Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Hư hỏng, tha hóa: Do lương thấp hay vì lòng tham?

Hư hỏng, tha hóa: Do lương thấp hay vì lòng tham?
22/10/2017 TTO - Sự tha hóa, hư hỏng phải chăng do lương thấp hay vì lòng tham, có ít muốn nhiều, có nhiều muốn nhiều hơn? Và liệu nghèo có tử tế được không? Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, trung tá Huỳnh Trung Phong, trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM, nói về một số cán bộ chiến sĩ hư hỏng: không thể vì lương thấp mà tiêu cực, mãi lộ. Diễn đàn Chủ Nhật kỳ này xin ghi nhận một số ý kiến xung quanh câu chuyện này.

Gần 40 năm trong ngành, thượng tá Lê Đức Đoàn được coi là một CSGT gương mẫu, ngay thẳng, được đồng nghiệp và người dân yêu mến. Ông được bình chọn là công dân thủ đô ưu tú năm 2012. Trong ảnh: thượng tá Lê Đức Đoàn điều tiết giao thông tại vòng xoay bờ nam Chương Dương (Hà Nội) trong ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ hưu - Ảnh: HOÀNG ANH


Đại tá TRẦN SƠN (nguyên phó trưởng phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an):

Nhiều người nghèo vẫn sống tử tế

Tôi nghĩ bất cứ ngành nghề, công việc nào thì hư hỏng một phần do thu nhập. Có hiện tượng nhiều người chạy chọt tiền bạc vào vị trí nào đó, thậm chí mua quan bán chức, khi đạt được vị trí đó người ta muốn thu lại "vốn" đã bỏ ra và nhiều hơn nữa. Những người tham nhũng họ không thiếu tiền nhưng có điều kiện là cứ tham nhũng.

Khi tôi xem những câu chuyện tử tế trên các báo đài thì toàn những người khó nghèo sống tử tế, thương yêu nhau. Việc tử tế nó đến từ những con người có khi không đủ ăn như ông vá xe, bà quét rác theo kiểu "bầu ơi thương lấy bí cùng". Còn những người ở "đẳng cấp trên" không phải "bầu bí" thì khó thương nhau, không nghĩ đến người nghèo.

Tóm lại, lương cao hay thấp có ảnh hưởng một phần đến việc hư hỏng của cán bộ công nhân viên chức nói chung. Và phàm là con người thì ai cũng có lòng tham, nhưng do được giáo dục ít hay nhiều và ai có điều kiện, cơ hội để hư hỏng, tham nhũng hay không thôi.

Nói lương thấp hay thu nhập thấp là nguyên nhân dẫn đến cán bộ, viên chức nói chung bị hư hỏng chỉ là bao biện. Để hạn chế tình trạng cán bộ, viên chức hư hỏng, cần quản lý tốt cán bộ, viên chức, nâng cao đạo đức công vụ và thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện công vụ của công chức để kịp thời phát hiện biểu hiện lệch lạc và nghiêm khắc xử lý.

Tiến sĩ VŨ THỊ MAI OANH - trưởng khoa lý luận chính trị Học viện Cán bộ TP.HCM


GS.TS ĐINH VĂN TIẾN (nguyên phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia):

Lương cao, thiếu giám sát vẫn hư hỏng

Quy cho cán bộ tham nhũng hay hư hỏng vì lương thấp là hoàn toàn chưa thỏa đáng. Có yếu tố mức lương, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định.

Cần trung thực đánh giá nguyên nhân quan trọng của tình trạng tham nhũng bắt nguồn từ lý do chủ quan.

Đó là do đạo đức, chất lượng cán bộ công vụ đang bị xuống cấp mạnh. Nghị quyết trung ương 3 khóa X của Đảng đã chỉ rõ một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.

Không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức. Công tác cán bộ nói chung và việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức nói riêng còn yếu kém.

Đã có lúc chúng tôi cùng các nhà nghiên cứu về hành chính công của các nước chia sẻ về điều này và họ đã chỉ ra: khi có một đội ngũ cán bộ quá đông đảo trong một bộ máy cồng kềnh lại thiếu những cơ chế giám sát chặt chẽ thì tất yếu tham nhũng sẽ có cơ hội để phát triển.

Như vậy, vấn đề ở đây là cần có cơ chế giám sát đủ mạnh, cảnh báo người có quyền không lạm quyền để tham nhũng, cũng như khi có hiện tượng tham nhũng thì phải xử lý nghiêm minh đủ tính răn đe để ngăn chặn hành vi đó có thể xảy ra tiếp theo.

Nếu không quản lý cán bộ chặt chẽ, không có cơ chế giám sát đủ mạnh thì dù lương cao, cán bộ vẫn có thể bị tha hóa, tham nhũng và hư hỏng.

Mới đây, khi đến dự lễ khai giảng tại Học viện Hành chính quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc nhở học viện nâng cao công tác đào tạo, góp phần xây dựng đội ngũ công chức tận tâm, chất lượng.

Thực tế, đây là điều mà học viện cũng đã bền bỉ thực hiện nhiều năm qua với mục tiêu đào tạo được các công chức đồng thời có kiến thức, kỹ năng, đạo đức và hiệu quả công vụ. Tuy nhiên, để học và làm đi với nhau, chúng ta còn cần một cơ chế giám sát công vụ thật sự hiệu quả.

Tiến sĩ TRƯỜNG VĂN VỸ (giảng viên xã hội học tội phạm Đại học Quốc gia TP.HCM):

Từ lòng tham mà ra

Tôi thấy đây là một câu chuyện rất đáng quan tâm để tìm ra hướng giải quyết. Theo tôi, đâu phải tại lương bổng mà con người hư hỏng! Có nhiều người cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp nhưng người ta vẫn giữ được nhân cách và đạo đức nên không hư hỏng.

Không ai muốn mình phải sống trong nghèo khó, thiếu thốn, cho nên người ta phải "xoay xở" kiếm sống. Người ta hay nói "khó quá thì phải làm liều" và việc hư hỏng cốt lõi thể hiện ở lòng tham không đáy của con người: có ít thì muốn nhiều, có nhiều muốn nhiều hơn nữa...

Cho đến khi họ tự nhận thức được, tự hiểu biết để kiềm chế bản thân thì mới dừng lại những thói hư tật xấu.

Trong xã hội, trước cái xấu đại trà luôn có những cái tốt điển hình. Xã hội vẫn có những người lương thấp, thu nhập thấp nhưng họ vẫn sống đàng hoàng.

Từ đó theo tôi, hư hay không hư là do nhiều yếu tố như nhận thức của mỗi người, do tính người, hiểu biết, giáo dục, đào tạo, quản lý... chứ không phải lương cao hay thấp quyết định.

PGS.TS NGUYỄN XUÂN SƠN (nguyên vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương Đảng):

Thang giá trị xã hội đang bị xuống cấp

Cần phân định rõ tham nhũng chỉ xảy ra ở người có chức có quyền trong tay. Họ tham nhũng ra sao? Họ tìm mọi cách có thêm nguồn thu nhập. Khen thưởng cũng phải "chạy", quy hoạch cán bộ cũng phải "chạy", đề bạt cũng phải "chạy"...

Để "chạy", họ phải tìm cách để tiêu cực xuống dưới. Đây là hiện tượng có tính hệ thống, như một kiểu hiệu ứng domino. Trong nghị quyết cũng đã nói đó là "quốc nạn", một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị dính vào chạy chức, chạy quyền.

Thực tế, việc xử lý sai phạm hiện vẫn chưa nghiêm, chưa có tính răn đe nên không làm người ta sợ.

Nhiều người nói lương bây giờ thấp, nhưng nếu so với thời kỳ bao cấp trước đây, mức lương hiện tại vẫn đảm bảo cho cuộc sống tốt hơn nhiều.

Vậy điều gì tác động mạnh nhất đến sự tha hóa này?

Trong những nghiên cứu của chúng tôi thì chính là vì thang giá trị xã hội đang bị lung lay và xuống cấp.

Từ tư cách, hành vi, quan hệ, cư xử đến giá trị đạo đức, giá trị pháp luật cùng các giá trị truyền thống... đều bị thui chột. Thay vào đó là giá trị đổi chác, mọi giá trị đều được cân đong bằng kinh tế, đồng tiền.

Cái gì cũng phải "chạy". Ngay cả việc chăm sóc sức khỏe - một lĩnh vực gắn liền với những giá trị nhân văn, với số phận con người - cũng bị chao đảo. Nhiều người lo không có tiền thì "vào viện cũng chết".

Đây là điều rất đáng báo động. Bởi lẽ các thang giá trị xã hội có thể xuống cấp rất nhanh, nhưng muốn khôi phục sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể vực lại được...

NGỌC HÀ - SƠN BÌNH
http://tuoitre.vn/hu-hong-tha-hoa-do-luong-thap-hay-vi-long-tham-20171022092741291.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét