Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Mục tiêu của NHNN khi thả nổi tỷ giá mua vào

Mục tiêu của NHNN khi thả nổi tỷ giá mua vào
Hoàng Ngọc Khanh, 23/10/2017, NHNN quyết định thả nổi tỷ giá mua vào đối với đồng đô la Mỹ từ các ngân hàng thương mại. Ảnh: TL. (TBKTSG) - Ngày 10-10-2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thêm một quyết định điều hành tỷ giá theo cơ chế mới. Đó là thả nổi tỷ giá mua vào (bidding rate) đối với đồng đô la Mỹ từ các ngân hàng thương mại (NHTM).
Thêm một cơ chế điều hành tỷ giá mới của NHNN
Như vậy, cùng với quyết định điều chỉnh tỷ giá trung tâm (central rate) theo ngày kể từ ngày 4-1-2016, đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng thị trường ngoại hối tại Việt Nam gần như đã được điều hành theo thực tế diễn biến cung, cầu trên thị trường trong nước cũng như quốc tế hàng ngày thay vì được yết giá cố định như trong quá khứ.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng duy trì sự ổn định trong một thời gian dài trước đó và bám sát với giá mua vào của NHNN ở mức 22.725 đồng/đô la Mỹ. Tuy nhiên, sẽ không có nhiều ý nghĩa để phân tích nếu các NHTM duy trì trạng thái ngoại hối (position) ở mức một cân bằng tương đối. Trái lại, các NHTM đã duy trì trạng thái ngoại tệ dương (long position) lên tới 1,7 tỉ đô la Mỹ ở một vài thời điểm. Do điểm hoán đổi lãi suất (swap point) giữa tiền đồng và đô la Mỹ gần như ở mức 0% đối với các kỳ hạn dưới một tháng nên các NHTM đã không bán ngoại tệ mua được từ khách hàng cho NHNN.

Các ngân hàng phản ứng mạnh sau quyết định của NHNN

Trong ngày đầu tiên thả nổi tỷ giá mua vào, NHNN đã quyết định giảm giá mua từ mức 22.725 (được duy trì từ ngày 19-6 đến ngày 9-10-2017) xuống còn 22.720 đồng/đô la Mỹ. Ngay lập tức các NHTM đã ồ ạt bán ngoại tệ cho NHNN do lo ngại việc cơ quan này sẽ tiếp tục có động thái hạ giá mua trong những phiên giao dịch tiếp theo. Theo số liệu không chính thức, cập nhật từ một số ngân hàng thì dường như NHNN đã mua được khoảng 1 tỉ đô la Mỹ từ các NHTM trong ngày 10-10-2017. Và để làm “vừa lòng” về quyết định bán ngoại tệ trước đó của các NHTM thì NHNN đã tiếp tục hạ giá mua vào trong những phiên giao dịch tiếp theo, duy trì ở mức 22.710 đồng/đô la Mỹ tính đến ngày 13-10-2017.

Việc NHNN mua vào tới 1 tỉ đô la Mỹ chỉ trong một ngày như vậy đồng nghĩa với việc sẽ bơm tương ứng khoảng 22.700 tỉ đồng ra hệ thống ngân hàng trong tuần vừa qua. Ngay lập tức thị trường tiền tệ đã có những phản ứng, theo đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (interbank và/hoặc thị trường 2) đã giảm khoảng 0,2-0,3% đối với tất cả các kỳ hạn, lợi suất (yield) của trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng ngay lập tức giảm khoảng 0,1-0,2% tùy theo từng kỳ hạn. Với diễn biến này thì rất có thể lãi suất trên thị trường 2 và lợi suất của TPCP sẽ thiết lập các mốc thấp lịch sử mới kể từ sau khi mức thấp nhất được thiết lập vào tháng 10-2016.

Mục tiêu là... giảm lãi suất cho vay

Ngay sau khi lãi suất trên thị trường 2 và TPCP giảm mạnh thì NHNN đã có động thái tăng khối lượng tín phiếu phát hành cũng như lãi suất của tín phiếu nhằm trung hòa một phần khối lượng tiền đã bơm ra trước đó. Bởi lẽ, nếu lãi suất trên thị trường 2 ở mức thấp, cùng với việc điểm hoán đổi lãi suất gần như chạm mức 0%, thì các ngân hàng lại có xu hướng đầu cơ vào ngoại tệ.

Tuy nhiên, phân tích một cách sâu và rộng thì lãi suất thị trường 2, lợi suất TPCP ở mức thấp hay tăng dự trữ ngoại hối có lẽ đều không phải là mục tiêu cuối cùng của NHNN vào thời điểm hiện tại. Mục tiêu cuối cùng của NHNN là gì?

Mặc dù vào thời điểm hiện tại chưa biết liệu NHNN có thể hoàn thành mục tiêu giảm lãi suất cho vay mà Chính phủ đã giao hay không, nhưng động thái mới đây của cơ quan này đã phát đi một tín hiệu rất rõ ràng rằng tỷ giá sẽ được điều hành hoàn toàn theo tín hiệu của thị trường.


Trong thời gian vừa qua, mặc dù lãi suất thị trường 2 liên tục có xu hướng giảm và duy trì ở mức thấp do NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ, đồng nghĩa với việc sẽ bơm tiền đồng ra hệ thống ngân hàng, nhưng lãi suất trên thị trường 1 (giữa ngân hàng với cá nhân, tổ chức) lại có xu hướng tăng lên. Việc bơm ra 22.700 tỉ đồng được xem là một liều thuốc thử cuối cùng của NHNN nhằm kiểm chứng khả năng lãi suất trên thị trường 1 có giảm hay không? Giảm lãi suất huy động trên thị trường 1 nhằm có cơ sở để hạ lãi suất cho vay ra nền kinh tế là mục tiêu mà Chính phủ đã giao cho NHNN trong nhiều tháng gần đây.

Trong bối cảnh hệ thống dư thừa thanh khoản, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và NHNN cũng đã hạ lãi suất tái cấp vốn (refinancing rate) và tái chiết khấu (discount rate) thêm 0,25% kể từ ngày 10-7-2017, các giải pháp hạ lãi suất nói trên của NHNN xem ra vẫn chưa phát huy được hiệu quả khi một số ngân hàng vẫn có động thái đẩy lãi suất huy động tăng lên, trong đó có cả những ngân hàng lớn như VietinBank, VPBank hay VIBank... Dường như NHNN không muốn tiếp tục thực hiện thêm các giải pháp hành chính để can thiệp trực tiếp vào thị trường, như thông qua việc hạ trần lãi suất huy động. Do vậy, nếu sau động thái thả nổi tỷ giá mua vào của NHNN mà lãi suất thị trường 1 không có xu hướng giảm thì mục tiêu giảm lãi suất huy động để qua đó giảm lãi suất cho vay của Chính phủ sẽ gần như không thể đạt được trong năm 2017. Mức trần lãi suất huy động 5,5%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi dưới sáu tháng hiện nay sẽ được xem là mức lãi suất đáy của nền kinh tế.

Mặc dù vào thời điểm hiện tại chưa biết liệu NHNN có thể hoàn thành mục tiêu giảm lãi suất cho vay mà Chính phủ đã giao hay không, nhưng động thái mới đây của cơ quan này đã phát đi một tín hiệu rất rõ ràng rằng tỷ giá sẽ được điều hành hoàn toàn theo tín hiệu của thị trường. 

NHNN cũng sẽ hạn chế tối đa can thiệp trực tiếp vào thị trường mà áp dụng cơ chế tự điều chỉnh cho tất cả các công cụ điều hành chính sách của mình. Theo đó, trước mắt là tỷ giá (và trong tương lai sẽ là lãi suất?) có thể tăng hoặc giảm thay vì chỉ có xu hướng tăng như trong quá khứ. Diễn biến trước đó đã khiến cho các giải pháp chống đô la hóa của Chính phủ cũng như của NHNN gần như không hiệu quả do nền kinh tế luôn luôn kỳ vọng rằng tiền đồng sẽ chỉ giảm giá mà không thể tăng giá so với đô la Mỹ.

Sắp tới, nếu tiền đồng tiếp tục lên giá hoặc duy trì sự ổn định trong một thời gian dài thì các cá nhân cũng như doanh nghiệp có tâm lý găm giữ ngoại tệ sẽ phải bán lại cho các tổ chức tín dụng.

http://www.thesaigontimes.vn/165710/Muc-tieu-cua-NHNN-khi-tha-noi-ty-gia-mua-vao.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét