Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Xe đâu mà sửa, tóc đâu mà uốn? ​

Dạy nghề tái định cư sân bay Long Thành: Xe đâu mà sửa, tóc đâu mà uốn? ​
29/10/2017 Ngô Huyền - Nguyễn Tuân - “Nếu cứ đào tạo nghề theo kiểu nữ thì nhà nhà đi học nghề uốn tóc, nam thì nhà nhà đi học sửa xe máy thì chả xe máy đâu hỏng nhiều thế mà sửa, chả tóc đâu nhiều thế mà uốn. Cần phải thiết kế lại hướng để bên cạnh đào tạo lại nghề..."
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, phải thu hồi trên 5.000 ha đất, ảnh hưởng lớn đến nhiều người. Do đó, công tác tái định cư, đào tạo nghề cho người dân là vô cùng quan trọng.

Cần làm tốt công tác dân sinh

Thảo luận ở tổ quần qua về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng cần nghiên cứu đa dạng hóa việc làm cho người dân trong khu tái định cư, tránh việc đào tạo nghề một cách đơn điệu, phổ thông như sửa xe máy, uốn tóc.

Trong tổng mức đầu tư khoảng 23.049 tỷ đồng của dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự kiến có 388,1 tỷ đồng được chi cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói: “Nếu cứ đào tạo nghề theo kiểu nữ thì nhà nhà đi học nghề uốn tóc, nam thì nhà nhà đi học sửa xe máy thì chả xe máy đâu hỏng nhiều thế mà sửa, chả tóc đâu nhiều thế mà uốn. Cần phải thiết kế lại hướng để bên cạnh đào tạo lại nghề, cũng có chỗ để bà con có thể phát triển thương mại dịch vụ.”.

Đại biểu Hồ Văn Năm (đoàn Đồng Nai) cho rằng cần đặc biệt lưu ý công tác đào tạo tay nghề sao cho thực chất, quản lý thật chặt 388,1 tỷ đồng chi cho đào tạo nghề, tránh bị lợi dụng, phát sinh tiêu cực.

Trong khi đó, Đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) lại quan tâm đến vấn đề môi trường xã hội.

“Chưa bàn tới hạ tầng dân sinh như bệnh viện, trường học, chợ búa… vùng đất giải tỏa phần lớn vẫn là nông thôn, tuy có một số yếu tố đô thị nhưng quy hoạch lại thành đô thị. Không thể tuyệt đối hóa mà tạo dần sự thay đổi, đáp ứng yêu cầu. Việc chúng ta di dời dân đúng là để tạo mặt bằng xây dựng công trình nhưng phải xây dựng không gian văn hóa, đô thị mới. Không chuẩn bị trước sau sẽ lổn nhổn, khu sân bay Long Thành cần khu đô thị rất chuẩn mực,” Đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Đối với vấn đề đền bù đất giải phóng mặt bằng, Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng cần phải tạo sự công bằng, chuyển dịch tài sản, có nhiều phải được hưởng nhiều chứ không phải hợp lý hóa tất cả. Chắc chắn sắp tới dịch chuyển nhiều, người dân hướng tới quyền lợi của mình là chính đáng nhưng dẫn tới những phức tạp phải lường trước từ đầu.



ĐBQH Dương Trung Quốc, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Khu tái định cư của tỉnh Đồng Nai thực hiện sẽ vượt quy mô di dân của sân bay Long Thành, nhưng lại nằm trong quy hoạch các khu đô thị đã được Quốc hội phê duyệt trong kế hoạch sử dụng đất 2016-2020. Tỉnh Đồng Nai muốn xây dựng một hạ tầng đô thị hoàn chỉnh để tạo điều kiện ổn định cuộc sống người dân.

Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng Đồng Nai cần tránh lặp lại những vấn đề của Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Sơn La. Cho đến nay Thủy điện Hòa Bình làm xong từ năm 1985 nhưng công tác tái định cư vẫn chưa xong, công tác xử lý tái định cư cho thủy điện Sơn La cũng vô cùng phức tạp. Do đó, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng kế hoạch thực hiện dự án trong vòng 1 năm là không khả thi.

Không nhanh, giá đất lại tăng

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng đánh giá hồ sơ GPMB các công trình thuộc dự án tương đối chi tiết, đầy đủ. Chính vì vậy, các Đại biểu Quốc hội cần ủng hộ Chính phủ sớm sớm phê duyệt dự án, vì càng để lâu thì giá lại lên, và sẽ lại phải ngồi thảo luận lại.

Về vấn đề này, Đại biểu Hồ Văn Năm cho rằng giá bồi thường trung bình áp giá theo giá Nhà nước, nhưng thực tế tham khảo áp giá so với giá thị trường chênh lệch quá lớn (giá theo quy định nhà nước đất nông nghiệp 200- 300.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường là 2- 3 triệu đồng/m2). Do đó, cần phải làm công tác dân vận, dân có thông mới thu hồi đất được.

“Nếu không làm chắc chắn thì dễ xảy ra hiểu lầm, dễ bị lợi dụng kích động”, Đại biểu Năm nhấn mạnh. Đối với khu tái định cư, ĐB Năm lưu ý, làm sao khi thành lập khu tái định cư thì người dân bị thu hồi đất có đủ tiền để mua. Bởi nhiều khi dân không đủ tiền mua, Nhà nước hỗ trợ nhưng họ vẫn không đủ. Chưa kể, theo dự án, dự kiến lập khu đô thị thì phải có thời gian.

“Dân đang có thói quen chăn nuôi trồng trọt mà đưa về khu tái định cư không có nhà vườn thì không phù hợp. Nhất là những người già. Vì thế, tôi kiến nghị mở rộng thêm diện tích tái định cư, để người dân có thêm đất để chăn nuôi trồng trọt, có việc làm cho người lớn tuổi ở nhà bởi số người quá tuổi lao động cao”- ĐB Năm nói.


ĐBQH Hồ Văn Năm, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Trong khi đó, Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng cần phải minh bạch nguồn tiền, không thể lấy tiền của dự án Long Thành để làm hai khu tái định cư cho các mục đích khác của địa phương.

“Đồng ý về mặt quy hoạch, nhưng tiền phải minh bạch. Phần tiền đành cho dự án này sẽ chỉ dành cho xây dựng nhà tái định cư cho hơn 5.000 hộ dân phải di dời phục vụ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phần đầu tư phục vụ các mục đích khác, thì tỉnh phải tự bỏ tiền ra,” Đại biểu Hoàng Thanh Tùng nói.

Hồ sơ dự án xác định trong khu tái định cư có nhà có diện tích 200 – 300 m2, tức là nhà biệt thự. Trong khi theo báo cáo của tỉnh, thì 99% hộ dân đang ở nhà cấp 4, điều kiện không khá giả gì. Không phải tất cả các lô đất trong khu tái định cư đều có diện tích lớn như vậy, nhưng cũng có khá nhiều lô có diện tích lớn được quy hoạch. Đại biểu Hoàng Thanh Tùng đặt câu hỏi: Những nhà này có phục vụ nhu cầu của hộ tái định cư không hay để phục vụ nhu cầu khác của tỉnh? Chính phủ phải đưa ra giải trình thỏa đáng đâu là phục vụ nhu cầu tái định cư, đâu là lô đất phục vụ nhu cầu phát triển đô thị.

http://infonet.vn/day-nghe-tai-dinh-cu-san-bay-long-thanh-xe-dau-ma-sua-toc-dau-ma-uon-post242132.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét