắc đến Vịnh Hạ Long nhưng tôi chưa từng thấy. Tôi hát với tình cảm xa lạ, gần gũi lẫn lộn. Nay về Việt Nam được nhìn, được cảm nhận, được lắng nghe ... được đặt chân đến Vịnh Hạ Long, tôi tin mình sẽ hát Bonjour Vietnam với cảm xúc hoàn hảo hơn, hay hơn.”
Chân thật vì xuất phát từ đáy lòng. Sâu sắc vì cho thấy ở thời buổi toàn cầu hóa, cho dù có là công dân toàn cầu, trong mỗi người đều có một quê hương.
Khoa học không có biên giới, và ở thời đại công nghệ thông tin ngày nay không còn khoảng cách không gian và thời gian giữa các người làm khoa học, nhưng tôi tin rằng trong tim mỗi con người làm khoa học luôn có một góc dành cho Tổ quốc.
Được biết gia đình của giáo sư, hai người con đều về Việt Nam sống và làm việc. Ông nghĩ như thế nào về việc vai trò của những người trẻ đóng góp cho quê hương, đất nước?
GS. TS Nguyễn Ngọc Trân:
Về nước hay ở lại nước ngoài, ở lại trong nước hay trở ra nước ngoài, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, do đó là quyết định của mỗi người, của mỗi gia đình. Riêng phần mình, về nước đã bốn mươi hai năm, tôi vẫn thấy thật là hạnh phúc khi được vừa là khán giả, vừa là diễn viên tại quê hương mình, của sự thay da đổi thịt, vượt qua các khó khăn, và lớn lên hàng ngày của Đất Nước. 
"Riêng phần mình, về nước đã bốn mươi hai năm, tôi vẫn thấy thật là hạnh phúc khi được vừa là khán giả, vừa là diễn viên tại quê hương mình, của sự thay da đổi thịt, vượt qua các khó khăn, và lớn lên hàng ngày của Đất Nước", Giáo sư Tiến Sỹ Nguyễn Ngọc Trân chia sẻ.
Trong công cuộc đi lên này, là một người làm khoa học với những hiểu biết đã tích lũy được, tôi tự thấy có bổn phận tiếp tục cống hiến trước những gì mà đất nước đang và sẽ phải đối diện, đương đầu. Sau mười lăm năm làm đại biểu Quốc hội, mặc dù đã về hưu, tôi tự cảm thấy mình có trách nhiệm đối với cử tri để mỗi đồng tiền ngân sách nhà nước được sử dụng có hiệu quả. Việc tôi tiếp tục sống ở Việt Nam xuất phát từ suy nghĩ và tâm thế như vậy.
Tham gia phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp, mà chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày Nguyễn Ái Quốc thành lập, và là đại biểu Quốc hội đối với tôi là những quyết định của Một thời và mãi mãi.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ đã có cuộc trao đổi hữu ích này.
Nhóm phóng viên VTV4 thực hiện
Nguồn: VTV4.VTV.VN
Vài tin về BS Nguyễn Khắc Viện

Trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, ông Viện là người đã làm nhiệm vụ tuyên truyền không chính thức cho Hà Nội đối với các nước phương Tây. Điều đó đã khiến cho ông Viện ở vào cái thế bị giằng co giữa hai phía: với các bạn người Pháp khi người ta thấy ông biện minh cho việc Liên Xô can thiệp vào tình hình ở Ba Lan hay ở Tiệp Khắc, đồng thời ông cũng lại bị chính phủ nước mình đặt vấn đề (sau này ông đã kể lại chuyện đó) và ông đã phải "doạ" từ chức để giữ được mức tự do tối thiểu khi viết báo: "Thưa vâng, xin hãy tìm người thay tôi! Tôi lại trở lại với nghề y".

Năm mà ông Viện được Giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp (l'Académie francaise) về Pháp ngữ với bản dịch Truyện Kiều, ông đã nói vui: "Với món tiền này, tôi có thể đủ sống tới năm 3000!". Tất nhiên ông đã sử dụng khoản vốn đó để tổ chức NT ngoài nhà nước của ông tồn tại được, để mua sách và trao đổi các nhân viên thực tập với các nước phương Tây...

Ở Việt Nam, việc được một giải thưởng như thế là một niềm tự hào cho đất nước, nhưng với ông Viện thì đã không được nhắc tới: Vào thời kỳ đó, ông Viện còn bị coi là một phần tử "đi chệch hướng". 

"Tôi theo đạo Khổng, theo chủ nghĩa Mác, theo chủ nghĩa tự do về quan điểm, có một số khía cạnh theo đạo Lão và đạo Phật, tôi không chối bỏ những gì tôi đã hấp thu được: Giải phóng đất nước, dân chủ hóa, thực hiện khoa học nhân văn, nếu phải làm lại, tôi vẫn sẽ theo đúng con đường đã đi".

Với uy tín của mình về mặt tinh thần, ông Viện không nhằm lợi ích cá nhân nào. Lần cuối cùng tôi gặp ông vào năm 1992, ông sống trong một căn phòng chỉ bằng phòng riêng của một tu sĩ, cùng với bà vợ, sách vở, một cái bàn, một cái máy chữ và một con mèo.

Giờ đây thân hình ông chỉ còn da bọc xương, làn da bóng nhẵn và khô như da một con thằn lằn già. Ông đã 80 tuổi, ông không giấu giếm gì là lần này ông cảm thấy đã hoàn tất các nhiệm vụ. Ông tiếp tôi ở tư thế nằm ("như một ông vua lười", ông nói đùa như vậy để xin lỗi). Ông hầu như không bước đi được nữa, nhưng tôi chưa hề thấy ông nhanh nhẹn, vui vẻ, tươi cười như vậy. Ông không quên một điều gì, tinh thần vẫn hoạt bát và châm biếm. Không một tí ngôn ngữ gỗ! Trong có vài ba ngày ông đã đọc ngấu nghiến hết cuốn sách của nhóm Tao đàn viết về dân tộc học châu Á mà ông đã yêu cầu tôi mang tới.

Ông không phàn nàn gì về vị trí ngoài lề hiện nay của ông, trái lại ông thấy dễ chịu hơn là bị điều khiển. Ông kể lại là một hôm ông có đề xuất với Bộ Giáo dục là nên để cho các thầy giáo vui chơi với học sinh trong giờ ra chơi và người ta đã cười nhạo ông.

Nguồn: http://nt-foundation.com/index.php?option=com_content&task=view&id=284&Itemid=303

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét