Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

(76) Sai lầm của ông Chung: 'Cha chung không ai khóc'?

Kết nối hạ tầng khu đô thị Ngoại Giao đoàn: 'Cha chung không ai khóc'?
An Chi - TheLEADER Giao thông bất tiện, nhiều tuyến đường đã hoàn thành nhưng người dân vẫn chưa được sử dụng... đó là hàng loạt những vấn đề bức xúc của cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn, thế nhưng, trách nhiệm đấu nối hạ tầng giao thông giữa các khu đô thị thuộc về ai thì vẫn đang là một câu hỏi.

Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn được quy hoạch lên tới hàng vạn dân nhưng hiện vẫn chưa được kết nối hạ tầng giao thông. Nhiều bất cập trong khớp nối hạ tầng giao thông cũng như việc điều chỉnh quy hoạch tại khu đô thị Ngoại Giao Đoàn (Hà Nội) đang gây bức xúc trong cộng đồng cư dân khu đô thị và dư luận thời gian gần đây.



Như TheLEADER đã đăng tải trong bài viết Những con đường đau khổ của cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn, dù được quy hoạch đồng bộ, hiện đại với khớp nối hạ tầng giao thông thuận tiện nhưng sau 2 năm về ở hàng nghìn cư dân tại khu đô thị Ngoại Giao Đoàn đang "thấm" cảnh giao thông bất tiện, có đường gần mà không được đi, cư dân cảm thấy như bị cô lập chẳng khác nào một "ốc đảo" giữa lòng Hà Nội.

Về vấn đề này, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng).

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

"Chủ đầu tư chỉ lo trong hàng rào khu đô thị của mình"

Dự án khu đô thị Ngoại Giao Đoàn đã đưa cư dân vào sinh sống từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa có kết nối hạ tầng giao thông. Mới đây chủ đầu tư khu đô thị Tây Hồ Tây, giáp ranh khu đô thị này đã hoàn thiện một con đường dẫn ra đường Võ Chí Công nhưng cư dân Ngoại Giao Đoàn không được sử dụng do thiếu đấu nối hạ tầng. Theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Ông Đỗ Viết Chiến: Câu chuyện đấu nối hạ tầng với bên ngoài là câu chuyện nóng không chỉ của khu đô thị Ngoại Giao Đoàn mà là hiện tượng chung trên cả nước.

Sau khi dự án đầu tư được phê duyệt, nhiệm vụ của chủ đầu tư là phải có trách nhiệm đầu tư đồng bộ cả hạ tầng kỹ thuật giao thông, hạ tầng xã hội và xây lắp tất cả các hạ tầng tại khu đô thị.

Tuy nhiên, ra khỏi hàng rào khu đô thị lại không thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư. Trong dự án được phê duyệt, việc liên kết ra bên ngoài như làm đường giao thông là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Hiện nay trên cả nước, tình trạng cấp đất cho dự án trong từng dự án một, chủ đầu tư chỉ có trách nghiệm trong ranh giới hàng rào của họ. Chính vì vậy, khi ra bên ngoài khu đô thị, câu chuyện kết nối hạ tầng đã gặp vấn đề.

Vậy theo ông cần có giải pháp như thế nào?

Ông Đỗ Viết Chiến: Năm 2013, sau khi tổng kết đánh giá lại việc xây dựng các khu đô thị mới trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị đinh số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Đây là một trong những nghị định rất quan trọng của Chính phủ để kịp thời ngăn chặn tinh trạng cấp đất, hình thành dự án theo kiểu phong trào gây lãng phí nguồn lực về đất đai của các địa phương.

Trong Nghị định 11 có đề xuất quan trọng, khắc phục được câu chuyện đấu nối hạ tầng của các dự án với hệ thống khung bên ngoài hàng rào của dự án. Theo đó, Nghị định 11 nêu rõ, các địa phương khi phát triển không những chỉ theo quy hoạch mà phải có kế hoạch hình thành các khu vực phát triển đô thị phải theo từng giai đoạn phát triển của đô thị đó.

Các khu vực phát triển đô thị cho phép hình thành Ban quản lý dự án khu vực phát triển đô thị. Ban quản lý này không chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát xây dựng của chủ đầu tư trong phạm vi hàng rào công trình theo đúng quy hoạch dự án được duyệt mà còn có một chức năng hết sức quan trọng khác là thực hiện việc đầu tư hạ tầng, khung ngoài hàng rào dự án để kết nối tất cả các dự án. Không chỉ riêng dự án A, dự án B mà tổng khu vực đó có thể có hàng chục dự án, thì Ban quản lý phải có trách nghiệm kết nối hệ thống giao thông trong toàn khu vực.

Nghị định 11 đã khắc phục được tình trạng các chủ đầu tư chỉ lo trong hàng rào khu đô thị của mình. Hiện nay, rất nhiều địa phương đã phát triển các đô thị theo tinh thần của Nghị định 11. Trong các khu vực phát triển đô thị ưu tiên như vậy, trong kế hoạch 5 năm trước mắt, nhiều khu vực đã bắt đầu nghiên cứu câu chuyện để hình thành Ban quản lý dự án.

Ban quản lý dự án không phải hình thành mới, mà nghị định 11 cho phép hình thành trên cơ sở kiện toàn Ban quản lý dự án hiện nay đã có của từng đô thị một. Hiện có rất nhiều Ban quản lý dự án nhưng mỗi Ban quản lý lại phụ trách lĩnh vực riêng của mình mà chưa có đầu mối chung để kết nối. Ban quản lý khu vực phát triển đô thị có tính chất kết nối tất cả hệ thống lại với nhau. Nếu địa phương nào chưa có thì cho phép thành lập Ban quản lý dự án thành lập mới.

Do đó, hiện nay hoàn toàn có đủ cơ sở để các địa phương hình thành Ban quản lý dự án theo đúng tinh thần Nghị định 11 để làm khắc phục tình trạng bất cập như từ trước tới nay trong đấu nối hạ tầng giữa các khu đô thị. Và nếu thực hiện đúng theo nghị định này thì sẽ không có hiện tượng người dân không có đường đi như ở dự án khu đô thị Ngoại Giao Đoàn.

Nghị định 11 từ năm 2013, theo ông nguyên nhân gì khiến đến nay vẫn chưa triển khai trên diện rộng?

Ông Đỗ Viết Chiến: Ban quản lý dự án đã hình thành rải rác ở nhiều nơi. Tại Hà Nội cũng đã có nhiều ban quản lý dự án như ban quản lý dự án Tây Hồ Tây hay khu đô thị mới phía Bắc sông Hồng…

Tuy nhiên, họ lại quản lý dự án theo từng chức năng nhiệm vụ được giao, đi theo từng dự án cụ thể. Như vậy, rõ ràng thiếu một đầu mối giúp cho chính quyền thành phố quản lý một cách đồng bộ về hệ thống hạ tầng tại các khu đô thị.

Do đó, vấn đề hiện nay là phải kiện toàn, sắp đặt lại những Ban quản lý dự án cho phù hợp với Nghị định 11 nhằm giải quyết những vấn đề bất cập trong đấu nối hạ tầng giao thông tại các khu đô thị, mang lại lợi ích cho cư dân.

Lấy ý kiến cư dân để điều chỉnh quy hoạch còn mang tính hình thức

Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn được phê duyệt quy hoạch từ năm 2010, đến năm 2017 UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định điều chỉnh quy hoạch, làm tăng mật độ xây dựng và quy mô dân số của khu vực. Tuy nhiên, UBND phường Xuân Tảo và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), chủ đầu tư dự án lại không lấy ý kiến của người dân trong khu đô thị, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Ông Đỗ Viết Chiến: Hiện pháp luật không cấm các chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch trong quá trình thi công dự án của mình. Tuy nhiên, Luật Quy hoạch cũng đã quy định rất rõ trong điều kiện nào chủ đầu tư được điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, dự án được điều chỉnh quy hoạch ở hai mức: Điều chỉnh tổng thể và điều chình cục bộ trong dự án.

Việc điều chỉnh quy hoạch dự án phải tuân theo các quy định của pháp luật chứ không thể tuỳ tiện. Chính vì vậy, việc lập quy hoạch điều chỉnh vẫn phải có ý kiến của cộng đồng cư dân sinh sống tại khu đô thị đó, đây là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo tính công khai và dân chủ.

Mặc dù Luật quy định như vậy, nhưng thực chất vẫn chưa đi vào cuộc sống. Phần lấy ý kiến của cộng đồng cư dân tại nhiều dự án vẫn còn mang tính chất hình thức. Vì thế, nhiều dự án được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, công bố rồi nhưng người dân vẫn không nắm được thông tin.

Bên cạnh đó, trong Luật Quy hoạch vẫn còn có nhiều lỗ hổng. Đơn cử như để lập một quy hoạch mới phải có rất nhiều ban bệ, nhiều cấp thẩm quyền phê duyệt, nhưng khi điều chỉnh quy hoạch lại chỉ có cấp nào điều chỉnh thì cấp ấy tự ra thẩm quyền quyết định. Bất cập này đang dẫn đến nhiều hệ luỵ trong quy hoạch đô thị như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

http://theleader.vn/ket-noi-ha-tang-khu-do-thi-ngoai-giao-doan-cha-chung-khong-ai-khoc-20171022104623426.htm
Chuyện lạ về điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ngoại Giao Đoàn khiến cư dân bức xúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét