Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Kẻ nào tấn công Đại biểu Quốc hội?

Kẻ nào tấn công Đại biểu Quốc hội?
Phạm Đức Bảo - Hoàng Lan: "Đã bắt đầu xuất hiện loạt bài, ký tên các tác giả khác nhau, "tấn công" nhắm đích danh đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh- Phạm Khánh Phong Lan. Ngôn ngữ chỉ trích của các bài báo này lộ rõ sự xúc phạm, miệt thị, đầy hận thù..., ra mặt bảo vệ cho bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các cán bộ của Bộ Y tế, những liên quan vụ án VN Pharma. Rất dễ nhận biết các cây bút này đang quay lưng lại với nhân dân.

Bà Phạm Khánh Phong Lan liên tục có những phát biểu nhằm vào 
Bộ Y tế trong những năm qua. (Ảnh chụp lại từ màn hình kênh VTV1)
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan là PGS- TS Dược học, nguyên là giảng viên Đại học Y Dược thành phố, nguyên PGĐ Sở Y tế tp Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc họi khoá 13 và 14.

Luật Tổ chức Quốc hội (2002, sửa đổi bổ sung 2007) dành hẳn một chương để quy định về đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Theo đó, "đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội" (điều 43).

Bà Phong Lan đang thực hiện đúng chức năng làm việc của một đại biểu Quốc hội, khi trả lời bên lề kỳ họp, hoặc trong thảo luận và lúc đăng đàn ở kỳ họp Quốc hội lần này. Bà không "lợi ích nhóm", không cá nhân, không quanh co...gì cả. Tại sao lại phải tấn công bà ấy?

Chưa thấy Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, cơ quan truyền thông khác lên tiếng bảo vệ cho bà Phong Lan. Mặc dầu sai phạm của VN Pharma quá rõ ràng, phiên toà vẫn đang xét xử, sự liên đới trách nhiệm của Bộ Y tế và cá nhân Bộ trưởng (nếu có) vẫn đang được xem xét.

Tiếng nói lạc lõng của Báo Giáo Dục lúc này nhằm mục đích gì, động cơ và ý đồ sâu xa của nó ra sao? Câu hỏi rất cần câu trả lời từ nhiều phía!

Thật đáng sợ khi "vòi bạch tuột "của" nhóm lợi ích "bắt đầu phun nọc độc thông qua cơ quan ngôn luận. Một người cầm bút có lương tri và dũng khí, nhất là nhà báo, phải là người "tải đạo" đi giữa cuộc đời này. Còn mấy "ông trời con" ở báo Giáo Dục này đang chở thứ rác rưởi gì đi gieo rắc khắp nhân gian?"

Phạm Đức Bảo
(FB Phạm Đức Bảo)
.............

Cơ quan chức năng không xử theo luật thì theo gì, thưa bà Phạm Khánh Phong Lan?

Đại biểu Quốc hội là những người tự chịu trách nhiệm trước cử tri của mình, thế nhưng nếu cứ phát biểu kiểu "tung hỏa mù" thì cử tri biết tin vào đâu?

Những năm gần đây, nhiều vị Đại biểu Quốc hội được nhân dân và cử tri của cả nước tin tưởng khi có những phát ngôn nói thẳng, nói thật. Những tồn tại, tiêu cực được chỉ rõ, cụ thể từng con số, từng chứng cứ rõ ràng.

Ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội đưa ra có tính phản biện cao trong đời sống xã hội, những ý kiến này đã và đang góp phần đưa chính sách vào cuộc sống.

Bên cạnh những ý kiến thẳng thắn, lại có không ít những ý kiến của một số đại biểu theo kiểu…"tung hỏa mù” làm phức tạp tình hình, làm người dân nghe xong… bán tín, bán nghi.

Với tư cách là một bộ phận cấu thành nên cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Đại biểu Quốc hội trở thành cầu nối kết chặt mối quan hệ bền vững giữa chính quyền nhà nước với nhân dân.

Do đó, đại biểu Quốc hội phải đủ khả năng tham gia xây dựng luật pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và có mối quan hệ mật thiết với cử tri để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Thế nhưng, kiểu phát biểu của đại biểu quốc hội Phạm Khánh Phong Lan lại đang khiến cử tri cảm thấy bà phát biểu với tư cách cá nhân của mình hơn là tư cách đại biểu của nhân dân.

Gần đây khiến dư luận cảm thấy khó hiểu về cách phát ngôn kiểu tung hỏa mù của vị đại biểu này đối với Bộ Y tế.

Khi dư luận rất quan tâm vụ việc của Công ty VN Pharma, nhưng thay vì góp ý với tinh thần xây dựng, bà Lan lại có những phát biểu gây hoang mang.

Khi phiên tòa xét xử còn chưa kết thúc, nhưng bà Lan đã đưa ra kết luận thay cho tòa án và không quên đặt thêm câu hỏi bỏ lửng.

Cụ thể, nói về mức án 12 năm tù bà Phong Lan cho rằng: “Tôi không đồng ý mức án 12 năm, vì xử sai tội, Tòa cho rằng đây là tội buôn lậu, nhưng không phải, đây là tội buôn thuốc giả. Mà thuốc giả tối đa là tử hình theo Bộ Luật Hình sự. Bởi bất cứ thuốc nào cũng phải đạt chất lượng và thuốc thật.

Khi người ta bị bệnh không được uống thuốc thật mà phải dùng thuốc giả, không ngăn chặn được bệnh mà khiến bệnh nặng hơn. Bản thân thuốc giả ai kiểm tra, có độc chất thì sao?".

Hiện nay, Tòa án vẫn đang trong quá trình xét xử, và cho đến nay chưa có bất kỳ cơ quan nào kết luận đây là thuốc giả. Vậy thì căn cứ vào đâu mà bà Lan liên tục phán đây là thuốc giả?

Khi thuốc chữa ung thư H-Capita của VN Pharma, được Bộ Y tế giải thích thuốc này không phải là thuốc giả, bà Lan không những không đồng ý mà còn khẳng định: “Đừng lôi chuyện từ ngữ Luật Dược 2005 và 2016 ra”.

Cụ thể, tờ Tri thức trẻ đăng tải phát biểu được cho là của bà Lan: “Đứng về mặt tư cách chuyên môn, tôi là người có chuyên môn về Dược, được đào tạo bài bản ở trong nước và nước ngoài, từ Đại học, Thạc sỹ, Tiến sỹ Dược và phong Phó Giáo sư.

Ngoài ra, tôi còn làm công tác quản lý về Dược nên nói chung cái gì nhầm được chứ thuốc H-Capita thì tôi khẳng định chắc chắn là thuốc giả, đừng lôi chuyện từ ngữ Luật Dược 2005 và 2016 ra.

Bởi về mặt bản chất ở đây, chính bản thân ông bị can cũng ý thức rất rõ rằng đây là thuốc không có nguồn gốc, thuốc giả nên mới phải chỉ đạo làm bộ hồ sơ giả.

Dù có kiểm định chất lượng nhưng bản thân thuốc này không có chuẩn và cho đến giờ, mình cũng không nắm được công ty này ở đâu.

Đồng thời, theo thông tin, thuốc đã mạo danh một sản phẩm đến từ Canada để tham gia vào nhóm đấu thầu cho các thuốc chất lượng cao.

Ở đây, nếu lý luận là chỉ cần thuốc có hoạt chất đấy nhưng hàm lượng không đạt thì kém chất lượng, tuy nhiên, nó có chất lượng đâu mà đòi kém.

Còn kém chất lượng là khi nào thuốc có số đăng ký rõ ràng, do một cơ sở nào đó đăng ký để sản xuất nhưng trong quá trình sản xuất ra viên thuốc vô ý làm cho hàm lượng, thành phần trong viên thuốc không đúng như số đã đăng ký.

Cả thông lệ quốc tế, luật Việt Nam đều nói rõ như vậy là thuốc giả. Về mặt chuyên môn tôi khẳng định như vậy còn nếu cần tôi sẽ phản biện lại về mặt khoa học cho rõ ràng”.

Bà Phong Lan cũng là một Đại biểu Quốc hội, là người tham gia thảo luận xây dựng các dự án luật, bấm nút biểu quyết các dự án luật, vậy thì vì sao bà lại nói rằng "Đừng lôi chuyện từ ngữ Luật Dược 2005 và 2016 ra"?

Mọi công dân đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ cũng phải căn cứ vào luật. Luật được thông qua bởi Quốc hội - cơ quan cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Nếu luật có những điểm nào còn hạn chế, bà Lan có quyền kiến nghị sửa đổi theo quy định, chứ không thể buông một câu "Đừng lôi chuyện từ ngữ Luật Dược 2005 và 2016 ra".

Và gần đây nhất, câu chuyện của bác sĩ Hoàng Công Truyện (Thừa Thiên – Huế), vị đại biểu quốc hội Phạm Khánh Phong Lan lại có những phát ngôn tiếp tục hướng vào Bộ Y tế theo cách khó hiểu.

Vị đại biểu này cho rằng: “Rất nhiều vấn đề xảy ra trong ngành Y tế, trong đó có những vụ việc mà cơ quan chức năng đã phản ứng chậm.

Trong khi, chỉ cần một lời góp ý cá nhân của bác sĩ Hoàng Công Truyện (tỉnh Thừa Thiên Huế) đăng trên trang Facebook cá nhân vào ngày 14/7, chỉ một ngày sau, ngành phản ứng hết sức nhanh nhạy khi thấy động chạm đến uy tín của Bộ trưởng".

Có khi nào bà Lan không để ý đến việc bác sĩ Truyện đang là công chức Nhà nước hay sao?

Là người đang làm việc trong một tổ chức,bác sỹ Truyện có quyền góp ý, có quyền phê phán, có quyền bày tỏ chính kiến nhưng muốn gì thì cũng phải có nguyên tắc.

Và việc xử lý các cơ quan có trách nhiệm xử lý là đương nhiên, nhưng xử lý thế nào là việc của từng cơ quan, từng chức năng được giao cụ thể. Vụ việc trưởng chừng đơn giản có vậy, nhưng bà Phạm Khánh Phong Lan lại có phát biểu hướng thẳng đến Bộ Y tế.

Đại biểu Quốc hội là trung tâm, là hạt nhân trong mọi hoạt động của Quốc hội. Quốc hội khó có thể phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nếu từng cá nhân đại biểu Quốc hội hoạt động kém hiệu quả, không tạo thành sức mạnh, trí tuệ tập thể chung trong hoạt động của Quốc hội.

Những phát ngôn của bà Phạm Khánh Phong Lan hướng thẳng đến Bộ Y tế thời gian qua đã khiến dư luận, cử tri cả nước cho rằng có mâu thuẫn cá nhân nên các phát biểu của bà Phong Lan cố đưa ra ý kiến phản bác đối với thông tin của Bộ Y tế.

Dân biết tin vào đâu nếu Đại biểu Quốc hội cứ mượn danh thẳng thắn, bức xúc, vì cái chung... nhưng thực tế lại đang gây thêm căng thẳng, lớn tiếng, đưa ý kiến cá nhân nhưng không đưa được giải pháp nào cụ thể?

Tài liệu tham khảo:
http://vov.vn/xa-hoi/vu-vn-pharma-trach-nhiem-cua-bo-y-te-rat-nang-ne-664442.vov
http://soha.vn/db-pham-khanh-phong-lan-khong-nen-xuc-pham-den-ca-nhan-thu-truong-nguyen-viet-tien-20170901111253917.htm
https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dai-bieu-de-nghi-bo-y-te-lang-nghe-thay-vi-phan-ung-nhanh-3660220.html
https://laodong.vn/kinh-te/dbqh-pham-khanh-phong-lan-bo-y-te-bi-phe-binh-la-nhay-dong-dong-571865.ldo
http://tcnn.vn/Plus.aspx/vi/News/125/0/1010067/0/33661/Vai_tro_va_dac_diem_hoat_dong_cua_dai_bieu_Quoc_hoi

Trần Phương
(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét